Chủ Nhật, 19/5/2024
Nghiên cứu
Thứ Hai, 18/2/2019 15:0'(GMT+7)

Để tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân

Sinh thời, khi nói về bản chất nhà nước mà chúng ta đang xây dựng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: Nhà nước ta là nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Ngay ở Điều 1, Hiến pháp năm 1946, Bản Hiến pháp đầu tiên của nước ta do Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp chỉ đạo soạn thảo, đã khẳng định: “Nước Việt Nam là một nước dân chủ cộng hòa. Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái, trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo”. Người nhấn mạnh: Nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân. Do vậy có quyền nhân dân trực tiếp làm, trực tiếp thực hiện; có quyền nhân dân giao hay ủy quyền cho một tổ chức, một nhóm người hoặc cho một người thực hiện để thực hiện mục tiêu chung là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng khẳng định: Để chống lại tình trạng lạm quyền, lộng quyền, lợi dụng quyền lực vì lợi ích cá nhân, đòi hỏi các cơ quan Đảng, Nhà nước và cán bộ phải chịu sự kiểm tra, giám sát của Đảng, của nhân dân. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, cán bộ là cái gốc của mọi công việc: “Công việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”(2). Khi có đường lối đúng thì khâu quyết định là lựa chọn đúng cán bộ. Người căn dặn các cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức: “Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”(3). Để bảo đảm yêu cầu đó, một trong những điều kiện tiên quyết là phải thiết lập cơ chế bầu cử thực chất, phản ánh đúng ý chí, nguyện vọng của nhân dân khi bầu ra thành viên các cơ quan dân cử. 

Kế thừa tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước và quyền lực nhà nước, Đảng ta khẳng định: Đảng lãnh đạo, nhân dân làm chủ, Nhà nước quản lý thành cơ chế chung trong quản lý toàn bộ xã hội. Đảng thực thi quyền lực chính trị của các giai tầng xã hội mà mình đại diện bằng cách tác động vào nhà nước, để thông qua nhà nước hiện thực hóa quyền, lợi ích và ý chí của các giai tầng xã hội. Nghị quyết Đại hội XII đã nhấn mạnh: “Tiếp tục phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Mọi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đều xuất phát từ nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, được nhân dân tham gia ý kiến”(4). Hiến pháp năm 2013 cũng đã khẳng định “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do nhân dân làm chủ, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức” (Ðiều 2),“Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân” (Điều 3).“Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp, bằng dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, Hội đồng Nhân dân và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước” (Điều 6). Để đảm bảo quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, quyền lực nhà nước được tổ chức thống nhất thành ba bộ phận: Lập pháp, hành pháp và tư pháp, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền đó nhằm bảo đảm quyền lực là thống nhất, được sử dụng đúng mục đích và được thực thi có hiệu lực, hiệu quả. 

Trong thời gian qua, kiểm soát quyền lực nhà nước trở thành nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị; trong đó, hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội và của các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội được quan tâm tăng cường; công tác thanh tra, kiểm tra phục vụ quản lý nhà nước trong bộ máy hành pháp đã được đẩy mạnh, góp phần quan trọng trong quản lý nhà nước và đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị, xã hội và nhất là vai trò của nhân dân đã được phát huy trong việc bảo đảm việc thực thi thực chất, đầy đủ và rộng rãi quyền làm chủ của nhân dân theo phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát”(5). Công tác kiểm tra, kỷ luật Đảng đã được kết hợp chặt chẽ với việc thực thi các cơ chế thanh tra, kiểm soát bằng pháp luật. Công tác phòng, chống tham nhũng, chống tha hóa quyền lực được tiến hành đồng bộ, bài bản, chắc chắn. Việc xử lý nghiêm khắc nhưng cũng rất nhân văn, có lý, có tình, kết hợp xây và chống, chống và xây theo nguyên tắc: “Không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”, làm bước nào chắc bước đó, rõ đến đâu, xử lý đến đó, kỷ luật Đảng trước, kỷ luật hành chính, hình sự sau; phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ. Vì vậy, chúng ta đã đạt được kết quả to lớn trong công tác này, qua đó đã xử lý dứt điểm, kịp thời, nghiêm minh trước pháp luật nhiều vụ án, vụ việc nghiêm trọng, phức tạp, trong đó có nhiều cán bộ cấp cao của Đảng, Nhà nước, cho thấy sự quyết tâm của Đảng trong xử lý tham nhũng, tiêu cực trong thực thi quyền lực nhà nước, làm nức lòng các tầng lớp nhân dân trong và ngoài nước. Có được kết quả đó, trước hết là do Bộ Chính trị, Ban Bí thư thường xuyên quan tâm, chỉ đạo kiên quyết, triệt để, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng thực thi với quyết tâm cao, với tinh thần nói đi đôi với làm và làm cho bằng được, không hô khẩu hiệu và không lấn sân sang công việc của các cơ quan chức năng. 

Tuy nhiên, thời gian qua, việc chống tham nhũng, tha hóa quyền lực ở nước ta vẫn còn tồn tại những hạn chế, đó là: Hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội chưa mạnh, hiệu quả còn hạn chế. Hoạt động kiểm tra của hệ thống hành pháp còn yếu. Tổ chức bộ máy và cơ chế hoạt động của các thiết chế trong bộ máy nhà nước còn chưa hợp lý, hiệu quả. Việc phân công quyền lực giữa các cơ quan nhà nước còn bất cập. Do tác động của mặt trái kinh tế thị trường, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, kể cả cán bộ lãnh đạo cấp chiến lược phai nhạt lý tưởng, suy thoái đạo đức, lối sống, có biểu hiện cá nhân chủ nghĩa, quan liêu, xa dân, tham nhũng, lãng phí. Tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy quy hoạch… chậm được ngăn chặn, đẩy lùi. Quyền làm chủ của nhân dân chưa được coi trọng đúng mức, còn bị vi phạm ở nhiều nơi, trên nhiều lĩnh vực; tệ cửa quyền, sách nhiễu, gây phiền hà cho nhân dân chưa được đẩy lùi, cơ chế bảo đảm quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân chưa được cụ thể hoá đầy đủ. 

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) đã nhấn mạnh: Tiếp tục phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII cũng khẳng định: “Dân chủ phải được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Bảo đảm để nhân dân tham gia ở tất cả các khâu của quá trình đưa ra những quyết định liên quan đến lợi ích, cuộc sống của nhân dân”(6).

Nhằm mục tiêu bảo đảm quyền lực nhà nước thực sự thuộc về nhân dân, trong thời gian tới, cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp trọng tâm sau: 

Một là, cần xác định rõ hơn cơ chế phân công, phối hợp thực thi quyền lực nhà nước, nhất là cơ chế kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp trên cơ sở quyền lực nhà nước là thống nhất; xác định rõ hơn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của mỗi quyền. Bảo đảm cho mô hình tổ chức công quyền trong Nhà nước pháp quyền có sự phân cấp, phân quyền của các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp. Đồng thời, quy định rõ hơn cơ chế phối hợp trong việc thực hiện và kiểm soát các quyền ở các cấp chính quyền và phân định rõ thẩm quyền và trách nhiệm giữa các cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương và của mỗi cấp chính quyền địa phương. 

Hai là, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật thể hiện đúng ý chí, lợi ích, nguyện vọng của nhân dân, thực sự bảo vệ và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; phát huy vai trò của các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân, các cơ quan truyền thông trong việc giám sát cán bộ, công chức và các cơ quan nhà nước ngay từ khâu hoạch định đến triển khai thực hiện chiến lược phát triển đất nước, bảo đảm các chiến lược đều xuất phát từ nhu cầu, lợi ích của nhân dân. Bảo đảm việc lấy phiếu tín nhiệm của nhân dân thông qua các cơ quan đại diện của mình đối với Chính phủ và những cương vị chủ chốt trong bộ máy nhà nước, các chức danh do Quốc hội, Hội đồng Nhân dân các cấp bầu và phê chuẩn thực sự chặt chẽ, dân chủ, khách quan, công tâm, thực chất, không hình thức, duy tình. 

Ba là, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Nghị quyết số 04-NQ/TW (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, làm cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là các cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt trong bộ máy nhà nước phải thật sự gương mẫu, luôn nêu cao đức cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; tự giác rèn luyện, học tập, tu dưỡng để nâng cao bản lĩnh chính trị, đạo đức cách mạng, trình độ chuyên môn; tự giác đấu tranh đẩy lùi những biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống, “tự diễn biến, tự chuyển hóa”; kiên quyết đấu tranh chống quan liêu, lãng phí, tham nhũng, lợi dụng chức quyền thu vén cá nhân; có phong cách sống gần dân, hiểu dân, thật sự là công bộc của nhân dân. 

Bốn là, thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa XII nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược có phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ thời kỳ mới; đủ về số lượng, có chất lượng và cơ cấu phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; lựa chọn, bố trí những cán bộ, đảng viên có đức, có tài, thực sự vì Đảng, vì dân vào làm việc trong bộ máy nhà nước. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương đi đôi với tạo cơ chế, môi trường, điều kiện để khuyến khích đổi mới, sáng tạo phục vụ phát triển và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung. Tiếp tục tăng cường kiểm soát chặt chẽ việc thực thi quyền lực đối với cán bộ công chức, viên chức trong bộ máy nhà nước. Xử lý kịp thời, nghiêm minh những tổ chức, cá nhân lạm dụng, lợi dụng quyền lực để vi phạm kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước, vi phạm quyền và lợi ích của nhân dân.

Năm là, tiếp tục tận dụng thế mạnh của các kênh và hình thức thông tin đa dạng, phong phú nhằm đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền đối nội và đối ngoại về quan điểm, chính sách và thành tựu đã đạt được trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, tha hóa quyền lực ở Việt Nam nhằm mục tiêu bảo đảm cho quyền lực thực sự thuộc về nhân dân. Qua đó, làm cho các tầng lớp nhân dân, cộng đồng quốc tế, kiều bào ta ở nước ngoài hiểu đúng quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thực thi quyền lực nhà nước; góp phần đấu tranh có hiệu quả với các luận điệu vu cáo, xuyên tạc vấn đề này đối với nước ta.

Dù còn có những khó khăn, hạn chế nhất định, nhưng với những thành tựu đã đạt được trong đấu tranh, xử lý tham nhũng, tiêu cực trong việc thực thi quyền lực nhà nước ở nước ta thời gian qua, chúng ta có quyền tự hào và tin tưởng rằng, với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nước ta sẽ thực hiện thành công mục tiêu đảm bảo tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Đó là một trong những biện pháp quan trọng hàng đầu bảo đảm sự phát triển bền vững của đất nước, đưa nước ta hội nhập quốc tế thành công./. 

-------------------------------------------------------------------

(1) Trích lời phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại cuộc tiếp xúc cử tri Hà Nội ngày 29-11-2017; 
(2) X.Y.Z: Sửa đổi lối làm việc, Nhà xuất bản Sự thật, Hà Nội, 1947, tr.6;
(3) Sao cho được lòng dân, Báo Cứu quốc, số ra ngày 12-10-1945; 
(4), (5), (6). Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, tr.38, 169, 170.

Danh Son/TCCS

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất