Thứ Hai, 20/5/2024
Ban Tuyên giáo Trung ương
Thứ Tư, 30/11/2022 15:43'(GMT+7)

Hoàn thiện chính sách, pháp luật công tác xã hội trong lĩnh vực Tư pháp

TS. Trần Doãn Tiến, Tổng Biên tập Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam phát biểu đề dẫn Hội thảo.

TS. Trần Doãn Tiến, Tổng Biên tập Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam phát biểu đề dẫn Hội thảo.

Sáng 30/11, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam phối hợp và Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội tổ chức Hội thảo khoa học: “Hoàn thiện chính sách, pháp luật công tác xã hội trong lĩnh vực Tư pháp”.

Các đồng chí: Nguyễn Văn Hồi, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội; Nguyễn Văn Du, Phó Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao; Trần Doãn Tiến, Tổng Biên tập Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam; Bùi Ngọc Quý, Vụ trưởng Vụ các vấn đề xã hội, Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì Hội thảo.

Hội thảo “Hoàn thiện chính sách, pháp luật công tác xã hội trong lĩnh vực Tư pháp” diễn ra từ ngày 30/11. (Ảnh: TA)

Hội thảo “Hoàn thiện chính sách, pháp luật công tác xã hội trong lĩnh vực Tư pháp” diễn ra từ ngày 30/11. (Ảnh: TA)

CTXH LÀ NHIỆM VỤ CHÍNH TRỊ QUAN TRỌNG LUÔN ĐƯỢC ĐẢNG VÀ NHÀ NƯỚC TA QUAN TÂM

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, TS Trần Doãn Tiến, Tổng Biên tập Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam nêu rõ: CTXH là nhiệm vụ chính trị quan trọng được Đảng và Nhà nước ta quan tâm nhằm bảo đảm an sinh xã hội, công bằng xã hội. Hiến pháp năm 2013 khẳng định: "Công dân có quyền được bảo đảm an sinh xã hội”; “Nhà nước tạo bình đẳng về cơ hội để công dân thụ hưởng phúc lợi xã hội, phát triển hệ thống an sinh xã hội, có chính sách trợ giúp người cao tuổi, người khuyết tật, người nghèo và người có hoàn cảnh khó khăn khác"…

CTXH trong lĩnh vực tư pháp là một phần của CTXH, góp phần đa dạng hoá các lĩnh vực trợ giúp xã hội, nâng tính chuyên nghiệp của nghề CTXH và đề cao sự tôn trọng của xã hội đối với nghề CTXH, nhất là CTXH trong lĩnh vực Tư pháp. Xét về bản chất, CTXH trong lĩnh vực Tư pháp là những hoạt động nhằm hỗ trợ, giúp đỡ những người vi phạm pháp luật, người phạm tội, người bị hại, người bị kết án, người trong quá trình chấp hành hình phạt và đã chấp hành xong hình phạt; người cần cấp dưỡng trong các vụ việc ly hôn; người đòi trợ cấp thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn trong các vụ việc về lao động, việc làm… có hoàn cảnh khó khăn, những người yếu thế (người cao tuổi, người khuyết tật, người dưới 18 tuổi, người có HIV, người không nơi nương tựa…) có liên quan đến hệ thống tư pháp được sớm tiếp cận với hệ thống Tư pháp công bằng, minh bạch, bình đẳng, được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp.

Thực tiễn cho thấy, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội là những thay đổi về cấu trúc gia đình truyền thống, sự di cư nông thôn ra thành thị, mật độ dân số tăng ở các vùng thành thị làm nảy sinh các vấn đề xã hội phức tạp… Tình trạng gia tăng các tiêu cực xã hội, bạo lực, bạo hành, trẻ em bị xâm hại, bỏ nhà đi lang thang, tệ nạn xã hội, tội phạm đang trở thành những vấn đề xã hội nhức nhối, thậm chí có không ít những vụ án nhẫn tâm gây chấn động xã hội trong thời gian qua.

Theo thống kê chưa đầy đủ, ở nước ta, số người cần tiếp cận, sử dụng các dịch vụ CTXH lớn, chiếm khoảng 28% dân số, trong đó trong đó có khoảng 11,5 triệu người cao tuổi, 7,6 triệu người khuyết tật, 1,5 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, 9,2  triệu người hưởng trợ cấp người có công với cách mạng, hơn 2,1 vạn người nghiện ma tuý... Ngoài ra, còn nhiều phụ nữ, trẻ em bị ngược đãi, bị buôn bán, bị xâm hại hoặc lang thang kiếm sống trên đường phố; hàng ngàn xã đặc biệt khó khăn và có vấn đề xã hội (tệ nạn xã hội, cuộc sống nghèo khổ); và các cá nhân, gia đình, nhóm xã hội nảy sinh các vấn đề xã hội (đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt).

Trong những năm qua, thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, các bộ, ngành chức  năng, nhất là Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tư pháp, Bộ Công an...đã từng bước hoàn thiện các văn bản pháp luật về CTXH để trợ giúp các đối tượng như: Người cao tuổi, người khuyết tật, bảo vệ trẻ em, người nhiễm HIV, người nghiện ma tuý, bán dâm, bạo lực gia đình, người chưa thành niên, người nghèo, đối tượng chính sách và nhóm người yếu thế. Nhiều bộ luật, luật chuyên ngành đã được ban hành như: Bộ luật Lao động; Luật Người cao tuổi; Luật Người khuyết tật; Luật Trẻ em; Luật Phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Luật Trợ giúp pháp lý; Luật Phòng, chống ma túy; Luật Xử lý vi phạm hành chính; Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Thi hành án hình sự, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân...

Ngoài ra còn có nhiều Nghị định, Thông tư và nhiều chương trình, Đề án liên quan đến CTXH… đã tạo thành chỉnh thể, hệ thống hành lang pháp lý về CTXH.

Đồng chí Trần Doãn Tiến nhấn mạnh, có thể khẳng định hệ thống văn bản pháp luật trên đã góp phần bảo đảm thực hiện các quyền và lợi ích hợp pháp của các đối tượng chính sách và nhóm người yếu thế,giảm thiểu những rào cản trong xã hội, sự bất công và bất bình đẳng. Tuy nhiên, khuôn khổ pháp lý phát triển nghề CTXH chưa được quy định rõ ràng, hoàn chỉnh; nhiều văn bản pháp luật quy định về CTXH có giá trị pháp lý tương đối thấp, chủ yếu là nghị định và thông tư hướng dẫn của các Bộ, ngành liên quan.

Đồng chí Trần Doãn Tiến cho rằng, về cơ bản, pháp luật quy định trong các lĩnh vực có liên quan đến CTXH rất đa dạng, phong phú, nhưng trong lĩnh vực Tư pháp còn khoảng trống, rải rác, đan xen, thiếu đồng bộ và bất cập trong quá trình triển khai. Có thể kể đến, trong lĩnh vực Tư pháp hiện nay chưa có văn bản pháp luật quy định trực tiếp, cụ thể về nghề CTXH hay người làm CTXH. Pháp luật về xử lý vi phạm hành chính chưa quy định cụ thể vai trò của nghề CTXH trong quá trình xử lý người vi phạm hành chính. Pháp luật hình sự và tố tụng hình sự tuy chưa có các quy định cụ thể và trực tiếp liên quan đến vai trò và nhiệm vụ của nghề CTXH nhưng cũng có những quy định làm tiền đề cho sự phát triển nghề này. Dịch vụ CTXH trong lĩnh vực tư pháp hiện nay mới tập trung hỗ trợ, giúp đỡ người vi phạm pháp luật, người phạm tội, người bị kết án, chấp hành án mà chưa thực sự chú trọng đến việc cung cấp các dịch vụ CTXH cho đối tượng là người bị hại, nạn nhân của các vụ vi phạm pháp luật, vụ án như nạn nhân bị mua bán người, nạn nhân bị xâm hại tình dục…, đặc biệt nạn nhân là người dưới 18 tuổi.

Đáng lưu ý, hiện nay, đội ngũ người làm CTXH và cung cấp các dịch vụ trong lĩnh vực Tư pháp còn hạn chế cả về số lượng và chất lượng. Điều này cũng làm ảnh hưởng đến việc phát triển các quy định phát triển dịch vụ CTXH chuyên nghiệp trong lĩnh vực tư pháp và cả các lĩnh vực khác.

Tổng Biên tập Báo Điện tử Đảng Cộng sản thông tin: Ngày 22/1/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 112/QĐ-TTg về ban hành Chương trình phát triển CTXH giai đoạn 2021- 2030, trong đó đề ra nhiệm vụ: Nghiên cứu, hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật về phát triển CTXH, dịch vụ CTXH, trong đó, nghiên cứu quy định rõ vai trò, nhiệm vụ, quy trình cung cấp dịch vụ CTXH của cán bộ, viên chức, nhân viên và cộng tác viên CTXH trong các ngành, lĩnh vực tư pháp. Giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan tuyên truyền, phổ biến pháp luật; rà soát, đánh giá tính thống nhất, đồng bộ, phù hợp của văn bản quy phạm pháp luật về CTXH trong hệ thống tư pháp; kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật có liên quan về phát triển CTXH thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của Bộ.

Tại Hội thảo, đồng chí Trần Doãn Tiến đề nghị các đại biểu tập trung khái quát cơ sở lý luận và chính trị - pháp lý, làm rõ nội hàm về CTXH trong lĩnh vực Tư pháp; Nghiên cứu, đánh giá thực trạng CTXH trong lĩnh vực Tư pháp thời gian qua; Đồng thời nêu rõ thuận lợi, khó khăn, kinh nghiệm và những vấn đề đặt ra hiện nay về CTXH trong lĩnh vực Tư pháp, qua đó đề xuất giải pháp, kiến nghị, cơ chế hoàn thiện chính sách pháp luật CTXH trong lĩnh vực Tư pháp; các giải pháp truyền thông phổ biến, tuyên truyền pháp luật; nâng cao nhận thức của toàn xã hội trong lĩnh vực này.

Hội thảo góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và cộng đồng về công tác xã hội trong lĩnh vực tư pháp; Nâng cao kiến thức, kỹ năng và nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, nhân viên và cộng tác viên công tác xã hội trong lĩnh vực này tại các tỉnh, thành phố. Qua Hội thảo, xác định rõ nội dung, yêu cầu đặt ra và đề xuất, kiến nghị cũng như đưa ra các giải pháp góp phần hoàn thiện chính sách, pháp luật đối với công tác xã hội trong lĩnh vực Tư pháp...

Ban Tổ chức Hội thảo cũng kỳ vọng kết quả quan trọng của Hội thảo khoa học hôm nay là những cơ sở, tiền đề quan trọng để Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam tổng hợp báo cáo Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các bộ, ngành hữu quan tham khảo để có những quyết sách, định hướng thông tin tuyên truyền và bổ sung, thoàn thiện các quy định về lĩnh vực này trong thời gian tới.

Quang cảnh Hội thảo “Hoàn thiện chính sách, pháp luật công tác xã hội trong lĩnh vực Tư pháp”. (Ảnh: TA)

Quang cảnh Hội thảo “Hoàn thiện chính sách, pháp luật công tác xã hội trong lĩnh vực Tư pháp”. (Ảnh: TA)

CẦN SỚM ĐƯA RA VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT VỀ CTXH HOÀN CHỈNH

Hội thảo nhận được sự quan tâm của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các nhà quản lý trong lĩnh vực tư pháp về công tác xã hội với 32 tham luận gửi về Ban Tổ chức.

Phát biểu tại tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi thông tin: Việt Nam có dân số 100 triệu người, trong đó có 12% người cao tuổi; trên 7% là người khuyết tật; 8% dân số thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo; gần 2 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; trên 230 nghìn người nghiện; hàng trăm nghìn đối tượng bị xâm hại, bạo lực, bạo hành và hàng triệu người có vấn đề về sức khỏe tâm thần, có các vấn đề trong cuộc sống.

Đồng chí Nguyễn Văn Hồi cho biết, kết quả thực hiện trong hơn 10 năm qua cho thấy, bảo đảm an sinh xã hội của người dân và các chính sách xã hội đã góp phần bảo đảm về an ninh, an sinh xã hội và góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt là Bộ Nội vụ, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Tư pháp và các Bộ, ngành có liên quan đã ban hành văn bản quy phạm pháp luật liên quan các quy định, tiêu chuẩn, chế độ, phụ cấp… cho những người làm công tác xã hội.

Tuy nhiên, cũng cần thẳng thắn nhìn nhận, hiện nay vẫn có nhiều các vấn đề liên quan đến phát triển CTXH còn một số bất cập. Đó là các nguồn lực cho công tác tuyên truyền lĩnh vực này hạn chế; các hoạt động truyền thông chưa được quan tâm đúng mức so với các loại hình truyền thông lĩnh vực khác làm cho một bộ phận xã hội nhận thức chưa đúng, chưa đầy đủ về tầm quan trọng của CTXH. Bên cạnh đó, khuôn khổ pháp lý cũng như các văn bản quy phạm pháp luật về CTXH vẫn chưa hoàn chỉnh và đồng bộ…

Đồng chí Trần Cảnh Tùng, Trưởng Phòng Công tác xã hội, Cục bảo trợ xã hội, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội tham luận tại Hội thảo. (Ảnh: TA)

Đồng chí Trần Cảnh Tùng, Trưởng Phòng Công tác xã hội, Cục bảo trợ xã hội, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội tham luận tại Hội thảo. (Ảnh: TA)

Đánh giá khái quát kết quả phát triển công tác xã hội tại Việt Nam và định hướng giai đoạn 2021-2030, đồng chí Trần Cảnh Tùng, Trưởng Phòng Công tác xã hội, Cục bảo trợ xã hội, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho biết: Hiện nay, số người cần trợ giúp của các dịch vụ công tác xã hội rất lớn, hàng chục triệu người, gồm: Người nghèo, người cao tuổi; người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, người nhiễm HIV, người nghiện ma tuý, người bán dâm, người bị bạo lực, bạo hành; người mắc tệ nạn xã hội.

Hiện nay, trên cả nước đã hình thành mô hình cung cấp dịch vụ công tác xã hội tại một số bệnh viện tuyến trung ương, tuyến huyện; mô hình cung cấp dịch vụ công tác xã hội trong trường học; Đoàn thanh niên; Hội phụ nữ. Các tỉnh, thành phố thành lập mạng lưới cộng tác viên công tác xã hội, khoảng 235 nghìn người làm công tác xã hội; trên 100 nghìn cộng tác viên giảm nghèo, phòng chống tệ nạn xã hội, bảo vệ trẻ em và phát triển cộng đồng…

Các đại biểu tham dự Hội thảo “Hoàn thiện chính sách, pháp luật công tác xã hội trong lĩnh vực Tư pháp”. (Ảnh: TA)

Các đại biểu tham dự Hội thảo “Hoàn thiện chính sách, pháp luật công tác xã hội trong lĩnh vực Tư pháp”. (Ảnh: TA)

Trên cơ sở đạt được và xác định những hạn chế, khó khăn đang đặt ra, đồng chí Trần Cảnh Tùng, Trưởng Phòng Công tác xã hội, Cục bảo trợ xã hội chia sẻ mục tiêu, định hướng phát triển công tác xã hội tại tại Việt Nam trong thời gian tới, đó là:

Phấn đấu giai đoạn 2021 – 2025 có 60% số cơ quan, tổ chức, cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở cai nghiện ma túy, trại giam, trường giáo dưỡng, các cơ quan tư pháp, trường học, bệnh viện, xã, phường, thị trấn và đơn vị liên quan thực hiện phân công, bố trí nhân sự làm công tác xã hội; ít nhất có 30% số cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên và cộng tác viên công tác xã hội đang làm việc tại các xã, phường, thị trấn, các cơ sở có cung cấp dịch vụ công tác xã hội, trại giam, trường giáo dưỡng, hệ thống tư pháp, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội các cấp được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và tập huấn kỹ năng công tác xã hội.

PGS.TS Nguyễn An Lịch, Viện trưởng Viện An sinh xã hội và Phát triển cộng đồng, Phó Chủ tịch Hội Triết học Việt Nam chia sẻ: Công tác xã hội là một khoa học, một nghề chuyên môn có tính chuyên nghiệp cao, đã ra đời và phát triển hàng trăm năm nay. Việt Nam cũng đã vận dụng và triển khai công tác xã hội trên nhiều lĩnh vực. Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chính sách, pháp luật hỗ trợ cho sự phát triển công tác xã hội để góp phần giải quyết những vấn đề xã hội nảy sinh ngày càng phức tạp. Trước nhu cầu ngày càng cao đối với đất nước và hội nhập quốc tế, đang đặt ra nhiều vấn đề cần tiếp tục hoàn thiện chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước trong công tác xã hội lĩnh vực Tư pháp góp phần thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

PGS.TS Nguyễn An Lịch, Viện trưởng Viện An sinh xã hội và Phát triển cộng đồng, Phó Chủ tịch Hội Triết học Việt Nam chia sẻ tại Hội thảo. (Ảnh: TA)

PGS.TS Nguyễn An Lịch, Viện trưởng Viện An sinh xã hội và Phát triển cộng đồng, Phó Chủ tịch Hội Triết học Việt Nam chia sẻ tại Hội thảo. (Ảnh: TA)

Cùng với hệ thống chính sách xã hội liên tục được bổ sung hoàn chỉnh, Đảng, Nhà nước ta cũng đã ban hành hệ thống pháp luật khá phong phú, tạo cơ sở cho sự hoạt động và phát triển sâu rộng CTXH trong các lĩnh vực của đời sống xã hội. Hệ thống, pháp luật Việt Nam bao gồm nhiều bộ luật dân sự, hình sự, pháp lệnh, nghị định, quyết định của cơ quan nhà nước, tạo điều kiện cho sự phát triển CTXH. Công ước về quyền trẻ em, sau này là Luật Trẻ em, rồi Luật Người cao tuổi, Luật Phòng chống bạo lực gia đình... rất phù hợp với nội dung hoạt động của CTXH...

TS. Lê Thị Vân Anh, Phó Vụ trưởng, Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính, Bộ Tư pháp cho rằng: Hệ thống luật pháp và chính sách của Việt Nam đã có những quy định trong trợ giúp đối tượng là người vi phạm pháp luật và người là nạn nhân của xâm hại, bạo lực, bóc lột, mua bán tại các Luật, nghị định, đặc biệt đối tượng là người chưa thành niên. Tuy nhiên, pháp luật Việt Nam hiện nay vẫn chưa có quy định rõ ràng, cụ thể về CTXH tham gia trong hệ thống tư pháp một cách có hệ thống như: Chưa có quy định về vị trí, vai trò, chức năng, trách nhiệm và quyền hạn của người làm công tác xã hội dẫn đến những hạn chế trong phát triển dịch vụ chuyên nghiệp cũng như đảm bảo quá trình hỗ trợ đối tượng có nhu cầu.

Bên cạnh đó, các quy định về việc hỗ trợ, trợ giúp các đối tượng trong hệ thống tư pháp còn rải rác, manh mún ở nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau. Điều này cũng làm ảnh hưởng đến việc phát triển các quy định phát triển dịch vụ CTXH chuyên nghiệp trong lĩnh vực Tư pháp và cả các lĩnh vực khác.

TS. Lê Thị Vân Anh, Phó Vụ trưởng, Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính, Bộ Tư pháp phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: TA)

TS. Lê Thị Vân Anh, Phó Vụ trưởng, Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính, Bộ Tư pháp phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: TA)

TS. Lê Thị Vân Anh cho rằng, hiện nay, đội ngũ người làm CTXH và cung cấp các dịch vụ trong lĩnh vực Tư pháp còn hạn chế cả về số lượng và chất lượng. Có một số ít các hoạt động hỗ trợ trẻ em vi phạm pháp luật, trẻ em là nạn nhân, nhân chứng được thực hiện dưới vai trò hỗ trợ của cán bộ bảo vệ trẻ em hoặc kiêm nhiệm. Bên cạnh đó năng lực chuyên môn cũng là thách thức do đội ngũ cán bộ này chưa được đào tạo bài bản và chuyên sâu về lĩnh vực CTXH trong tư pháp...

Theo thống kê của các cơ quan chức năng, ở nước ta, số người cần tiếp cận, sử dụng các dịch vụ công tác xã hội lớn, chiếm khoảng 28% dân số, trong đó trong đó có khoảng 11,5 triệu người cao tuổi, 7,6 triệu người khuyết tật, 1,5 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, hàng triệu người hưởng trợ cấp người có công với cách mạng, 1,6 triệu hộ nghèo chiếm tỷ lệ 6,72%, 1,3 triệu hộ cận nghèo chiếm 5,32%, khoảng 2,83 triệu đối tượng hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, hơn 1,8 triệu hộ gia đình cần được trợ giúp đột xuất hàng năm, khoảng 254 nghìn người nhiễm HIV được phát hiện, hơn 210 nghìn người nghiện ma tuý (bạo lực gia đình và bạo hành ở các cấp độ khác nhau có xu hướng tăng).

Ngoài ra, còn nhiều phụ nữ, trẻ em bị ngược đãi, bị buôn bán, bị xâm hại hoặc lang thang kiếm sống trên đường phố; hàng ngàn xã đặc biệt khó khăn và có vấn đề xã hội (tệ nạn xã hội, cuộc sống nghèo khổ); và các cá nhân, gia đình, nhóm xã hội nảy sinh các vấn đề xã hội (đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt)…

Theo các chuyên gia, trong quá trình đổi mới, chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế ở nước ta, nhận thức về trợ giúp xã hội ngày càng rõ, nhất quán với quan điểm xuyên suốt là gắn tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội. Từ nhiều năm qua, Ðảng và Nhà nước ta luôn quan tâm xây dựng hệ thống trợ giúp xã hội là một bộ phận cấu thành của hệ thống an sinh xã hội toàn dân, gắn kết với hệ thống chính sách xã hội nói chung. Sau hơn ba mươi năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử.

Tuy nhiên, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, nhiều vấn đề mới đặt ra, trong đó có vai trò của công tác xã hội, đặc biệt là công tác xã hội trong lĩnh vực Tư pháp đã và đang đặt ra không ít thách thức trước những đòi hỏi làm sao để các hoạt động công tác xã hội thực sự trở thành một nghề chuyên nghiệp và được xã hội đón nhận như một nhu cầu tất yếu…

Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi phát biểu kết luận Hội thảo. (Ảnh: TA)

Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi phát biểu kết luận Hội thảo. (Ảnh: TA)

Phát biểu kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Văn Hồi ghi nhận những ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học về những kiến giải tại cuộc Hội thảo lần này. Trong bối cảnh hiện nay, các chính sách, quy định pháp luật về công tác xã hội, đặc biệt là công tác xã hội trong lĩnh vực Tư pháp cũng như nhu cầu tiếp cận, sử dụng các dịch vụ công tác xã hội trong lĩnh vực Tư pháp của các đối tượng trong xã hội có ý nghĩa rất quan trọng, thực sự cần thiết, góp phần tích cực vào hoạt động tuyên truyền một cách sâu rộng chủ trương, chính sách, quy định của pháp luật về công tác xã hội nói chung và công tác xã hội trong lĩnh vực Tư pháp nói riêng; cũng như nhằm góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, và toàn xã hội đối với công tác xã hội trong lĩnh vực Tư pháp. Nâng cao nhận thức các cấp, các ngành và cộng đồng về công tác xã hội trong lĩnh vực tư pháp; nâng cao kiến thức, kỹ năng và nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, nhân viên và cộng tác viên công tác xã hội trong lĩnh vực này tại các tỉnh, thành phố.

Qua Hội thảo, Ban Tổ chức sẽ tổng hợp các ý kiến, đề xuất, qua đó, xác định rõ nội dung, yêu cầu đặt ra cũng như đưa ra các giải pháp hoàn thiện chính sách, pháp luật đối với công tác xã hội trong lĩnh vực Tư pháp trong thời gian tới; đẩy mạnh công tác truyền thông, góp phần đưa chính sách, pháp luật đối với công tác xã hội trong lĩnh vực Tư pháp vào cuộc sống./.

Tin, ảnh: Nhật Minh

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất