Thứ Hai, 9/12/2024
Giáo dục
Thứ Ba, 19/3/2024 15:9'(GMT+7)

Quảng Ninh tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký trò chuyện với các em học sinh tại Đảo Trần, huyện Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký trò chuyện với các em học sinh tại Đảo Trần, huyện Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh.

HIỆN THỰC HÓA CÁC QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU CỦA NGHỊ QUYẾT SỐ 29-NQ/TW

Ngay sau khi Ban Chấp hành Trung ương khóa XI ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”, (Nghị quyết số 29-NQ/TW), Quảng Ninh triển khai công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW. Trong đó nổi bật là:

Thứ nhất, về công tác nghiên cứu, quán triệt, tuyên truyền Nghị quyết số 29-NQ/TW, Tỉnh ủy Quảng Ninh nghiêm túc chỉ đạo quyết liệt việc xây dựng và ban hành các văn bản nhằm triển khai nghiên cứu, học tập, tuyên truyền, quán triệt Nghị quyết số 29-NQ/TW đến toàn bộ cán bộ, đảng viên. 100% đảng bộ trực thuộc tỉnh và 97% cán bộ, đảng viên được học tập, nghiên cứu, quán triệt Nghị quyết số 29-NQ/TW. Tỉnh ủy đã chỉ đạo các các cơ quan, ban, ngành của tỉnh, các đảng bộ trực thuộc xây dựng kế hoạch, tổ chức tuyên truyền Nghị quyết số 29-NQ/TW với nhiều hình thức phong phú, đa dạng . Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội chủ động xây dựng kế hoạch, triển khai quán triệt, tuyên truyền cho đoàn viên, hội viên và nhân dân. Từ khi ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW, trên các hạ tầng: phát thanh, truyền hình, báo in, báo điện tử, cổng thông tin điện tử và các nền tảng mạng xã hội (Youtube Quảng Ninh TV, Fanpage QMG - Tin tức Quảng Ninh 24/7), Trung tâm Truyền thông tỉnh đã sản xuất, đăng tải, phát sóng gần 3.200 lượt tin, bài, ảnh, phóng sự, chương trình, chuyên đề, tác phẩm đa phương tiện tuyên truyền những thành tựu đạt được trong triển khai thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đối với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Thứ hai, về việc ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện Nghị quyết, để thực hiện hóa các quan điểm, mục tiêu của Nghị quyết số 29-NQ/TW, Tỉnh Quảng Ninh đã rà soát, xây dựng và ban hành hệ thống các văn bản triển khai đảm bảo đầy đủ, kịp thời, sát thực tế, đáp ứng yêu cầu thực hiện trên địa bàn tỉnh. Việc thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW đã cụ thể hóa nhóm mục tiêu thành 33 chỉ tiêu cụ thể cho từng giai đoạn. Hội đồng nhân dân tỉnh đã thảo luận và thống nhất ban hành 35 nghị quyết về cơ chế, chính sách trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo góp phần đổi mới, phát triển giáo dục và đào tạo của tỉnh. Trong đó, nhiều nghị quyết mang tính đột phát như Nghị quyết thông qua Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực, Quy hoạch phát triển giáo dục và đào tạo, Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp với các mục tiêu, chỉ tiêu và nhiệm vụ, giải pháp cụ thể theo lộ trình đề ra để làm cơ sở xây dựng cơ chế, chính sách liên quan đến phát triển giáo dục - đào tạo, xây dựng đội ngũ trí thức và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao trên địa bàn tỉnh… Đặc biệt trong giai đoạn 2021 - 2022, Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành nghị quyết quy định về việc miễn 100% học phí cho trẻ em và học sinh từ bậc mầm non đến THPT trên địa bàn toàn tỉnh (bao gồm cả công lập và tư thục) trong năm học 2021 - 2022 và năm học 2022 - 2023 nhằm chia sẻ khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 đối với nhân dân và học sinh trong toàn tỉnh. Trên cơ sở đó, Ủy ban nhân dân tỉnh đã tích cực chỉ đạo các sở, ban, ngành và các địa phương quan tâm, bố trí nguồn lực và triển khai tổ chức thực hiện các chỉ đạo của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh

Thứ ba, về công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết. Trong 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã tổ chức các cuộc kiểm tra, khảo sát về lĩnh vực giáo dục và đào tạo; tổ chức giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật liên quan đến lĩnh vực giáo dục và đào tạo như việc đầu tư, trang sắm, quản lý sử dụng thiết bị giáo dục trên địa bàn tỉnh và chất lượng hệ thống Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên; tổ chức điều tra, khảo sát tại các sở, ngành, các cơ sở giáo dục. Bên cạnh việc kiểm tra, giám sát, Quảng Ninh đã quan tâm thực hiện công tác sơ kết, đánh giá việc triển khai Nghị quyết số 29-NQ/TW gắn với các văn bản chỉ đạo về lĩnh vực giáo dục và đào tạo.

Thứ tư, công tác xây dựng đảng trong trường học được cấp ủy các cấp quan tâm chỉ đạo thực hiện, nhất là công tác giáo dục chính trị tư tưởng nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, đảng viên, giáo viên, học sinh trong thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Đến nay, 100% các trường học đều có chi bộ, đảng viên; toàn ngành giáo dục của tỉnh có 11.684 đảng viên.

Bên cạnh đó, Quảng Ninh cũng rất coi trọng công tác phát triển đảng viên là học sinh trong các trường học. Từ năm 2020 đến năm 2022, toàn tỉnh đã kết nạp được 24 học sinh trung học phổ thông là những học sinh ưu tú có thành tích cao trong học tập và các hoạt động phong trào. Bồi dưỡng học sinh ưu tú kết nạp vào Đảng không chỉ góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên mà còn tạo nguồn nhân lực có trình độ cao, phẩm chất chính trị vững vàng, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới.

Thứ năm, ưu tiên nguồn lực cho giáo dục - đào tạo. Trước khi thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, Quảng Ninh là tỉnh có nền giáo dục phát triển chưa mạnh, thiếu trường, thiếu lớp, thiếu giáo viên ở các vùng miền núi, biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số. Đến nay, sau 10 năm thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, mạng lưới cơ sở giáo dục của tỉnh tiếp tục được duy trì phát triển đa dạng, có đủ các loại hình, cơ bản đã đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân. Trên địa bàn tỉnh hiện có 643 cơ sở giáo dục từ mầm non đến phổ thông, tăng gần 40 cơ sở giáo dục so với giai đoạn trước khi thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, trong đó chủ yếu tăng các cơ sở giáo dục tư thục. Tỉnh ưu tiên nguồn lực từ ngân sách để đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất hệ thống các cơ sở giáo dục - đào tạo theo hướng đạt chuẩn, đồng bộ, hiện đại, triển khai thí điểm mô hình “lớp học thông minh” trong giai đoạn 2011 - 2015; “trường học thông minh” trong giai đoạn 2016 - 2020; vận dụng linh hoạt hình thức đối tác công tư (PPP) để đẩy mạnh xã hội hóa đối với cơ sở giáo dục ở những nơi có điều kiện thuận lợi. Quảng Ninh là một trong những địa phương có tỷ lệ trường ngoài công lập trung học phổ thông đứng đầu cả nước. Trong giai đoạn 2013 - 2023, ngân sách tỉnh bố trí nguồn vốn đầu tư trên 3.345 tỉ đồng để xây dựng mới, cải tạo, sửa chữa cơ sở vật chất cho giáo dục và đạo tạo. Đến nay, số trường đạt chuẩn quốc gia của tỉnh là 558/629 trường, đạt 88,7%, tăng cao so với năm 2013; tỷ lệ phòng học kiên cố hóa đạt 93,4%.

Học sinh Trường Trung học cơ sở Lê Văn Tám (thành phố Hạ Long, Quảng Ninh) chữa bài tập trên bảng thông minh (Ảnh: LT)

Học sinh Trường Trung học cơ sở Lê Văn Tám (thành phố Hạ Long, Quảng Ninh) chữa bài tập trên bảng thông minh.

Song song với việc đầu tư cơ sở vật chất trang thiết bị, Quảng Ninh quan tâm xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp. Trong 10 năm qua, đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục các cấp đã được kiện toàn, củng cố, nâng cao chất lượng, cơ bản đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Đến nay, số lượng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên toàn ngành là 22.815 người (tăng 3.825 người so với năm 2013); trong đó, số cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên có trình độ tiến sĩ, thạc sĩ là 1.047 người; số cán bộ quản lý, giáo viên có trình độ đào tạo đạt chuẩn và trên chuẩn 17.143 người (84,2%), phân bố khá toàn diện ở các cấp học, địa bàn. Chất lượng giáo dục và đào tạo ngày càng được nâng lên; khoảng cách chênh lệch về cơ hội tiếp cận và chất lượng dịch vụ công trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo giữa các vùng miền, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiếu số, miền núi, biên giới, hải đảo và đối tượng người nghèo, người yếu thế ngày càng được thu hẹp. Quảng Ninh được công nhận đạt phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 2, đạt chuẩn xóa chữ mức độ 2; chất lượng giáo dục mũi nhọn có nhiều chuyển biến tích cực. Đặc biệt, trong 3 năm học gần đây, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề do đại dịch COVID-19, song, ngành giáo dục và đào tạo Qung Ninh đã chủ động, kịp thời vận dụng linh hoạt, sáng tạo phương pháp và hình, thức dạy học, nhất là tận dụng mọi cơ hội an toàn duy trì dạy học trực tiếp là chủ yếu, kết hợp với học trực tuyến để các hoạt động giáo dục không bị ngưng trệ, đảm bảo chất lượng; tổ chức thành công kỳ thi tuyển sinh lớp 10 và kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông hằng năm từng bước nâng cao về chất lượng, thứ hạng.

PHẤN ĐẤU NẰM TRONG NHÓM CÁC TỈNH, THÀNH PHỐ DẪN ĐẦU VỀ TRÌNH ĐỘ, CHẤT LƯỢNG PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì cuộc họp họp, nghe và cho ý kiến về 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của BCH trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu CNH-HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế.

Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì cuộc họp, nghe và cho ý kiến về 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Để thực hiện được mục tiêu chậm nhất đến năm 2030, Quảng Ninh nằm trong nhóm 15 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về trình độ, chất lượng phát triển giáo dục, đào tạo, một trong những trung tâm giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của vùng; tỉnh học tập tham gia mạng lưới thành phố, tỉnh học tập (toàn cầu của UNESCO), Quảng Ninh đề ra một số nhiệm vụ giải pháp cho thời gian tới:

Thứ nhất, tăng cường trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp, nhất là người đứng đầu trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo. Các cấp ủy, chính quyền, các ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức quán triệt và thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quan điểm, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phát triển và đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo; hằng năm phải có chương trình, kế hoạch cụ thể lãnh đạo, chỉ đạo nhằm nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông; kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của ngành giáo dục đào tạo, các cơ sở giáo dục theo thẩm quyền. Lấy hiệu quả nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông trên địa bàn là một tiêu chí đánh giá, xếp loại công tác của cấp ủy, tổ chức đảng và người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các địa phương và cơ sở giáo dục hằng năm.

Thứ hai, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo. Tăng cường công tác thanh tra, giám sát, kiểm tra, đánh giá, kiểm định chất lượng giáo dục và đào tạo bảo đảm đúng thực chất, công bằng. Các cơ sở giáo dục cần tiếp tục đổi mới công tác quản lý giáo dục, quản trị nhà trường theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Ưu tiên đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo đối với các vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, nơi tập trung đông công nhân, lao động, khu công nghiệp, khu kinh tế và các đối tượng chính sách,... Rà soát, sắp xếp lại hợp lý đối với các trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú phù hợp với yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông trong tình hình mới.

Thứ ba, đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn tổ chức Đảng và nâng cao trách nhiệm đảng viên trong các cơ sở giáo dục và đào tạo thực sự trong sạch, vững mạnh; phát huy dân chủ trong các nhà trường; xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, kiên quyết khắc phục bệnh thành tích, hình thức; ngăn ngừa và xử lý nghiêm các tiêu cực trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Tăng cường vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu trong các cơ sở giáo dục và đào tạo; tiếp tục thực hiện việc đổi mới nội dung, chương trình và phương pháp giáo dục; xây dựng mô hình nhà trường hiện đại - sáng tạo. Tiếp tục triển khai có liệu quả các giải pháp thực hiện giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh sau trung học cơ sở phù hợp điều kiện thực tiễn ở từng địa phương.

Thứ tư, nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục các cấp. Đẩy nhanh việc thực hiện nhiệm vụ chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo theo từng cấp học và trình độ đào tạo bảo đảm tất cả giáo viên phải có trình độ từ đại học trở lên, có năng lực sự phạm; cán bộ quản lý giáo dục các cấp phải qua đào tạo về nghiệp vụ quản lý. Chú trọng đào tạo, đào tạo lại, phát triển, thu hút đội ngũ giáo viên bảo đảm đủ về cơ cấu, số lượng, chất lượng đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo. Rà soát, nghiên cứu đổi mới mạnh mẽ cơ chế, chính sách đãi ngộ phù hợp với khả năng, điều kiện và thẩm quyền của địa phương nhằm cải thiện mức sống, điều kiện làm việc, chỗ ở; cơ chế, chính sách thu hút giáo viên giỏi, sinh viên sư phạm tốt nghiệp loại giỏi, xuất sắc về vùng sâu, miền núi, biên giới, hải đảo.

Thứ năm, đẩy mạnh xã hội hóa phát triển giáo dục và đào tạo, tăng cường thu hút các nguồn lực đầu tư cho giáo dục và đào tạo; phát triển hợp lý và hiệu quả hệ thống trường ngoài công lập chất lượng cao, huy động toàn xã hội chăm lo phát triển giáo dục. Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đồng bộ, hiện đại; nhân rộng mô hình trường trọng điểm, chất lượng cao cấp huyện ở các cấp học, nhất là tại các địa bàn nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo nhằm tạo đột phá về chất lượng giáo dục đại trà và mũi nhọn. Kiên quyết không để xảy ra tình trạng thiếu trường, thiếu lớp học, thiếu giáo viên đứng lớp và thiếu đồ dùng, trang thiết bị dạy học.

Thứ sáu, thực hiện tốt cơ chế phối hợp giữa nhà trường - gia đình - xã hội. Tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác y tế trong trường học, giáo dục thể chất; bảo đảm an toàn trường học, phòng, chống các loại dịch bệnh, vi phạm pháp luật, các tệ nạn xã hội, bạo lực học đường, tai nạn thương tích, đuối nước đối với học sinh; xây dựng môi trường xã hội xung quanh các trường học thật sự lành mạnh, an ninh, an toàn, văn minh. Nâng cao chất lượng công tác truyền thông và các phong trào thi đua trong toàn ngành giáo dục đào tạo, trọng tâm là phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập”, cuộc vận động “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”.

Những thành quả đạt được trong sự nghiệp phát triển giáo dục đào tạo ở tỉnh Quảng Ninh trong 10 năm qua đã khẳng định bước đi đúng hướng, vững chắc. Đây cũng là kết quả của sự quan tâm, chăm lo của các cấp ủy đảng, chính quyền, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và nhân dân toàn tỉnh. Đó là cơ sở vững chắc để Quảng Ninh thực hiện mục tiêu phấn đấu chậm nhất đến năm 2030 nằm trong nhóm 15 tỉnh thành phố dẫn đầu cả nước về trình độ, chất lượng phát triển giáo dục, đào tạo, góp phần xây dựng, phát triển Quảng Ninh là tỉnh kiểu mẫu giàu đẹp, văn minh, hiện đại; là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện, trung tâm du lịch quốc tế, trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước.

 

NGUYỄN HỒNG DƯƠNG
Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Ninh

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất