Chủ Nhật, 5/5/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Tư, 13/1/2021 10:44'(GMT+7)

Công tác tuyên truyền góp phần phòng, chống đại dịch COVID-19

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long

1. Dịch COVID-19 xuất hiện cuối tháng 12/2019 tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Tình hình dịch trên thế giới vẫn diễn biến rất phức tạp tại nhiều quốc gia, đặc biệt tại châu Âu, châu Mỹ. Nhiều quốc gia đã bùng phát dịch trở lại sau khi nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch và dự báo số trường hợp mắc bệnh sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.

Tính đến nay, dịch đã và đang bùng phát, lây lan đến 217 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, thế giới đã ghi nhận trên 87 triệu trường hợp mắc và hơn 1,8 triệu trường hợp tử vong.

Tại Việt Nam, tình hình dịch COVID-19  chia làm 2 giai đoạn với 5 đợt dịch, trong đó giai đoạn đầu đã ghi nhận ca mắc COVID-19 đầu tiên vào ngày 23/1/2020, sau đó tiếp tục ghi nhận các trường hợp mắc mới là người trở về từ thành phố Vũ Hán, Trung Quốc; người nhập cảnh vào Việt Nam, trở về từ các khu vực, quốc gia đang có dịch như tại Châu Âu và Mỹ… Giai đoạn tiếp theo được ghi nhận từ cuối tháng 7/2020 đến nay sau khi dịch bệnh được phát hiện và bùng phát tại Đà Nẵng và một số tỉnh, thành phố. Sau 88 ngày không có ca mắc trong cộng đồng, đến ngày 30/11/2020 đã xuất ca mắc mới COVID-19  được xác định nguồn lây từ bên ngoài tại thành phố Hồ Chí Minh. 

Trong suốt một năm qua, dịch bệnh COVID-19 đã bùng phát mạnh ở nhiều nước, khu vực và ảnh hưởng toàn diện, sâu rộng đến tất cả quốc gia trên thế giới. Tổ chức Y tế thế giới đã công bố dịch bệnh COVID-19  là đại dịch toàn cầu. Nền kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái nghiêm trọng. Tại Việt Nam, tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội bị tác động và ảnh hưởng nghiêm trọng, các chuỗi cung ứng và lưu chuyển thương mại bị gián đoạn, các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ bị đình trệ đã tác động trực tiếp đến các ngành xuất, nhập khẩu, hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống, y tế, giáo dục, lao động, việc làm; nhiều doanh nghiệp phá sản, giải thể, tạm dừng hoạt động, thu hẹp quy mô.

Đại dịch COVID-19 xảy ra trong bối cảnh rất đặc biệt đối với đất nước ta. Một năm diễn ra nhiều sự kiện quan trọng: năm cuối thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XII; năm tiến hành Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng; năm kỷ niệm 130 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh; một năm Việt Nam ghi nhận nhiều dấu ấn quan trọng trên trường quốc tế: là Uỷ viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, là Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và nhiều sự kiện quan trọng khác. Thế nhưng, ngay trong những ngày Tết Nguyên đán, đất nước ta đã bắt đầu bước vào cuộc chiến không ngừng nghỉ với đại dịch COVID-19. Trong 1 năm qua, nhiều biện pháp quyết liệt đã được triển khai trên khắp thế giới và tại Việt Nam để ứng phó với đại dịch, tuy nhiên đến nay dịch bệnh vẫn đang tiếp tục gia tăng và diễn biến phức tạp, tác động sâu rộng tới sức khoẻ và đời sống của cộng đồng quốc tế, tới sự phát triển kinh tế - xã hội trên toàn cầu. Mặc dù vậy, nhờ có sự nỗ lực phấn đấu, đóng góp to lớn, bền bỉ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, Việt Nam luôn được bạn bè quốc tế đánh giá cao, được coi là điểm sáng về phòng, chống dịch bệnh và phát triển kinh tế - xã hội.

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Tính đến ngày 3/1/2021, cả nước ghi nhận 1.494 trường hợp mắc COVID-19 (trong đó có 834 trường hợp nhập cảnh từ nước ngoài, 660 trường hợp mắc trong nước), 35 trường hợp tử vong.
Ngay khi có dịch bệnh bùng phát, lãnh đạo Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị đã vào cuộc quyết liệt, cùng với sự đồng lòng, đoàn kết của toàn dân, toàn quân, công tác phòng, chống dịch đã đạt kết quả tốt, Việt Nam đã đẩy lùi và kiểm soát tốt được dịch bệnh. Đồng thời, đã có những chính sách kịp thời để từng bước hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn của đại dịch COVID-19; các hoạt động của đời sống kinh tế - xã hội đã và đang được khôi phục; tình hình kinh tế - xã hội đã có những chuyển biến tích cực; được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, nhân dân ngày càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và sự chỉ đạo của Chính phủ.


2.
Từ thực tế tình hình diễn biến dịch COVID-19 trên thế giới và tại Việt Nam, đồng thời qua triển khai các biện pháp phòng chống dịch kể t đầu năm 2020, bước đầu có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm trong công tác phòng chống COVID-19 tại Việt Nam, đó là:

Thứ nhất, sự vào cuộc nhanh chóng, kịp thời, thống nhất chỉ đạo quyết liệt và xuyên suốt của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, của Chính phủ, của các cấp ủy Đảng với sự nỗ lực triển khai của chính quyền các cấp. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước; Ban Bí thư, Thường trực Ban Bí thư đã có lời kêu gọi toàn dân đồng lòng, chung tay chống dịch. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ liên tục có các chỉ đạo khẩn trương, quyết liệt và đúng đắn ngay từ rất sớm, đã mang lại hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch bệnh.

Có thể nói, đây là một trong những nét đặc trưng của nước ta trong công tác phòng, chống dịch COVID-19. Với sự chỉ đạo thống nhất từ Trung ương đến địa phương với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, toàn bộ hệ thống chính trị đã vào cuộc và huy động được sự tham gia của toàn thể người dân, tạo sự đồng thuận cao trong toàn xã hội để thực hiện các biện pháp chống dịch một cách mạnh mẽ, huy động được các nguồn lực lớn trong thời gian ngắn phục vụ công tác phòng, chống dịch. 

Thứ hai, việc triển khai sớm, chủ động và đặc biệt là kiên định với biện pháp chống dịch đã đề ra từ đầu và xuyên suốt các giai đoạn, đó là: “Ngăn chặn - Phát hiện - Cách ly - Khoanh vùng và Dập dịch”.

Với quan điểm luôn đi trước một bước, Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia đã liên tục chỉ đạo chính quyền các cấp thực hiện chủ động, quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch COVID-19  bao gồm các hoạt động ngăn chặn dịch ngay từ cửa khẩu; giám sát, phát hiện sớm và cách ly kịp thời các trường hợp nhập cảnh từ vùng dịch, những người nghi ngờ, người mắc bệnh và người tiếp xúc; tổ chức truy vết và xử lý triệt để các ổ dịch không để dịch lây lan rộng ra cộng đồng. Ngay từ đầu, ngành Y tế đã thể hiện dứt khoát quan điểm kiên quyết cách ly những người tiếp xúc gần (F1) và lấy mẫu xét nghiệm để đưa ngay mầm bệnh ra khỏi cộng đồng, ngăn chặn sự lây lan ra cộng đồng. Từ đó, liên tục mở rộng khả năng xét nghiệm, đến nay khả năng xét nghiệm của nước ta có thể hoàn toàn đáp ứng khi tình huống dịch xảy ra trên diện rộng.

Đây là một trong những điều kiện tiên quyết nhằm giảm sự bùng phát trên diện rộng, không xảy ra tình trạng quá tải bệnh viện, từ đó, chúng ta có thể huy động và tập trung nguồn lực để điều trị các trường hợp nặng, hạn chế tử vong, tạo được sự an tâm của người dân vào các biện pháp chống dịch của Chính phủ.

Thứ ba, xác định vai trò quan trọng của bài học theo phương châm “bốn tại chỗ”, chú trọng vai trò của chính quyền địa phương, hoạt động hiệu quả của các tổ Covid dựa vào cộng đồng mà các địa phương đã thành lập, triển khai.

Cấp uỷ, chính quyền địa phương hành động quyết liệt, xác định vùng nguy cơ và các đối tượng có nguy cơ rất nhanh chóng, kịp thời tổ chức giãn cách, lựa chọn phù hợp cho từng khu vực theo tình hình thực tế từng địa phương một cách nhuần nhuyễn. Chính điều này đã hạn chế tốc độ lây lan của dịch COVID-19  tại cộng đồng. Đặc biệt “Bài học huy động sức dân vẫn còn nguyên giá trị và ngày càng phát huy hơn, nhất là trong phòng chống đại dịch”, là một trong những yếu tố rất quan trọng trong phòng chống dịch COVID-19 .

Thứ tư, sự minh bạch trong việc cung cấp thông tin, truyền thông sâu rộng, tạo được sự tham gia, hưởng ứng tích cực, đồng thuận của người dân trong công tác phòng, chống dịch, hạn chế sự lây lan trong cộng đồng.

Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19  đã chủ động phối hợp với các cơ quan báo chí trong việc cung cấp thông tin sớm, minh bạch, kịp thời đăng tải các biện pháp phòng bệnh và tình hình dịch COVID-19  tạo được sđồng tình, hưởng ứng, chấp hành nghiêm túc, sự ủng hộ của người dân trong việc thực hiện nghiêm các khuyến cáo của Bộ Y tế, các quyết sách của Chính phủ.

Có thể nói, trong suốt 1 năm triển khai công tác phòng chống dịch COVID-19  vừa qua, công tác tuyên truyền đã thể hiện rõ sự đa dạng về loại hình, phương tiện, tăng cường tính minh bạch, tiếp tục đề cao tính kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm của mỗi tổ chức, cá nhân, tiếp tục khơi dậy và nhân lên mạnh mẽ truyền thống “tương thân tương ái”, tinh thần dân tộc để chung tay chiến thắng dịch bệnh; tiếp tục triển khai các hoạt động để kiểm soát tốt dịch bệnh đồng thời phát triển kinh tế xã hội, vì sức khỏe và cuộc sống bình an của nhân dân, vì sự phát triển của đất nước.

Trong đó, vai trò nổi bật trong chỉ đạo, định hướng thông tin và dư luận xã hội của Ban Tuyên giáo Trung ương và hệ thống Ban Tuyên giáo các tỉnh, thành phố. Từ đó, truyền thông chính thống đã chiếm lĩnh và giữ vai trò chủ đạo với sự tham gia, vào cuộc một cách chủ động của các cơ quan thông tấn, báo chí, các đài phát thanh truyền hình cả ở trung ương lẫn địa phương. Đồng thời, do cách tiếp cận truyền thông chủ động, cởi mở, minh bạch của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 và các ban, bộ, ngành nên đã nhận được sự cộng hưởng tích cực của người dân. Việc tận dụng triệt để ưu thế truyền thông 4.0 trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 cũng đã mang đến cho chúng ta những hiệu quả to lớn trong việc tuyên truyền đến mọi tầng lớp nhân dân về công tác phòng chống dịch.

Thứ năm, sự chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống COVID-19, trong đó có sự phối hợp của nhiều ban, bộ, ngành trong triển khai các biện pháp phòng chống dịch, đặc biệt sự phối hợp hết sức chặt chẽ giữa ngành y tế và công an, quân đội và các ngành liên quan.

Sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, bộ, ngành đã tạo được sự đồng bộ, thống nhất trong hành động chống dịch; trong đó, nhiều biện pháp chống dịch đòi hỏi có sự quyết tâm rất cao vì phải huy động sự tham gia một lực lượng rất lớn, đồng thời ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế cả nước. Nhưng với tinh thần bảo vệ sức khỏe người dân được đặt lên hàng đầu, các ban, bộ, ngành đã cùng nhau khắc phục mọi khó khăn, vất vả để hiệp đồng chặt chẽ trong hành động, mang lại hiệu quả cao trong các hoạt động phòng chống dịch.

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Thứ sáu, việc nâng cao uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế thông qua các hoạt động chia sẻ thông tin, hợp tác và hỗ trợ quốc tế trong phòng chống dịch COVID-19 .

Ngay từ đầu dịch, chúng ta đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức quốc tế, các quốc gia trên thế giới để chia sẻ thông tin, đánh giá tình hình và đề ra các biện pháp chống dịch quyết liệt nhưng hợp lý. Điều đó đã được Tổ chức quốc tế đồng tình, ủng hộ và đánh giá cao trong công tác phòng chống dịch COVID-19. Bên cạnh đó, mặc dù còn nhiều khó khăn, Việt Nam cũng đã thể hiện là quốc gia có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế thông qua việc hỗ trợ các trang thiết bị, vật tư phòng chống dịch cho một số quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh. Chúng ta đã quan tâm chăm sóc, điều trị cho người nước ngoài tại Việt Nam được bạn bè quốc tế đánh giá cao.

Thứ bảy, đã huy động sức mạnh tổng hợp của toàn ngành Y tế trong công tác phòng chống dịch. Khi dịch bệnh bùng phát trong giai đoạn thứ 2 tại Đà Nẵng, ngành Y tế đã huy động lực lượng lớn nhân viên y tế tham gia các hoạt động phòng, chống dịch “chưa có trong tiền lệ” với hơn 1000 cán bộ y tế (trong đó có 300 thầy thuốc bao gồm các giáo sư đầu ngành, các bác sĩ, các chuyên gia trong công tác phòng chống dịch, điều trịsinh viên), kịp thời hỗ trợ địa phương nhanh chóng phát hiện, ngăn chặn, kiểm soát dịch bệnh và đã hoàn thành việc dập dịch dứt điểm trong chưa đầy 40 ngày, cứu được tính mạng của nhiều bệnh nhân nặng.

Thứ tám, đảm bảo tất cả hoạt động phát triển kinh tế với khu vực khác: kiểm soát biên giới, quản lý người nhập cảnh, bảo hộ công dân... Trong thời gian qua, các cấp, các ngành dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo đã thực hiện tốt việc này.

Thứ chín, việc chuẩn bị chủ động về hậu cần, không bị gián đoạn như lần trước. Tất cả trang thiết bị, vật tư tiêu hao, khẩu trang, trang thiết bị phòng hộ đã chủ động hơn trước.

3. Dịch bệnh COVID-19 ở Việt Nam còn diễn biến hết sức phức tạp và còn có thể kéo dài. Do vậy, công tác kiểm soát, phòng chống dịch COVID-19  đang đặt ra cho chúng ta những nhiệm vụ hết sức nặng nề, đòi hỏi các cấp, các ngành, các địa phương phải chủ động, quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống dịch trong trạng thái bình thường mới; nêu cao tinh thần cảnh giác, không lơ là, chủ quan, đề cao kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm của người đứng đầu, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch; chuẩn bị đầy đủ các kịch bản có thể xảy ra của dịch bệnh, phải xác định các ca bệnh được phát hiện không phải của riêng địa phương nào để sẵn sàng ứng phó; khi phát hiện trường hợp mắc bệnh cần triển khai nhanh, quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch thì dịch bệnh sẽ nhanh chóng được khống chế, kiểm soát không để lây lan rộng ra cộng đồng và không để tác động tiêu cực đến các hoạt động kinh tế - xã hội và đời sống người dân.

Để giữ vững thành quả công tác phòng, chống dịch bệnh làm tiền đề cho sự ổn định xã hội để phát triển kinh tế và thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ chính trị quan trọng của đất nước, trên cơ sở những thành quả bước đầu trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19 thời gian qua, có thể rút ra những bài học kinh nghiệm và giải pháp cơ bản sau đây:

Một là, kiên định, quyết liệt thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trong kiểm soát dịch bệnh, không để dịch lan rộng vượt quá khả năng kiểm soát và điều trị của hệ thống y tế. Trong đó, phải bám sát nguyên tắc: Ngăn chặn – Phát hiện – Cách ly – Khoanh vùng – Dập dịch.

Hai là, làm tốt công tác tuyên truyền để mọi người dân, mọi tầng lớp xã hội có thể chung sống an toàn: thay đổi thói quen sinh hoạt, vệ sinh; tăng cường chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ; xây dựng môi trường học tập an toàn; đi lại an toàn; sản xuất, kinh doanh an toàn và các hoạt động của các cơ quan công quyền an toàn, tích cực.

Binh chủng Hoá học (Bộ Quốc phòng) đã tiến hành phun tiêu độc, khử trùng tại phố Trúc Bạch (quận Ba Đình, TP Hà Nội)

Binh chủng Hoá học (Bộ Quốc phòng) tiến hành phun tiêu độc, khử trùng tại phố Trúc Bạch (quận Ba Đình, TP Hà Nội) ngày 7/3/2020 

Ba là, phải có những điều chỉnh tích cực ở tất cả các cấp độ, các lĩnh vực của đời sống xã hội. Chúng ta dễ nhận thấy trong phòng chống dịch bệnh thời gian qua, nhiều thay đổi tích cực đã diễn ra và mang lại những hiệu quả và cả những giá trị rất đáng trân trọng. Đó là lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết dân tộc, ý thức cộng đồng, sự cống hiến và hy sinh… đã được khơi dậy, nhân lên trong cộng đồng. Đó là hình ảnh, uy tín của Việt Nam trong kiểm soát dịch bệnh và dù còn nghèo cũng sẵn sàng chia sẻ, hợp tác, hỗ trợ các nước khác trên thế giới.

Hy vọng với kết quả mà Đảng, Chính phủ và nhân dân ta đã đạt được trong cuộc chiến chống COVID-19  vừa qua, chúng ta sẽ sớm phục hồi kinh tế - xã hội và mọi mặt đời sống của đất nước đồng thời thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ quan trọng của năm 2021 và những năm tiếp theo./.

GS.TS. Nguyễn Thanh Long

Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất