Chủ Nhật, 19/5/2024
Cùng suy ngẫm
Thứ Ba, 27/2/2018 10:7'(GMT+7)

Sớm loại bỏ hủ tục đốt vàng mã

Người dân tự ý đốt vàng mã trước cổng chùa Hòe Nhai ngay bên phố Hàng Than (Ba Đình, Hà Nội), nơi có nhiều người đang qua lại. Ảnh: Đình Phòng

Người dân tự ý đốt vàng mã trước cổng chùa Hòe Nhai ngay bên phố Hàng Than (Ba Đình, Hà Nội), nơi có nhiều người đang qua lại. Ảnh: Đình Phòng

Sự biến tướng của một tập tục

Tôi có người quen là anh V. ở làng Đông Hồ (Song Hồ, Thuận Thành, Bắc Ninh). Gia đình anh trước đây có truyền thống làm tranh nhưng vì lợi nhuận đã chuyển sang làm vàng mã từ hơn chục năm nay. Dù có thu nhập hơn đôi chút nhưng mọi thành viên trong gia đình đều cho rằng làm vàng mã là nghề “bạc”. Anh V. tâm sự: “Cái bạc thể hiện ở công sức, tâm huyết của mình đổ vào một món hàng mã. Nhiều thứ cũng có thể gọi là sản phẩm thủ công mỹ nghệ đẹp, vậy mà người ta đốt thành tro bụi. Đến giờ, nhiều khi tôi thấy mình cũng chai lỳ cảm xúc với những sản phẩm làm ra. Nhưng rõ ràng nhất là sự lãng phí, đôi khi những món hàng mã “độc”, “lạ” được người ta đặt hàng có giá trị khá lớn nhưng rốt cuộc cũng chỉ để đốt".

Theo một con số ước tính, chỉ riêng Hà Nội, người dân đã bỏ ra khoảng 400 tỷ đồng/năm cho việc đốt vàng mã. Chưa có thống kê cụ thể trong cả nước, song chắc chắn con số đó lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Một số người cũng đưa ra “lý  luận” rằng, số tiền đó không mất đi mà tạo ra thu nhập, việc làm cho nhiều lao động. Nói vậy chỉ đúng ở một khía cạnh nhỏ, bởi công năng sử dụng của vàng mã gần như bằng không. Rõ ràng tài sản của xã hội đang mất đi một cách vô ích. 

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ cho rằng, tục đốt vàng mã là tín ngưỡng dân gian nên chúng ta phải tôn trọng, nhưng cái gì thái quá cũng bất cập. Ông Vĩ nói: “Tục đốt vàng mã xuất xứ từ Đạo giáo của Trung Quốc đã thâm nhập vào nước ta từ lâu đời và ăn sâu trong tín ngưỡng dân gian. Tuy vậy, thời gian gần đây, tập tục này có biểu hiện biến tướng thành những hiện tượng mê tín dị đoan. Người ta quá chú ý đến khía cạnh vật chất mà dường như quên đi cốt lõi tinh thần. Các cụ dạy rằng “lễ bạc lòng thành”, vậy mà đến nay người ta làm những mô hình nhà cửa, ô tô, xe máy để đốt như thế đã làm sai lạc đi tín ngưỡng dân gian. Quan điểm của tôi là nên tuyên truyền, vận động, khuyến khích người dân đơn giản hóa hoạt động này, tránh lãng phí vô ích”.

Cần có lộ trình để xóa bỏ tục đốt vàng mã

Một tín hiệu đáng mừng là GHPG Việt Nam đã có những bước vận động để phật tử không đốt vàng mã trong chùa. Tại Lễ hội Chùa Hương (Hà Nội) năm nay, người ta chứng kiến nhiều đội tình nguyện viên thay mặt nhà chùa xin giữ lại vàng mã của phật tử trước cổng nhiều ngôi chùa. Bên cạnh đó, từ nhiều năm qua, chư tôn tăng ni đã có những bài thuyết pháp khẳng định đạo Phật phản đối đốt vàng mã. Và mới đây, Trung ương GHPG Việt Nam đã có công văn yêu cầu trụ trì các tự viện loại bỏ hủ tục mê tín dị đoan đốt vàng mã.

Trước Tết Nguyên đán, tại tỉnh Bắc Ninh, trong cuộc gặp mặt báo chí về công tác tổ chức lễ hội của tỉnh nhà, “nạn” đốt vàng mã quá nhiều tại đền Bà Chúa Kho cũng được đề cập. Lãnh đạo tỉnh đánh giá: Địa phương cũng đã có hình thức cất giữ các loại vàng mã cúng trong đền, sau đó chia lại cho người dân theo hình thức “tán lộc”, như vậy chỉ giảm được việc đốt vàng mã tại đền, chứ chưa giải quyết được nguyên nhân cốt lõi của vấn đề; trong tương lai phải có những hình thức khác để hạn chế, tiến tới loại bỏ hủ tục này. Ngành văn hóa Hà Nội cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền Quy tắc ứng xử trong lễ hội; các tỉnh có lễ hội lớn, như: Quảng Ninh, Hải Phòng, Lạng Sơn, Hưng Yên… đều có những chế tài, phạt tiền nặng đối với hành vi đốt vàng mã sai quy định.

Dư luận cũng có ý kiến cho rằng, Nhà nước cần phải cấm vàng mã giống như cấm pháo nổ trước đây. Nghĩa là quản lý chặt đầu vào và đầu ra, không cho phép sản xuất, vận chuyển, bày bán vàng mã nữa. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy cho biết: “Từ nhiều năm nay, Bộ VHTTDL luôn khẳng định quan điểm cần đẩy lùi, loại bỏ tập tục đốt vàng mã vốn ăn sâu trong tiềm thức của người dân Việt Nam. Bộ VHTTDL hoàn toàn ủng hộ quan điểm của GHPG Việt Nam đề nghị "loại bỏ mê tín dị đoan, đốt vàng mã”, đồng thời sẽ triển khai nhiều giải pháp nhằm đẩy lùi vấn nạn này”.

Cùng với những biện pháp tuyên truyền, quản lý trong mùa lễ hội 2018, hy vọng Bộ VHTTDL cùng với các cơ quan quản lý Nhà nước liên quan sẽ sớm đưa ra được lộ trình thích hợp nhằm hạn chế và tiến tới loại bỏ nạn đốt vàng mã trong cả nước.

Nguyên Phong/QĐND

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất