Riêng trong tháng 3/2017, cả nước xảy ra 8 vụ ngộ độc thực phẩm với 245 người mắc; trong đó, 4 người bị tử vong.
Theo đại diện Bộ Y tế, 2/4 ca tử vong vì ngộ độc thực phẩm trong tháng 3/2017 là do ăn trứng cóc, 2 ca còn lại là bổ sung vì đã xảy ra từ 19/2 và 26/2 trong vụ ngộ độc do rượu chứa methanol ở tỉnh Lai Châu ngày 13/2.
Trước đó, tháng 2/2017, Bộ Y tế đã báo cáo về 7 ca tử vong từ vụ ngộ độc rượu tại Lai Châu. Như vậy, đã có đến 9 người bị tử vong trong vụ ngộ độc rượu methanol lớn nhất từ trước đến nay này.
Tích lũy từ đầu năm đến nay, toàn quốc đã xảy ra 21 vụ ngộ độc thực phẩm với 641 người mắc, 627 người đi viện, 15 người tử vong. Tuy nhiên, con số tử vong vì ngộ độc thực tế chắc chắn còn cao hơn so với số liệu báo cáo của Bộ Y tế; riêng Hà Nội, từ cuối tháng 2/2017 đến nay, đã có 3 ca tử vong vì uống phải rượu độc methanol.
Ngoài ngộ độc thực phẩm, tình hình dịch bệnh trong tháng 3 cũng khá “nóng” với việc ghi nhận thêm 13 ca ho gà. Đến nay, cả nước ghi nhận 114 ca mắc, 5 ca tử vong do ho gà. Các ca bệnh tập trung chủ yếu ở khu vực miền Bắc( 107/114 ca), trong đó nhiều nhất tại Quảng Ninh (27), Hà Nội (22) và Gao Đằng (13).
Đại diện Bộ Y tế cũng cho biết, tháng qua, cũng có thêm 1.700 ca mắc tay chân miệng. Tính từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận hơn 6.270 ca sốt xuất huyết, tăng gần 23% so với cùng kỳ năm 2016.
Đáng nói, trong tháng, vẫn ghi nhận 3 ca nhiễm bệnh do virút Zika tại Thành phố Hồ Chí Minh (2 ca) và Khánh Hòa (1 ca) trong tổng số 50 mẫu xét nghiệm. Tích lũy từ đầu năm, cả nước ghi nhận 16 ca mắc tại TP. Hồ Chí Minh (11), Bình Dương (2), Đồng Nai (1), Lâm Đồng (1) và Khánh Hòa (1) trong tổng số 251 mẫu xét nghiệm.
Với bệnh sốt xuất huyết, tuy số mắc giảm khoảng 36,8% so với cùng kỳ nhưng cũng ghi nhận tới 4.189 ca, 2 ca tử vong.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến, tháng 4 này, Bộ Y tế tiếp tục theo dõi sát tình hình dịch bệnh, đặc biệt là bệnh sốt xuất huyết, bệnh do virút Zika, dịch cúm A(H7N9). Tăng cường khuyến cáo cách phòng, chống dịch bệnh trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Đồng thời, triển khai các đoàn thanh, kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm tại các địa phương. Chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương tăng cường triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, phỏng chống ngộ độc thực phẩm trên địa bàn quản lý, tổ chức lực lượng thường trực sẵn sàng chỉ đạo, phối hợp trong công tác điều tra, xử lý khắc phục hậu quả khi có sự cố an toàn thực phẩm xảy ra.
Đặc biệt, ngành Y tế sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị triển khai các đoàn thanh tra, kiểm tra công tác hành nghề khám chữa bệnh tại các phòng khám tư nhân, chất lượng vắc xin và giám sát tiêm chủng. Tăng cường đào tạo, nâng cao năng lực phòng tai biến sản khoa, nâng cao chất lượng bệnh viện…
TTXVN