Thứ Bảy, 27/7/2024

Văn học nghệ thuật Việt Nam vững vàng trong cuộc chiến chống dịch Covid-19

Hàng trăm nghệ sĩ, bác sĩ, chiến sĩ Trường Sa tham gia dự án âm nhạc chống Covid-19

Hàng trăm nghệ sĩ, bác sĩ, chiến sĩ Trường Sa tham gia dự án âm nhạc chống Covid-19

Nhờ vận dụng kịp thời và hiệu quả công nghệ chuyển đổi số 4.0, đã đóng vai trò quan trọng góp phần làm giàu thêm nền văn hóa đa dạng, phong phú, có bản sắc riêng. Việt Nam đã và đang phát huy sức mạnh của nền văn hóa truyền thống, mà văn học nghệ thuật là lĩnh vực quan trọng, nhạy cảm, có sức lan tỏa rộng rãi và nhanh chóng, có thế mạnh quảng bá các giá trị nhân văn của dân tộc và giao lưu với các nền văn hóa trên thế giới. Đại dịch COVID-19 đã thay đổi phương thức hoạt động từ trực tiếp sang trực tuyến. Hoạt động trực tuyến trở nên quan trọng hơn bao giờ hết, bao gồm nhiều buổi hòa nhạc, hội thảo, tọa đàm văn học, các triển lãm mỹ thuật, nhiếp ảnh, kiến trúc, biểu diễn sân khấu, chiếu phim… nhiều chương trình, hoạt động từ nhỏ đến lớn, giúp cho cộng đồng gắn kết hơn, và phục vụ một lượng khán, thính giả mới lớn hơn nhiều lần so với thời gian trước dịch.

Sức mạnh của các loại hình văn học nghệ thuật trong cuộc chiến chống dịch Covid-19

Qua mỗi bước thăng trầm của dân tộc, văn học nghệ thuật luôn đồng hành và sát cánh cùng nhân dân, đây là dịp ngôn ngữ linh diệu của Âm nhạc và Thi ca lại vang lên, kết nối - đoàn kết triệu triệu trái tim những người con đất Việt, lan tỏa Niềm tin vững chắc vào công cuộc chung tay cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ngăn ngừa, đẩy lùi và sẵn sàng sống chung cùng dịch.

Bên cạnh những bản hành khúc hào hùng, cổ vũ, động viên tinh thần chống dịch, là những giai điệu trữ tình thân thương, chia sẻ những khó khăn, vất vả của các y, bác sĩ, bộ đội, công an… như: Vững một niềm tin, nhạc Đức Trịnh, lời thơ Lê Cảnh Nhạc, Những bông hoa nở trong mùa dịch của Tô Văn; Vòng tay đất mẹ của Hồ Trọng Tuấn, Hành khúc chống dịch của Lê Hàm, Hoa hạnh phúc (Mẹ ơi con sẽ về) thơ Nguyễn Hồng Vinh, nhạc Đỗ Hồng Quân… và nhiều tác phẩm khác. Trong tuần đầu của tháng 4 năm 2020, Hội Nhạc sĩ Việt Nam gấp rút tổ chức biên soạn, in ấn Tuyển tập ca khúc mang tên “Niềm tin”. Hội đã kịp thời gửi đến Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch bệnh COVID-19 và các Ban, ngành, các đơn vị… như quà tặng cổ vũ tinh thần.

Tiếp theo đó, thực hiện Chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Trung ương về việc tiếp tục phát huy thành quả của các tác phẩm Văn học nghệ thuật sáng tác về đề tài “Chung tay cùng toàn dân phòng chống dịch COVID-19”, Hội Nhạc sĩ Việt Nam phối hợp với Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội xây dựng chương trình âm nhạc trực tuyến tại 3 điểm cầu là Hà Nội - Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh với chủ đề “Niềm tin - Chúng ta là người chiến thắng”, có thời lượng 120 phút, ngày 29 tháng 4 năm 2020, có số lượng truy cập lên đến 30.000 người.

Kể từ đầu năm 2021, khi làn sóng dịch lần thứ 4 lan tràn, đặc biệt là tại thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương và các tỉnh phía Nam, hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ngày 29/7/2021, và các Chỉ thị, Nghị quyết của Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp cấp bách về phòng chống Covid-19, Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã tiếp tục phát động đợt 2 sáng tác các ca khúc hưởng ứng và để đóng góp thêm tiếng nói động viên, chia sẻ những tình cảm đối với đồng bào, chiến sĩ, đặc biệt là các lực lượng trên mặt trận tuyến đầu chống dịch. Chỉ hơn một tuần từ cuối tháng 7 năm 2021, Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã nhận được trên 400 ca khúc của các nhạc sĩ hội viên và các tác giả trong cả nước gửi về. Đây là một con số rất lớn trong một thời gian rất ngắn. Điều đó chứng tỏ ý thức trách nhiệm và nhiệt tình của các nhạc sĩ đối với công cuộc chống dịch và với quyết tâm chia sẻ những giá trị tinh thần với nhân dân, với đồng bào chiến sĩ lực lượng vũ trang, bác sĩ, những người dân trong vùng dịch. Kết quả là từ hơn 400 tác phẩm đó Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã cùng với Hội đồng nghệ thuật tuyển chọn, dàn dựng thu âm, thu hình dựng thành một Clip, với sự tham gia của các nghệ sĩ Đoàn Văn công Quân khu I, Nhà hát ca múa nhạc Quân đội và các nghệ sĩ như: NSND Quốc Hưng, NSƯT Đức Long, ca sĩ Lan Anh, Tùng Dương, Viết Danh, Đào Tố Loan… để kịp thời giới thiệu ra mắt 20 ca khúc mới để gửi tới đồng báo chiến sĩ và đặc biệt các lực lượng trên tuyến đầu chống dịch trong trung tuần tháng 8 năm 2021.

Cùng với âm nhạc, các loại hình văn học nghệ thuật khác đồng lòng sáng tạo, vượt qua thách thức để có nhiều tác phẩm mới, nhiều loại hình quảng bá mới

Trong thời gian qua, nhiều đơn vị đã kịp thời tổ chức các cuộc thi, các cuộc vận động sáng tác văn học nghệ thuật thông qua các hình thức tuyên truyền, quảng bá phong phú để giới thiệu những tác phẩm văn học, nghệ thuật có nội dung sâu sắc, giá trị thẩm mỹ nghệ thuật cao, đóng góp tích cực vào công cuộc phòng chống dịch bệnh COVID-19, góp phần lan tỏa những giá trị cao đẹp đến đông đảo công chúng và nâng cao nhận thức về phòng, chống dịch bệnh.

Các tác phẩm phản ánh công tác phòng, chống dịch COVID-19 ở Việt Nam; viết về những câu chuyện người thật, việc thật, những việc làm, hành động, nghĩa cử cao đẹp chia sẻ của tập thể, tổ chức, cá nhân trong việc hưởng ứng lời kêu gọi của Chính phủ cùng đồng hành, tích cực tham gia phòng, chống và vượt qua đại dịch; khắc họa những tấm gương hy sinh, xả thân, cống hiến cao cả của các lực lượng tuyến đầu chống dịch như bác sĩ, y sĩ, nhân viên y tế, công an, bộ đội, thanh niên tình nguyện, dân phòng…; tuyên truyền, giáo dục, động viên, cổ vũ tinh thần đoàn kết, mang tính nhân văn, thể hiện truyền thống tương thân tương ái, những tấm gương sáng hy sinh vì bệnh nhân, đặc biệt là trong giai đoạn toàn dân đồng lòng, đoàn kết phòng, chống dịch COVID-19.

Hội Nhà văn Việt Nam thêm nhiều tác phẩm văn học sáng tác trong đợt dịch bệnh, và đã công bố kịp thời các bài thơ, phóng sự về phòng, chống dịch, sưu tầm hoạt động sáng tác của nhà thơ thế giới trước đại dịch. Nhiều hoạt động văn học phải tạm hoãn, nhưng việc sáng tác của văn nghệ sĩ vẫn bám sát, phục vụ các sự kiện chính trị - xã hội, cùng với đó là vai trò của các nhà văn, nhà thơ trong phản ánh hiện thực thời COVID-19.

Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam phát động triển lãm ảnh COVID-19 online năm 2021 với chủ đề “Những khoảnh khắc từ trái tim”. Các tác phẩm dự thi gồm những hình ảnh những tập thể, cá nhân có nghĩa cử, hành động đẹp, thiết thực và ý nghĩa; những chiến sĩ trên tuyến đầu, những tấm gương điển hình trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, tập hợp những hình ảnh đẹp, mang tính nhân văn, lan tỏa tình yêu thương, sự sẻ chia khó khăn, chung tay góp sức tham gia chống dịch COVID-19; các tác phẩm mang hơi thở cuộc sống; phản ánh hoạt động trong các khu công nghiệp vừa sản xuất vừa chống dịch, những hình ảnh thực tiễn sinh động về cuộc chiến chống dịch COVID-19 tại Việt Nam.

Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam Biểu diễn trực tuyến tổ khúc múa “Ánh sáng tâm hồn” để cổ vũ công tác phòng, chống dịch COVID-19, biên đạo múa Nguyễn Tuyết Minh đã kêu gọi các biên đạo múa và nghệ sĩ biểu diễn trong cộng đồng dàn dựng và biểu diễn theo hình thức online tại nhiều địa điểm, nhiều không gian khác nhau, trong bệnh viện, ngoài đường phố, trong nhà… Đây là lần đầu tiên, hình thức kịch múa được công bố trực tuyến. Tổ khúc múa “Ánh sáng tâm hồn do Nghệ sĩ nhân dân Phạm Anh Phương chỉ đạo nghệ thuật, nghệ sĩ Nguyễn Tuyết Minh viết kịch bản và tổng đạo diễn, có thời lượng 45 phút, tác phẩm thuộc thể loại ballet và múa đương đại.

Cảnh trong vở kịch “Cuộc chiến Covid” của Sân khấu Lệ Ngọc.

Cảnh trong vở kịch “Cuộc chiến COVID-19” của Sân khấu Lệ Ngọc.

Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam phát động Giải thưởng sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học nghệ thuật về chủ đề phòng, chống dịch bệnh COVID-19 nhằm đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân về công tác phòng, chống dịch; tôn vinh những đóng góp, hy sinh của lực lượng tuyến đầu chống dịch bệnh (đội ngũ y, bác sĩ, lực lượng quân đội, công an, dân quân, cán bộ địa phương…); cũng như thể hiện trách nhiệm của người nghệ sĩ trong công cuộc phòng, chống dịch chung của đất nước. Đây là những tác phẩm mới sáng tác và đã được dàn dựng biểu diễn, ghi hình hoặc phát hành online trên các nền tảng số, bao gồm vở diễn, tiểu phẩm, bài hát thuộc các loại hình nghệ thuật sân khấu: tuồng, chèo, cải lương, kịch nói, ca kịch, dân ca, múa rối, xiếc…

Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức triển lãm tranh online, đấu giá tranh ủng hộ Quỹ giúp đỡ người gặp khó khăn vì dịch COVID-19.

Trong những ngày cả nước tập trung dành mọi nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch COVID-19, các hoạ sĩ, nhà điêu khắc… đã cùng nhau đóng góp thông qua các hoạt động triển lãm, đấu giá trực tuyến sôi nổi và hiệu quả. 

Triển lãm “Cây đời mãi xanh” do quỹ “Gieo Gạo” tổ chức, diễn ra trực tuyến vào tháng 8 năm 2021, trên các diễn đàn như Vietnam Art Space, Facebook, và được chia sẻ, lan tỏa mạnh mẽ bởi cộng đồng hoạ sĩ, người yêu hội họa. Quỹ đã nhận được gần 800 triệu đồng, chuyển thành gạo và thực phẩm thiết yếu cho hàng nghìn gia đình thuộc diện đặc biệt khó khăn ở thành phố Hồ Chí Minh. Hơn 60 họa sĩ đã và đang tiếp tục gửi những bức tranh đẹp để tham gia triển lãm quyên góp cho quỹ, hơn 100 tác phẩm đa dạng về chất liệu, kích thước, đề tài… nhưng có điểm chung là mang tinh thần lạc quan, tươi sáng, ca ngợi những vẻ đẹp của cuộc sống.

Ca sĩ, nhạc sĩ Nguyễn Phi Hùng cùng các đồng nghiệp, tình nguyện viên Nhà văn hóa Thanh niên tặng quà cho Bệnh viện dã chiến Củ Chi.

Ca sĩ, nhạc sĩ Nguyễn Phi Hùng cùng các đồng nghiệp, tình nguyện viên Nhà văn hóa Thanh niên tặng quà cho Bệnh viện dã chiến Củ Chi.

Trong điều kiện giãn cách xã hội, các họa sĩ, nghệ sĩ điêu khắc, đồ họa… vẫn có thể cho ra đời các tác phẩm mới tại nhà hoặc xưởng vẽ của mình. Việc triển lãm tác phẩm online tuy không thể so sánh với triển lãm truyền thống, nhưng cũng góp phần tích cực để duy trì mạch nguồn sáng tạo của các họa sĩ, nghệ sĩ, thể hiện trách nhiệm của người nghệ sĩ đối với xã hội. Đồng thời, đưa nghệ thuật đến với công chúng có nhu cầu thưởng thức.

Cuộc chiến chống COVID-19 trên màn ảnh

Năm 2020, VTV sản xuất bộ phim “Những ngày không quên”, và năm nay lại có thêm bộ phim “Ngày mai bình yên”. Nếu như “Những ngày không quên” là sự bỡ ngỡ về dịch thì “Ngày mai bình yên” là sự ứng phó với dịch.

Bộ phim “Ngày mai bình yên” là câu chuyện xảy ra trong bối cảnh toàn xã hội gặp nhiều biến động do ảnh hưởng của dịch COVID-19 kéo dài. Bộ phim dàn dựng nhiều hình ảnh xúc động như câu chuyện những người phụ nữ chung tay nấu suất ăn thiện nguyện mang tới cho lực lượng chống dịch tuyến đầu; những người công nhân tình nguyện giảm lương, chậm lương để giúp công ty đang bên bờ vực phá sản; sự giúp đỡ chân tình của những người hàng xóm trong khu phố… Trong quãng thời gian khó khăn, nhiều người bị ảnh hưởng nặng nề, các thành viên trong gia đình đã mở lòng với nhau hơn, nhìn thấu được tình cảm của nhau, nhận ra giá trị của tình yêu, của tình người ấm áp.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Sở Văn hóa Thể thao thành phố Hồ Chí Minh là đơn vị phát động cuộc vận động sáng tác và dàn dựng tác phẩm văn học nghệ thuật về đề tài phòng, chống dịch bệnh COVID-19 với chủ đề “Chung một niềm tin chiến thắng” với quy mô lớn. Tác phẩm văn học, nghệ thuật tham gia cuộc vận động là những tác phẩm đã được công bố, phổ biến và sáng tác mới trong khoảng thời gian từ tháng 8/2019 đến tháng 11/2021 do tác giả hoặc đơn vị, tổ chức sở hữu tác phẩm tự nguyện gửi và chịu trách nhiệm về bản quyền.

Cuộc vận động sáng tác được tổ chức trên 7 lĩnh vực, gồm: văn học (các thể loại thơ, truyện ngắn, bút ký, tản văn); âm nhạc (sáng tác ca khúc, viết lời mới cho dân ca, bài bản đờn ca tài tử và bài vọng cổ); sân khấu (kịch nói gồm tiểu phẩm và kịch ngắn, cải lương có chặp cải lương và ca cảnh); múa (các thể loại nhảy, múa; hình thức múa ít người và múa tập thể không quá 10 người); nhiếp ảnh (ảnh thời sự, nghệ thuật); mỹ thuật (hội họa, điêu khắc, đồ họa); điện ảnh (phim truyện ngắn).

Hội Nhà văn thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức cuộc thi thơ “Nhân nghĩa đất phương Nam” nhằm lan tỏa, cổ vũ tinh thần cùng thành phố vượt qua dịch bệnh COVID-19. Qua đó góp phần đẩy mạnh hoạt động sáng tác, kích thích khả năng sáng tạo, tìm kiếm, phát hiện, giới thiệu và tôn vinh giá trị thơ ca; kịp thời phổ biến rộng rãi những tác phẩm có giá trị nhân văn đến với người đọc.

 Các Hội Văn học nghệ thuật chuyên ngành Trung ương và các tỉnh, thành phố, trong điều kiện tiết kiệm kinh phí, thắt chặt chi tiêu do ảnh hưởng của dịch bệnh, đã tổ chức tốt, liên kết với các Ban ngành của địa phương kịp thời tiếp cận thông tin, đi sâu vào từng lĩnh vực, đặc biệt là đi vào tuyến đầu chống dịch, phát hiện những nhân tố mới, những khó khăn trong đời sống và nhu cầu hưởng thụ văn hóa – văn nghệ của cộng đồng, từng gia đình, tổ chức nhiều chương trình trực tuyến quảng bá sản phẩm văn học nghệ thuật, cung cấp thông tin, qua báo, tạp chí và giao lưu văn nghệ… trong những vùng dịch, công bố kịp thời các tác phẩm về đề tài chống dịch, cổ vũ động viên, phổ biến quy định về phòng chống dịch.

Từ những khó khăn trong mùa đại dịch, từ thực tiễn cuộc sống và chiến đấu với COVID, đã phát sinh ra nhiều hình thức sáng tác, trình diễn, công bố tác phẩm văn học nghệ thuật mới, là kết quả của việc ứng dụng có hiệu quả công nghệ thông tin, công nghệ số trong văn học nghệ thuật. Nhiều loại hình mới này có tác động đến nhận thức và tình cảm góp phần lan tỏa những thông điệp giá trị trong cuộc sống. Các cấp ủy Đảng, chính quyền, cơ quan quản lý văn hóa, các cơ quan truyền thông (đài Truyền hình, đài Phát thanh) cần quan tâm hơn nữa, đặt vị trí văn hóa – văn nghệ là một phương tiện trong công cuộc phòng chống dịch bệnh, nhằm nâng cao chất lượng các tác phẩm văn học nghệ thuật, nhằm góp phần khơi dậy tinh thần yêu nước, trách nhiệm cộng đồng cùng chung tay kiểm soát và đẩy lùi bệnh dịch./.

Nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân

Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam

Chủ tịch Hội Nhạc sỹ Việt Nam

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất