(TG)- Giai đoạn 2010-2020 đánh dấu bước thay đổi của giáo dục Việt Nam gắn với thực hiện Nghị quyết Ðại hội XI, XII của Ðảng, trong đó đột phá chiến lược là phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung vào việc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục quốc dân.
Cùng với sự chung sức của cả hệ thống chính trị, ngành giáo dục đã triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo (GD và ÐT) theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4-11-2013 của Ban Chấp hành T.Ư (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện GD và ÐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế; Kết luận 51-KL/TW của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị T.Ư 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện GD và ÐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế.
Ðối với giáo dục phổ thông góp phần tăng cao chỉ số vốn nhân lực. Trong báo cáo khảo sát tình hình bảo đảm sức khỏe và giáo dục phổ thông do Ngân hàng Thế giới công bố ngày 16-9 vừa qua, chỉ số vốn nhân lực của Việt Nam tăng từ 0,66 lên 0,69 trong vòng 10 năm (2010-2020). Chỉ số này cao hơn mức trung bình của các nước có cùng mức thu nhập với nước ta, trong đó các chỉ số về giáo dục nằm trong nhóm các quốc gia cao nhất thế giới. Xây dựng vốn nhân lực cho thế hệ kế tiếp là yếu tố quan trọng để các quốc gia phát triển bền vững, bảo đảm an ninh kinh tế. Ðây là thành công ấn tượng của Việt Nam trong tiếp cận và nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông. Thực tế, Việt Nam đã hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, nâng tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo từ 85,8% (năm 2015) lên 99,98% (năm 2019), đồng thời tiếp tục phổ cập bền vững giáo dục tiểu học và THCS. Chương trình, nội dung giáo dục mầm non được đổi mới theo hướng kết hợp chăm sóc, nuôi dưỡng với giáo dục. Trẻ em mẫu giáo ở các vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số và miền núi được Nhà nước hỗ trợ tiền ăn trưa. Trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ khuyết tật được quan tâm phát hiện sớm, can thiệp sớm, học hòa nhập góp phần nâng cao tỷ lệ trẻ em đến trường. Chất lượng giáo dục phổ thông được quốc tế ghi nhận. Trong kỳ đánh giá PISA 2018, Việt Nam đạt 543 điểm khoa học, điểm số cao thứ 4 trong số 79 quốc gia, qua đó khẳng định chất lượng giáo dục phổ thông của Việt Nam sánh ngang với các nước có nền giáo dục tiên tiến.
Giáo dục đại học hướng đến khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; triển khai đào tạo theo khung trình độ quốc gia và chuẩn đầu ra, đáp ứng yêu cầu doanh nghiệp và các bên liên quan. Một số đại học định hướng nghiên cứu đã được hình thành. Số lượng các công trình công bố quốc tế tăng 10 lần so với năm 2013. Năm 2019, tổng số công bố trên các hệ thống ISI/Scopus đạt 12.307 bài. Các công trình, sản phẩm nghiên cứu khoa học được chuyển giao, ứng dụng hiệu quả trong thực tiễn. Ba cơ sở giáo dục đại học được vào bảng xếp hạng 1.000 trường đại học tốt nhất thế giới, tám trường đại học được vào danh sách các đại học hàng đầu châu Á. Hệ sinh thái đại học khởi nghiệp đổi mới sáng tạo bắt đầu phát triển. Xu thế lập nghiệp và khởi nghiệp của sinh viên đang có nhiều chuyển biến tích cực. Nhiều nhóm sinh viên có năng lực khởi nghiệp sáng tạo khá. Ðến nay, cả nước đã có hơn 3.000 doanh nghiệp khởi nghiệp, trong đó lực lượng các nhà khởi nghiệp trẻ dưới 30 tuổi của Việt Nam phát triển mạnh trên tất cả các lĩnh vực công nghệ, quản trị, tài chính, giải trí, nghệ thuật, tầm ảnh hưởng đã vượt qua biên giới quốc gia, góp phần gia tăng giá trị cho xã hội.
Ðược chọn là một điểm đột phá, lộ trình đổi mới thi tốt nghiệp THPT đã hoàn thành. Việc đổi mới thi, công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh vào các cơ sở giáo dục đại học được triển khai theo hướng đánh giá năng lực, kết hợp kết quả cuối năm học; khắc phục tình trạng học lệch, học tủ ở phổ thông; giảm áp lực và tốn kém cho xã hội. Việc tổ chức bài thi trắc nghiệm và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong chấm thi đã làm giảm đáng kể sự can thiệp của con người vào kết quả thi, tạo sự minh bạch, công bằng, giúp các trường đại học, cao đẳng yên tâm khi sử dụng kết quả thi để tuyển sinh. Ðáng chú ý, năm 2020, kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, quyết tâm của ngành giáo dục và các địa phương, đã được tổ chức thành công, bảo đảm mục tiêu kép vừa khách quan, công bằng, giảm áp lực, vừa phòng, chống dịch hiệu quả.
Ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số được triển khai có hiệu quả trong việc dạy và học, đặc biệt đã bảo đảm được việc dạy học trực tuyến trong điều kiện dịch Covid-19. Toàn ngành giáo dục đã xây dựng và chia sẻ dùng chung với hơn 5.000 bài giảng e-learning, hơn 2.000 bài giảng trên truyền hình. Cơ sở dữ liệu trực tuyến toàn quốc về giáo dục được bổ sung, hoàn thiện. 100% số trường học được kết nối in-tơ-nét, 80% số trường học đã dùng phần mềm quản trị trường học, sổ điểm điện tử, giúp giảm tải hồ sơ, giấy tờ trong nhà trường. Lần đầu tiên, ngành giáo dục đã xây dựng được cơ sở dữ liệu đầy đủ thông tin của gần 53.000 trường học, 1,5 triệu giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục và gần 23 triệu hồ sơ học sinh, sinh viên.
Giai đoạn 2016-2020, các nguyên lý giáo dục cơ bản đã được quan tâm và thực thi, đánh dấu bước đột phá trong thực hiện quyền tự chủ cơ bản của các cơ sở giáo dục trong các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế, tổ chức bộ máy, tuyển dụng nhân sự. Lần đầu tiên chương trình giáo dục phổ thông được xây dựng một cách khoa học từ chương trình tổng thể đến các chương trình môn học, hoạt động giáo dục ở các cấp học, lớp học. Chương trình mới được xây dựng theo hướng tiếp cận phát triển phẩm chất, năng lực học sinh, khắc phục được những hạn chế của chương trình tiếp cận nội dung truyền thống. Quản trị đại học được thực hiện thông qua tự chủ, trách nhiệm giải trình và kiểm định chất lượng. Ðáng chú ý, Việt Nam đã chủ động sử dụng công cụ đánh giá và đối sánh chất lượng theo thông lệ quốc tế để đánh giá kết quả thực hiện. Việc tham gia vào PISA, PASEC và xếp hạng đại học đã giúp Chính phủ nhận diện thực trạng của hệ thống giáo dục quốc gia. Ðây là các yếu tố hoàn toàn mới ở nước ta.
Ðổi mới căn bản, toàn diện GD và ÐT là đổi mới những vấn đề lớn, cốt lõi, cấp thiết, từ quan điểm chỉ đạo đến cơ chế, chính sách, điều kiện bảo đảm thực hiện. Cùng với việc triển khai trong thực tiễn, các chủ trương đổi mới của Ðảng đã được luật hóa. Trong vòng hai năm liên tiếp (2018-2019), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học và Luật Giáo dục được soạn thảo, thông qua và đi vào cuộc sống. Ðồng thời, trong 5 năm (2016-2020), Bộ GD và ÐT đã trình cấp có thẩm quyền ban hành và ban hành theo thẩm quyền 278 văn bản, góp phần hoàn thiện khung pháp lý cho đổi mới giáo dục, kịp thời tháo gỡ những nút thắt trước đây trong lĩnh vực giáo dục, kịp thời giải quyết các vướng mắc phát sinh trong thực tiễn, tạo hành lang pháp lý để thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD và ÐT.
Nhìn lại giai đoạn 5 năm (2016-2020), bên cạnh những thành tựu, quá trình đổi mới GD và ÐT vẫn còn một số bất cập, khó khăn cần có giải pháp khắc phục như: Quan điểm GD và ÐT là quốc sách hàng đầu chưa được quán triệt sâu sắc và cụ thể hóa đầy đủ, đồng bộ. Hệ thống trường lớp, nhất là ở vùng sâu, vùng xa và các khu đô thị lớn còn thiếu, xuống cấp. Xã hội hóa trong giáo dục phổ thông nhiều khó khăn. Một số cơ sở giáo dục đại học có quy mô nhỏ, chưa được chú trọng đầu tư, chất lượng đào tạo không cao. Giáo viên còn thừa, thiếu cục bộ tại một số địa phương. Trong giai đoạn 2021-2025, ngành giáo dục tập trung thực hiện Kết luận 51-KL/TW của Ban Bí thư, trong đó, đối với giáo dục phổ thông, triển khai thành công chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới theo Nghị quyết 88/2014/QH13 ngày 28-11-2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông. Ðối với giáo dục đại học, đẩy mạnh thực hiện tự chủ đại học theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước. Ðáng chú ý, ngành giáo dục đổi mới công tác quản lý, coi trọng quản lý chất lượng, gắn trách nhiệm quản lý chuyên môn với quản lý nhân sự và quản lý tài chính. Ðẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát; ngăn chặn, xử lý nghiêm những tiêu cực trong hoạt động giáo dục, đào tạo. Nỗ lực, quyết tâm khắc phục cho được những bất cập, hạn chế về GD và ÐT trong giai đoạn vừa qua./.
TG