Thứ Sáu, 20/9/2024
Giáo dục
Thứ Hai, 9/5/2022 16:23'(GMT+7)

Cần phát động phong trào thi đua cấp quốc gia về khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập



PV: Thưa GS, vì sao chúng ta cần thiết phải có một phong trào thi đua cấp quốc gia về khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trong bối cảnh hiện nay?

GS.TS Nguyễn Thị Doan: Hiện nay, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tác động mạnh mẽ vào tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, đòi hỏi chúng ta phải nâng cao trình độ mọi mặt để đáp ứng với bối cảnh khoa học kỹ thuật phát triển, trình độ tự động hóa ngày càng cao; công nghệ, khoa học kỹ thuật, đặc biệt là công nghệ sinh học phát triển như vũ bão.

Nhưng chúng ta thấy, ở Việt Nam hiện nay còn nhiều khó khăn trong việc đáp ứng được yêu cầu của cách mạng 4.0, nguồn tài nguyên dần cạn kiệt do bị khai thác quá mức và bị tàn phá nặng nề; dân số, lao động già hóa nhanh; nguồn vốn ODA sẽ dần ít đi do chúng ta đã thoát nghèo… Chỉ còn lại nguồn vốn quý giá nhất, tài sản giàu có nhất, đó là nguồn vốn con người.

Từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng đã đề cập đến phát triển kinh tế tri thức, phát triển bằng tri thức, bằng trí tuệ nhân tạo. Điều này càng ngày càng thể hiện tính đúng đắn, xu hướng tất yếu để phát triển đất nước.

Nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều giải pháp để nâng tầm trí tuệ, trình độ chuyên môn, kỹ năng toàn diện của người lao động. Các chỉ số HDI, HCI tính đến năm 2020 đều tăng cao; HDI tăng hơn 48% xếp hạng 117/189 quốc gia; HCI (chỉ số vốn nhân lực với lực lượng lao động chiếm 58% trên tổng dân số) được xếp hạng trong nhóm cao nhất khu vực Đông Á- Thái Bình Dương, song chất lượng nhân lực đang ở mức thấp trong bậc thang năng lực quốc tế. Năng suất lao động của Việt Nam chỉ bằng 7,6% của Singapore và ở khu vực Đông Nam Á chỉ cao hơn Campuchia.

Đất nước phải phát triển bằng tri thức, mà tri thức chỉ có thể có được thông qua sự học. Học ở trường, ở mọi nơi, mọi lúc và tự học. Sự học rất quan trọng, ai cũng biết, song để kết nối sự học – gốc rễ của mọi vấn đế - thống nhất toàn xã hội bằng một phong trào của toàn dân là chưa có.

GS.TS Nguyễn Thị Doan, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam. Ảnh: VA

GS.TS Nguyễn Thị Doan, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam. Ảnh: VA

PV: Xin GS có thể chia sẻ rõ hơn sự khác biệt giữa các phong trào khuyến học, khuyến tài do Hội Khuyến học phát động với phong trào thi đua mang tầm cỡ cấp quốc gia?

GS.TS Nguyễn Thị Doan: Tuy rằng phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập được Hội Khuyến học Việt Nam làm hết sức mình để nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài suốt 26 năm qua. Nhưng phong trào này cũng mới chỉ do Hội Khuyến học phát động trong hệ thống hội của mình, chưa trở thành phong trào chung của cả nước. Suy cho cùng, chúng ta đang thiếu một chất xúc tác mang tính động lực về tinh thần thúc đẩy sự học của toàn dân, phải được kích đẩy thống nhất từ Trung ương đến địa phương giống như phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”; “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư”.

Thành quả của phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” mà Trung ương đang tổng kết Nghị quyết Trung ương 7 cho thấy một khi tinh thần của toàn dân được khởi dậy mạnh mẽ, người dân hiểu được lợi ích mình có được thông qua phong trào thi đua thì sức mạnh từ dân lớn đến mức độ nào.

Thêm nữa, việc thực hiện Đề án “ Xây dựng xã hội học tập” theo Quyết định 89/QĐ-TTg ngày 09/01/2013 và Quyết định 1373/QĐ-TTg ngày 30/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ đang có phần còn thiếu sự chỉ đạo thống nhất trong toàn quốc vì ở Trung ương Ban Chỉ đạo xây dựng xã hội học tập đã giải thể, giờ chỉ còn Ban Chỉ đạo ở địa phương. Như thế mạnh địa phương nào địa phương đó làm. Từ tình hình đó dẫn đến kết quả thực hiện Đề án chưa được mong muốn và chất lượng đội ngũ lao động chưa được nâng đúng tầm theo yêu cầu.

Có thể thấy, tính từ 11/6/1948, sau 74 năm kể từ khi Bác Hồ phát động phong trào thi đua “Diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm” đến nay, chưa có một phong trào nào mang tính quốc gia dành cho sự học của toàn dân. Có một vài phong trào thi đua của ngành giáo dục như phong trào “Hai tốt”; phong trào “Chống gian lận trong thi cử”… nhưng không mang tính xã hội, chỉ dành cho các nhà trường trong ngành Giáo dục.

Giờ đây, chúng ta phải vận dụng cái tư tưởng “Diệt giặc dốt” của Bác Hồ, thành phong trào “Diệt giặc dốt” trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, xóa mù công nghệ thông tin, xóa mù các kỹ năng về ngoại ngữ, xóa mù kỹ năng về hội nhập quốc tế… Chính vì vậy, chúng tôi hết sức mong muốn từ Chính phủ cho đến UBND các tỉnh phải thống nhất hành động để có thể đạt được kết quả cao nhất.

PV: Được biết, ngày mai (10/5), Hội Khuyến học Việt Nam sẽ có cuộc làm việc với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam liên quan đến vấn đề nêu trên. vậy điều GS mong muốn trong cuộc làm việc này là gì?

GS.TS Nguyễn Thị Doan: Tôi có thể nói rằng, một khi tinh thần của người dân được động viên và người dân nhìn thấy cái lợi thông qua cuộc thi đua thì người dân sẽ làm hết sức mình. Tôi lấy ví dụ có những gia đình hiến tặng hàng nghìn mét vuông đất để làm đường. Nhờ có phong trào thi đua cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới mà bộ mặt nông thôn giờ đây đã đổi thay từng ngày. Do đó, tôi mong muốn có được một phong trào như vậy về sự tự học.

Chính vì vậy, Thường trực Trung ương Hội khuyến học Việt Nam đã thống nhất tổ chức một Hội nghị vào sáng 10/5, để họp với các bộ, ban, ngành có liên quan dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhằm bàn và tham mưu với Chính phủ phát động một phong trào thi đua mang tầm quốc gia như Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”

Bản thân tôi rất hy vọng về kết quả của hội nghị ngày mai vì chắc chắn ai cũng thấy được tầm quan trọng của phong trào thi đua này. Nếu có được một phong trào do Chính phủ phát động thì đó sẽ là sự đột phá mang tính chiến lược về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhân lực tại chỗ. Đây là bước đột phá hết sức quan trọng. Về tên của phong trào sẽ được thảo luận kỹ song rất cần thiết phải có một phong trào mang tầm quốc gia để thúc đẩy sự học trong nhân dân, vẫn là “Diệt giặc dốt” trong thời đại 4.0 và vẫn là thực hiện lời dạy của Bác “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”. Lời dạy này đã trở thành chân lý, luôn đúng ở mọi thời đại.

PV: Xin trân trọng cảm ơn GS!

 

Nguồn: Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất