Thứ Tư, 11/9/2024
Thế giới
Thứ Ba, 16/8/2022 7:53'(GMT+7)

Châu Âu gian nan tìm kiếm nguồn cung năng lượng mới

Cơ sở hạ tầng tiếp nhận LNG của các nước châu Âu vẫn còn nhiều hạn chế. (Ảnh minh họa: Reuters)

Cơ sở hạ tầng tiếp nhận LNG của các nước châu Âu vẫn còn nhiều hạn chế. (Ảnh minh họa: Reuters)

Động thái này của châu Âu xuất hiện giữa lúc có quá nhiều tin tức về nguy cơ thiếu hụt nguồn cung khí đốt ở lục địa già, cùng với đó là các biện pháp tiết kiệm, dự trữ năng lượng được áp dụng triệt để. 

EU bị phụ thuộc tới 40% nguồn cung khí đốt từ Nga trước khi xảy ra cuộc chiến ở Ukraine nên việc tìm ra nguồn năng lượng thay thế không phải là điều đơn giản. Một trong những lựa chọn đó là tăng cường nhập khẩu khí hóa lỏng (LNG), nguồn năng lượng mà châu Âu đã gia tăng nhu cầu lên mức chưa từng có kể từ khi có vấn đề với nguồn cung năng lượng Nga.

EU và các nước thành viên đang đầu tư nhiều tỷ USD vào việc xây dựng các chuỗi kho, trạm và đường ống để nhập khẩu LNG. Theo thống kê, chỉ tính từ tháng 2 đến tháng 4/2022, các nước EU và Anh đã nhập khẩu 28,2 triệu tấn LNG, tăng 29% so với cùng kỳ năm ngoái. EU cũng dự kiến tuyên bố tăng nhập khẩu LNG thêm 50 tỷ mét khối so với năm 2021.

Để bảo đảm nguồn cung năng lượng, trong hè này, các quan chức cấp cao, thậm chí cả các nguyên thủ quốc gia thành viên EU liên tục tới Qatar, Azerbaijan, Na Uy và Algeria để ký kết các thỏa thuận năng lượng. Đối với Mỹ, quốc gia hiện dẫn đầu thế giới về xuất khẩu LNG, châu Âu cũng nhắm tới như một nhà cung cấp hàng đầu, nhưng lại đang vấp phải một số rào cản đáng kể. 

Xuất khẩu LNG trung bình hằng ngày của Mỹ tăng 12% trong 6 tháng năm 2022, lên 11,2 tỷ Feet khối mỗi ngày. Anh và EU đã nhận được 71% lượng hàng xuất khẩu đó, tuy nhiên, để thay thế được nguồn cung thiếu hụt từ Nga là cả một vấn đề. 

Cần phải biết rằng, các giới hạn về chính trị, kinh tế và kỹ thuật cũng như năng lực đang ngăn cản lục địa già tiếp cận đầy đủ nguồn cung năng lượng từ Mỹ. Ngay cả khi Mỹ sẵn sàng tăng công suất khai thác và xuất khẩu LNG, hạ tầng kỹ thuật cũng như sức chứa của các nước châu Âu cũng chưa thể đáp ứng đủ. Chưa kể về phía Mỹ cũng gặp phải những trở ngại liên quan tới hợp đồng cung cấp năng lượng dài hạn cho các nước ngoài châu Âu và cả vấn đề năng lực.

Việc mở rộng năng lực khai thác LNG của Mỹ vấp phải sự phản đối của các nhà hoạt động khí hậu trong nước và quốc tế. Bởi việc mở rộng cơ sở hạ tầng khai thác LNG cần thiết để tăng xuất khẩu sẽ đồng nghĩa với việc thay đổi các mục tiêu hiện tại để giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính. LNG chiếm một phần ba lượng khí thải carbon của Mỹ, trong đó bao gồm gần một nửa lượng khí thải metan, một loại khí nhà kính đặc biệt mạnh, là nguyên nhân chính gây ra biến đổi khí hậu.

Các nghiên cứu cũng chỉ rõ, quá trình khai thác và hóa lỏng khí tự nhiên có thể cực kỳ nguy hiểm và gây ô nhiễm. Chưa kể trong ngắn hạn, xuất khẩu LNG của Mỹ dự kiến sẽ giảm đáng kể do vụ nổ hồi tháng 6/2022 tại cơ sở Freeport, một trong những nhà máy sản xuất LNG lớn nhất của Mỹ ở Texas. Ngoài ra, hoạt động xuất khẩu LNG của Mỹ cũng phải chịu không ít áp lực từ chính trong nước do các nhóm doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ đang phải chịu giá năng lượng cao hơn do xuất khẩu LNG của Mỹ tăng mạnh. 

Các nhà phân tích còn dự báo hoạt động xuất khẩu LNG của Mỹ tới châu Âu sẽ khó kéo dài, bởi đây là một giải pháp thay thế tốn kém đối với châu Âu. Giá bán LNG cho châu Âu thường cao hơn ở các thị trường khác và việc này được cho là đang làm tổn hại tới các khu vực khác trên thế giới vốn phụ thuộc vào LNG.

Ông Ben van Beurden, Giám đốc điều hành của Shell, một nhà cung cấp LNG nhận định: “Châu Âu đang loại bỏ LNG khỏi các thị trường không sẵn sàng trả mức giá mà khu vực này có thể sẵn sàng chi trả”. Hơn nữa, giá LNG ở châu Á và Nam Mỹ cũng đang tăng lên để đáp ứng nhu cầu tăng giá của các nhà xuất khẩu nên việc dịch chuyển xuất khẩu LNG tới châu Âu cũng sẽ không được lâu dài. 

Bởi vậy, xem ra cách tốt nhất vẫn là châu Âu phải làm sao để duy trì nguồn cung khí đốt từ Nga như một giải pháp ổn định và lâu dài, cho dù đây là điều cực kỳ khó khăn trong bối cảnh hiện nay. Phó đại diện thường trực thứ nhất của Nga tại Liên hợp quốc, ông Dmitry Polyansky mới đây đã phát biểu trấn an rằng Moscow vẫn là nhà cung cấp khí đốt đáng tin cậy cho châu Âu.

Theo ông Dmitry Polyansky, các lệnh trừng phạt chống lại Nga là lý do các nước thuộc EU đang rơi vào tình trạng khủng hoảng năng lượng. Các thủ tục mang tính kỹ thuật liên quan đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 1 không thể hoàn thành do các lệnh trừng phạt chống lại Nga của châu Âu và Anh.

Chưa rõ các nước EU phản ứng ra sao trước động thái này của nhà ngoại giao cao cấp Nga. Chỉ biết rằng, các nước này vẫn đang tiếp tục thúc đẩy những bước đi nhằm ứng phó với nguy cơ trước mắt về một cuộc khủng hoảng năng lượng khi mùa đông đang tới gần./.

Mai Nguyên (qdnd.vn)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất