Thứ Bảy, 4/5/2024
Xã hội
Thứ Hai, 27/2/2023 9:39'(GMT+7)

Ngành Y tế nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, hoàn thành tốt sứ mệnh và nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ sức khỏe Nhân dân

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan

PV: Thưa Bộ trưởng, vào ngày 27/2/1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho Hội nghị Cán bộ y tế, Người viết: “Chính phủ phó thác cho các cô, các chú việc chữa bệnh tật và giữ gìn sức khỏe cho đồng bào. Đó là một nhiệm vụ rất vẻ vang”. Đồng chí có thể chia sẻ một chút cảm xúc về “nhiệm vụ vẻ vang” này?

Đó là một Bức thư với những nội dung rất sâu sắc, nhiều tình cảm gửi gắm và có tính định hướng chiến lược, khoa học, là một tài sản của ngành Y tế. Cùng vì ý nghĩa sâu sắc đó mà Hội đồng Bộ trưởng lúc đó đã ban hành Quyết định lấy ngày 27/2 hằng năm làm “Ngày thầy thuốc Việt Nam”, từ đó, ngày 27/2 thành Ngày truyền thống của ngành Y tế Việt Nam.

Chúng tôi cũng tự hào rằng Bác Hồ đã dành nhiều tình cảm và kỷ niệm cho ngành Y tế. Bác đã đi thăm Đại học Y, trường Y-Dược, các bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức, Bệnh viện Mắt Trung ương, Bệnh viện quân y 7…, đến một vài bệnh xá; nói chuyện, viết thư cho cán bộ ngành Y tế; quan tâm, trân trọng sử dụng các trí thức ngành Y…

Bác đã dặn rằng: “Y học phải dựa trên nguyên tắc khoa học, dân tộc, đại chúng”. Định hướng đúng đắn và sâu sắc đó, lớp lớp thế hệ ngành Y tế đã nhớ ghi và hành động, thực hiện theo tư tưởng cốt lõi của Người. Đi qua những năm tháng chiến tranh, kháng chiến cứu quốc, thống nhất đất nước đến thời bình, xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước, ngành Y tế luôn nhận thức được vị trí, vai trò, tầm quan trọng đặc biệt của mình trong sứ mệnh chăm sóc và bảo vệ sức khỏe Nhân dân, đóng góp vào sự phát triển của đất nước.

Chặng đường vừa qua, ngành Y tế đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, đặc biệt công cuộc phòng, chống dịch COVID-19, ngành Y tế luôn nhận được sự quan tâm, chia sẻ, động viên của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan, bộ ngành, chính quyền các cấp. Cán bộ, công nhân viên chức ngành Y tế đã luôn đoàn kết, vững vàng vượt qua gian nan, lấy người bệnh là trên hết và sẵn sàng dấn thân khi người bệnh cần, Tổ quốc cần. Với vai trò là người đứng đầu ngành Y tế, tôi trân trọng, đánh giá cao và biểu dương những thành tích đạt được của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, thầy thuốc trên khắp mọi miền Tổ quốc. Dự báo trong thời gian tới, ngành Y tế sẽ còn đối mặt với nhiều thách thức mới, tôi mong cán bộ, người lao động ngành Y tế tiếp tục đoàn kết, nỗ lực, cố gắng hơn nữa, góp sức vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; xứng đáng với sự tôn vinh của Đảng, Nhà nước và Nhân dân.

PV: Đồng chí có thể chia sẻ một số khó khăn, thách thức mà ngành Y tế đang phải đối diện? 

Sau đại dịch, cả nước chuyển sang giai đoạn mới “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, ngành Y tế bước vào một giai đoạn với nhiều khó khăn và thách thức phải vượt qua. Tình hình dịch COVID-19 vẫn có những diễn biến phức tạp. Trên thế giới, các quốc gia đều nhận định dịch COVID-19 chưa thể kiểm soát được hoàn toàn và vẫn có thể xuất hiện các chủng vi rút mới nguy hiểm hơn làm cho dịch diễn biến phức tạp khó lường. Cùng với dịch COVID-19, sự bùng phát của dịch sốt xuất huyết, nguy cơ xâm nhập của các bệnh dịch nguy hiểm mới nổi như bệnh đậu mùa khỉ, viêm gan cấp tính chưa rõ nguyên nhân...

Nhìn vào hệ thống y tế có thể thấy vốn đã có những tồn tại, hạn chế chưa được giải quyết triệt để, lại nảy sinh thêm những khó khăn, vướng mắc trong giai đoạn “hậu COVID-19”, ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề đến công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Các cơ chế chính sách và mô hình tổ chức hoạt động đối với lĩnh vực y tế đang trong quá trình chuyển đổi, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn; ngân sách nhà nước còn hạn hẹp, thu nhập của người dân chưa cao, đầu tư cho lĩnh vực bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân. Việc thực thi nhiệm vụ có nơi còn thiếu chủ động, chưa đổi mới, năng lực còn hạn chế, còn có tâm lý lo ngại sợ sai, sợ trách nhiệm. Việc thể chế hóa, hướng dẫn các quan điểm, chủ trương đã được ban hành trong một số luật, nghị định, nghị quyết... của Đảng, Nhà nước còn chậm. Sự phối hợp giữa các đơn vị còn thiếu chặt chẽ, công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn; tổ chức triển khai thực hiện chưa thực sự đổi mới; việc phân cấp, phân quyền chưa thật sự quyết liệt; việc kiểm tra, giám sát thực thi công vụ chưa đạt hiệu quả.

Hệ thống văn bản pháp luật đã được hoàn thiện từng bước nhưng còn nhiều vướng mắc, chưa đầy đủ, đặc biệt là mua sắm, đấu thầu, liên doanh liên kết, quản lý, sử dụng tài sản công...; chưa thể chế được hết các quan điểm, đường lối, chính sách tại Nghị quyết 20/NQ-TW, Nghị quyết 21/NQ-TW.

PV: Bộ trưởng có thể cho biết thêm, những vấn đề “nóng”, dư luận đặc biệt quan tâm thời gian qua như chất lượng nguồn nhân lực y tế, vấn đề giá thuốc, khám chữa bệnh, chuyển đổi số trong ngành Y…?

Sau đại dịch, ngành Y tế phải đối diện với tình trạng nghỉ việc, bỏ việc của nhân viên y tế, nhất là nhân lực có kinh nghiệm, trình độ, tại các cơ sở y tế khu vực công lập do gia tăng áp lực công việc, mức độ nguy hiểm, rủi ro nghề nghiệp; chế độ đãi ngộ chưa tương xứng với thời gian đào tạo và đặc thù nghề nghiệp, môi trường làm việc có nơi còn nhiều bất cập... Trong bối cảnh đó, quản lý chất lượng đào tạo nhân lực y tế vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế và tiến trình hội nhập khu vực và quốc tế.

Bên cạnh đó là tình trạng thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế cục bộ tại nhiều cơ sở y tế trên toàn quốc. Chất lượng công tác quản trị, điều hành và phục vụ người bệnh tại một số cơ sở y tế còn chưa bảo đảm yêu cầu đặt ra. Chưa phát huy tốt lợi thế của y học cổ truyền. Năng lực của hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng còn hạn chế…

Việc chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin chưa bảo đảm được yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đề ra. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công còn chưa bảo đảm yêu cầu. Công nghiệp sản xuất trang thiết bị y tế trong nước còn hạn chế...

PV: Ngành Y tế đang vượt qua những khó khăn đó như thế nào, thưa Bộ trưởng?

Với những nỗ lực của toàn ngành, hoạt động khám bệnh, chữa bệnh thông thường từng bước phục hồi sau hơn 2 năm phòng, chống dịch COVID-19. Các dịch bệnh truyền nhiễm phổ biến được kiểm soát. Công tác y tế năm 2022 đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Toàn ngành y tế đã hoàn thành vượt chỉ tiêu kinh tế xã hội chủ yếu năm 2022 được Quốc hội giao, đạt 11,1 bác sĩ, 31 giường bệnh trên 10.000 dân, 92,03% dân số tham gia BHYT; cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu cụ thể ngành, lĩnh vực năm 2022 được Chính phủ giao. Việt Nam là một trong các quốc gia có tỷ lệ bao phủ vắc xin phòng COVID-19 cao nhất thế giới. Số tử vong do COVID-19 đã giảm mạnh từ tháng 4/2022 đến nay, hiện chỉ còn ghi nhận rải rác 1-2 ca tử vong mỗi ngày, có tuần không ghi nhận tử vong nào.

Hiện nay, ngành Y tế vẫn tiếp tục chú trọng xây dựng các đề án, dự án đầu tư phát triển y tế dự phòng, y tế cơ sở trong Chương trình phục hồi và phát triển KTXH, các Chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025.  Công tác thể chế được tập trung hoàn thiện, nhiều chính sách quan trọng trong phát triển ngành Y tế đã được phê duyệt: Quốc hội thông qua Luật khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi, ban hành Nghị quyết số 80/2023/QH15 về việc tiếp tục thực hiện một số chính sách trong phòng, chống dịch COVID-19 và sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 01/01/2023 đến ngày 31/12/2024; Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 20/9/2022 về nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân; chủ động thích ứng linh hoạt, góp phần phục hồi nhanh, phát triển bền vững, Quyết định số 02/QĐ-TTg ngày 05/01/2022 phê duyệt Chiến lược Quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2045; Quyết định số 155/QĐ-TTg ngày 29/01/2022 phê duyệt Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần giai đoạn 2022 - 2025…Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 17-CT/TW ngày 21/10/2022 về “Tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới”.

Thời gian qua, ngành Y tế cũng đã nghiên cứu đề xuất các chế độ, chính sách thu hút nguồn nhân lực y tế, trình Chính phủ điều chỉnh chế độ phụ cấp ưu đãi nghề đối với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở từ mức 40%-70% lên 100% theo Kết luận số 25-KL/TW ngày 30/12/2021 của Bộ Chính trị. Thời gian tới, tiếp tục giải quyết các yêu cầu phát triển mạng lưới các cơ sở đào tạo nhân lực y tế, xây dựng các chuẩn năng lực nghề nghiệp, chuẩn chương trình đào tạo lĩnh vực sức khỏe.

Bộ đã xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị quyết về việc bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế và thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT. Cơ bản đã đáp ứng nguồn cung thuốc cho nhu cầu dự phòng, khám chữa bệnh của nhân dân, giải quyết hồ sơ đề nghị cấp phép nhập khẩu thuốc. Giá thuốc tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, các nhà thuốc trong khuôn viên cơ sở khám, chữa bệnh được kiểm soát chặt chẽ và không có hiện tượng đầu cơ tích trữ, găm hàng, đẩy giá lên cao.

Bộ cũng đang phối hợp với bộ, cơ quan liên quan để rà soát, đề xuất sửa đổi hoặc làm rõ các văn bản pháp luật liên quan đến mua sắm đấu thầu,  bảo hiểm y tế. Đẩy nhanh việc cấp mới, gia hạn, duy trì giấy đăng ký lưu hành, giấy phép nhập khẩu thuốc, trang thiết bị y tế. Nghiên cứu hoàn thiện gói dịch vụ y tế cơ bản, xây dựng giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu.Tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện Chiến lược quốc gia phát triển ngành Dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045; xây dựng, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật tạo hành lang pháp lý đồng bộ trong lĩnh vực dược, mỹ phẩm.

Đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số y tế, kết nối thành công hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính Bộ Y tế với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Triển khai thí điểm khám chữa bệnh BHYT bằng căn cước công dân gắn chíp và đã có 11.726 cơ sở KCB BHYT thực hiện, đạt 92%...

Đáng chú ý, Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) được ban hành nhằm cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước, khắc phục những hạn chế, bất cập, giải quyết những vấn đề mới phát sinh để phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ y tế cho người dân theo định hướng công bằng, chất lượng, hiệu quả, phát triển và hội nhập quốc tế; tăng cường hiệu lực, hiệu quả, trật tự, kỷ cương, kỷ luật của quản lý nhà nước về hoạt động khám bệnh, chữa bệnh.

 Ngành Y tế nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, hoàn thành tốt nhiệm vụ và sứ mệnh của người thầy thuốc

PV: Thưa Bộ trưởng, với vai trò là “tư lệnh ngành”, thời gian tới, đồng chí sẽ chỉ đạo tập trung vào những vấn đề nào để giải quyết từng bước những khó khăn trên?

Năm 2023 là có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện các Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025. Dự báo tình hình thế giới tiếp tục diễn biến rất phức tạp, nhanh chóng, khó đoán định, vì thế để hoàn thành mục tiêu đã đề ra, ngành Y tế đã và đang triển khai nhiều giải pháp quan trọng.

Thứ nhất, tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao năng lực quản lý nhà nước; tiếp tục kiện toàn, sắp xếp cơ cấu tổ chức các đơn vị thuộc phạm vi Bộ Y tế quản lý theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Đẩy mạnh cải cách hành chính, phân công, phân cấp, phân quyền, đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực cán bộ thực thi và tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát. Chủ động, tích cực hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế.

Thứ hai, tăng cường kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 và các dịch bệnh mới phát sinh, không để dịch chồng dịch. Tăng cường quản lý, điều trị các bệnh không lây nhiễm, bệnh nghề nghiệp, tai nạn thương tích, nâng cao sức khoẻ người dân. Triển khai các chương trình, dự án đầu tư nâng cao năng lực hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng, hình thành hệ thống trung tâm kiểm soát dịch bệnh ở tất cả các tuyến. Đẩy mạnh quản lý sức khỏe toàn dân; chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, phụ nữ, trẻ em, người lao động.

Thứ ba, tiếp tục phối hợp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về thể chế trong mua sắm, đấu thầu, xã hội hóa, cơ chế tự chủ, quản trị đơn vị sự nghiệp công trong lĩnh vực y tế. Giải quyết tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên toàn quốc, đảm bảo đáp ứng đủ thuốc vắc xin cho nhu cầu phòng và điều trị của người dân.

Thứ tư, tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; thực hiện có hiệu quả Chương trình phát triển y dược cổ truyền, kết hợp y dược cổ truyền với y dược hiện đại. Tăng cường các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, sự hài lòng của người dân, bảo đảm an ninh, an toàn tại các cơ sở y tế.

Thứ năm, tập trung giải quyết tình trạng thiếu nhân lực, đẩy mạnh xây dựng các quy định nhằm tạo môi trường pháp lý triển khai đổi mới đào tạo nhân lực y tế theo hướng hội nhập quốc tế; Nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học - công nghệ y tế, dược, y sinh học, ưu tiên các lĩnh vực có thế mạnh; Tiếp tục triển khai các chương trình tăng cường đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, luân phiên cán bộ y tế để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế.

Thứ sáu, tiếp tục thúc đẩy triển khai thực hiện chương trình chuyển đổi số y tế trên phạm vi cả nước để đáp ứng kịp thời các thông tin trong quản lý điều hành. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin, truyền thông để toàn xã hội đồng thuận, tham gia công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.

 Với những "bàn tay vàng" - y bác sĩ là những người tạo ra phép mầu cứu chữa cho bệnh nhân (Ảnh: Tuổi trẻ)

PV: Nhân dịp 68 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam, Bộ trưởng gửi gắm, động viên chia sẻ điều gì tới cán bộ, viên chức, nhân viên, người lao động trong ngành Y tế?

Trong dịp kỷ niệm 68 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 – 27/2/2023), tôi xin được gửi lời cảm ơn sâu sắc nhất tới tất cả thầy thuốc trong cả nước trong thời gian qua đã nỗ lực không ngừng, vượt qua mọi khó khăn để thực hiện tốt công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe Nhân dân. Đặc biệt, tôi xin gửi lời tri ân đến tất cả các cán bộ, nhân viên, người lao động trong ngành Y tế cả nước và gia đình, người thân của các đồng chí đã luôn là hậu phương vững chắc động viên tinh thần để mỗi cán bộ y tế luôn vượt qua khó khăn, thách thức, hoàn thành tốt nhiệm vụ và sứ mệnh của người thầy thuốc là chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho Nhân dân.

PV: Xin cảm ơn Bộ trưởng./.

Thanh Thu (thực hiện)

 

 

 

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất