Chủ Nhật, 13/10/2024
Giáo dục
Thứ Sáu, 23/10/2020 9:7'(GMT+7)

Kiểm soát đồ chơi, học liệu tại các cơ sở giáo dục mầm non

Các đại biểu tham gia góp ý dự thảo thông tư.

Các đại biểu tham gia góp ý dự thảo thông tư.

Cùng dự có đại diện Sở GD-ĐT của 17 tỉnh, thành phố, một số trường đại học, cao đẳng, các trung tâm nghiên cứu và chuyên gia GDMN.

Báo cáo tại hội thảo, Vụ trưởng GDMN, Bộ GD-ĐT, Nguyễn Bá Minh cho biết, dự thảo thông tư đã đăng mạng xin ý kiến toàn xã hội vào ngày 1-10 và ban soạn thảo đã tổ chức họp nhiều lần để xin ý kiến các địa phương về các yêu cầu cụ thể trong việc lựa chọn đồ chơi, học liệu trong các cơ sở GDMN.

Tại hội thảo, hầu hết các ý kiến đánh giá việc xây dựng thông tư là cần thiết cho các cơ sở GDMN, phù hợp điều kiện thực tế vì hiện nay, trong các trường mầm non có rất nhiều đồ dùng đồ chơi tràn lan, không phù hợp. Các ý kiến cơ bản đồng thuận với những nội dung quy định trong dự thảo thông tư; trong đó, mục quy định trách nhiệm của từng cấp trong dự thảo được đánh giá cao.

Đại diện Sở GD-ĐT Lào Cai cho biết, dự thảo thông tư giúp các địa phương thuận lợi trong việc tham mưu để trang bị có quy chuẩn về đồ dùng, đồ chơi, học liệu cũng như nhằm bảo đảm an toàn cho trẻ. Các nội dung hướng dẫn trong thông tư cụ thể, chi tiết và nêu rõ trách nhiệm của ngành giáo dục từ Sở GD-ĐT đến cơ sở GDMN trong việc lựa chọn đồ dùng, học liệu.

Tuy nhiên, đại diện một số sở GD-ĐT băn khoăn đối với đồ chơi tự tạo phải bảo đảm các quy định như có thông tin về bản quyền (tem, nhãn, nơi nhập khẩu) như đồ chơi mua sẵn thì không hợp lý.

Ngoài ra, đối với đồ chơi tự tạo, giáo viên phải áp vào nhiều quy định sẽ dẫn đến giáo viên lo ngại, không sáng tạo và tích cực trong việc làm đồ dùng, đồ chơi để dạy trẻ.

Bên cạnh đó, một số địa phương mong muốn thông tư hướng dẫn cụ thể hơn khi các trường áp dụng phương pháp dạy học hiện đại. Đồng thời, góp ý với ban soạn thảo đối tượng áp dụng trong thông tư cần đồng nhất với Điều lệ trường mầm non...

Tiếp thu các ý kiến góp ý và đề xuất của các chuyên gia giáo dục, Vụ trưởng GDMN, Bộ GD-ĐT, Nguyễn Bá Minh nhấn mạnh, thông tư được ban hành sẽ tạo ra "màng lọc" để không phải tất cả đồ dùng, đồ chơi và tài liệu ở trên thị trường đều vào trong nhà trường.

Những đồ chơi, học liệu được sử dụng trong các cơ sở GDMN phải bảo đảm an toàn, giáo dục và khoa học. Giáo viên được sử dụng những đồ chơi hữu ích, góp phần vào việc tổ chức, chăm sóc và giáo dục trẻ. Tinh thần của thông tư ban hành bộ yêu cầu mang tính chất nguyên tắc, dựa trên các yêu cầu này, phân cấp thẳng cho các cơ sở GDMN lựa chọn đồ chơi, học liệu đáp ứng yêu cầu, bảo đảm phù hợp các trường tiên phong trong vấn đề đổi mới chương trình GDMN.

Trước những ý kiến đóng góp, ban soạn thảo sẽ tiếp thu những và sẽ nghiên cứu để có những điều chỉnh cho phù hợp, ông Minh cho biết.

Theo dự thảo thông tư, đồ chơi, học liệu được sử dụng trong các cơ sở GDMN phải nằm trong danh mục thiết bị dạy học do bộ ban hành. Nếu không có trong danh mục này, việc lựa chọn đồ chơi, học liệu bắt buộc phải bảo đảm ba tiêu chí: An toàn, thẩm mỹ và đáp ứng việc thực hiện Chương trình GDMN.

Đối với đồ chơi tự tạo, phải được làm từ các nguyên liệu bảo đảm vệ sinh, an toàn, không được làm từ nhựa tái chế và hạn chế sử dụng đồ chơi tự làm từ sản phẩm nhựa dùng một lần.

Đáng chú ý, người đứng đầu cơ sở giáo dục mầm non chịu trách nhiệm trước cơ quan quản lý giáo dục, cha mẹ trẻ về việc lựa chọn đồ chơi, học liệu được sử dụng trong đơn vị mình; có trách nhiệm kiểm tra theo định kỳ các đồ chơi, học liệu đang sử dụng, có biện pháp thay thế, khắc phục nếu cần thiết, nhằm bảo đảm an toàn cho trẻ./.

ĐTV

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất