Thứ Ba, 21/5/2024
Xã hội
Thứ Ba, 12/11/2019 10:40'(GMT+7)

Một số vấn đề cần tiếp tục bổ sung, hoàn thiện thể chế, pháp luật về giáo dục nghề nghiệp

Dạy nghề đang đòi hỏi phải đổi mới để phù hợp với xu hướng hội nhập quốc tế. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Dạy nghề đang đòi hỏi phải đổi mới để phù hợp với xu hướng hội nhập quốc tế. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Ngày 27/11/2014, tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII thông qua Luật Giáo dục nghề nghiệp, có hiệu lực từ ngày 1/7/2015. Sau 4 năm triển khai Luật Giáo nghề nghiệp đã có nhiều văn bản hướng dẫn (Tính đến ngày 1/3/2019 có 63 văn bản hướng dẫn Luật Giáo dục nghề nghiệp, trong đó có 5 Nghị định, 5 quyết định của Thủ tướng Chính phủ, hơn 45 thông tư và 3 thông tư liên tịch được ban hành).

Các văn bản hướng dẫn Luật Giáo dục nghề nghiệp và các luật có liên quan, tạo hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất, tạo điều kiện để cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chức, triển khai hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành là căn cứ pháp lý, tuân thủ trình tự, thủ tục, cơ bản thực hiện theo tiến độ, đồng thời đã cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh, thủ tục hành chính trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.

Tuy nhiên, để nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm và trách nhiệm giải trình cho người đứng đầu các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, tạo cơ chế đánh giá độc lập, tăng cường sự kiểm soát của nhà nước, sự giám sát của xã hội, trong thời gian tới cần phải tập trung bổ sung, hoàn thiện thể chế, pháp luật về giáo dục nghề nghiệp như sau:

Thứ nhất, sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục nghề nghiệp cho phù hợp với Luật giáo dục sửa đổi đã được quốc hội thông qua năm 2019; tiếp tục hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Giáo dục nghề nghiệp cho các hoạt động đã được quy định trong Luật Giáo dục nghề nghiệp, như quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phù hợp với thực tiễn bộ, ngành, địa phương.

Thứ hai, nâng cao chất lượng tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp và tổ chức các hoạt động đào tạo thông qua việc hoàn thiện các văn bản hướng dẫn, cơ chế, chính sách khuyến khích người học tham gia vào giáo dục nghề nghiệp.

Thứ ba, bổ sung cơ chế, chính sách quy định rõ trách nhiệm của cơ sở sử dụng lao động, cơ sở đào tạo và nhà nước nhằm đẩy mạnh gắn kết với doanh nghiệp, cơ sở sử dụng lao động có hiệu quả thực chất; mở rộng chương trình phối hợp, hợp tác để doanh nghiệp chủ động, tham gia sâu hơn vào quá trình đào tạo, đánh giá, tuyển dụng lao động…

Thứ tư, đẩy mạnh thực hiện tự chủ toàn diện trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, hiện nay số cơ sở thực hiện thí điểm tự chủ toàn diện còn quá ít, do vậy việc triển khai tự chủ trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập sẽ là một trong giải pháp để thực hiện quy hoạch, sắp sếp mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo đúng chỉ đạo của Trung ương và Chính phủ.

Thứ năm, đổi mới công tác quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp, nâng cao năng lực quản lý nhà nước ở các địa phương, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, công khai hoạt động quản lý trên hệ thống thông tin điện tử từ trung ương đến địa phương…

Thứ sáu, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp, đủ về số lượng, chuẩn hóa về chất lượng, kỹ năng nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo./.

Thanh Hưng

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất