Thứ Hai, 14/10/2024
Ban Tuyên giáo Trung ương
Thứ Tư, 1/3/2023 20:6'(GMT+7)

Tiếp tục phát triển tư duy lý luận của Đảng đối với văn học, nghệ thuật

Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu tổng kết và chỉ đạo tại Tọa đàm.

Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu tổng kết và chỉ đạo tại Tọa đàm.

Chiều 1/3, tại Hà Nội, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương tổ chức Tọa đàm khoa học “Đề cương về văn hóa Việt Nam và sự phát triển tư duy lý luận của Đảng đối với văn học, nghệ thuật 80 năm qua”.

Dự và chủ trì Tọa đàm có các đồng chí: Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Trần Hồng Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, Phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương (Hội đồng). Cùng dự có các đồng chí lãnh đạo và đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, các hội chuyên ngành văn học, nghệ thuật Trung ương và Hà Nội, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật...

ĐỘNG VIÊN, THỨC TỈNH, DẪN ĐƯỜNG GIỚI TRÍ THỨC, VĂN NGHỆ SĨ NƯỚC NHÀ

Phát biểu khai mạc - đề dẫn Tọa đàm, PGS. TS. Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng nêu rõ, Tọa đàm khoa học là một trong những hoạt động có nhiều ý nghĩa thiết thực chào mừng 80 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam của Đảng ta, tiếp tục thực hiện sự chỉ đạo của Đảng và của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021, đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống.

Đồng chí Nguyễn Thế Kỷ nhấn mạnh, Đề cương về văn hóa Việt Nam (Đề cương) ngay từ khi ra đời đã khẳng định tư duy, tầm nhìn, trí tuệ, bản lĩnh của Đảng ta về cách mạng và văn hóa; như ngọn đèn pha soi rọi cho những người cộng sản và toàn dân nhìn thấy con đường mình đang đi và sẽ đi tới; động viên, thức tỉnh, dẫn đường giới trí thức, văn nghệ sĩ, những người nặng lòng với đất nước dấn thân cùng Đảng để cứu nước, cứu dân; hăng hái tham gia mặt trận văn hóa, tư tưởng; không bi quan, dao động, không bị ru ngủ bởi luận điệu và luận thuyết  sai trái, lừa gạt của chế độ phát-xít, thực dân...

Các đồng chí chủ trì Tọa đàm.

Đề cương khẳng định: “Văn hóa dân tộc Việt Nam sẽ do cách mạng dân chủ giải phóng thắng lợi mà được cởi mở xiềng xích và sẽ đuổi kịp văn hóa tân dân chủ thế giới”. Quan điểm “sự nghiệp văn hoá là của toàn dân, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng”; tính chất nền văn hoá mới Việt Nam là dân tộc về hình thức, tân dân chủ về nội dung; ba nguyên tắc “dân tộc hóa”, “đại chúng hóa”, “khoa học hóa” và được Chủ tịch Hồ Chí Minh đúc kết “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” mãi là quan điểm, là mục tiêu, là phương châm và nguyên tắc để cùng với chính trị và kinh tế, giúp dân tộc ta, nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, tất cả vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh

Theo đồng chí Nguyễn Thế Kỷ, mục tiêu chủ yếu của Tọa đàm là căn cứ vào nội dung của Đề cương, xuất phát từ đời sống lý luận, phê bình và thực tiễn phát triển văn học, nghệ thuật (VHNT) nước nhà để đánh giá, làm rõ những vấn đề cơ bản, trọng tâm sau:

Thứ nhất, nghiên cứu, trao đổi, thảo luận về Đề cương 80 năm qua, tuy nhiên, để tránh trùng lặp với các cuộc hội thảo, tọa đàm khác, các nhà khoa học, các văn nghệ sỹ chú ý nhiều hơn cho chủ đề “sự phát triển tư duy lý luận của Đảng đối với văn học, nghệ thuật 80 năm qua”.

Thứ hai, nghiên cứu, trao đổi về Đề cương với phạm vi vấn đề “bao gồm cả tư tưởng, học thuật, nghệ thuật”, nhưng chú ý nhiều hơn cho lĩnh vực học thuật và nghệ thuật, từ đó làm rõ sự phát triển tư duy lý luận của Đảng đối với VHNT; những thành tựu và bài học quan trọng, nổi bật mà chúng ta có được; Đảng ta đã quán triệt, vận dụng, bổ sung và phát triển những tư tưởng, quan điểm của Đề cương trong chặng đường 80 năm qua.

Thứ ba, tập trung nhiều hơn cho việc đánh giá sự ảnh hưởng của Đề cương đối với văn hóa nói chung, với sự phát triển của văn hóa, văn nghệ nước nhà 80 năm qua, những thành tựu nổi bật của nền VHNT đã gặt hái được; những đề xuất, kiến nghị quan trọng, cấp thiết hôm nay với Đảng và Nhà nước.

Thứ tư, từ Đề cương, xác định những vấn đề đặt ra đối với nền văn hóa, văn nghệ nước ta trước yêu cầu mới. Trong đó lưu ý, Cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 tạo những tiền đề quan trọng cho công cuộc phát triển văn hóa, văn nghệ, làm cho văn hóa là nền tảng, là mục tiêu, là động lực, là sức mạnh nội sinh quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Quá trình này tạo tiền đề để các ngành, bộ môn văn hóa, văn nghệ phát huy tối đa sức sáng tạo, những phương thức biểu đạt mới và hiện đại chưa từng có trong lịch sử nhân loại, đặt ra cả cơ hội và thách thức trong quá trình lãnh đạo, quản lý văn hóa, văn nghệ; sự sáng tạo, truyền bá và thụ hưởng giá trị văn hóa, văn nghệ.

Đồng chí Nguyễn Thế Kỷ phát biểu khai mạc - đề dẫn Tọa đàm.

NÓI ĐẾN VĂN HÓA CŨNG LÀ NÓI ĐẾN CON NGƯỜI

Phát biểu tại Tọa đàm, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh, cùng với Hội thảo “80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943-2023) Khởi nguồn và động lực phát triển” tổ chức ngày 27/2 vừa qua, cuộc Tọa đàm khoa học “Đề cương về văn hóa Việt Nam và sự phát triển tư duy lý luận của Đảng về văn học, nghệ thuật 80 năm qua” được tổ chức hôm nay là những hoạt quan trọng, thiết thực, khái quát được toàn diện 80 năm khởi nguồn và phát triển của Đề cương về văn hóa Việt Nam - cương lĩnh đầu tiên của Đảng ta về văn hóa.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, nói đến văn hóa cũng là nói đến con người. Văn hóa và con người luôn hòa quyện với nhau. Con người tạo ra văn hóa và nhờ có văn hóa mà con người trở nên hoàn thiện và ngày càng “nâng tầm”. Vì thế, khi bàn thảo những vấn đề liên quan đến Đề cương về văn hóa với lý luận của Đảng về VHNT cũng là bàn đến những vấn đề liên quan đến con người.

Theo Phó Thủ tướng, về mặt lý luận, vấn đề văn hóa với con người cần tiếp tục nghiên cứu. Bởi, khi nói đến văn hóa mà thiếu đi con người là thiếu đi chủ thể của văn hóa, do đó cần nhấn mạnh đến vai trò trung tâm của con người trong quá trình tạo ra văn hóa, từ văn hóa sẽ tạo nên cốt cách, bản lĩnh, phẩm chất cao quý của con người. Theo đó, trong tình hình mới, cần quan tâm đến việc phát triển lý luận về văn học, nghệ thuật đối với việc phát triển con người; cần nhấn mạnh vị trí, tầm quan trọng của chương trình tổng thể chấn hưng và phát triển văn hóa, phải được thực hiện đúng với tinh thần xác lập mối quan hệ biện chứng kinh tế - chính trị - văn hóa - xã hội trong đó có văn hóa - kinh tế, văn hóa - ngoại giao, văn hóa - chính trị, kinh tế hóa văn hóa… đó là những cặp phạm trù hai trong một và đều là những vấn đề tạo động lực để phát triển kinh tế - xã hội.

Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ đã giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng chương trình mục tiêu tổng thể về chấn hưng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Theo đó, để xây dựng được một chương trình mục tiêu tổng thể về chấn hưng và phát triển văn hóa giai đoạn đến năm 2035 và tầm nhìn 2045 cần thấy rõ cơ sở khoa học xuyên suốt của Đề cương về văn hóa Việt Nam dựa trên thế giới quan, nhân sinh quan chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, dựa trên chủ nghĩa duy vật biện chứng và quan điểm lịch sử cụ thể.

 Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phát biểu.

Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh, mọi lý luận khoa học đều phải xuất phát từ thực tiễn, làm giàu từ thực tiễn. Trong từng giai đoạn, lý luận của Đảng về văn hóa và con người đã từng bước phát triển. Văn hóa luôn luôn đồng hành với dân tộc, văn hóa đi cùng với công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; văn hóa đi cùng với đổi mới và hội nhập; thể hiện rõ tinh thần tiên tiến đậm đà, bản sắc dân tộc, độc lập gắn với chủ nghĩa xã hội.

Trong quá trình phát triển, cơ sở để xác định văn hóa hoàn toàn dựa vào hiện thực và mục tiêu con đường sắp tới cũng như phải có tính dự báo. Vì vậy cần phải tiếp tục nghiên cứu về lý luận, đưa ra những dự báo về thế giới và con đường phát triển của văn học, nghệ thuật. Một nền văn học, nghệ thuật vì nhân sinh chắc chắn sẽ tạo nên sức mạnh cho một nền văn hóa phát triển - phát triển vì con người...

Phó Thủ tướng đề nghị Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương sau Tọa đàm sẽ có những kiến nghị cụ thể với Chính phủ nhằm xây dựng một Chương trình tổng thể về chấn hưng phát triển văn hóa Việt Nam; mong muốn các nhà quản lý, nhà khoa học, văn nghệ sĩ tiếp tục nghiên cứu và có những dự báo để văn hóa, văn nghệ tham gia đóng góp thiết thực, hiệu quả hơn nữa cho sự phát triển của đất nước, phù hợp với xu thế phát triển hiện nay.

PGS. TS. Nguyễn Hồng Vinh phát biểu.

MUỐN ĐỔI MỚI VỀ VĂN HÓA PHẢI BẮT ĐẦU TỪ ĐỔI MỚI TƯ DUY VỀ VĂN HÓA

Gần 40 tham luận gửi tới Ban Tổ chức và các ý kiến phát biểu tại Tọa đàm đã tập trung phân tích làm rõ những quan điểm cơ bản về văn hoá, văn nghệ và giá trị lý luận, thực tiễn sâu sắc, lâu bền của Đề cương; làm rõ quá trình kế thừa, vận dụng và phát triển những nội dung quan trọng của Đề cương trong việc xây dựng và phát triển tư duy lý luận văn nghệ Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử. Tập trung phân tích sâu sắc quá trình vận dụng, sáng tạo và phát triển của đường lối văn nghệ thời kỳ đổi mới và hội nhập; đề xuất định hướng và những nội dung cần tiếp tục nghiên cứu, vận dụng, phát triển để xây dựng hệ thống lý luận văn nghệ Việt Nam trong thời kỳ mới….

PGS. TS. Nguyễn Hồng Vinh cho rằng, về thực chất, chúng ta đã cụ thể hóa, bổ sung và phát triển những luận điểm cơ bản trong Đề cương và các nghị quyết sau đó nhằm đáp ứng thực tiễn tình hình đất nước. Nền văn hóa Việt Nam đã huy động được sức mạnh toàn dân tộc, góp sức khơi thông tư tưởng và nhận thức nhiệm vụ chính trị của đất nước trong từng thời kỳ lịch sử cụ thể, động viên và phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước của toàn dân… Sức mạnh của văn hóa, VHNT và các phẩm chất cao đẹp của đội quân làm công tác tư tưởng - văn hóa đã tỏa sáng, làm nên những kỳ tích trong các cuộc đấu tranh vì hòa bình, thống nhất Tổ quốc, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc…

 GS. Hà Minh Đức phát biểu.

Theo GS. Hà Minh Đức, Đề cương ra đời trong lúc nền văn hóa, văn nghệ nước nhà tiêu điều, ảm đạm và đã nhận được sự tán thưởng lớn của quần chúng, văn nghệ sĩ, có ảnh hưởng sâu sắc đến các văn nghệ sĩ. Hưởng ứng sự kêu gọi của Đảng, rất nhiều văn nghệ sĩ lên đường, trở thành các nghệ sĩ - chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng - văn hóa.

Nhằm tiếp tục phát huy giá trị của Đề cương trong việc chấn hưng và phát triển văn hóa, xây dựng con người, trong nhiều giải pháp đề xuất, PGS. TS. Đào Duy Quát nhấn mạnh tới việc thành lập Ban chỉ đạo chấn hưng và phát triển nền văn hóa và con người Việt Nam đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2045.

“Để chấn hưng và phát triển nền văn hóa và con người Việt Nam trong thời kỳ mới theo đúng tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Nhất hô bá ứng”, “Trên dưới đồng lòng”, “Dọc ngang thông suốt”… thì chúng ta phải đổi mới mạnh mẽ hơn nữa phương thưc lãnh đạo: công tác tư tưởng phải gắn bó chặt chẽ với công tác tổ chức, cán bộ, với cơ chế chính sách trong thực hiện Chương trình quốc gia có mục tiêu chấn hưng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đến năm 2045”, PGS. TS. Đào Duy Quát nêu.

 PGS. TS. Đào Duy Quát phát biểu.

PGS. TS. Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội văn học, nghệ thuật Việt Nam cũng nhấn mạnh đến vai trò nền tảng của Đề cương cùng các văn kiện quan trọng của Đảng về đường lối văn hóa, văn nghệ đối với sự nghiệp và tiến trình phát triển từ “dòng văn nghệ” đến “nền văn nghệ” cách mạng Việt Nam; nhấn mạnh việc thực thi các giải pháp cấp bách, tiếp tục bổ sung, phát triển, vận dụng những tư tưởng cốt lõi của Đề cương, từng bước hoàn thiện hệ thống lý luận về văn hóa, văn nghệ Việt Nam hiện đại trên quan điểm chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, lệch lạc, thù địch; hội tụ quyết tâm đổi mới, chấn hưng văn hóa Việt Nam; phấn đấu có thêm nhiều tài năng lớn với khát vọng ra đời những công trình văn hóa, tác phẩm văn nghệ tầm cỡ, phản ánh sâu sắc hiện thực đổi mới đất nước, bồi đắp nền tảng tinh thần của xã hội…

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân cho rằng, bên cạnh những thành tựu quan trọng, cần phải nghiêm túc nhìn nhận những hạn chế, khiếm khuyết của VHNT hiện nay. Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có sự sa sút nghiêm trọng của các loại hình dân gian, bác học; các môn hàn lâm như kịch nói, ballet, điện ảnh chưa cập nhật, giao lưu với các xu hướng đỉnh cao của thế giới. Ngoài ra, sự đầu tư cho các tài năng nghệ thuật chưa tương xứng.

Theo Chủ tịch Liên hiệp các Hội văn học, nghệ thuật Việt Nam, hiện nay nhiều giá trị văn hóa đang bị bóp méo, làm cho thanh thiếu niên, bạn bè quốc tế hiểu sai về tính dân tộc của chúng ta. Chẳng hạn, đa số chương trình nghệ thuật xây dựng hình ảnh văn hóa âm nhạc Tây Nguyên sôi động với cồng chiêng trong khi âm nhạc vùng này thực chất trầm lắng, có chiều sâu. Ngoài ra, tính chuyên nghiệp trong sáng tác, biểu diễn ngày một hạ thấp, kéo theo xu thế nghiệp dư hóa, khiến thị trường xuất hiện nhiều tác phẩm nhảm nhí, lai căng, phản cảm...

Trong thời gian tới, theo PGS. TS. Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, cần kết hợp nhuần nhuyễn 3 nguyên tắc “dân tộc”, “khoa học”, “đại chúng” trong sáng tác VHNT và không được nhân danh tính đại chúng tể hạ thấp tính chuyên nghiệp... Cùng với đó, mỗi nghệ sĩ trước hết cần tự nâng cao trình độ, nhận thức, hiểu biết, đồng thời bám sát 3 yếu tố, nguyên tắc “dân tộc”, “khoa học”, “đại chúng” đã được đề ra trong Đề cương về văn hóa Việt Nam.

PGS. TS. Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân phát biểu.

“Tính "đại chúng" không có nghĩa là tác phẩm VHNT phải chạy theo, chiều theo thị hiếu của quần chúng, làm cho quần chúng mà bỏ qua giá trị, chức năng giáo dục, thẩm mĩ...  Phải coi "quần chúng" là một yếu tố cấu thành của đời sống VHNT, tức là quần chúng cũng cần phải được giáo dục, nâng cao trình độ hiểu biết về VHNT”, Chủ tịch Liên hiệp các Hội văn học, nghệ thuật Việt Nam nói.

PGS. TS. Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy Ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nhấn mạnh, văn hoá luôn đóng vai trò thúc đẩy hoặc kìm hãm sự phát triển của xã hội. Đề cương về văn hóa Việt Nam là cuộc cách mạng văn hóa đầu tiên, là đổi mới về văn hóa lần thứ nhất. Hiện nay, chúng ta cần có công cuộc đổi mới tiếp theo về văn hóa. Muốn đổi mới về văn hóa phải bắt đầu từ đổi mới tư duy về văn hóa. Văn hóa không phải là câu chuyện của giải trí, "cờ, đèn, kèn, trống" mà là câu chuyện của kinh tế, của sức mạnh mềm của quốc gia; tạo ra bản lĩnh, tự tin dân tộc trong quá trình hội nhập quốc tế; các ngành công nghiệp văn hóa lan toả, tác động rất rõ trong lĩnh vực kinh tế...

"Đề cương về văn hoá Việt Nam năm 1943 đã giúp cho chúng ta khai sáng, thức tỉnh, tập hợp văn nghệ sĩ trí thức, trong đó lấy vận mệnh đất nước đặt lên hàng đầu. Tại Hội nghị Văn hoá toàn quốc năm 1946, Bác Hồ nói “văn hoá soi đường cho quốc dân đi”. Tư tưởng, quan điểm này thực sự giúp cho văn hoá vực dậy đất nước. Hơn bao giờ hết, trong bối cảnh hiện nay, chúng ta càng phải xác định văn hoá là trung tâm của phát triển đất nước. Nhiều vấn đề của văn hoá xuất phát từ những lĩnh vực khác như chính trị, kinh tế, khoa học công nghệ, giáo dục… Chính vì vậy để giải quyết vấn đề văn hoá, cần giải quyết một cách tổng thể", PGS. TS. Bùi Hoài Sơn khẳng định.

PGS. TS. Bùi Hoài Sơn phát biểu.

Trên cơ sở một số nội dung cốt lõi của Đề cương, bàn về “tính dân tộc” và “tính hiện đại” trong tác phẩm điện ảnh, TS. Ngô Phương Lan, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương nhận định, tính hiện đại và tính dân tộc là hai phạm trù luôn trong trạng thái vận động, gắn kết với nhau, bổ sung, hỗ trợ nhau để tạo nên một sự thống nhất. Tính hiện đại nằm trong tính dân tộc và ngược lại, tính dân tộc luôn có sự vận động, thay đổi theo thời gian lịch sử, trong mối liên hệ với tính hiện đại. Tác phẩm điện ảnh sẽ có giá trị khi mang tính dân tộc và tính hiện đại đậm nét cả trong nội dung tác phẩm lẫn hình thức thể hiện. Nó góp phần làm nên diện mạo điện ảnh Việt Nam. Bên cạnh đó, cũng có thể coi một bộ phim đạt được hiệu quả xã hội cao - nói cách khác là bộ phim có tính đại chúng - là tác phẩm điện ảnh có giá trị. Như vậy, Dân tộc - Khoa học - Đại chúng vẫn là 3 nguyên tắc dẫn dắt nền điện ảnh Việt Nam phát triển, tạo nên những giá trị mới và ghi dấu vào bản đồ điện ảnh thế giới.

 TS. Ngô Phương Lan phát biểu.

TIẾP TỤC PHÁT TRIỂN TƯ DUY LÝ LUẬN CỦA ĐẢNG ĐỐI VỚI VĂN HÓA, VĂN HỌC, NGHỆ THUẬT

Phát biểu tổng kết và chỉ đạo tại Tọa đàm, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa khái quát, sự ra đời của Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 đã kịp thời đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn cách mạng; trở thành ngọn cờ tập hợp, cổ vũ nhân dân ta, nhất là giới trí thức, văn nghệ sĩ hăng hái tham gia cách mạng; cống hiến tài năng, trí tuệ và cả máu của mình để góp phần quan trọng làm nên thắng lợi lịch sử của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và những thắng lợi vẻ vang của cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng.

“Đọc lại những dòng hồi ký, hồi ức, nhật ký của những văn nghệ sĩ tiền bối như: Đặng Thai Mai, Kim Lân, Trần Huyền Trân, Hoàng Trung Thông, Nguyễn Đình Thi, Văn Cao, Học Phi, Nguyễn Huy Tưởng,… chúng ta cảm nhận sâu sắc nhiệt huyết sục sôi, niềm hạnh phúc lớn lao của đội ngũ văn nghệ sĩ nước nhà khi tham gia truyền bá và tiếp nhận Đề cương khi văn kiện mới ra đời”, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu tổng kết và chỉ đạo tại Tọa đàm.

“Qua lắng nghe ý kiến của quý vị đại biểu, có thể khẳng định, những nội dung cốt lõi của Đề cương về văn hóa Việt Nam đã trở thành nền tảng tư duy lý luận của Đảng về văn học, nghệ thuật suốt 80 năm qua. Những quan điểm căn bản của Đề cương về vị trí, vai trò của văn học, nghệ thuật trong văn hóa; về mối quan hệ giữa văn hóa, văn nghệ với chính trị và kinh tế; về vai trò lãnh đạo của Đảng đối với lĩnh vực văn học, nghệ thuật và đặc biệt là 3 nguyên tắc: “dân tộc hóa”, “đại chúng hóa”, “khoa học hóa” đã được Đảng ta không ngừng kế thừa, vận dụng, bổ sung và phát triển”, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa nêu.

Theo đồng chí Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, kế thừa và phát triển tư tưởng của Đề cương, Đảng ta kiên định và nhất quán đánh giá vai trò quan trọng không thể thay thế của VHNT đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đặc biệt chú trọng việc xây dựng, phát triển, phát huy vai trò của đội ngũ văn nghệ sĩ; nhấn mạnh việc tôn trọng, bảo đảm quyền tự do sáng tạo, tạo điều kiện thuận lợi phát huy tính độc lập, khơi dậy mọi nguồn lực sáng tạo của văn nghệ sĩ; đồng thời nêu cao tinh thần yêu nước, gắn bó máu thịt với nhân dân, trách nhiệm công dân và quyết tâm sáng tạo nhiều tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật để phụng sự đất nước và dân tộc của đội ngũ văn nghệ sĩ.

Các đại biểu tham dự Tọa đàm.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định, giá trị lớn lao và sức sống bền vững của Đề cương đã để lại cho chúng ta nhiều bài học quý báu. Một trong những bài học quan trọng hàng đầu là sự kiên định với những vấn đề nền tảng, có tính nguyên tắc, đồng thời không ngừng tìm tòi, đổi mới, sáng tạo để tiếp tục phát triển, hoàn thiện tư duy lý luận, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng đối với lĩnh vực văn hóa, VHNT.

Kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương cũng là thời điểm Đảng ta tiến hành tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa X về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”. Theo đó đồng chí Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị các nhà khoa học, văn nghệ sĩ tiếp tục tham gia tích cực, phát huy tâm huyết, trí tuệ trong quá trình tổng kết; đóng góp, tham mưu, tư vấn giúp Đảng tổng kết toàn diện, sâu sắc Nghị quyết, từ đó đề ra những quyết sách phù hợp, thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ lĩnh vực VHNT trong thời kỳ mới.

“Giá trị to lớn và sức sống bền vững của Đề cương đã khẳng định chân lý: sự hòa quyện giữa “Ý Đảng - Lòng Dân” là nhân tố quyết định, đảm bảo mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam… Tôi mong muốn và tin tưởng sâu sắc rằng, đội ngũ văn nghệ sĩ nước nhà với thiên chức cao quý, bằng tài năng, tâm huyết của mình sẽ tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp, khẳng định vị trí, vai trò và có những đóng góp xứng đáng, to lớn hơn nữa vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc”, đồng chí Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương nêu.

Quang cảnh Tọa đàm.

Đồng chí cũng đề nghị Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương tiếp tục tập trung tổ chức một số công tác trọng tâm: Tham gia tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa X về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”; tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, tổng kết công tác lý luận, phê bình VHNT Việt Nam sau 50 năm đất nước thống nhất; tham gia Chương trình nghiên cứu, tổng kết thực tiễn VHNT thời kỳ đổi mới và hội nhập. Từ thực tiễn sáng tạo VHNT, Hội đồng cần nghiên cứu đề xuất những giải pháp khả thi, đưa đường lối của Đảng vào đời sống, quảng bá ngày càng sâu rộng văn hóa Việt Nam ở nước ngoài, thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ nền VHNT để chúng ta có nhiều tác phẩm VHNT thể hiện chân thực đời sống nhân dân, dân tộc, giàu giá trị nhân văn và giá trị thẩm mĩ, xứng đáng với tầm vóc của dân tộc và thời đại./.

Tin, ảnh: THẾ HOÀNG

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất