Thứ Hai, 6/5/2024
Môi trường
Thứ Ba, 1/11/2022 12:52'(GMT+7)

Đẩy mạnh công tác bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học.

Cán bộ Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Tân Trào phối hợp với người dân xã Tân Trào (Sơn Dương) tuần tra bảo vệ rừng. Ảnh: Cao Huy

Cán bộ Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Tân Trào phối hợp với người dân xã Tân Trào (Sơn Dương) tuần tra bảo vệ rừng. Ảnh: Cao Huy

Theo Liên hợp quốc, các hệ sinh thái trên Trái đất đang tiếp tục suy thoái hoặc biến đổi; đa dạng sinh học đang suy giảm với tốc độ chưa từng có trong lịch sử loài người chạm ngưỡng không thể đảo ngược do sự gia tăng dân số và những áp lực của quá trình phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là từ hoạt động khai thác và sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

Các số liệu do Diễn đàn liên chính phủ Liên hợp quốc về đa dạng sinh học và dịch vụ hệ sinh thái công bố cho thấy thực trạng rất đáng quan ngại, 1 triệu trong tổng số 8 triệu loài động, thực vật trên hành tinh đang bị đe dọa tuyệt chủng; mỗi năm có khoảng 10 triệu ha rừng bị mất kéo theo nhiều loài thực vật bị suy giảm. Theo tính toán, đến năm 2050, với các mô hình sản xuất và tiêu dùng tiêu tốn nhiều tài nguyên thiên nhiên như hiện nay, cùng với sự gia tăng dân số thế giới dự kiến chạm tới ngưỡng 9,6 tỷ người, sẽ phải cần tới 3 Trái đất mới đáp ứng được nhu cầu sinh sống của nhân loại.

Việt Nam được ghi nhận là một trong 12 trung tâm đa dạng sinh học, một trong 16 quốc gia sở hữu sự đa dạng sinh học cao nhất trên toàn cầu với các nguồn gen quý, hiếm, phong phú và đặc hữu.

 Thung Nham, Ninh Bình

Tuy nhiên, Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng suy thoái về đa dạng sinh học cùng với những thách thức to lớn khác như đại dịch Covid, ô nhiễm môi trường và nguồn nước, suy thoái đất đai, rác thải nhựa đại dương và những ảnh hưởng cực đoan của biến đổi khí hậu.

Trong giai đoạn 2016-2022, Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về Đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đặt ra nhiều mục tiêu bảo tồn đa dạng sinh học cho giai đoạn mới. 

Việt Nam đang quyết tâm đẩy mạnh tái cấu trúc nền kinh tế gắn với phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn nhằm sử dụng hiệu quả và bảo tồn các nguồn tài nguyên, bền vững về môi trường, khí hậu, bảo vệ môi trường sống. Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã chính thức được thực hiện từ ngày 01 tháng 1 năm 2022 với nhiều chính sách, giải pháp đột phá, đánh dấu giai đoạn chuyển đổi mạnh mẽ trong công tác bảo vệ môi trường, hướng tới mục tiêu cao nhất cải thiện chất lượng môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân, cân bằng sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển kinh tế bền vững. Trong đó, doanh nghiệp và người dân sẽ đóng vai trò trung tâm. Nhận thức rõ tầm quan trọng của ĐDSH và vai trò của nó trong việc duy trì sự phát triển bền vững của cuộc sống, sinh kế và nền kinh tế, thời gian qua, Việt Nam đã đưa vào các văn bản Luật những quy định yêu cầu các dự án đầu tư có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao và một số dự án đầu tư có nguy cơ tác động xấu đến môi trường phải thực hiện đánh đánh giá tác động đa dạng sinh học. Nội dung này đã được quy định chi tiết tại Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2022 và Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10/1/2022.

Để bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, thời gian tới cần tập trung làm tốt một số yêu cầu sau: 

Trước hết,cần có sự chuyển biến mạnh mẽ trong tư duy và nhận thức về lối sống bền vững hài hòa với thiên nhiên; xây dựng đạo đức, văn hóa, văn minh sinh thái trong ứng xử với tự nhiên; xây dựng bộ tiêu chí văn hóa, lối sống xanh trong toàn xã hội. Tập trung chuyển đổi thành công cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng từ “nâu” sang “xanh”, từ khai thác thâm dụng tài nguyên thiên nhiên sang kinh tế tri thức, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, các-bon thấp; đầu tư cho vốn tự nhiên.

Một là, tập trung giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường tại các lưu vực sông chính, các khu, cụm công nghiệp, làng nghề; thúc đẩy phân loại, thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; ứng dụng công nghệ tiên tiến trong tái chế, xử lý chất thải rắn, giảm dần việc chôn lấp trực tiếp chất thải; khắc phục, cải thiện tình trạng ô nhiễm, suy thoái tài nguyên đất; Tăng cường các hoạt động phòng chống các loại tội phạm về môi trường, săn bắn và buôn bán động vật hoang dã.

Hai là, kiểm soát tác động tiêu cực của các dự án, hoạt động kinh tế tới thiên nhiên, đa dạng sinh học. Thực hiện đánh giá tác động của các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội đối với di sản thiên nhiên trong đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường. Xây dựng và triển khai áp dụng cơ chế bồi hoàn đa dạng sinh học, đặc biệt đối với hệ sinh thái rừng và đất ngập nước.

Ba là, củng cố, tăng cường hệ thống di sản thiên nhiên, đặc biệt là thông qua triển khai đồng bộ các quy định mới của Luật Bảo vệ Môi trường 2020 và Nghị định 08/2022/NĐ-CP, trong đó ưu tiên tăng cường năng lực và nguồn lực cho quản lý và bảo vệ môi trường các di sản thiên nhiên; thành lập mới, đề xuất các tổ chức quốc tế công nhận danh hiệu cho các di sản thiên nhiên. Triển khai xây dựng hướng dẫn kỹ thuật lập dự án xác lập, công nhận di sản thiên nhiên.

Thúc đẩy lượng giá đa dạng sinh học; tiếp tục mở rộng áp dụng cơ chế chi trả dịch vụ hệ sinh thái đối với các hệ sinh thái tự nhiên, đặc biệt là rừng, đất ngập nước, biển, núi đá, hang động và công viên địa chất. Phát triển mạng lưới khu dự trữ sinh quyển, vườn di sản ASEAN, khu Ramsar.

Bốn là, bảo vệ, phục hồi các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng. Đẩy mạnh triển khai các mô hình bảo tồn, sử dụng bền vững các hệ sinh thái. Xây dựng và thực hiện chương trình, kế hoạch phục hồi, sử dụng bền vững các hệ sinh thái tự nhiên bị suy thoái, nhất là rừng ngập mặn, rạn san hô, thảm cỏ biển và các vùng đất ngập nước quan trọng; thực hiện quản lý dựa trên khả năng phục hồi đối với các rạn san hô.

Quản lý, bảo vệ chặt chẽ, phục hồi rừng tự nhiên; bảo vệ và phát triển bền vững 100% diện tích rừng hiện có. Ngăn chặn có hiệu quả nạn khai thác thực vật, động vật hoang dã và phá rừng trái pháp luật. Tăng cường năng lực phòng, chống cháy rừng, giảm số vụ và diện tích rừng bị cháy.

Thực hiện hiệu quả mục tiêu về Thập kỷ phục hồi hệ sinh thái tự nhiên và hướng tới COP15 các bên tham gia Công ước Đa dạng sinh học; thúc đẩy mạnh mẽ phong trào toàn dân tham gia thực hiện có kết quả Chương trình trồng 1 tỷ cây xanh; bảo vệ rừng, phục hồi, trồng mới rừng ngập mặn; nâng cao tỷ lệ bảo tồn gắn với phát triển kinh tế sinh thái, sinh kế bền vững của người dân.

Trồng rừng để bảo tồn đa dạng sinh học

Năm là, tiếp tục xây dựng và thực hiện các chương trình bảo tồn loài động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm, cây trồng vật nuôi được ưu tiên bảo vệ. Phát triển hệ thống cơ sở bảo tồn chuyển chỗ, các trung tâm cứu hộ động vật, vườn động vật, vườn thực vật, vườn cây thuốc. Tăng cường ngăn chặn khai thác, săn bắt, đánh bắt, buôn bán trái phép động vật, thực vật hoang dã, quý hiếm; kiểm soát chặt chẽ hoạt động gây nuôi động vật hoang dã.

Sáu là, đẩy mạnh bảo tồn các nguồn gen quý hiếm, đặc hữu, có nguy cơ tuyệt chủng. Thúc đẩy tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích. Tăng cường kiểm soát, ngăn chặn sự du nhập, phát triển và giảm thiểu tác động của các loài sinh vật ngoại lai xâm hại. Tiếp tục kiểm soát rủi ro từ sinh vật biến đổi gen, chú trọng việc quản lý nhập khẩu, cấp phép và nhân giống sinh vật biến đổi gen.

 Duy Anh

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất