Thứ Hai, 9/12/2024
Vấn đề quan tâm
Thứ Ba, 18/9/2018 15:11'(GMT+7)

Thoát nghèo, phải trở thành động lực

Nhờ vốn vay ưu đãi, bà con có điều kiện phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững. (Ảnh: Báo Công Thương)

Nhờ vốn vay ưu đãi, bà con có điều kiện phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững. (Ảnh: Báo Công Thương)

Mục tiêu xóa đói, giảm nghèo luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm đặc biệt. Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, Nhà nước chưa bao giờ cắt giảm ngân sách dành cho an sinh xã hội. Cùng với đó, thời gian qua đã có sự nỗ lực vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp.

Rất nhiều chương trình, dự án thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH), xóa đói giảm nghèo ở miền núi, các huyện nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã được triển khai, như: Chương trình 135, Chương trình 30a, Chương trình bò giống giúp người nghèo biên giới... Các chính sách xóa đói, giảm nghèo còn được lồng ghép trong nhiều chương trình nông nghiệp, cho vay vốn hộ nghèo... Nhờ những nỗ lực ấy, đến hết năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo cả nước còn 6,7% (giảm 1,53% so với cuối năm 2016); ước tính đến cuối năm 2018 còn dưới 6% (giảm khoảng 1-1,3% so với năm 2017); tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo giảm bình quân 5,43%/năm; tại các xã thuộc Chương trình 135 giảm khoảng 3-4%/năm. Đó là thành quả đáng ghi nhận.

Tuy nhiên, công tác giảm nghèo chưa thực sự bền vững, tiến độ giảm nghèo vẫn chậm so với mong muốn, tỷ lệ hộ nghèo phát sinh cao. Theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, việc thực hiện Nghị quyết số 76/2014/QH13 về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020, thì đến tháng 3-2018, tuy đã có 8/64 huyện thuộc Chương trình 30a thoát nghèo, nhưng lại bổ sung 29 huyện vào danh sách huyện nghèo giai đoạn 2018-2020. 12 tỉnh, thành phố có tỷ lệ tái nghèo tăng rõ rệt (tăng từ 0,03% trở lên), trong đó có cả một số tỉnh có điều kiện phát triển KT-XH thuận lợi; số hộ tái nghèo bằng khoảng 1/20 số hộ thoát nghèo; số hộ nghèo mới phát sinh bằng khoảng 1/4 số hộ thoát nghèo. Nhiều tỉnh thuộc khu vực bị thiên tai nghiêm trọng có tỷ lệ phát sinh hộ nghèo mới hằng năm rất cao.

Từ đặc điểm tự nhiên, xã hội của nước ta, có thể thấy xóa đói, giảm nghèo là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, rất khó có điểm kết thúc và phải luôn là ưu tiên hàng đầu khi thiết kế các chính sách. Bởi, nước ta có 3/4 diện tích là đồi núi, tại những nơi này đường sá đi lại khó khăn, dân cư thưa thớt... do đó để phát triển kinh tế là không hề dễ, cần những chính sách đặc biệt. Thêm vào đó, trong những năm gần đây, thiên tai ngày càng khốc liệt. Chỉ cần một cơn bão hoặc trận lũ là rất nhiều công trình, tài sản của Nhà nước và nhân dân bị phá hủy, cuốn trôi. Những hiểm họa ốm đau, bệnh tật cũng có thể khiến kinh tế của bất cứ gia đình nào suy sụp... 

Muốn công tác xóa đói, giảm nghèo bền vững rất cần sự nỗ lực của toàn xã hội, trong đó có hai thành tố quan trọng là chính quyền địa phương và người dân nghèo. Chính quyền địa phương, đặc biệt là cấp xã, cấp huyện là nơi gần dân nhất, cần nắm rõ các nhu cầu của người dân, phải vận động tối đa tìm các hướng, các nguồn hỗ trợ, các giải pháp khả thi, các cơ hội cho người dân thoát nghèo. Chính quyền cần thôi thúc động lực thoát nghèo của toàn địa phương, trong mỗi người dân. Từ mỗi lớp học ở vùng khó khăn cần phải thắp lên ý chí và khát vọng vươn lên cho mỗi em học sinh, không cam chịu, không chấp nhận phải sống trong nghèo nàn, lạc hậu, nỗ lực học tập để thay đổi số phận của bản thân, góp phần thay đổi quê hương.

Công cuộc thoát nghèo có nhanh, có bền vững hay không phụ thuộc cả từ ngoại lực và nội lực. Ngoại lực là chủ trương, chính sách đúng, sự vào cuộc quyết liệt, trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và cả xã hội cùng chung tay giúp đỡ; còn nội lực là nỗ lực tự thân của mỗi người dân, mỗi gia đình và mỗi địa phương./.

Hồ Quang Phương (qdnd.vn)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất