Chủ Nhật, 15/12/2024
Chương trình Thương hiệu Quốc gia Việt Nam
Thứ Tư, 22/11/2023 15:32'(GMT+7)

Phát triển điện khí LNG - Xu hướng tất yếu trong chính sách đảm bảo an ninh năng lượng

Tổng Biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng Tăng Hữu Phong phát biểu khai mạc diễn đàn.

Tổng Biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng Tăng Hữu Phong phát biểu khai mạc diễn đàn.

Diễn đàn có sự tham dự của đại diện Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đại diện lãnh đạo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công thương), Vụ Dầu khí và Than (Bộ Công thương), các chuyên gia từ Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, Viện Dầu khí Việt Nam, Hiệp hội Dầu khí Việt Nam, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam; đại diện Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV Gas), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN)…

Diễn đàn còn có sự hiện diện của các đại biểu là chuyên gia kinh tếm hiệp hội, doanh nghiệp, cơ quan nghiên cứu, đại diện các trường đại học và các cơ quan báo chí truyền thông đã tới tham dự, đưa tin về sự kiện này.

Quy hoạch điện VIII đặt ra mục tiêu đến năm 2030, tổng công suất các nhà máy điện phục vụ nhu cầu trong nước là 150.489 MW (không bao gồm nhập khẩu, điện mặt trời mái nhà tự dùng, năng lượng tái tạo để sản xuất năng lượng mới) và định hướng đến năm 2050, tổng công suất các nhà máy điện cần đạt 490.529 - 573.129MW. Trong đó, cơ cấu nguồn nhiệt điện khí trong nước và LNG đến năm 2030 sẽ đạt 37.330MW, tương ứng 24,8% tổng công suất nguồn điện (nhiệt điện khí trong nước chiếm 9,9% và nhiệt điện LNG chiếm 14,9%) - chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu nguồn điện. Trong khi, nhiệt điện than, thủy điện, điện gió trên bờ và ngoài khơi lần lượt chỉ còn chiếm tỷ trọng là 20%, 19,5% và 18,5%.

Với cơ cấu nguồn điện như trên, cùng với định hướng đến năm 2050 không còn sử dụng than cho phát điện, thì vai trò chạy nền của các nhà máy điện khí trong hệ thống điện là tất yếu. Lợi thế của điện khí là tính sẵn sàng cao (nguồn điện không bị ảnh hưởng bởi thời tiết so với thủy điện, điện gió, điện mặt trời), công suất lớn, thời gian đáp ứng nhanh… Việc đưa LNG vào sử dụng còn để phù hợp với cam kết của Chính phủ tại COP26 về xu hướng sử dụng nhiên liệu giảm phát thải.

Theo Quy hoạch điện VIII, sẽ có 15 dự án nhà máy nhiệt điện LNG nằm phân bố rải rác trên cả nước. Trong đó, chỉ tính đến năm 2030, để đáp ứng khí cho 13 dự án nhiệt điện LNG với tổng công suất 22.400MW, mỗi năm cần tổng công suất kho chứa đạt khoảng 15 - 18 triệu tấn LNG. Trong khi, hiện nay, Việt Nam chỉ có duy nhất 1 dự án kho chứa LNG tại Thị Vải với công suất 1 triệu tấn LNG/năm.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Tổng Biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng Tăng Hữu Phong cho biết: Việc phát triển điện khí phù hợp với chủ trương của Việt Nam trong Quy hoạch điện VIII để đảm bảo cung cấp điện cho hệ thống và giảm phát thải khí nhà kính ra môi trường, bù đắp thiếu hụt năng lượng cho hệ thống và đảm bảo đa dạng nguồn cung cấp nhiên liệu. Tuy vậy, trong phát triển điện khí, thách thức trước tiên là nguồn cung và giá khí hoá lỏng khi nước ta hoàn toàn phải nhập khẩu loại nhiên liệu này. Do vậy, trong bối thế giới có nhiều thay đổi khó lường, giá nhiên liệu khí hóa lỏng biến động thất thường và chiếm tỷ lệ từ 70-80% giá thành điện năng sản xuất, nên việc xây dựng cơ chế giá điện phù hợp để thích nghi với những thay đổi giá nhiên liệu, nhưng không tác động quá lớn tới giá bán lẻ điện là thách thức rất lớn với Việt Nam.

Điều này cho thấy, việc nhập khẩu LNG cho sản xuất điện là xu hướng tất yếu không chỉ để cung cấp cho các dự án điện khí LNG mới, mà còn cấp thiết bù đắp nguồn khí cho các nhà máy điện khí hiện hữu có nguy cơ bị thiếu hụt nhiên liệu trong tương lai, khi các mỏ khí khai thác trong nước đang suy giảm nhanh qua từng năm.

Tuy nhiên, cơ chế nhập khẩu thế nào, sự biến động liên tục của giá khí thế giới và chi phí sản xuất điện, việc bố trí (phân bổ, quy hoạch) các nhà máy điện khí trên quy mô cả nước làm sao để giảm giá thành vận chuyển nhiên liệu, cũng như khả năng hấp thụ nguồn nhiên liệu LNG của các nhà máy điện, cùng các vấn đề liên quan như công nghệ khí hóa lỏng, hệ thống kho chứa; cơ chế chính sách thu hút đầu tư, tháo gỡ những tồn tại, khó khăn cho doanh nghiệp… vẫn đang là những câu hỏi, bài toán cần lời giải đáp của cơ quan quản lý, cơ quan nghiên cứu chính sách, các hiệp hội, chuyên gia và của chính doanh nghiệp.

Quang cảnh diễn đàn.

Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) Bùi Quốc Hùng cho rằng, Việt Nam đang đối diện với nhiều thách thức trong phát triển điện khí. Bởi lẽ, việc nhập khẩu LNG phải theo các thông lệ quốc tế. Trong khi đó, Việt Nam hiện chưa có bộ tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan đến thiết kế, xây dựng và vận hành các cơ sở hạ tầng phục vụ nhập khẩu. Bên cạnh đó, khuôn khổ pháp lý hiện hành cho các dự án LNG ở Việt Nam vẫn chưa được xây dựng hoàn chỉnh. Ngoài ra, các dự án điện khí LNG có công nghệ tiên tiến, vốn đầu tư lớn nên đòi hỏi nhà đầu tư cần có kinh nghiệm và năng lực tài chính. Đồng thời, các cơ quan có thẩm quyền chưa có đủ kinh nghiệm về lĩnh vực này nên có thể sẽ ảnh hưởng tới tiến độ và chất lượng lựa chọn nhà đầu tư cho các dự án….

Để phát triển điện khí LGN theo Quy hoạch điện VIII, theo Chuyên gia kinh tế, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, phải giải quyết một số vấn đề liên quan đến cơ sở hạ tầng và cơ chế chính sách. Cụ thể, cần quy hoạch đồng bộ, tập trung các dự án kho cảng nhập khẩu LNG nhưng vẫn phải đảm bảo theo tiêu chuẩn quốc tế để tiết kiệm nguồn lực xã hội phát triển kinh tế và từ đó thúc đẩy thị trường LNG trong nước phát triển; cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý làm cơ sở để triển khai xây dựng, sử dụng hạ tầng và cơ chế quản lý cho các dự án đầu tư điện khí LNG theo hình thức đầu tư thông thường (IPP) để tạo điều kiện thu xếp tài chính cho các dự án điện khí LGN quy mô hàng tỷ USD…

Tại Diễn đàn đã ghi nhận được nhiều ý kiến đóng góp từ các chuyên gia, các cơ quan quản lý để tìm giải pháp tháo gỡ những khó khăn, góp phần hoàn thiện chính sách cũng như tìm ra các cơ chế khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào các dự án điện khí hóa lỏng trong nước, tạo môi trường đầu tư ổn định và thuận lợi cho việc phát triển hạ tầng khí hóa lỏng.

Bên cạnh đó, những vấn đề nóng và giải pháp quan trọng về điện khí LNG sẽ được các cơ quan quản lý, chuyên gia và doanh nghiệp nêu ra, phân tích, mổ xẻ và đề xuất, kiến nghị tại phần thảo luận của chương trình./.

Thu Thủy

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất