Chủ Nhật, 19/5/2024

TSKH. Phan Đình Tân: Chấn hưng sức mạnh nội sinh dân tộc bằng văn hoá là rất cần thiết

TSKH. Phan Đình Tân, Phó chủ tịch Hội đồng lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương. (Ảnh: qdnd.vn)

TSKH. Phan Đình Tân, Phó chủ tịch Hội đồng lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương. (Ảnh: qdnd.vn)

TSKH. Phan Đình Tân, Phó chủ tịch Hội đồng lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương trả lời phỏng vấn của Báo QĐND điện tử về ý nghĩa và tầm quan trọng của Hội nghị.

* Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất được tổ chức với 200 nhà hoạt động văn hóa do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì; Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ Hai (1948) với hơn 80 văn nghệ sĩ tiêu biểu do các đồng chí Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Lê Văn Lương chủ trì. Nhận định của đồng chí ra sao về hai kỳ Hội nghị này?

TSKH. Phan Đình Tân: Hai Hội nghị Văn hóa này có giá trị lịch sử và giá trị thực tiễn đặc biệt to lớn trong thời khắc vô cùng quan trọng của đất nước.

Hội nghị này để tập hợp sức mạnh quần chúng thông qua sức mạnh văn hóa, phát huy sức mạnh con người Việt Nam - sức mạnh nội sinh của dân tộc; tập trung vào mục tiêu trước mắt là chống giặc ngoại xâm, tích cực chuẩn bị lực lượng văn hóa phục vụ cho sự nghiệp “kháng chiến, kiến quốc” và mục tiêu lâu dài là “văn hóa soi đường quốc dân đi” trong công cuộc xây dựng và kiến thiết đất nước sau này.

Chính vì vậy, sau cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược bùng nổ, trên phạm vi cả nước đã xuất hiện phong trào “Văn hóa hóa kháng chiến” và “Kháng chiến hóa văn hóa”, vừa kháng chiến, dân tộc ta vừa xây dựng một nền văn hóa mới, phù hợp với tinh thần dân tộc độc lập, khoa học, tiến bộ, đáp ứng đông đảo quần chúng nhân dân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: "Nhiệm vụ của văn hóa chẳng những để cổ động tinh thần và lực lượng kháng chiến kiến quốc của nhân dân, mà còn phải nêu rõ những thành tích kháng chiến kiến quốc vĩ đại của ta cho thế giới biết. Các nhà văn hóa phải có những tác phẩm xứng đáng…".

Đặc biệt, Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 1946 diễn ra chỉ một năm sau khi đất nước được độc lập, mặc dù còn bộn bề nhiều công việc trọng đại, nhưng với tầm tư tưởng của một lãnh tụ xuất chúng, có tầm nhìn vượt thời đại, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đánh giá cao và đúng vai trò của văn hóa trong việc chấn hưng dân tộc.

Chính Người chủ trì Hội nghị, đặt hạnh phúc của nhân dân, sự nghiệp đấu tranh của dân tộc làm nội dung phản ánh của nhiệm vụ văn hóa mới; yêu cầu tiếp thu những kinh nghiệm văn hóa truyền thống để xây dựng nền văn hóa mới: Dân tộc, khoa học, đại chúng.

Cũng tại Hội nghị này, Người nêu rõ vị trí, tầm quan trọng của văn hóa, nghệ thuật trong việc giáo dục thế hệ trẻ, xây dựng con người Việt Nam yêu nước, độc lập, tự cường.

* Sau nhiều năm gián đoạn, Hội nghị Văn hóa toàn quốc dự kiến diễn ra vào 24/11 sắp tới được rất nhiều các nhà hoạt động văn hóa, văn nghệ sĩ trong cả nước đặt nhiều kỳ vọng về việc “xây dựng nền văn hóa dân tộc lên một tầm cao mới”. Theo đồng chí việc tổ chức Hội nghị trong bối cảnh năm 2021 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng - năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng theo đồng chí có ý nghĩa như thế nào?

TSKH. Phan Đình Tân: Trong bối cảnh hiện nay, việc chấn hưng sức mạnh nội sinh dân tộc bằng văn hóa là rất cần thiết để “xây dựng nền văn hóa dân tộc lên một tầm cao mới”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Phải đem văn hóa lãnh đạo quốc dân để thực hiện độc lập, tự cường, tự chủ”; phải “xúc tiến công tác văn hóa để đào tạo con người mới và cán bộ mới cho công cuộc kháng chiến kiến quốc”; “Văn hóa là sợi dây có khả năng nối liền nhân dân các nước và các dân tộc… Sự hiểu biết lẫn nhau, sự học tập và tôn trọng nhau xưa nay đều thể hiện sâu sắc qua văn hóa, nơi tập trung những biểu hiện rực rỡ nhất của tâm huyết và sức sáng tạo của con người” hoặc “sửa đổi tham nhũng, lười biếng, phù hoa, xa xỉ…”.

Như vậy, theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, để Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đi vào cuộc sống một cách thiết thực, hiệu quả, để kỳ vọng của không chỉ các nhà hoạt động văn hóa, văn nghệ sĩ trong cả nước mà của toàn thể đồng bào Việt Nam dù ở trong nước hay ngoài nước đặt niềm tin vào đường lối lãnh đạo toàn diện của Đảng ta trong nhiệm kỳ mới với những khát vọng và cơ đồ mới, thì Hội nghị Văn hoá lần này phải đạt được mục tiêu cụ thể nhất định và thực chất, tránh chung chung, mơ hồ, phù phiếm và xa rời thực tế.

* Đồng chí gửi gắm điều gì tới Hội nghị Văn hóa toàn quốc sắp tới?

TSKH. Phan Đình Tân: Bản thân tôi và rất nhiều người đều mong đợi ở Hội nghị lần này một Hội nghị “Diên Hồng” - một Hội nghị đoàn kết, ý chí và quyết tâm cao của cả dân tộc để chấn hưng đất nước trong bối cảnh còn nhiều khó khăn cả trong nước và quốc tế.

Tuy nhiên, cũng không phải là không có cơ hội để một lần nữa thông qua sức mạnh văn hóa, phát huy tinh thần, sức mạnh nội sinh của dân tộc - đoàn kết, chung một ý chí, độc lập, tự cường, diệt trừ chủ nghĩa cá nhân để đưa đất nước vượt qua khó khăn, xây dựng cuộc sống ấm no, bền vững, hạnh phúc cho nhân dân.

* Xin đồng chí cho biết, Hội nghị Văn hóa toàn quốc có đưa ra những thông điệp quan trọng về văn hóa, cũng như là cơ hội để huy động trí tuệ tập thể của đội ngũ văn nghệ sĩ, hiến kế phát triển văn hóa của đất nước trong bối cảnh hiện nay?

TSKH. Phan Đình Tân: Là một người nghiên cứu, được đào tạo lâu dài về văn hóa, nghệ thuật và nhiều năm làm trong lĩnh vực quản lý văn hóa, văn học nghệ thuật, bản thân tôi nhận thấy sự quan tâm, kỳ vọng của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với văn hóa là rất lớn.

Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận cán bộ về lĩnh vực văn hóa, văn học, nghệ thuật đôi khi còn có thái độ xem thường (hoặc chưa thực sự xem trọng) hoặc coi văn hóa, nghệ thuật chỉ là ngành mua vui, giải trí, tiêu khiển là chủ yếu….

Để khắc phục vấn đề này, Đảng và Nhà nước cần quan tâm đến lãnh đạo các bộ, ban chuyên ngành về văn hóa phải là người có kiến thức và được đào tạo rất cơ bản về văn hóa, văn học nghệ thuật, biết đồng cảm với tài năng, thấu hiểu, chia sẻ… cả thuận lợi cũng như khó khăn của đội ngũ làm văn hóa, văn học, nghệ thuật.

Hơn nữa, Đảng và Nhà nước cần có chiến lược liên kết các lực lượng làm công tác văn hóa, văn nghệ trong và ngoài nước để tạo thành một mặt trận đồng lòng, dốc sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Qua đó, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại./.

Khánh Huyền (thực hiện)

(Nguồn: qdnd.vn)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất