Chủ Nhật, 28/4/2024
Văn hóa
Thứ Hai, 26/6/2023 6:43'(GMT+7)

Quản lý phim trên mạng: Gạn đục khơi trong, “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”

TỪ XU THẾ TẤT YẾU...

Khoảng hơn một thập kỷ trước đây, ở nước ta, bên cạnh những tác phẩm điện ảnh kinh điển của Việt Nam và thế giới được số hóa để truyên truyền, quảng bá trên Internet, thì khái niệm phim chiếu trên mạng thường được hiểu là những bộ phim “ăn khách” và “bom tấn” (sau khi được cấp phép công chiếu tại rạp) bị sao chép lậu rồi tung lên một số ít nền tảng mạng xã hội.

Tuy nhiên, trong vòng mươi năm trở lại đây, thuật ngữ phim chiếu trên mạng (web drama) đã trở nên phổ biến với đa số công chúng, khi mà các ứng dụng/phần mềm/app xem phim trực tuyến xuất hiện ngày càng nhiều, đa dạng với mọi loại hình nền tảng công nghệ. Xét trên nhiều góc độ xã hội và tiến trình phát triển, có thể khẳng định, phim chiếu trên mạng đã và đang là một xu thế giải trí tất yếu trong bối cảnh công nghệ thông tin không ngừng phát triển, “len lỏi’ vào mọi ngõ ngách cuộc sống; nhất là khi nhu cầu sử dụng ứng dụng xem phim trên mạng đang chiếm phần lớn thời gian và lưu lượng truy cập Internet của nhiều người.

Nhờ vào các nền tảng trực tuyến, nên thay bằng các hình thức truyền thống như đến rạp hoặc theo dõi truyền hình, phim chiếu trên mạng đã trở thành lựa chọn của rất nhiều người, nhiều gia đình. Sự tiện lợi cả về mặt không gian và thời gian cũng như tính đa dạng, cập nhật, hấp dẫn, đáp ứng được mọi nhu cầu của người xem là những yếu tố quyết định đến sự phát triển của phim chiếu trên mạng. Theo đó, đây cũng là yếu tố quan trọng để thị trường phim chiếu trên mạng ngày càng được coi là một xu thế kinh doanh tất yếu, không ngừng “nở rộ” “muôn hình muôn vẻ”. Chỉ tính riêng thị trường nội địa, trong khoảng 5 năm trở lại đây, hàng loạt ứng dụng xem phim trực truyến của gần 40 doanh nghiệp trong nước hoạt động trong lĩnh vực này đã cung cấp dịch vụ cho hàng chục triệu thuê bao với tổng doanh thu lên tới hàng chục ngàn tỷ đồng.

Cùng với những tác phẩm điện ảnh và truyền hình sau khi được khai thác (bán vé; phát sóng) sẽ tiếp tục được quảng bá trên các nền tảng xem phim trực truyến, thị trường web drama cũng là “dư địa” cho sự hình thành và phát triển của dòng phim chiếu trên mạng với sự tham gia của các ê kip, nhà sản xuất, đạo diễn, diễn viên - cả chuyên nghiệp và không chuyên; với những sản phẩm từ phim ngắn đến phim dài tập. Trong một chừng mực nào đó, xét trên những tiêu chí cụ thể về kịch bản và chất lượng, nhiều phim “sitcom”, tiểu phẩm, video clip... do một hoặc một số người thực hiện cũng có thể được coi là những sản phẩm thuộc dòng phim chiếu trên mạng. Rõ ràng, với sự phong phú, đa dạng về thể loại, quy mô, chủ đề, đối tượng tiếp nhận, nền tảng ứng dụng, tính tiện ích... thì phim chiếu trên mạng đang trở thành xu hướng mang tính tất yếu, phổ biến trong bối cảnh “thế giới phẳng”. Ở Việt Nam cũng như nhiều quốc gia trên thế giới, không ít đạo diễn, diễn viên chuyên nghiệp, có tên tuổi cũng đã dành nhiều thời gian, công sức đầu tư vào dòng phim này cả về mặt kịch bản, diễn xuất, cho đến hình ảnh, chất lượng nghệ thuật... Điều này khiến cho web drama đã và đang dần trở thành đối thủ cạnh tranh không hề nhỏ, thậm chí là vượt trội của các phim truyền hình; xét trên phương diện kinh tế, không ít bộ phim web drama có doanh thu (chủ yếu từ các hình thức quảng cáo) vượt trội so với những tác phẩm điện ảnh đã từng công chiếu tại rạp.

Không thể phủ nhận, phim chiếu trên mạng là một trong những lĩnh vực giải trí ngày càng được ưa chuộng, đặc biệt với giới trẻ. Nhiều kênh mới được đăng ký hàng năm trên các nền tảng như YouTube đã cung cấp cho công chúng những bộ phim “đáp ứng mọi nhu cầu”, từ “thượng vàng” đến “hạ cám”. Chỉ với một thiết bị có kết nối Internet, người xem được toàn quyền, chủ động lựa chọn thời gian, không gian cũng như nội dung phim; không cần mất phí, mất công đến rạp hoặc phải “canh giờ chờ phim” trên truyền hình.... Đối với các nhà sản xuất, họ được toàn quyền chủ động lựa chọn phương thức, đề tài, thời gian sản xuất - phát hành phim, không phải phụ thuộc vào kế hoạch và lịch chiếu của các rạp, nhờ đó giúp kéo dài cơ hội khai thác lợi nhuận. Web drama còn được giới chuyên môn kỳ vọng là sân chơi cho các tài năng nghệ thuật thử sức, phát huy sáng tạo; đồng thời là không gian thử nghiệm, trải nghiệm của những nghệ sĩ trẻ. Trong những năm gần đây, web drama đã thực sự tạo ra một cuộc cạnh tranh không nhỏ đối với phim chiếu rạp và phim truyền hình. Theo đó, tác phẩm nào chất lượng tốt hơn, hấp dẫn hơn sẽ được công chúng lựa chọn. Thực tế cho thấy, đã có không ít bộ phim chiếu mạng được đầu tư công phu, có chất lượng nghệ thuật và giá trị tư tưởng, giáo dục tốt, thu hút hàng chục triệu lượt xem, đem lại lợi nhuận không nhỏ cho nhà sản xuất. Điều này khiến cho phim điện ảnh và truyền hình phải không ngừng đổi mới cách thể hiện, nâng cao chất lượng nội dung và giá trị nghệ thuật, không thể “cho gì ăn nấy, có gì làm vậy” như trước kia...

Thời gian qua, “phim online” Việt Nam lấy chủ đề giang hồ, xã hội đen “nở rộ như nấm” trên nền tảng YouTube. Hầu hết các phim này có nhiều cảnh đánh đấm, sex, gây rối an ninh - trật tự công cộng, lời thoại phản cảm... Không ít “phim online” nước ngoài được một số ứng dụng mua bản quyền phát mạng có tình tiết nội dung xuyên tạc văn hóa, lịch sử và chủ quyền Việt Nam.

Chẳng hạn, năm 2021, bộ phim dài tập “Nhất sinh nhất thế” của Trung Quốc phát trên nền tảng iQiyi, có phân đoạn ở tập 13 cho thấy hình ảnh “đường lưỡi bò” trên bản đồ của nhân vật; năm 2022, bộ phim dài tập Hàn Quốc “Little Woman” phát trên nền tảng Netflix có những tình tiết xuyên tạc lịch sử chiến tranh của Việt Nam...

ĐẾN “LỢI BẤT CẬP HẠI”

Tuy nhiên, từ góc độ văn hóa và quản lý văn hóa, sự nở rộ của ứng dụng chiếu phim trên mạng đã và đang gây ra không ít hệ lụy, “lợi bất cập hại”. Bên cạnh những tác phẩm hay, chất lượng tốt, thì những phim thiếu tính giáo dục, phản văn hóa cũng xuất hiện ngày càng nhiều. Điều này gây ảnh hưởng xấu đến nhận thức, tâm lý người xem, nhất là giới trẻ. Trước khi Luật Điện ảnh được Quốc hội ban hành (tháng 6/2022) cùng với các văn bản của cơ quan chức năng về quản lý, phổ biến phim trên không gian mạng, thì những hồi chuông cảnh báo đã được giới chuyên môn cùng dư luận, truyền thông “gióng” lên, xuất phát từ 3 vấn đề cơ bản sau:

Một là, từ đơn vị cung cấp và nhà sản xuất.

Với mục đích “câu view” - dẫn dụ sự tò mò của người xem bằng mọi cách để thu lợi từ quảng cáo, không ít cá nhân, tổ chức ở trong nước đã liên tiếp sản xuất và tung lên môi trường mạng các sản phẩm phi nghệ thuật, không phù hợp thuần phong mỹ tục, vi phạm các nguyên tắc đạo đức và văn hóa, thậm chí vi phạm pháp luật.

Bên cạnh những sản phẩm được làm theo kiểu “ăn xổi ở thì”, không ít phim của các ê kíp, nhà sản xuất trong nước mặc dù được đầu tư khá tốt về chất lượng kỹ thuật nhưng lại lạm dụng hình ảnh bạo lực, khiêu dâm, lời thoại phản cảm; đặc biệt, có những phim chứa đựng những tình tiết sai phạm, xuyên tạc về chế độ, đất nước, lịch sử, văn hóa và con người Việt Nam, khiến cho các thế lực thù địch, phản động lợi dụng để “cộng hưởng” vào những luận điệu tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.

Trong những năm gần đây, không ít doanh nghiệp kinh doanh điện ảnh đã lựa chọn và xác định Internet là một kênh phát hành chính - phim làm ra chỉ để chiếu trên nền tảng công nghệ, không phát hành ra rạp. Vì không phải thực hiện “tiền kiểm” của cơ quan quản lý như đối với phim chiếu rạp và truyền hình, nên nhiều nhà làm “phim online” đã đưa vào sản phẩm của họ bất cứ nội dung gì mà họ cho là “hót” và “hấp dẫn thị hiếu” nhất, trong đó có cả những nội dung lệch chuẩn.

Thực tế cho thấy, một số phim điện ảnh khi đưa lên lên mạng vẫn để nguyên những phân đoạn đã bị cơ quan chức năng - hội đồng kiểm duyệt yêu cầu cắt bỏ trước đó. Cùng với những hành vi lách luật để trốn thuế của không ít đơn vị cung cấp nền tảng và nhà sản xuất, nhiều phim đã và đang vi phạm nghiêm trọng quy định về quảng cáo như lồng ghép, chèn quá nhiều các đoạn quảng cáo, đặc biệt là quảng cáo rượu bia và các chất kích thích, quảng cáo sai sự thật...

Hai là, từ cơ quan quản lý.

Trước khi Luật Điện ảnh năm 2022 và các văn bản quản lý mới nhất được ban hành, thì dường như thị trường và không gian web drama vẫn thiếu sự kiểm soát chặt chẽ, thậm chí là bị thả nổi. Điều này dẫn đến những bất cập và sự thiếu công bằng trong thị trường điện ảnh. Bởi, trong khi phim chiếu rạp chịu sự kiểm duyệt chặt chẽ của cơ quan chức năng, phim truyền hình chịu sự kiểm duyệt của các đài truyền hình, thì phim chiếu trên mạng gần như không phải qua bất kỳ một sự kiểm duyệt nào. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng vi phạm pháp luật cũng như vi phạm các quy định về văn hóa diễn ra phổ biến trong phim chiếu trên mạng thời gian qua.

Cũng vì thiếu những chế tài - quy định cụ thể liên quan đến công tác kiểm duyệt phim trên mạng, nên rất ít sản phẩm của thị trường nội địa thực hiện đúng việc phân loại đối tượng khán giả, dán nhãn các lứa tuổi phù hợp khi đưa lên mạng, dẫn tới sự hỗn loạn, thậm chí là gia tăng những biểu hiện lệch chuẩn trên môi trường mạng, tác động tiêu cực đến người xem, nhất là đối tượng vị thành niên. Đặc biệt, những bất cập trong chế tài pháp lý khiến cho việc một số phim phát hành trên mạng mặc dù vi phạm Luật Điện ảnh nhưng không quy được trách nhiệm cho đơn vị nào để xử lý.

Thời gian gần đây, việc xử lý hành chính đối với những sản phẩm “có vấn đề” dường như vẫn chưa đủ mạnh, thiếu sức răn đe; công tác quản lý vẫn là “chạy theo”, bởi những nội dung vi phạm, phản cảm đã tồn tại và phổ biến trên không gian mạng một thời gian dài, chỉ khi có sự phản ánh, lên tiếng mạnh mẽ của dư luận và công chúng thì cơ quan chức năng mới vào cuộc.

Bên cạnh đó, những hạn chế, bất cập cả về mặt hạ tầng kỹ thuật cũng như quy định, chế tài liên quan đến công nghệ - nền tảng cho việc kiểm duyệt “phim online”, nhất là phim lậu có nguồn từ nước ngoài trở nên khó khăn. Việc xử lý của cơ quan chức năng hiện nay mới chỉ khả thi đối với các nền tảng web drama tại Việt Nam, còn đối với các sản phẩm được cung cấp trên những nền tảng xuyên biên giới, có máy chủ ở nước ngoài thì rất khó để can thiệp.

Ba là, từ công tác thông tin - tuyên truyền.

Thực tế cho thấy, trước khi dự thảo Luật Điện ảnh 2022 được đưa ra lấy ý kiến để hoàn thiện, thì hầu như công tác thông tin - tuyên truyền về những vấn đề liên quan đến mặt trái và bất cập, hạn chế, tiêu cực của thị trường phim chiếu trên mạng còn rất thưa thớt. Trong cả một thời gian khá dài, mặc dù “phim online” đã phát triển rất mạnh, nhưng số lượng các cuộc hội thảo, tọa đàm cũng như các bài viết trên báo chí bàn về vấn đề này dường như chỉ “đếm trên đầu ngón tay”. Trong hầu hết các diễn đàn bàn về văn hóa và những biểu hiện lệch chuẩn trong văn hóa, đạo đức, ứng xử… thì những nguyên nhân, hệ lụy và mặt trái của phim chiếu trên mạng chưa được đề cập nhiều. Công tác quản lý cũng chưa được bàn một cách toàn diện, chủ yếu vẫn là nêu lên những vấn đề liên quan đến phim lậu, đến nâng cao thị phần và chất lượng phim trong nước, đến hoạt động (hành động, phát ngôn, ứng xử xã hội) của nghệ sĩ - diễn viên…

Trước việc một số “phim online” nước ngoài có nội dung vi phạm chủ quyền biển, đảo; sai lệch lịch sử chiến tranh; bôi nhọ, bài xích văn hóa; công kích thể chế chính trị của Việt Nam… công tác tuyên truyền - lên tiếng phản đối, đấu tranh của các cơ quan chức năng và báo chí, truyền thông cũng chỉ “rộ” lên trong thời gian rất ngắn, chưa mang tính “dài hơi”; thiếu sự bài bản, chuyên sâu trong phân tích, bình luận; hạn chế về hiệu ứng lan tỏa…

Bên cạnh việc chú trọng giới thiệu những tình tiết “đặc sắc”, “hấp dẫn” trong nội dung theo kiểu quảng cáo cho các bộ phim mới, không ít bài viết trên nhiều ấn phẩm báo chí lại phân tích “quá chi tiết” những vấn đề sai phạm đã được chỉ ra trong một bộ phim nào đó. Điều này vô hình trung tạo ra tính “phản tuyên truyền”, “tuyên truyền ngược” - nghĩa là vì quá tò mò mà công chúng, nhất là giới trẻ phải tìm xem “bằng mọi cách” rồi chia sẻ, lan truyền trên các nền tảng mạng xã hội.

Nhìn chung, công tác thông tin - tuyên truyền về hệ lụy và những “lợi bất cấp hại” từ phim chiếu trên mạng xã hội còn thiếu tính cảnh báo, chưa được thực hiện thường xuyên. Trong nhà trường và Đoàn Thanh niên các cấp còn rất ít, thậm chí là chưa có kế hoạch, chương trình, nội dung bàn về vấn đề này dành cho học sinh và đoàn viên - thanh niên. Trong gia đình, các bậc phụ huynh còn coi nhẹ, chưa chú trọng đến việc định hướng, quản lý, cảnh báo, trao đổi với con em, nhất là vị thành niên về việc lựa chọn, tiếp cận, tiếp nhận nội dung, thể loại, chủ đề “phim online”...

Những bất cập trong công tác kiểm duyệt cũng là nguyên nhân khiến cho thị trường phim chiếu trên mạng trở nên “vàng thau lẫn lộn”. Nhiều khi hiệu ứng thành công không đến từ chất lượng tác phẩm mà chỉ đơn giản là bắt kịp xu hướng và thị hiếu của người xem.

SIẾT CHẶT QUẢN LÝ, ĐẨY MẠNH TUYÊN TRUYỀN ĐỂ “LẤY CÁI ĐẸP DẸP CÁI XẤU”   

Luật Điện ảnh sửa đổi năm 2022 được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2023 đã quy định cả hai cách tiền kiểmhậu kiểm trong công tác quản lý phim trên không gian mạng. Theo đó, tiền kiểm tức là siết chặt hơn về các quy định đối tượng được phép phổ biến phim trên không gian mạng, cũng như danh sách phim và mức phân loại trước khi phổ biến. Khâu hậu kiểm có áp dụng công nghệ, trí tuệ nhân tạo, các giải pháp kỹ thuật để phát hiện, ngăn chặn và gỡ bỏ phim vi phạm. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tổ chức thực hiện việc kiểm tra nội dung phim phổ biến trên không gian mạng; phối hợp Bộ Thông tin - Truyền thông để xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.

Cùng với những nội dung trong Luật Điện ảnh sửa đổi năm 2022, nhiều quy định mới có hiệu lực từ đầu năm 2023 đã tạo hành lang pháp lý đầy đủ, giúp cơ quan quản lý nhà nước có căn cứ để quản lý chặt chẽ hoạt động phổ biến phim trên không gian mạng. Cụ thể là: 1) Nghị định 128/2022 có nội dung sửa đổi, bổ sung một số quy định xử phạt liên quan đến các hành vi vi phạm về điện ảnh, trong đó có các hành vi vi phạm quy định về phổ biến phim trên không gian mạng. 2) Nghị định 131/2022 quy định những nội dung liên quan đến việc phổ biến phim trên không gian mạng, trong đó “bắt buộc phải có phương án kỹ thuật và quy trình thực hiện tạm dừng phổ biến, gỡ bỏ phim theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền”. Thời gian dừng, gỡ bỏ phim chậm nhất trong 24 giờ đối với các phim có nội dung bị nghiêm cấm tại điều 9 luật Điện ảnh và các quy định khác của pháp luật có liên quan; trong vòng 3 - 5 ngày đối với các nội dung vi phạm khác theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về điện ảnh. Bắt buộc “chậm nhất không quá 3 giờ kể từ khi nhận được yêu cầu với trường hợp phát hiện phim phổ biến trên không gian mạng có nội dung vi phạm pháp luật và ảnh hưởng đến an ninh quốc gia Việt Nam”. 3) Nghị định 71/2022 có nội dung sửa đổi Nghị định 06/2016 về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình. Theo đó, doanh nghiệp nước ngoài tham gia thị trường truyền hình trả tiền với loại hình dịch vụ OTT (dịch vụ truyền thông được cung cấp trực tiếp đến người xem thông qua Internet) cần được cấp phép như doanh nghiệp trong nước và bắt buộc phải làm thủ tục để hình thành pháp nhân đại diện tại Việt Nam để chịu sự quản lý của pháp luật Việt Nam.

Như vậy, với Luật Điện ảnh sửa đổi năm 2022 và các nghị định mới được thực thi từ đầu năm nay, các cơ quan chức năng đang kỳ vọng vào việc quản lý chặt các hoạt động phổ biến phim trên không gian mạng; hoạt động cung cấp dịch vụ theo yêu cầu trên mạng Internet của các doanh nghiệp xuyên biên giới tại Việt Nam phải được đưa vào khuôn khổ pháp luật Việt Nam, bảo đảm sự cạnh tranh bình đẳng cho các doanh nghiệp trong nước trên cùng mặt bằng pháp lý, tránh những rủi ro phát tán phim có nội dung sai phạm, xuyên tạc...

Để công tác quản lý phim chiếu trên mạng Internet thực sự đạt được chất lượng, hiệu quả như mong muốn, cùng với những chế tài đã được quy định rõ và có hiệu lực thi hành từ đầu năm 2023, trong thời gian tới cần tiếp tục quan tâm:

Thứ nhất, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền. Cùng với những nội dung liên quan đến thực thi Luật Điện ảnh và những quy định liên quan, cần tăng cường tuyên truyền về mặt nhận thức văn hóa, ứng xử xã hội cũng như nâng cao tính định hướng trong các tầng lớp, đối tượng công chúng. Bên cạnh các phương tiện thông tin đại chúng, công tác tuyên truyền miệng, tổ chức diễn đàn, lồng ghép vào sinh hoạt chuyên môn, bài giảng… cần được triển khai sâu rộng, bài bản, có kế hoạch trong các môi trường cơ quan, đoàn thể, nhà trường. Trong công tác định hướng, cảnh báo, cần chú trọng thực hiện tuyên truyền đối với các đối tượng: học sinh - sinh viên, đoàn viên - thanh niên, vị thành niên và phụ huynh…

Bên cạnh công tác quản lý phát hành, phổ biến phim, vai trò của người xem cũng hết sức quan trọng. Người xem có quyền tẩy chay những bộ phim không hấp dẫn, phản văn hóa, sai phạm - nhất là sai phạm về chủ quyền quốc gia, lịch sử, văn hóa, con người Việt Nam... Công tác tuyên truyền phải góp phần quan trọng vào việc nâng cao ý thức của công chúng một cách đầy đủ, đồng thời phát huy tinh thần trách nhiệm công dân của người xem nhằm ngăn chặn, loại bỏ sự phát tán các “phim bẩn”, “phim rác”...

Thứ hai, tăng cường quản lý các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, tổ chức, cá nhân phổ biến phim trên không gian mạng; tuyên truyền, đôn đốc các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, tổ chức có hoạt động phổ biến phim trên không gian mạng tuân thủ quy định pháp luật về điện ảnh. Đồng thời tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng trong công tác quản lý như: quản lý doanh nghiệp có giấy phép cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình; quản lý doanh nghiệp nước ngoài chuyển từ cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình sang dịch vụ phổ biến phim trên không gian mạng…

Thứ ba, quan tâm đầu tư về hạ tầng kỹ thuật - khoa học - công nghệ. Vì số lượng phim chiếu mạng quá lớn, nên đòi hỏi phải có công cụ hỗ trợ để giúp sàng lọc. Do đó, cần phải có sự đầu tư về công nghệ để lọc được các sai phạm trong các sản phẩm điện ảnh.

Thứ tư, tăng cường xử lý vi phạm. Việc xử lý các trường hợp vi phạm phải có tính răn đe, ngăn chặn. Cùng với sự nghiêm minh, kiên quyết trong ngăn chặn, gỡ bỏ, vô hiệu hóa đối với những phim vi phạm, cần triệt để thực hiện xử phạt hành chính theo đúng quy định của Luật đối với những tổ chức, cá nhân vi phạm. Kiên quyết khắc phục những hạn chế, tiêu cực trong công tác xử lý vi phạm như “giơ cao đánh khẽ”, “phạt cho tồn tại”… Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần chủ động giám sát, lắng nghe cộng đồng mạng về nội dung phim trên dịch vụ của các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, tổ chức đã thực hiện thủ tục để được phổ biến phim trên không gian mạng, kịp thời xử lý vi phạm về phân loại, giám sát người xem; xây dựng cơ chế khuyến khích, huy động nhiều nguồn lực của xã hội cho đầu tư cơ sở hạ tầng, có cơ chế phản ánh, kiến nghị hoạt động phổ biến phim vi phạm pháp luật... để tổ chức, cá nhân tham gia hỗ trợ cho công tác quản lý nhà nước về hoạt động phổ biến phim./.

THẾ HOÀNG

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất