Đúng
quy trình nhiều khi mới chỉ là điều kiện cần trong công tác cán bộ, còn
kiều kiện đủ là phải có con mắt tinh đời, thấu nhân tâm, để những thói
mị dân, "thùng rỗng kêu to", gian manh chính trị… không làm mờ mắt người
đứng đầu và người làm công tác cán bộ. Nếu không, sẽ lại đúng quy trình
mà vẫn… sai cán bộ
Công
tác cán bộ luôn giữ vị trí, vai trò quan trọng, nhân tố quyết định sự
thành bại của cách mạng, là nhiệm vụ “then chốt” của “then chốt”, có
liên quan đến sự sống còn của Đảng, vận mệnh của chế độ, sự phát triển
vững mạnh của đất nước; đây cũng là lĩnh vực phức tạp, nhạy cảm vì đó là
“công tác con người”, do đó, việc lựa chọn, quy hoạch, bổ nhiệm những
cán bộ đủ cả đức và tài, xứng đáng là “người đầy tớ thật trung thành của
nhân dân” luôn được Đảng ta đặc biệt quan tâm.
Để
chọn được cán bộ có tâm, xứng tầm, quá trình công tác cán bộ rất rõ
ràng với nhiều bước chặt chẽ. Song, liệu cứ đúng quy trình là đúng cán
bộ?
Dẫu
biết rằng “nhân vô thập toàn”, con người ai cũng có điểm mạnh, điểm
yếu, nhưng điều quan trọng để chọn được cán bộ có tâm, xứng tầm thì tiêu
chuẩn trước hết là phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, trình độ các
mặt, uy tín và hiệu quả công tác, gắn với kết quả, sản phẩm cụ thể. Đây
cũng là tiêu chí cơ bản để đánh giá, lựa chọn, bố trí cán bộ phù hợp
với công việc, chống các biểu hiện cơ hội, tham vọng quyền lực, vận động
cá nhân, cục bộ, phe cánh, lợi ích nhóm...
Hiện
nay, Đảng ta đã có nhiều văn bản quy định và hướng dẫn về quy trình
đánh giá, bổ nhiệm cán bộ. Công việc này yêu cầu phải được thực hiện bài
bản, đúng quy trình, để chọn được người tài, đủ phẩm chất, năng lực và
uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Song thực tế, ở một số cơ quan, đơn vị vẫn
còn tình trạng cán bộ nể nang, né tránh, ngại va chạm hoặc bè phái trong
đánh giá, giới thiệu; “yêu nên tốt, ghét nên xấu”, thậm chí, có trường
hợp cố tình đánh giá sai, báo cáo không trung thực, dẫn đến quy hoạch,
bố trí, đề bạt, bổ nhiệm sai cán bộ.
Việc
đánh giá, bổ nhiệm sai cán bộ còn xuất phát từ một chữ “háo danh”. Có
nhiều vị "thùng rỗng" nhưng "kêu rất to", tham vọng quyền lực lại quá
lớn, chỉ muốn “vinh thân phì gia” đã tìm mọi cách lấy lòng người khác,
trên thì ra sức luồn cúi, nịnh nọt, dưới thì không ngừng mị dân, hứa
hẹn, dỗ dành, để mong đạt cho bằng được danh này, chức kia; hay để thăng
tiến nhanh họ nhờ “quan hệ, hậu duệ, tiền tệ”, để chạy chức, chạy
quyền, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển, chạy phiếu bầu, chạy bằng cấp,…
theo kiểu “con voi chui lọt lỗ kim”..., đến khi leo lên được vị trí
“đắc địa”, thì lại ra sức giở thói “chấm mút”, đục khoét tiền bạc, của
cải của nước, của dân, trở thành những “ông quan” cách mạng.
Thật
nguy hại nếu để lọt những cán bộ thiếu phẩm chất chính trị, đạo đức,
quen thói “chạy”, thói “luồn cúi”, “đi lên bằng đầu gối” vào cơ quan
công quyền, nhất là ở vị trí lãnh đạo. Việc cất nhắc, đề bạt cán bộ ở
cương vị càng cao thì càng phải thận trọng, bởi chức vụ càng cao thì
quyền hạn và sức ảnh hưởng càng nhiều. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn
dặn: “Nếu cất nhắc không cẩn thận, không khỏi đem người bô lô ba la, chỉ
nói mà không biết làm vào những địa vị lãnh đạo. Như thế rất có hại”(1).
Do đó, người làm công tác cán bộ phải thực sự khách quan, công tâm, có
tầm, hiểu việc. Làm công tác cán bộ là cả một nghệ thuật dùng người.
Như
vậy, đúng quy trình nhiều khi mới chỉ là điều kiện cần trong công tác
cán bộ, còn kiều kiện đủ là phải có con mắt tinh đời, thấu nhân tâm, để
những thói mị dân, "thùng rỗng kêu to", gian manh chính trị… không
làm mờ mắt người đứng đầu và người làm công tác cán bộ. Nếu không, sẽ
lại đúng quy trình mà vẫn… sai cán bộ!./.
UYÊN DU
______________
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2011, t.5, tr.314.
(Nguồn: TC Cộng sản)