Chủ Nhật, 12/5/2024
Giáo dục
Thứ Tư, 1/12/2021 14:12'(GMT+7)

Đào tạo nhà giáo giáo dục nghề nghiệp ​trong Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư

Lớp học Công nghệ ô tô của Trường Cao đẳng nghề Việt Nam - Singapore. (Ảnh: TTXVN).

Lớp học Công nghệ ô tô của Trường Cao đẳng nghề Việt Nam - Singapore. (Ảnh: TTXVN).

Vai trò người thầy giáo, cô giáo giáo dục nghề nghiêp thế kỷ 21 trở nên phức tạp trong thế giới hiện đang thay đổi, nơi mà kiến thức hầu như là vô tận. Nhà giáo giáo dục nghề nghiệp được kỳ vọng phải định hướng vào công nghệ và có trách nhiêm không chỉ với việc giảng dạy của mình mà còn với việc học tập của học sinh, sinh viên. Giáo dục nghề nghiệp, coi “Chất lượng giảng viên, giáo viên giáo dục nghề nghiệp là chìa khóa, là xương sống cho đột phá chất lượng của giáo dục nghề nghiệp đặc biệt trong bối cảnh giáo dục và đào tạo chịu tác động rất lớn của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0)”.

Ở Việt Nam cuộc CMCN 4.0 được bắt đầu thảo luận từ năm 2016 với sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước. Chủ trương “Đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục quốc dân” theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa và dân chủ hóa” đã được Trung ương khẳng định tại Nghị quyết số 29-NQ/TW. Chuẩn hóa, trước hết là chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, tiếp đến là nội dung chương trình, điều kiện dạy và học, cách đánh giá hoạt động và kết quả đầu ra của người học. Trong đó, chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục phải được ưu tiên hàng đầu”. Vấn đề đặt ra là đào tạo nhà giáo giáo dục nghề nghiệp trong bối cảnh CMCN 4.0 được thực hiện như thế nào ở trên thế giới và ở Việt Nam để khuyến nghị về đổi mới đào tạo nhà giáo giáo dục nghề nghiệp góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực hiện nay.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, vai trò của nhà giáo giáo dục nghề nghiệp có nhiều thay đổi hơn trước. Người thầy giáo, cô giáo phải quan tâm nhu cầu của từng học sinh, sinh viên trong môi trường lớp học không đồng nhất, nhưng lại phải tạo môi trường học tập lấy học sinh, sinh viên làm trung tâm để việc giảng dạy và học tập được linh hoạt, mang lại hiệu quả quả xuất sắc. Người thầy giáo, cô giáo phải đáp ứng chuẩn trình độ đào tạo, chuẩn kỹ năng nghề nghiệp, sư phạm để tăng cường tính tương tác, sáng tạo, ham hiểu biết và động cơ học tập của người học. Người giáo viên chuyển đổi từ truyền thụ kiến thức theo cách truyền thống sang vai trò xúc tác và điều phối, chuyển đổi từ vị trí người dạy sang thiết kế, cố vấn, huấn luyện và tạo ra môi trường học tập, giúp người học điều chỉnh chất lượng và độ giá trị nguồn thông tin, kiến thức mới trở thành người biết cách tự học và tự đổi mới suốt đời. Trong kỷ nguyên số hóa người thầy làm việc ở cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải hiểu được sự khác nhau giữa “học về” và “học để”; phải thực hiện cái “học để” nhằm đạt kết quả đầu ra hiệu suất trong sinh viên. Việc lôi cuốn đúng đắn người học đảm bảo theo ngành môn học nhằm mục đích “học để”, nghĩa là, nếu sinh viên được tuyển vào chương trình đào tạo sư phạm kỹ thuật thì họ phải bộc lộ được các kỹ năng dạy học.

Quan điểm của UNESCO về đào tạo nhà giáo giáo dục nghề nghiệp

UNESCO và các nước thành viên coi đào tạo nhà giáo (giáo viên, giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục) là một trong những ưu tiên có tính nguyên tắc. Trong một sự kiện do Trung tâm quốc tế UNESCO-UNEVOC tổ chức chủ đề “Chất lượng giáo viên dạy nghề là chìa khóa xác định kỹ năng công nhân nghề trong tương lai” đã tổng kết rằng các thách thức của đào tạo nhà giáo giáo dục nghề nghiệp khác hẳn so với đào tạo giáo viên nói chung và cần đặc biệt chú ý các kỹ năng và năng lực phải thường xuyên cập nhật cùng với phát triển công nghệ trong liên kết công nghiệp.

UNESCO cho rằng đặc trưng của đào tạo giáo viên giáo dục nghề nghiệp hiện là khâu yếu nhất trong chuỗi học tập, bởi đang có tình trạng thiếu hụt nhà giáo giáo dục nghề nghiệp cả về số lượng lẫn chất lượng; có sự phân chia về giới tính; thiếu môi trường có khả năng giải quyết như xây dựng các chuẩn và chương trình đào tạo hướng vào cầu; khắc phục bất cập về liên kết với công nghiệp và đào tạo giáo dục nghề nghiệp dựa trên công việc; tình trạng thiết bị lạc hậu, cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư, đổi mới của các cơ sở đào tạo cũng như chế độ tiền lương và phát triển  nghiệp vụ cho nhà giáo còn chưa thật tốt. Cụ thể: chương trình đào tạo sư phạm kỹ thuật 04 năm có quá nhiều kinh nghiệm sư phạm nhưng lại thiếu hiểu biết thực hành sâu về công nghiệp; đào tạo nghề chỉ dựa trên lý thuyết là phổ biến (đặc biệt đối với các giáo viên được đào tạo lý thuyết); vẫn còn có nhận thức chưa đúng cho rằng đào tạo sư phạm kỹ thuật chú trọng đến việc nắm vững các môn học kỹ thuật là thành tố quan trọng nhất của đào tạo nhà giáo giáo dục nghề nghiệp, các kỹ năng và kiến thức sư phạm chỉ là sự bổ sung thêm vào các môn học trong đào tạo sư phạm kỹ thuật.

Một số khuyến nghị nâng cao chất lượng đào tạo nhà giáo giáo dục nghề nghiệp trong các cơ sở đào tạo sư phạm kỹ thuật

Thứ nhất, đào tạo nhà giáo giáo dục nghề nghiệp thông qua cộng tác với công nghiệp để phát triển chương trình đào tạo đáp ứng chuẩn chất lượng mà các hội đồng kiểm định đặt ra, hợp tác chặt chẽ giữa giáo viên và các ngành công nghiệp là hết sức quan trọng, bao gồm cả sự hỗ trợ từ nhân sự ngành công nghiệp.

Thứ hai, xây dựng các liên kết với công là biện pháp phù hợp để có hợp tác ban đầu với các ngành công nghiệp chưa có quan hệ cộng tác ở các nước đang phát triển. Xây dựng mô hình các nhà máy dạy học thành công có thể được thành lập theo kiểu doanh nghiệp trong nhà trường theo đối tác win-win (đôi bên cùng có lợi).

Thứ ba, đào tạo giáo sinh giáo dục nghề nghiệp trước khi đi làm. Hầu hết các chương trình đào tạo giáo sinh sư phạm kỹ thuật mới giúp cho giáo sinh đi dạy học ở cấp trung học phổ thông, các giáo sinh chỉ nhận được kinh nghiệm sư phạm hơn là hiểu biết sâu về công nghiệp không phù hợp với thực tiễn và mong đợi của người học. Giảng viên các cơ sở sư phạm kỹ thuật chưa đổi mới, thường thích dạy các môn kỹ thuật nghề nghiệp lỗi thời. Chưa có sự phân biệt rõ giữa các yêu cầu sư phạm kỹ thuật với yêu cầu sư phạm đối với các môn học trong chương trình giáo dục phổ thông. Đồng thời phải thực hiện bồi dưỡng nghiệp vụ thường xuyên thông qua các trung tâm đào tạo bồi dưỡng giáo viên giáo dục nghề nghiệp chuyên sâu.

Nghiên cứu mô hình đào tạo giáo viên dạy nghề ở Hàn Quốc để vận dụng trong đào tạo tại các cơ sở đào tạo sư phạm kỹ thuật của Việt Nam, như sau: giáo viên phổ thông được đào tạo ở các trường đại học sư phạm hay đại học giáo dục thuộc các đại học đa ngành; giáo viên dạy nghề được đào tạo ở trường đại học kỹ thuật Hàn Quốc (Koreatech- có mục đích thực hiện giáo dục và nghiên cứu bồi dưỡng giáo viên nghề, chuyên gia phát triển nhân lực, kỹ thuật viên và thực hành kỹ thuật cần thiết cho nền công nghiệp tri thức cao; phát triển năng lực giáo dục nghề suốt đời cho công nhân; giáo dục về nhân lực cho quan chức chính phủ); giáo viên dạy nghề cho các trường trung học và cao đẳng theo hướng giáo dục nghề được đào tạo ở các khoa sư phạm chung theo Luật Giáo dục tiểu học, giáo dục phổ thông và Luật Giáo dục đại học của Hàn Quốc. Giáo viên nghề đóng vai trò quan trọng phát triển chương trình đào tạo thực hành/hàn lâm cho đào tạo nghề liên quan đến công nghiệp. Đào tạo giáo viên dạy nghề dựa theo các chuẩn đào tạo, chuẩn đánh giá kết quả, tư vấn việc làm, hướng nghiệp trong các học viện nghề. Giáo viên dạy nghề được phân loại theo cụm giáo viên (giáo viên chuyên ngành, giáo viên chung, giáo viên đào tạo tại chỗ).

Thứ tư, nghiên cứu cách hợp tác về đào tạo nghề giữa Đức - Trung Quốc để nâng cao năng lực cho nhà giáo giáo dục nghề nghiệp trong bối cảnh CMCN 4.0. Trước mắt, phải cải tiến, đổi mới đào tạo giáo viên nghề, về lâu dài phải xem xét lại toàn bộ các chương trình đào tạo giáo viên ở trường đại học. Nhà giáo giáo dục nghề nghiệp cần các kỹ năng thực hành nhiều hơn, có khả năng nắm vững các nhiệm vụ như những nhiệm vụ mà học viên của họ sẽ đối diện ở nơi làm việc tương lai. Tiếp theo, những phương pháp mới, các kỹ năng thực hành từ thực tiễn làm việc phải được hợp nhất vào trong quá trình đào tạo giáo sinh và đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên nhà giáo. Các cơ sở đào tạo giáo viên nghề phải làm việc gần hơn, chặt chẽ với các công ty, phải trở thành các đối tác hấp dẫn các công ty để kế thừa các thành tựu mới nhất trong đổi mới công nghiệp vận dụng vào trong quá trình đào tạo. Các cơ sở đào tạo giáo viên nghề phải tạo điều kiện, giúp sinh viên tiếp cận học nghề tài năng và có động cơ theo đuổi trình độ văn bằng cao hơn (cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ). Xây dựng mô hình đổi mới vùng với mô hình liên kết tay ba (Helix triple model) giữa nhà trường, nhà công nghiệp và chính quyền địa phương để thực hiện tốt phân cấp giáo dục và tăng tự chủ cho cơ sở đào tạo. Điều này sẽ giúp khắc phục những bất cập trọng đào tạo sư phạm nói chung và tạo hướng cho đổi mới công tác đào tạo nhà giáo giáo dục nghề nghiệp nói riêng trong thời gian tới./. 

Hà Thanh

Ban Tuyên giáo Trung ương

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất