Chủ Nhật, 5/5/2024
Khoa giáo
Thứ Hai, 25/4/2022 16:0'(GMT+7)

Đẩy mạnh xây dựng mô hình công dân học tập

Đồng chí Lê Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam tặng Cờ đơn vị xuất sắc trong phong trào thi đua khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập giai đoạn 1996-2021 cho Hội Khuyến học Hà Nội. (Ảnh: HNM)

Đồng chí Lê Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam tặng Cờ đơn vị xuất sắc trong phong trào thi đua khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập giai đoạn 1996-2021 cho Hội Khuyến học Hà Nội. (Ảnh: HNM)

Đồng chí Lê Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khuyến học Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Tạp chí Tuyên giáo xoay quanh nội dung này.

TÍCH CỰC HƯỞNG ỨNG CHỦ TRƯƠNG XÂY DỰNG XÃ HỘI HỌC TẬP CỦA ĐẢNG VÀ NHÀ NƯỚC

PV: Xin đồng chí cho biết những kết quả đạt được trong công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trong thời gian vừa qua?

Đồng chí Lê Mạnh Hùng

Trong thời gian qua, phong trào khuyến học, khuyến tài đã ăn sâu, bắt rễ vào từng cộng đồng dân trong cả nước. Nhân dân trong từng thôn bản, tổ dân phố đều tích cực hưởng ứng chủ trương xây dựng xã hội học tập của Đảng và Nhà nước, phấn khởi tiếp nhận và thực hiện tốt những nhiệm vụ được giao.

Công tác khuyến học, khuyến tài không những được triển khai sâu rộng mà còn từng bước phát triển trong nhiều trường phổ thông và đại học, nhiều đơn vị của các bộ, ban, ngành và nhiều doanh nghiệp. Việc ký kết chương trình phối hợp công tác với nhiều ngành và các đoàn thể đã tạo cơ hội để các tổ chức khuyến học hình thành và hoạt động trong các đơn vị có chương trình hợp tác. Nhờ vậy, chủ trương khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập của Hội Khuyến học được lan tỏa rộng rãi hơn rất nhiều. 

Hiện nay, cả nước ta có 460 trường đại học và cao đẳng, trong đó, có 284 trường đã thành lập các tổ chức khuyến học. Tại các địa phương, tỷ lệ hội viên so với dân số đều đạt từ 20% trở lên. 

Quỹ khuyến học của các tỉnh, thành Hội và của Hội khuyến học các cấp có tầm quan trọng đối với việc duy trì phong trào học tập trong hệ thống giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên ở địa phương, nhất là không để trẻ em nào phải bỏ học. Từ đó, góp phần thực hiện xóa mù chữ, phổ cập giáo dục đúng độ tuổi, đông viên học sinh, sinh viên và người lớn nỗ lực học tập đạt thành tích cao.

Hội Khuyến học Việt Nam đã thực hiện tốt vai trò nòng cốt của mình trong việc phối hợp, liên kết với các lực lượng xã hội tiến hành cuộc vận động nhân dân học tập suốt đời, phát triển giáo dục thường xuyên, mở ra nhiều hình thức học tập của người lớn thông qua công tác “Dân vận khéo” do Ban Dân vận Trung ương phát động.

Sự phối hợp giữa Hội khuyến học với nhiều Bộ, Ban, ngành và đoàn thể đang dần trở thành mô hình liên kết lực lượng trong sự nghiệp khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Từ đó, đã có nhiều kinh nghiệm hay ứng dụng vào việc xây dựng những mô hình mới như mô hình liên kết Hội Khuyến học – Trường Đại học, Hội Khuyến học – doanh nghiệp, Hội Khuyến học – Các tổ chức chính trị, Hội Khuyến học – bộ đội biên phòng…

Chúng ta cần phải khẳng định rằng, Hội Khuyến học Việt Nam đã trở thành một lực lượng xã hội có sự phát triển liên tục, bền vững, được Đảng xếp vào danh sách Hội quần chúng có tính chất đặc thù, được Nhà nước giao nhiệm vụ theo từng giai đoạn phát triển đất ước. Chủ trương khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập của Hội được nhân dân hưởng ứng nhiệt liệt. Nhân dân đánh giá cao những hoạt động của Hội, nhất là sự phát triển của các mô hình học tập với những lợi ích thiết thực cho nhân dân. Những tác động và hiệu quả mô hình học tập đến sự phát triển sản xuất, tăng trưởng kinh tế, bảo vệ môi trường, cải thiện đời sống tinh thần và vật chất được nhân dân đánh giá cao.

Hội cũng đã thực hiện tốt trách nhiệm xã hội với tư cách là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và hội quần chúng, tham gia đầy đủ các phong trào, đợt vận động do Mặt trận Tổ chức. 

Đồng chí Nguyễn Thị Doan, Nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam phát biểu tại Hội thảo “Xây dựng Bộ Tiêu chí đánh giá mô hình Công dân học tập” diễn ra sáng 23/7/2020.

Đồng chí Nguyễn Thị Doan, Nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam phát biểu tại Hội thảo “Xây dựng Bộ Tiêu chí đánh giá mô hình Công dân học tập” diễn ra sáng 23/7/2020.

PV: Có thể thấy rằng, những kết quả đạt được trong công tác khuyến học khuyến tài trong thời gian qua rất đáng trân trọng và ghi nhận, song, cũng còn nhiều điều mà người làm công tác khuyến học còn băn khoăn, thưa đồng chí?

Đồng chí Lê Mạnh HùngĐúng như vậy! Sự không đồng đều, thậm chí còn chênh lệch trong hoạt động giữa các hội Khuyến học địa phương đã tồn tại nhiều năm mà chúng tôi rất trăn trở, đang dần dần tháo gỡ. Năng lực hoạt động của một số cán bộ hội, nhất là năng lực vận động, tuyên truyền, giải thích cho người dân, năng lực tham mưu cho lãnh đạo ở một số nơi chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Tại những nơi mà cán bộ chưa quan tâm hoặc thiếu kỹ năng làm công tác dân vận thì phong trào khuyến học còn gặp nhiều khó khăn. Do vậy, một số địa phương chưa hoàn thành mục tiêu xây dựng các mô hình học tập, nhất là mô hình học tập gia đình.

Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền về học tập suốt đời mới đạt chiều rộng, chưa có chiều sâu, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa và những địa bàn còn nhiều khó khăn. Trình độ nhận thức của người dân chưa đồng đều về khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.

PV: Từ những thành tựu đã đạt được, có thể rút ra những bài học kinh nghiệm như thế nào để dần dần tháo gỡ những hạn chế còn tồn tại, thưa đồng chí?

Đồng chí Lê Mạnh Hùng: Theo tôi, sự quan tâm, chỉ đạo, lãnh đạo, quản lý của Đảng và Nhà nước là yếu tố quan trọng, hàng đầu quyết định sự thành công của phong trào khuyến học. Trước một chủ trương lớn, công tác tham mưu, đề xuất của các cấp hội rất quan trọng. Trên thực tế, nơi nào có các tổ chức Hội và hội viên phát triển mạnh mẽ, quỹ khuyến học được nhiều tổ chức, cá nhân đóng góp, phong trào học tập của người dân lên cao, các mô hình học tập được xây dựng và phát triển tốt… đều liên quan đến kết quả góp ý và tư vấn của cán bộ Hội với cấp ủy và chính quyền các cấp.

Về thực chất, việc tiến hành công tác khuyến học, khuyến tài đều liên quan đến hoạt động dân vận. Dân vận khéo thì công tác khuyến học nhất định thành công. Việc tổ chức phong trào khuyến học, khuyến tài và xây dựng các mô hình học tập phải gắn kết với các cuộc vận động xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh – thông minh và các phong trào thi đua yêu nước. 

Bất kỳ hoạt động khuyến học nào trong chương trình hành động của Hội đều phải tính đến những lợi ích mà người dân được thụ hưởng, những tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế và văn hóa cộng đồng, phải đạt được sự hài lòng của người dân. 

Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa Hội với các tổ chức, các lực lượng chính trị, kinh tế và xã hội sẽ làm gia tăng sức mạnh của Hội, tạo ra những nguồn lực cần thiết để phát triển công tác khuyến học, lôi cuốn được các doanh nghiệp cùng đồng hành trong xây dựng xã hội học tập. 

Cần tuyên truyền sâu rộng kết hợp với tập huấn cán bộ và hội viên; tổ chức tốt việc học tập thường xuyên trong nhân dân là cơ sở vững chắc của việc nâng cao trình độ nhận thức của xã hội, ủng hộ và đồng thuận sự nghiệp khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.

Coi trọng kiểm tra, đánh giá hoạt động của các đơn vị, các tổ chức khuyến học, thực hiện tốt công tác sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm, biểu dương kịp thời những nhân tố tích cực là yếu tố không thể thiếu được trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai các hoạt động của Hội.

Sự phối hợp giữa Hội và các tổ chức, các lực lượng chính trị, kinh tế và xã hội sẽ làm gia tăng sức mạnh của Hội, tạo ra những nguồn lực cần thiết để phát triển công tác khuyến học, lôi cuốn được các doanh nghiệp cùng đồng hành trong xây dựng xã hội học tập.

XÂY DỰNG MÔ HÌNH CÔNG DÂN HỌC TẬP GIAI ĐOẠN 2021-2030        

PV: Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI Hội Khuyến học Việt Nam đã thông qua Nghị quyết với 10 nhiệm vụ về khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trong giai đoạn 2021-2026. Hiện nay, Hội đã triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XI như thế nào, thưa đồng chí?

Đồng chí Lê Mạnh Hùng: Ngay sau khi Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI Hội Khuyến học Việt Nam thành công tốt đẹp, Trung ương Hội đã ban hành kế hoạch và triển khai tích cực Nghị quyết của Đại hội. Trên cơ sở đó, xây dựng chương trình hành động, thực hiện hiện đầy đủ, sáng tạo các nhiệm vụ, tạo sự thống nhất về ý chí và hành động trong toàn Hội, lan tỏa sâu rộng và đồng thuận cao trong nhân dân, cổ vũ, động viên toàn hệ thống Hội thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đại hội.

Chúng tôi nghiêm túc yêu cầu, việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội VI phải được thực hiện một cách nghiêm túc, bài bản, khoa học, sáng tạo chất lượng. Trong đó, việc triển khai hai đề án “Đẩy mạnh việc học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng và đơn vị giai đoạn 2021-2030” và “Xây dựng mô hình công dân học tập giai đoạn 2021-2030” là nhiệm vụ trọng tâm toàn khóa, phục vụ chương trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, vận dụng sáng tạo quan điểm giáo dục của Đảng và tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc triển khai các nhiệm vụ khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trong giai đoạn mới nhằm đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững ở từng địa phương và trong toàn quốc.

Chúng tôi cũng xác định, 10 nhiệm vụ mà Đại hội VI đã đề ra có quan hệ mật thiết, tác động tương hỗ lẫn nhau, kết quả thực hiện nhiệm vụ toàn khóa phụ thuộc vào kết quả thực hiện đồng bộ cả 10 nhiệm vụ.

Ban Thường vụ và các đồng chí Chủ tịch các cấp hội trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, chủ trì và chịu trách nhiệm xây dựng chương trình công tác của Hội đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ nêu trong Nghị quyết phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương giai đoạn 2020-2025.

Bảo đảm các chi hội khuyến học và các ban khuyến học được phổ biến Nghị quyết Đại hội và đều có kế hoạch hành động từng quý, từng năm và toàn khóa. Các nhiệm vụ được xác định mức độ thực hiện đến đâu trong từng năm, sao cho đến năm cuối cùng của nhiệm kỳ, các chỉ số phấn đấu thuộc 10 nhiệm vụ đều hoàn thành và cần phấn đấu nỗ lực để hoàn thành vượt mức kế hoạch.

Chúng tôi cũng lưu ý, mọi phương thức tổ chức nghiên cứu, triển khai, kiểm tra kết quả thực hiện Nghị quyết đều phải thể hiện được tinh thần chuyển đổi số, bảo đảm những quy định phòng, chống dịch COVID-19.

PV: Để thực hiện được thắng lợi Nghị quyết Đại hội VI Hội Khuyến học Việt Nam, cần tập trung vào những nhiệm vụ giải pháp trọng tâm như thế nào, thưa đồng chí?

Đồng chí Lê Mạnh HùngChúng tôi đã đề ra các nội dung, các mục tiêu chủ yếu của kế hoạch thực hiện Nghị quyết Đại hội VI, tập trung vào 10 nhiệm vụ cơ bản giai đoạn 2021-2026, gắn liền với việc triển khai 2 Đề án đã nêu trên.

Trong đó, đến cuối năm 2025, cần đạt được số lượng hội viên đạt tỷ lệ 25% so với dân số trong cả nước.

Đạt tỷ lệ 80% trường cao đẳng, đại học và chuyên nghiệp, 85% các trường phổ thông có tổ chức khuyến học.

Các đơn vị trực thuộc các cơ quan đã ký chương trình hợp tác với Hội khuyến học các cấp đều có Ban Khuyến học.

Thúc đẩy mạnh mẽ việc thành lập các tổ chức khuyến học trong các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, các cơ quan, đoàn thể, các cơ sở dạy nghề, các hợp tác xã.

Mỗi đơn vị cấp huyện và cấp tỉnh đều có một Ban Khuyến học và mỗi thành viên của đơn vị là một hội viên khuyến học.

70% gia đình được công nhận danh hiệu “Gia đình học tập”, 65% dòng họ được công nhận “Dòng họ học tập”, 65% cộng đồng thôn bản, tổ dân phố và tương đương được công nhận danh hiệu “Cộng đồng học tập”; 80% các tổ chức, cơ quan, trường học, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất… do cấp xã quản lý được công nhận danh hiệu “Đơn vị học tập”.

Phối hợp với Ngành Giáo dục thúc đẩy các cơ sở giáo dục thường xuyên, các trung tâm chuyển đổi số, đạt tỉ lệ 80%.

Theo đó, chúng tôi sẽ tổ chức tập huấn cho cán bộ hội viên về các văn kiện của Đảng và Nhà nước có nội dung xây dựng xã hội học tập. Trên cơ sở đó, tham mưu với cấp ủy và chính quyền các cấp có các chủ trương, kế hoạch thực hiện chương trình khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập tại địa phương.

Đẩy mạnh việc học tập gương sáng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng thời mở rộng trong các khu dân cư nhằm lan tòa tư tưởng học tập suốt đời “học không bao giờ cùng” của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Các cấp hội tham mưu, tư vấn cho cấp ủy và chính quyền có các chủ trương, kế hoạch thực hiện chương trình khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập tại địa phương.

Hội Khuyến học phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo đẩy mạnh việc đánh giá về tiêu chí đánh giá đơn vị học tập cấp huyện và tỉnh, xúc tiến việc xây dựng mô hình huyện học tập, tỉnh học tập và triển khai Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030”.

Đa dạng hóa các loại hình quỹ khuyến học, tạo nhiều suất học bổng cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, có nhiều phần thưởng dành cho học sinh và người lớn có thành tích học tập tốt, hỗ trợ giáo viên có hoàn cảnh khó khăn hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Tiếp tục mở rộng việc ký kết chương trình phối hợp với các ban, bộ, ngành và đoàn thể, tạo ra một liên minh các lực lượng gắn kết, chia sẻ và thúc đẩy các hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.

Phát triển các hoạt động đối ngoại để tranh thủ sự hỗ trợ của các đối tác nước ngoài, thúc đẩy hợp tác trong việc nghiên cứu và phát triển xã hội học tập, kinh nghiệm xây dựng mô hình công dân học tập, thành phố học tập.

Tôi tin tưởng rằng, với sự triển khai đồng bộ, quyết liệt, sáng tạo, nghiêm túc, bài bản, các cấp hội Khuyến học trong cả nước sẽ thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội VI Hội Khuyến học Việt Nam, góp phần xây dựng xã hội học tập theo đúng tinh thần Nghị quyết số 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo và Văn kiện Đại hội XIII của Đảng.

Thu Hằng - Tuấn Anh (thực hiện)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất