Thứ Hai, 20/5/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Tư, 25/10/2017 21:43'(GMT+7)

Kiên quyết chống những biểu hiện tiêu cực trong lĩnh vực báo chí

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa


Trên thực tế, việc một cơ quan báo chí buộc phải cải chính, gỡ bài, xin lỗi vì đã đưa ra thông tin không chính xác, bình luận và suy diễn thiếu thiện chí ảnh hưởng tới quyền lợi chính đáng, uy tín, danh dự của cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân là cần thiết trong hoạt động báo chí; đã được đề cập cụ thể tại Ðiều 42 “Cải chính trên báo chí”, Ðiều 43 “Phản hồi thông tin” của Luật Báo chí năm 2016 (có hiệu lực từ ngày 1-1-2017). Tuy nhiên, sự nghiêm túc của quy định pháp luật dường như đã và đang bị lạm dụng, vì gần đây, tình trạng chỉ thời gian ngắn sau khi đăng tải, bài báo (nhất là bài trên báo điện tử) đã bị gỡ bỏ mà không có bất kỳ đính chính, xin lỗi nào đã khiến vấn đề trở nên bất thường.

Vừa qua, sự kiện Công an tỉnh Cần Thơ tạm giữ Phạm Lê Hoàng Uyển khi đang nhận 280 triệu đồng của hai doanh nghiệp bất động sản có trụ sở ở Hậu Giang cho thấy đằng sau hiện tượng đăng và gỡ bài có sự khuất tất cần lên án, phải bị xử lý theo pháp luật. Dù không phải là phóng viên hay cộng tác viên của tờ báo, cũng không liên quan tới ba bài phóng sự dựa vào để tống tiền, nhưng vì sao Phạm Lê Hoàng Uyển cả gan thông báo cho giám đốc doanh nghiệp liên quan nếu muốn gỡ ba bài viết phải đưa 700 triệu đồng, nếu chậm thì báo sẽ tiếp tục đăng thêm một bài nữa, khi đó muốn gỡ bài phải đưa một tỷ đồng vẫn cần phải được trả lời. Nhất là khi, như Cơ quan Công an tỉnh Cần Thơ đã cho biết theo lời khai bước đầu, thì Phạm Lê Hoàng Uyển “không làm việc này một mình mà có sự tiếp tay của một số người khác”?

Gần đây, hàng loạt vụ án liên quan hiện tượng này đã thu hút sự chú ý của dư luận, làm ảnh hưởng tới hình ảnh của nhà báo trong hoạt động nghề nghiệp. Sơ bộ liệt kê từ đầu năm 2017 đến nay có thể thấy: Ngày 25-3, Công an TP Hải Phòng bắt ba cán bộ và phóng viên đại diện một tờ báo ở Hải Phòng để điều tra về hành vi cưỡng đoạt tài sản; ngày 15-6, Công an tỉnh Nghệ An quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam nhà báo Bùi Văn Toàn để điều tra hành vi cưỡng đoạt tài sản; ngày 16-6, Công an tỉnh Yên Bái bắt quả tang nhà báo Lê Duy Phong đang nhận 50 triệu đồng từ tay một doanh nghiệp; ngày 7-8, Công an tỉnh Ðác Lắc tạm giữ nhà báo Nguyễn Thế Thắng để điều tra, xử lý về hành vi cưỡng đoạt tài sản; ngày 1-9, Cục Cảnh sát hình sự (C45) phối hợp Công an tỉnh Ðác Lắc bắt giữ nhà báo Nguyễn Mạnh Chiến để điều tra về hành vi tống tiền cảnh sát giao thông...

Dường như đó mới chỉ là “phần nổi của tảng băng” khi cá nhân vi phạm bị “bắt tại trận” không thể chối cãi. Còn để phát hiện ra những “đường dây đánh hội đồng” với sự cấu kết, tham gia của một số nhà báo kém phẩm chất, một số tờ báo nhằm dồn khổ chủ đến chân tường với nhiều mục đích khác nhau thì không đơn giản, bởi những “chiến dịch” này được tổ chức bài bản, lớp lang... Tuy nhiên, một số vụ việc có những biểu hiện bất thường về truyền thông đã và đang hé lộ cho chúng ta những “mảng tối” của báo chí mà sự kiện xảy ra năm 2016 là một thí dụ.

Sau khi một tờ báo và VINASTAS (Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam), công bố kết quả chương trình khảo sát chất lượng của 150 mẫu nước mắm thành phẩm đóng chai của 88 nhãn hiệu được sản xuất tại các cơ sở tại 19 tỉnh, thành phố trên toàn quốc với kết luận mập mờ, không giải thích rõ loại nào độc hại, loại nào không độc hại, thì hầu như cùng lúc, một cuộc tiến công nước mắm truyền thống được triển khai trên 50 tờ báo với 170 tin, bài công bố kết quả khảo sát có nội dung sai sự thật.

Cuộc tiến công đã gây hoang mang trong người tiêu dùng, nước mắm truyền thống bị tẩy chay, các địa phương sản xuất nước mắm truyền thống lâm vào khó khăn, nhiều người lao động mất việc làm, cá đánh bắt từ biển không được thu mua, ảnh hưởng nghiêm trọng tới người tiêu dùng, tới thương hiệu hàng hóa của Việt Nam trên thị trường quốc tế. Cũng cần lưu ý, khi chiến dịch triệt hạ nước mắm truyền thống vào lúc cao trào thì trên thị trường lại xuất hiện loại sản phẩm được giới thiệu “nước mắm an toàn”, khiến người quan tâm không khỏi đặt câu hỏi về một thủ đoạn cạnh tranh không lành mạnh?

Có thể thấy giữa việc gây sức ép buộc phải chi tiền, phải ký hợp đồng quảng cáo để không công bố thông tin ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân với các “trận đánh hội đồng” ẩn chứa rất nhiều thủ đoạn. Ðó là: lùng sục ghi âm, ghi hình trên thực địa theo lối ác ý; vào facebook để tìm kiếm thông tin về hiện tượng được coi là tiêu cực; đến gặp cơ quan, doanh nghiệp đòi phải được cung cấp tài liệu theo yêu cầu… Thậm chí một số trường hợp, mục ý kiến bạn đọc, thư bạn đọc cũng đã được huy động để “làm tiền” qua việc úp mở công bố mấy dòng đại loại: “Tòa soạn nhận được thư của bạn đọc cho biết tại Y (cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân…) có hiện tượng Z. Tòa soạn sẽ cử phóng viên đến làm việc, và sớm phản hồi kết quả đến bạn đọc”. Về thực chất, mấy dòng có vẻ nghiêm túc này lại chứa đựng thông tin có tính cảnh báo gửi tới Y, buộc Y phải tìm đến tờ báo, dùng tiền “bịt lỗ hổng”. Tệ hại hơn là loại hành vi sau khi đã “tống tiền” xong, phóng viên lại chuyển thông tin cho đồng nghiệp khác để tiếp tục “tống tiền”.

Các hành vi tiêu cực do một số tờ báo, nhà báo thực hiện đã biến một vấn đề nghiêm túc là cải chính, phản hồi thông tin trên báo chí thành công cụ phục vụ mưu đồ xấu, biến một hoạt động nghiệp vụ gắn liền với đạo đức nghề nghiệp thành nơi cho ra đời kiểu bài “sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ”, “đánh hội đồng”. Ðiểm rất dễ nhận ra là chiêu trò này thường gắn với bài phản ánh hiện tượng, sự kiện, vấn đề tiêu cực, và thường xuất hiện nhiều hơn trên báo điện tử, nhất là một số báo điện tử mới thành lập... Xét về tâm lý (chủ yếu trong giới sản xuất và kinh doanh, người lãnh đạo) thì khi đã có hành vi tham nhũng, gian dối, sai phạm,... người ta thường có xu hướng che đậy, giấu giếm, phi tang... Vì thế, đứng trước nguy cơ bị báo chí phanh phui, họ cố gắng tìm mọi cách tiếp cận báo chí xin gỡ bài. Và khi “nước bọt không xong” thì “đồng tiền lên tiếng”, và hành vi tiêu cực của báo chí cũng từ đó nảy sinh. Trường hợp khác, sau khi bài đã đăng, lập tức có thông tin ngược chiều đến “khổ chủ” để ra điều kiện gỡ bài.

Rốt cuộc, tham nhũng, gian dối, sai phạm đã trở thành “miếng mồi béo bở” để một số tờ báo, một số phóng viên trục lợi. Như vậy, họ đã không chỉ thực hiện mánh khóe tiêu cực, biến một số cơ quan báo chí thành địa chỉ tham nhũng, mà còn trực tiếp tiếp tay cho tham nhũng, gian dối, sai phạm. Còn xét về mặt văn hóa, việc lẳng lặng gỡ một bài báo khỏi trang báo điện tử chỉ để lại mấy chữ “bài viết không tồn tại” mà không có bất kỳ giải thích nào chính là thiếu tôn trọng người đọc.

Từ bản chất tiêu cực của loại hiện tượng “sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ”, “đánh hội đồng” và để bảo vệ, củng cố sự lành mạnh của báo chí, đã đến lúc cần chấm dứt tình trạng một số tờ báo muốn đăng bài thì đăng, muốn gỡ bài thì gỡ. Ngày 1-8 vừa qua, Cổng Thông tin điện tử Hội Nhà báo Việt Nam chính thức đưa thiết bị theo dõi các báo điện tử gỡ bài, sửa bài vào sử dụng. Mục đích của việc kiểm tra này là để các báo thận trọng hơn khi đưa tin, tránh chạy đua đưa tin nhanh, đưa thông tin không được kiểm chứng, đưa thông tin sai sự thật, nhạy cảm, góp phần phát hiện các tiêu cực trong gỡ bài, sửa bài trên các báo điện tử để báo cáo các cơ quan chỉ đạo và quản lý Nhà nước xử lý.

Tuy nhiên, phần gốc của vấn đề trước hết phụ thuộc vào cơ quan chủ quản và lãnh đạo của mỗi tờ báo. Cụ thể, mỗi tòa soạn cần có quy chế rõ ràng cho việc đăng và gỡ bài (nhất là trên trang điện tử), phân công người trực tiếp chịu trách nhiệm. Khi có bài cần gỡ bỏ, phải cung cấp thông tin đầy đủ để người đọc có thể nắm bắt lý do. Nếu mọi tòa soạn nghiêm chỉnh thực hiện, quản lý tốt việc này thì sự tùy tiện và những tiêu cực trong khi đăng và gỡ bài sẽ không có cơ hội hoành hành. Trong trường hợp có đủ bằng chứng về loại bài “sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ”, “đánh hội đồng” thì phải xử lý theo quy định của pháp luật.

Thành Nam

Theo Nhân Dân điện tử

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất