Chủ Nhật, 28/4/2024
Diễn đàn
Thứ Hai, 8/10/2018 15:21'(GMT+7)

Văn hóa nêu gương

(Ảnh minh họa: TTXVN)

(Ảnh minh họa: TTXVN)

Văn hóa nêu gương tạo nên uy tín, tính tiên phong và năng lực lãnh đạo của Đảng. Đó chính là động lực hàng đầu để Đảng ta đoàn kết, thống nhất sức mạnh toàn dân tộc vượt qua mọi khó khăn, thử thách đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Việc chăm lo xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trong đó có trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên để Đảng luôn trong sạch, vững mạnh, xứng đáng với niềm tin của nhân dân là công việc thường xuyên, liên tục.

Tiếp nối những nghị quyết, quyết định của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên trong thời gian qua, Bộ Chính trị quyết định trình Ban Chấp hành Trung ương xem xét, quyết nghị Quy định trách nhiệm nêu gương cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Trung ương Đảng, tại Hội nghị Trung ương lần thứ tám vừa mới diễn ra.

Đây là một quy định cần thiết, phù hợp với yêu cầu thực tiễn, với các chuyển biến tích cực trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị; phòng, chống tham nhũng, quan liêu, lãng phí, ngăn chặn và đẩy lùi những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một bộ phận cán bộ, đảng viên.

Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên cũng là bước tiến mới nâng cao truyền thống văn hóa nêu gương của Đảng ta, dân tộc ta. Trọng tín những bậc tiền bối, những vị vua anh minh, những người có công với nước, ngàn đời nay nhân dân ta đã tôn vinh, thờ cúng các vị là những phúc thần. Thậm chí, nhiều làng xã, địa phương còn thờ phụng những vị thánh thần truyền thuyết. Tất cả là nhằm không chỉ cầu mong sự phù hộ độ trì của các vị mà thiết thực hơn là răn dạy mọi thế hệ noi theo những tấm gương đó để phấn đấu trở thành những người kế tục xứng đáng.

Trải qua thực tiễn hoạt động vì nước vì dân của Đảng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh tổng kết: “Một trăm bài diễn thuyết hay, không bằng một tấm gương sống”. Cũng chính Người đã phát động và cổ vũ nhiệt thành cho phong trào “Người tốt, việc tốt”-những tấm gương của cuộc sống.

Qua thực tế hoạt động của Đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên mà có câu:“Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. Đó vừa là lời khen ngợi, vừa là sự mong đợi, đòi hỏi của Đảng và nhân dân.

Văn hóa nêu gương đã đưa Đảng ta thật sự là “đạo đức và văn minh” như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định. Nếu như xã hội chúng ta đang hướng tới sự tôn trọng kỷ cương luật pháp thì Đảng ta và đội ngũ đảng viên càng phải tuân thủ kỷ luật Đảng, gương mẫu tuân thủ kỷ cương, pháp luật của Nhà nước, đảng viên càng giữ trọng trách lớn càng phải nêu cao trách nhiệm nêu gương.

Những hiện tượng cán bộ, đảng viên mất phẩm chất, vi phạm kỷ luật Đảng, pháp luật Nhà nước, vun vén lợi ích cá nhân, trong đó có những cán bộ cấp cao đã làm suy yếu hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo của Đảng và bộ máy công quyền, làm giảm lòng tin của nhân dân, thì phải kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi và loại bỏ.  

Chúng ta đề cao quyền tự do, dân chủ, quyền con người, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của mọi công dân song song với việc xây dựng xã hội pháp quyền làm nền tảng cho mọi quyền và lợi ích đó. Đảng là tổ chức lãnh đạo và đảng viên phải là công dân mẫu mực. Đảng viên không đồng nhất với công dân bình thường, có những điều đời thường công dân được phép làm, nhưng đảng viên thì không. Sự thỏa hiệp, lập lờ, đánh đồng giữa người lãnh đạo với người dân bình thường là một kẽ hở cho những tính toán vụ lợi, vi phạm kỷ luật Đảng.

Thế nước đang lên, kỷ cương và dân chủ đang song hành phát triển. Trong hoàn cảnh đó, càng cần và càng có điều kiện giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật, đề cao văn hóa, trách nhiệm nêu gương./.

Nguyễn Mạnh (qdnd.vn)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất