Chủ Nhật, 5/5/2024
Nghiên cứu
Thứ Ba, 4/1/2022 14:59'(GMT+7)

Kinh nghiệm truyền thông trong phòng, chống dịch COVID-19

18 tập thể được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác truyền thông về phòng, chống COVID-19

18 tập thể được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác truyền thông về phòng, chống COVID-19

Một là, tham mưu phải kịp thời, nhạy bén, thích ứng với từng diễn biến, từng giai đoạn; thiết lập cơ chế vận hành phù hợp với tình hình.

Ban Tuyên giáo Thành ủy đã sớm có đề xuất Ban Tuyên giáo Trung ương quan tâm chỉ đạo, định hướng các cơ quan báo chí thông tin về công tác phòng, chống dịch COVID-19 hỗ trợ Thành phố; chủ động ban hành 3 kế hoạch tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về tình hình và các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 và tham mưu Ban Thường vụ Thành ủy ban hành kế hoạch chỉ đạo tuyên truyền qua từng giai đoạn, phù hợp các chủ trương, chính sách mới phòng, chống dịch; xác lập cụ thể trách nhiệm và công tác phối hợp giữa các đơn vị sở, ngành, quận, huyện… trong thông tin, tuyên truyền trực tiếp, trên báo chí, mạng xã hội.

Thành phố thường xuyên phối hợp chặt chẽ với Tổ công tác của Ban Tuyên giáo Trung ương đánh giá sát thực tế tình hình, xây dựng kịch bản truyền thông và tổ chức thực hiện trong thời gian tiếp theo, đặc biệt xuyên suốt trong giai đoạn cao điểm tăng cường giãn cách từ ngày 23/8 đến ngày 30/10/2021. Tổ chức họp báo hằng ngày và cập nhật liên tục thông tin, tiếp nhận tình hình và đề xuất giải pháp, kịp thời định hướng, chỉ đạo lãnh đạo các cơ quan báo chí. Thường trực Thành ủy duy trì chế độ sinh hoạt đầu giờ sáng hằng ngày với Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch và đồng chí phụ trách chỉ đạo truyền thông để thống nhất định hướng thông tin trong ngày. Nhanh chóng triển khai kết nối với các địa phương, đơn vị bạn để phối hợp thực hiện công tác truyền thông về phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố, nhanh chóng tham mưu cơ chế trao đổi thông tin và triển khai hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng do dịch bệnh.

Hai là, phát huy tổng lực sự tham gia của hệ thống chính trị, trong tổng thể công tác phòng, chống dịch COVID-19, trong đó có công tác tuyên truyền.

Trên cơ sở chỉ đạo, hướng dẫn có trọng tâm, trọng điểm của Thành ủy, Ban Tuyên giáo Trung ương; Ban Tuyên giáo Thành ủy, hệ thống tuyên giáo các cấp, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tập trung tuyên truyền thể hiện rõ vai trò, sự gương mẫu của cán bộ, đảng viên các cấp trong việc chấp hành các quy định về phòng, chống dịch và vận động nhân dân tự giác thực hiện, tham gia; tiên phong, xung kích, không ngại khó, ngại khổ, tham gia trực tiếp tất cả công việc thiết thực phòng, chống dịch; kịp thời góp sức trong công tác tuyên truyền, lan tỏa các thông tin chính thống, tích cực, định hướng dư luận xã hội; công tác hỗ trợ người lao động, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch; công tác vận động hỗ trợ về nhu yếu phẩm, oxy, trang thiết bị y tế, đi chợ hộ…

Đa dạng các phương thức như tuyên truyền bằng tờ rơi, tờ gấp, Infographic các nội dung tăng cường thực hiện Chỉ thị số 16-CT/TTg của Thủ tướng Chính phủ, các nghị quyết, chủ trương của Thành ủy về kế hoạch tổng thể phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế trên địa bàn, các văn bản của Ủy ban nhân dân thành phố; các tài liệu tuyên truyền về dịch bệnh, các giải pháp mới trong phòng, chống dịch của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Trung ương và thành phố; về phương châm “Lấy xã, phường, thị trấn là “pháo đài”, người dân là “chiến sĩ”. Xây dựng và biên tập video clip tuyên truyền; tuyên truyền trên đài phát thanh (đối với các đơn vị có tổ chức hệ thống phát thanh); tổ chức các tổ, nhóm tuyên truyền lưu động bằng loa phát thanh, xe phát thanh lưu động, trực tiếp, thường xuyên tại từng khu phố, ấp, tổ dân phố, tổ dân cư, đặc biệt là tại các khu cách ly, khu phong tỏa; tăng cường tuyên truyền tại các màn hình quảng cáo ngoài trời, khu công cộng, thang máy các khu chung cư…

Ngoài ra, để kịp thời nắm tình hình, định hướng dư luận xã hội, củng cố hiệu quả công tác tuyên truyền, bên cạnh việc nắm, phản ánh, phân tích tình hình dư luận xã hội định kỳ hằng ngày và báo cáo Thường trực Thành ủy, Tổ công tác Trung ương, Ban Tuyên giáo Thành ủy còn thực hiện các cuộc khảo sát nhanh qua hệ thống mạng internet (các ứng dụng OTT (Zalo, Viber, Messenger) với 6 cuộc khảo sát nhanh qua mạng với nội dung đánh giá tác động của đợt bùng phát dịch COVID-19 (lần thứ 4) đối với đời sống, kinh tế, xã hội; về việc triển khai các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19, đánh giá sự chuyển biến ý thức của người dân trong việc chấp hành các khuyến cáo của cơ quan chức năng; tâm thế, sự chuẩn bị của người dân sau thời gian Thành phố kết thúc việc áp dụng các giải pháp tăng cường thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ; thu hút 188.975 lượt ý kiến tham gia trả lời. Đây là cơ sở thực tiễn báo cáo Thường trực Thành ủy trong đánh giá tình hình và nắm bắt tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của người dân trong phòng chống dịch.

Ba là, đẩy mạnh truyền thông báo chí và mạng xã hội.

Với yêu cầu truyền thông an dân và phục vụ công cuộc phòng, chống dịch, từ ngày 27/4 đến ngày 30/10/2021, các cơ quan báo chí thành phố đã có 17.718 tin, bài tuyên truyền về phòng, chống dịch; các báo Trung ương có 9.230 tin, bài liên quan phòng, chống dịch tại thành phố, theo đúng định hướng của Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Thường vụ Thành ủy. Báo chí đã thông tin đầy đủ, kịp thời các hoạt động, chỉ đạo của lãnh đạo Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố cũng như ghi nhận nỗ lực của các cấp chính quyền, tổ chức, đoàn thể trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Có nhiều bài viết nhận định, đánh giá tích cực đối với sự lãnh đạo, quan tâm xuyên suốt của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch của Trung ương và cá nhân các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; các nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh khi thực hiện tăng cường giãn cách xã hội và các biện pháp phòng, chống dịch với những kết quả khả quan, tích cực từng ngày trên các mặt chăm sóc, điều trị bệnh nhân, lo hậu sự cho người không qua khỏi, tiêm vaccine, hoạt động ngoại giao vaccine; vấn đề đảm bảo sản xuất, mở rộng vùng xanh, phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa, công nghệ, đầu tư, xuất nhập khẩu…

Báo chí thông tin đầy đủ, kịp thời các hoạt động, chỉ đạo và ghi nhận tinh thần trách nhiệm, tiếp tục nỗ lực quyết tâm không mệt mỏi của cả hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở, của các lực lượng chi viện, nhất là lực lượng tuyến đầu trong công tác phòng, chống dịch bệnh... Đầu tư nhiều tin bài đậm nét về hoạt động của các lực lượng vũ trang tăng cường cho Thành phố Hồ Chí Minh chống dịch, chăm lo an sinh xã hội cho nhân dân, củng cố tình đoàn kết quân dân, tái hiện khí thế “cả nước vì miền Nam”; tăng cường thông tin về hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin trong kiểm soát lưu thông (mã QR, phần mềm ứng dụng của Bộ Công an). Báo chí kịp thời phản ánh, làm rõ các vụ việc lợi dụng tình hình dịch bệnh để trục lợi (“cò” tiêm vaccine; giấy đi đường giả, giả mạo công an, quân đội…). Nhiều cơ quan báo, đài kịp thời có tuyến bài phản ánh ý kiến người dân ủng hộ chủ trương của Thành phố chuẩn bị cho trạng thái bình thường, tiếp tục kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch và từng bước phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn Thành phố. Báo chí cũng đã duy trì, mở rộng chuyên mục, tổ chức hội thảo trực tuyến nhằm tiếp thu, ghi nhận những hiến kế, góp ý của nhân dân, các chuyên gia, kiều bào đối với công tác phòng, chống dịch, các giải pháp chuẩn bị cho việc mở cửa lại nền kinh tế của thành phố. Được sự hỗ trợ của hệ thống bưu điện và tiếp sức của các đơn vị bảo trợ, trong những ngày cao điểm, Thành phố đã cấp phát một số loại báo in đến 312 phường, xã trên địa bàn thành phố để cung cấp món ăn tinh thần trong thời điểm giãn cách, đồng thời đưa thông tin đến được với nhân dân.

Song song với mặt trận báo chí, Ban Tuyên giáo Thành ủy phối kết hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội thành phố tăng cường tuyên truyền thông tin chính thống qua các trang cá nhân, trang người hâm mộ (Fanpage, trang cộng đồng); tổ chức livestream “Dân hỏi - Thành phố trả lời” thu hút sự quan tâm và đánh giá cao của nhân dân. Từ ngày 27/4 đến ngày 30/10/2021, hệ thống các trang mạng xã hội của thành phố đã đăng phát 1.028.782 lượt tin bài, thu hút hàng chục triệu lượt thích (like), hơn 64 triệu lượt chia sẻ (share). Riêng các trang Cờ Đỏ Thành phố Hồ Chí Minh đăng phát 684 tin bài, thu hút 1.122.679 lượt thích (like), 88.251 lượt chia sẻ (share). 

Bốn là, chú trọng đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thông tin xấu độc xuyên tạc về công tác phòng, chống dịch.

Cùng với thông tin chính thống được truyền tải kịp thời, nhanh chóng; công tác tổng hợp nắm tình hình hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị; công tác đấu tranh, phản bác kịp thời thông tin, luận điệu sai trái, thù địch trên các trang mạng xã hội được đặc biệt quan tâm, chủ động, tăng cường thực hiện. Ban Chỉ đạo 35 Thành ủy và các cơ quan chức năng tăng cường tổ chức lực lượng theo dõi, tổng hợp nội dung thông tin, tình hình chống phá trên không gian mạng; có báo cáo hằng ngày gửi Văn phòng Ban Chỉ đạo 35 Trung ương, Thường trực Thành ủy, Thường trực Ban Chỉ đạo 35 Thành ủy để xử lý các vấn đề, tình huống phát sinh.

Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu các cơ quan báo chí xây dựng các chuyên mục, có nhiều tin bài thông tin, làm rõ, phản bác các tin “nóng”, tin giả trên mạng xã hội liên quan đến tình hình dịch COVID-19; phản ánh hành vi lợi dụng dịch bệnh để trục lợi của các tập thể, cá nhân; phê phán, vạch trần các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, thành phần cơ hội chính trị, phần tử phản động lợi dụng tình hình dịch COVID-19 để chống phá Đảng, Nhà nước và chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Chất lượng và số lượng bài, chương trình bình luận, đấu tranh sắc bén với các thông tin xấu độc, kích động từng bước tăng lên.

Các phóng viên tác nghiệp tại Đài Truyền hình TPHCM trong Chương trình Ủng hộ kinh phí mua vaccine vượt qua đại dịch Covid-19. (Ảnh: HTV)

Các phóng viên tác nghiệp tại Đài Truyền hình TPHCM trong Chương trình Ủng hộ kinh phí mua vaccine vượt qua đại dịch Covid-19. (Ảnh: HTV)

Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với nhiều trường hợp vi phạm pháp luật thông tin trên mạng xã hội liên quan đến dịch COVID-19; phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Thông tin và Truyền thông xử lý, gỡ bỏ các thông tin, bài viết trên tài khoản mạng xã hội, có nội dung sai sự thật, xuyên tạc liên quan đến dịch bệnh. Công an Thành phố thường xuyên phối hợp với Bộ phận thường trực Tổ Thư ký Ban Chỉ đạo 35 Thành uỷ phát hiện, tổng hợp các tài khoản, trang mạng xã hội có hành vi thông tin sai sự thật, rà soát, củng cố hồ sơ theo quy định để nhắc nhở, răn đe hoặc xử lý theo quy định pháp luật đối với các trường hợp cá nhân có hành vi vi phạm về nội dung thông tin liên quan công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn Thành phố.

Đây là những kinh nghiệm quý báu để ngành Tuyên giáo Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục triển khai những nhiệm vụ tiếp theo, góp phần thực hiện các nhiệm vụ chung, nâng cao nhận thức và hành động của người dân trong tình hình mới, nâng cao tình thần cảnh giác, tránh lơ là chủ quan để bảo vệ sức khỏe cho mình, cho mọi người; đồng thời thực hiện mục tiêu kép, đưa cả nước chuyển sang trạng thái thích ứng, linh hoạt với tình hình mới./.

Đỗ Thắng

Ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất