Thứ Sáu, 17/5/2024
Thực tiễn - Kinh nghiệm
Thứ Tư, 15/11/2023 9:21'(GMT+7)

Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy với phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo

Bài 1: Tạo đột phá cho tăng trưởng kinh tế và phát triển nhanh, bền vững

 

Nhận thức được tầm quan trọng của khoa học công nghệ, trong những năm qua, tỉnh Tây Ninh đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các hoạt động của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo để tạo đột phá cho tăng trưởng kinh tế và phát triển tỉnh nhanh, bền vững.

NHỮNG ĐÓNG GÓP CỦA KHOA HỌC CÔNG NGHỆ, ĐỔI MỚI SÁNG TẠO ĐỐI VỚI SỰ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI TÂY NINH

Nằm ở vị trí tiếp giáp với các địa phương có nền kinh tế phát triển nhanh, năng động, nhất là Thành phố Hồ Chí Minh - đầu tàu kinh tế phía nam và tỉnh Bình Dương, Tây Ninh được xem là một tỉnh giữ vai trò quan trọng đối với sự phát triển của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Bên cạnh đó, Tây Ninh là cửa ngõ giao thông đường bộ quan trọng sang Campuchia và các nước Asian. Tây Ninh không chỉ là một đầu mối giao thương, trung chuyển hoàng hoá, dịch vụ, du lịch, thương mại giữa các nước trong tiểu vùng sông Mê-kông, mà còn là một vị trí chiến lược về quốc phòng an ninh.

Có ưu thế được thiên nhiên ưu đãi về thổ nhưỡng, khí hậu ổn định, không gian xanh chiếm diện tích lớn, Tây Ninh luôn chú trọng phát triển kinh tế theo hướng bền vững, dựa trên thế mạnh kinh tế nông nghiệp, đặc biệt là cao su, mía, mì, đậu phộng gắn với nền công nghiệp chế biến hàng nông sản; đẩy mạnh phát triển các lĩnh vực kinh tế xanh như thương mại - dịch vụ, tạo bước đột phá về kinh tế biên mậu, du lịch… Trong đó, chú trọng khai thác tiềm năng về du lịch với các điểm đến hấp dẫn: Khu di tích lịch sử - văn hoá và thắng cảnh Núi Bà Đen, Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Trung ương Cục miền Nam, Vườn Quốc gia Lò Gò - Xa Mát, Toà thánh Cao Đài Tây Ninh, …

Cùng với phát triển du lịch, thương mại - dịch vụ, kinh tế biên mậu, Tây Ninh luôn mở cửa chào đón, thu hút các nhà đầu tư vào đầu tư, khai thác ở các ngành, lĩnh vực kinh tế lợi thế, tiềm năng của tỉnh, như công nghiệp tinh chế sản phẩm nông nghiệp; công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp công nghệ cao.

Báo cáo sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đánh giá: mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, nhưng với sự nỗ lực lớn, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và xây dựng Đảng, hệ thống chính trị đạt được những kết quả quan trọng, có mặt nổi bật, cụ thể: Kinh tế của tỉnh vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng dương, từ năm 2020-2021, GRDP tăng lần lượt 3,23% và 0,88%, riêng năm 2022 phục hồi mạnh mẽ, GRDP đạt mức tăng trưởng 9,2%, 6 tháng đầu năm 2023 đạt 4,07%. GRDP bình quân đầu người từ 3.190 USD năm 2020 tăng lên 3.690 USD vào năm 2022. Sản xuất công nghiệp gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn duy trì được mức tăng trưởng; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) năm 2021 tăng 2,37%, năm 2022 tăng 15,46%, 6 tháng năm 2023 tăng 4,3%. Tập trung cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng chuỗi giá trị, các chuỗi liên kết sản xuất – tiêu thụ đang được hình thành và nhân rộng … Trong 3 năm liên tiếp, Tây Ninh thuộc nhóm 5 tỉnh, thành phố có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất cả nước.

Các kết quả đạt được có sự đóng góp không nhỏ của KHCN và ĐMST trên địa bàn tỉnh. Nhiều cấp uỷ đảng, chính quyền gắn mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KHCN và ĐMST với mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội của từng ngành, từng cấp, từng địa phương. Việc đổi mới tổ chức và phương thức quản lý, cơ chế hoạt động khoa học và công nghệ, nhất là việc quản lý, đầu tư nghiên cứu ứng dụng khoa học và công nghệ trên tất cả các lĩnh vực, tăng cường đầu tư phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh từng bước được đẩy mạnh.


Tỉnh đã cụ thể hóa các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước thành các chính sách tại địa phương như: các Chương trình, Dự án hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao năng suất, năng lực cạnh tranh, đổi mới công nghệ; áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến; bảo hộ sở hữu trí tuệ; quy định về quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ, về cơ chế tài chính .., bước đầu góp phần thúc đẩy hoạt động KHCN và ĐMST, nâng cao hiệu quả công tác quản lý khoa học và công nghệ tại địa phương, tạo môi trường khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân liên quan trên địa bàn tỉnh tích cực, chủ động hơn trong việc tham gia vào hoạt động chuyển giao đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Các đại biểu dự Hội thảo khoa học

Các đại biểu dự Hội thảo khoa học "Phát huy vai trò của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Tây Ninh" đang tham quan gian trưng bày các sản phẩm ứng dụng

Trong năm 2022, tỉnh triển khai việc điều tra, tính toán chỉ số đổi mới công nghệ, thiết bị; khảo sát, đánh giá công nghệ hiện có của các cơ sở xử lý chất thải rắn trên địa bàn, qua đó, đánh giá trình độ công nghệ một số ngành chủ lực của tỉnh làm cơ sở cho các nhà quản lý xác định được trình độ công nghệ và đưa ra các mục tiêu, định hướng đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững trong thời kỳ hội nhập và toàn cầu hóa kinh tế. Tốc độ tăng năng suất các nhân tố tổng hợp đạt gần 2,64%, tương ứng với tỷ phần đóng góp vào tăng trưởng kinh tế GRDP là 36,69% (tăng so với giai đoạn 2011-2015 là 30,12%). Tỉnh quan tâm đến việc xây dựng và phát triển thương hiệu các sản phẩm đặc sản của tỉnh. Tính đến nay, Tây Ninh đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ dưới hình thức chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm Mãng cầu Bà Đen; nhãn hiệu tập thể (NHTT) cho 5 sản phẩm đặc sản, đặc trưng của địa phương (Bánh tráng phơi sương Trảng bàng; muối ớt Tây Ninh; nhãn Hòa Thành; Xoài tứ quý Thạnh Bắc, rau rừng Lộc Trát). Bên cạnh đó, Ủy ban nhân dân tỉnh đã cho phép Hợp tác xã cây ăn trái Bàu Đồn sử dụng địa danh “Bàu Đồn” trên nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm “sầu riêng”; sử dụng địa danh “Tây Ninh” trên nhãn hiệu chứng nhận “Bò Tây Ninh” cho sản phẩm dịch vụ từ con bò được nuôi thả trên địa bàn tỉnh.

Đổi mới mạnh mẽ cơ chế chính sách cũng như từng bước đổi mới quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ; huy động nguồn lực từ các ngành các cấp, thu hút nguồn nhân lực khoa học và công nghệ ngoài tỉnh; đẩy mạnh thực hiện cơ chế đặt hàng nhiệm vụ từ các tổ chức và cá nhân trên địa bàn tỉnh, nâng cao vai trò trách nhiệm của cơ quan quản lý, Hội đồng tư vấn khoa học và công nghệ nhằm tuyển chọn đề xuất, đặt hàng nhiệm vụ khoa học và công nghệ ngày càng trọng tâm hơn, phục vụ yêu cầu thực tiễn đặt ra. Kết quả nghiên cứu của các đề tài, dự án được chuyển giao đến các tổ chức chủ trì, tổ chức phối hợp thực hiện trong tỉnh tiếp nhận, ứng dụng vào thực tiễn nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quản lý, phát triển ngành, địa phương.

Tây Ninh đặc biệt quan tâm việc tập hợp và phát huy năng lực sáng tạo của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ; thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng nhân lực phục vụ cho yêu cầu phát triển, nhất là các lĩnh vực trọng tâm như nông nghiệp công nghệ cao, du lịch, y tế, giáo dục. Ngoài việc đào tạo và liên kết đào tạo, tỉnh còn ban hành các chính sách thu hút, đãi ngộ nhân tài đến làm việc tại tỉnh. Tổ chức Lễ tôn vinh danh hiệu “Trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu”, “Điển  hình lao động sáng tạo”, “Tài năng trẻ khoa học và công nghệ” tỉnh Tây Ninh lần thứ I, năm 2023 nhằm tôn vinh, cổ vũ và khẳng định sự quan tâm, trân trọng của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh Tây Ninh đối với các cá nhân tiêu biểu, có đóng góp hiệu quả trong hoạt động khoa học, công nghệ, khơi dậy niềm tự hào về trí tuệ, tinh thần đam mê lao động sáng tạo, đồng thời, nâng cao nhận thức của xã hội về vai trò, tầm quan trọng của nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ trong phát triển kinh tế xã hội nhanh và bền vững của tỉnh Tây Ninh.

Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh đã tập hợp đội ngũ trí thức trong và tỉnh tham gia tư vấn, phản biện đề tài, dự án; phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Liên đoàn Lao động tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo, Tỉnh Đoàn tổ chức tốt Hội thi Sáng tạo Khoa học và Kỹ thuật, tuyên truyền và tham gia Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật toàn quốc, giải thưởng Sáng tạo khoa học và công nghệ Việt Nam và Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc, Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ trên hệ thống thông tin đại chúng, cổng thông tin của tỉnh và của các sở, ngành.

Là tỉnh có thế mạnh về phát triển nông nghiệp, tiềm năng sản xuất nông nghiệp còn khá lớn, nhất là phát triển các cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, cho nên tỉnh chú trọng việc nghiên cứu, triển khai, ứng dụng các đề tài, dự án giúp địa phương tiếp nhận, làm chủ và phát triển các kỹ thuật, công nghệ nhằm giải quyết các vấn đề về: nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng chủ lực của tỉnh như cây lúa, mía, cây mì (sắn); các giống cây trồng, vật nuôi có chất lượng và năng suất cao; ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất và sử dụng các chế phẩm sinh học phục vụ sản xuất nông sản an toàn. Công tác chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trên cây lúa cho nông dân được thực hiện tương đối toàn diện, đồng bộ; năng suất lúa bình quân của tỉnh tăng lên, nâng cao giá trị của lúa hàng hóa trong sản xuất đại trà, đảm bảo an ninh lương thực địa phương và giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tăng thu nhập cho nông dân.

Các đại biểu dự Hội thảo khoa học

 Sản phẩm Mãng cầu Bà Đen Tây Ninh đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ dưới hình thức chỉ dẫn địa lý

Việc ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào trong sản xuất, kinh doanh, đời sống xã hội góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi căn bản và toàn diện nền sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất, kinh doanh, tạo công ăn việc làm cho người lao động, góp phần xóa đói giảm nghèo, thực hiện mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, từng bước nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân, củng cố niềm tin của người dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, chính trị - xã hội được giữ vững và phát triển, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của tỉnh.

Để chủ động tiếp cận và tận dụng các cơ hội của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phát triển kinh tế số, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TU, ngày 26/01/2021 về việc chuyển đổi số đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030; Đề án số 07-ĐA/TU, ngày 16/6/2022 về ứng dụng công nghệ thông tin và cải cách hành chính trong hoạt động của đảng bộ giai đoạn 2021-2025 và Kế hoạch số 86-KH/TU, ngày 08/7/2022 về ứng dụng công nghệ thông tin năm 2022 trong các cơ quan đảng tỉnh Tây Ninh, thể hiện quyết tâm của Tỉnh uỷ, của cả hệ thống chính trị tỉnh nhà trong đẩy mạnh chuyển đổi số trên cả 3 trụ cột: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số; xem đây là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng theo yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, góp phần đổi mới phương thức lãnh đạo, lề lối làm việc và cải cách hành chính; lãnh đạo, chỉ đạo lồng ghép chuyển đổi số vào các nghị quyết, chương trình theo kế hoạch nhiệm kỳ và hằng năm. Các hệ thống thông tin phần mềm được tỉnh xây dựng thống nhất triển khai sử dụng trong toàn khối Đảng và Chính quyền, kịp thời phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ, các đồng chí lãnh đạo.

Đặc biệt, trong những năm đối mặt với đại dịch COVID-19 bùng phát phức tạp, để thích ứng linh hoạt, thực hiện mục tiêu "kép”, tỉnh đã đẩy nhanh và ứng dụng rộng rãi khoa học và công nghệ trong các mặt của đời sống: sử dụng các nền tảng phòng chống dịch, kiểm soát vào ra bằng mã QR; cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đều thực hiện làm việc trực tuyến tại nhà trên nền tảng CNTT; tổ chức họp trực tuyến, dạy và học trực tuyến qua phần mềm Google Meet, Zoom, Microsoft Teams, E-learning, qua internet và trên truyền hình…

Các cơ sở, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân cũng đã hình thành thói quen tích cực tham gia ứng dụng khoa học công nghệ như: tham gia hoạt động thương mại điện tử giúp cho việc thanh toán tiện lợi, nhanh hơn và hiệu quả hơn. Các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư, cải tiến công nghệ sản xuất nhằm nâng cao giá trị và chất lượng sản phẩm, hàng hóa, đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng. Các hoạt động liên quan xây dựng tiêu chuẩn cho sản phẩm, hàng hóa, bảo hộ sở hữu trí tuệ, truy xuất nguồn gốc sản phẩm được các doanh nghiệp chú trọng.

Công tác nghiên cứu, ứng dụng đề tài khoa học xã hội và nhân văn từng bước được nâng lên. Các đề tài tập trung vào việc tổng kết thực tiễn, dự báo xu thế phát triển; tiếp tục cung cấp luận cứ phục vụ việc xây dựng các chủ trương, chính sách, đóng góp thiết thực vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Chú trọng các nghiên cứu về công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền như đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, phòng, chống âm mưu “diễn biến hoà bình”, gỡ bỏ các thông tin xấu, độc, xuyên tạc của các thế lực thù địch, giai đoạn 2022 - 2025; “Kéo giảm tình trạng đảng viên bị xóa tên và xin ra khỏi Đảng trong Đảng bộ tỉnh Tây Ninh, nhiệm kỳ 2020 – 2025; nghiên cứu lịch sử nói chung và lịch sử đảng bộ địa phương nói riêng; những nét đặc trưng văn hoá của tôn giáo, dân tộc trên địa bàn tỉnh.

Ứng dụng khoa học, công nghệ trong công tác quản lý bảo vệ biên giới và quản lý cửa khẩu, kiểm soát xuất nhập cảnh đã tạo điều kiện, hoạt động lưu thông qua lại cửa khẩu nhanh chóng, lưu lượng người, phương tiện xuất nhập cảnh, hàng hoá xuất nhập khẩu qua cửa khẩu ngày càng tăng, hoạt động thương mại biên giới ngày càng phát triển và đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm qua lại cửa khẩu và khu vực biên giới. Ứng dụng khoa học, công nghệ trong lực lượng công an đã giảm thời gian giải quyết công việc cho người dân, doanh nghiệp, hạn chế sai sót, tiêu cực và mang lại tính công khai, minh bạch, giảm phiền hà cho người dân và doanh nghiệp.

TẬP TRUNG KHẮC PHỤC MỘT SỐ HẠN CHẾ

Phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh Tây Ninh tuy có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần phục vụ phát triển kinh tế -  xã hội tỉnh nhưng vẫn còn một số hạn chế nhất định:

Một số cấp uỷ, chính quyền chưa quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo nhiệm vụ phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tại địa phương, đơn vị mình.

Công tác tuyên truyền, phổ biến về chủ trương, chính sách của Nhà nước về khoa học và công nghệ có lúc có nơi chưa tác động đến quần chúng nhân dân.

Hoạt động KH&CN phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và sự phát triển của tỉnh, chưa được xem là “quốc sách hàng đầu” để trở thành động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Hoạt động đổi mới sáng tạo của tỉnh chỉ ở giai đoạn bước đầu, chưa đi vào chiều sâu.

Kinh phí đầu tư cho KH&CN của tỉnh còn thấp; huy động nguồn lực của xã hội, nhất là từ doanh nghiệp vào hoạt động KH,CN&ĐMST còn hạn chế. Vốn sự nghiệp KH&CN phân bổ thực hiện ở cấp huyện rất thấp so với ở cấp tỉnh, chưa thu hút được nguồn kinh phí ngoài ngân sách, cơ chế tài chính còn rườm rà, chưa thật sự khuyến khích cho hoạt động nghiên cứu KH&CN.

Sản phẩm của hoạt động nghiên cứu, ứng dụng KH&CN chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế của đời sống; chưa có đề tài, dự án có tính đột phá cao để tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Tổ chức KH&CN công lập của tỉnh chưa xây dựng được các dịch vụ KH&CN chủ lực, chưa trở thành đơn vị nòng cốt trong nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao công nghệ.

Việc phát triển thị trường khoa học, công nghệ tại tỉnh còn khó khăn, chưa hình thành được các tổ chức trung gian của thị trường công nghệ; chưa thương mại hóa được kết quả nghiên cứu, số lượng giao dịch mua bán công nghệ còn thấp. Công tác xây dựng và phát triển thương hiệu cho các sản phẩm đặc sản của tỉnh còn chậm, chưa phát huy được lợi thế cạnh tranh.

Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh có trình độ đại học, trên đại học ngày càng tăng nhưng số người có năng lực nghiên cứu triển khai, ứng dụng khoa học, công nghệ còn ít; chưa có chính sách đủ mạnh để khuyến khích, thu hút nguồn nhân lực có trình độ, chuyên môn sâu trong các lĩnh vực công nghệ cao về làm việc tại Tây Ninh. Việc đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực KH&CN cũng chưa được quan tâm đúng mức

Nguyên nhân của những hạn chế nêu trên là do nhận thức của một số cấp uỷ, chính quyền về vai trò, tầm quan trọng của phát triển KHCN&ĐMST chưa thật  đầy đủ, chưa coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm cần ưu tiên trong lãnh đạo, chỉ đạo; sự phối hợp giữa ngành khoa học, công nghệ với các ngành liên quan chưa thực sự phát huy hiệu quả, nhất là trong hoạt động phối hợp thực hiện các nhiệm vụ khoa học, công nghệ chưa đạt hiệu quả cao.

Đầu tư cho phát triển KH&CN còn thiếu trọng tâm; chưa tập trung vào lĩnh vực, ngành có tính đặc thù để phát huy và đột phá.

Chưa xây dựng và triển khai được cơ chế, chính sách để hình thành sự gắn kết chặt chẽ giữa nghiên cứu và sản xuất, kinh doanh. Tỉnh chưa có viện nghiên cứu, trường đại học; chưa có cơ chế, chính sách đủ mạnh để thu hút nguồn nhân lực  chất lượng cao phục vụ cho hoạt động khoa học, công nghệ tại địa phương. Các hình hợp tác xã (HTX) hoặc các hiệp hội ngành nghề từ trước đến nay hoạt động còn hạn chế, nên việc chuyển giao thương hiệu cho HTX quản lý và phát triển thương hiệu còn gặp nhiều khó khăn.

Việc đặt hàng nhiệm vụ KH&CN có xu hướng giảm dần qua từng năm, nhất là về các vấn đề KH&CN cấp thiết. Phần lớn sở, ngành, địa phương chưa xem việc đề xuất, đặt hàng cho KH&CN là yêu cầu, nhiệm vụ quan trọng của ngành mình để thúc đẩy tăng trưởng, tạo sự bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả công việc, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Hầu hết đề tài nghiên cứu mang nặng tính lý thuyết, thiếu đề tài ứng dụng thực tiễn.

Hạ tầng khoa học, công nghệ còn chậm phát triển, thiếu sự gắn kết hữu cơ giữa nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông. Doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh phần lớn là nhỏ và vừa, khó tiếp cận được các nguồn vốn, tín dụng để tiến hành đổi mới công nghệ do vướng mắc về điều kiện tài sản bảo đảm, số năm kinh nghiệm hoạt động... Nhiều doanh nghiệp chưa có tầm nhìn dài hạn về việc cải tiến, đổi mới công nghệ để phát triển bền vững; các nỗ lực đổi mới công nghệ còn mang tính nhỏ lẻ, thiếu hệ thống.

Phần lớn cán bộ khoa học và công nghệ địa phương làm công tác quản lý, công tác sự nghiệp; thiếu cán bộ, chuyên gia giỏi, có kinh nghiệm ở nhiều lĩnh vực và chủ trì, chủ nhiệm các chương trình, đề tài, đề án nghiên cứu ứng dụng khoa học và công nghệ.

(Còn tiếp)

Nguyễn Hương

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất