Thứ Tư, 1/5/2024
Cùng suy ngẫm
Thứ Tư, 18/8/2021 10:38'(GMT+7)

Nhiều kiểu “ăn xổi ở thì”

Ảnh minh hoạ

Ảnh minh hoạ

“Xổi” thực ra không hẳn lúc nào cũng mang nghĩa tiêu cực. Trong xã hội nông thôn trước đây, người nông dân nghèo thích làm những món dân giã như dưa mối xổi, cà muối xổi, cá muối xổi... mà ăn vẫn cảm thấy lạ vị, ngon miệng. Hay cũng có người dân trong cảnh tháng ba ngày támgiáp hạt, vì muốn giải quyết một công việc cần kíp, cấp bách nhưng không có tiền nên đành phải chạy vạy, cậy nhờ nhà giàu cho “vay xổi”- nghĩa là vay mượn tạm trong một khoảng thời gian ngắn rồi trả lại. Cái “xổi” đó là dễ chia sẻ, cảm thông với những số phận yếu thế trong xã hội.

Nhưng vì mang nghĩa “tạm bợ, không căn cơ”, nên từ “xổi” thường gắn với những hiện tượng không tích cực. Ví như câu thành ngữ “Ăn xổi ở thì” hàm ý chê bai một lối nghĩ, lối sống được chăng hay chớ, hời hợt, thiếu tính toán, chỉ tính đến cái lợi ngắn ngủi trước mắt, mà không suy tính đến lợi ích lâu dài, bền vững. 

Thời nay, “ăn xổi ở thì” còn biến tướng sang nhiều hiện tượng “xổi” khác.

Một trong những hiện tượng “xổi” dễ thấy nhất trong thời gian gần đây là “giàu xổi”. Tức là nhiều người giàu lên không phải bằng lao động, công sức, mồ hôi, trí tuệ, năng lực của mình; mà do làm ăn phe cánh, buôn gian bán lận, đầu cơ đất cát, thổi đồn giá đất khiến nhiều nơi “sốt ảo” rồi lợi dụng sự háo lợi của người khác để kinh doanh trục lợi, kiếm lời, làm nhiễu loạn thị trường bất động sản.

Một số cán bộ, công chức, viên chức trước đây học hành bình thường, trình độ có hạn, nhưng nay do yêu cầu của tổ chức, cơ quan đòi hỏi phải chuẩn hóa bằng cấp, thế nên nhiều người muốn “đi tắt đón đầu” việc học thông qua “học xổi”. Cách học này người học vẫn “đánh trống ghi tên” ở trường lớp; nhưng do khéo léo nhờ vả các mối “quan hệ ngầm” ở cơ sở giáo dục mà họ được hưởng lợi thế “học ít, điểm cao”, ra trường đúng hạn và sở hữu “bằng đẹp”. 

Ở nhiều nơi, một số quan chức lên nhanh như diều gặp gió không phải do tài năng, đức độ, mức độ hoàn thành chức trách nhiệm vụ và hiệu quả phụng sự, cống hiến cho tập thể, cộng đồng, mà do khả năng “chạy xổi quyền lực”, hay còn gọi là cách tạo ra “quyền lực xổi”. Cách tạo dựng “quyền lực xổi” là người ta tận dụng mọi cơ hội để làm “vui lòng cấp trên, vừa lòng đồng cấp, hài lòng cấp dưới” thông qua “thuật tâm công” như ton hót, nịnh nọt, bợ đỡ bằng những “lời ngọt”, lẫn cả chiêu trò vỗ về, dụ dỗ, mua chuộc người khác bằng cách biếu tặng “của ngon” (tiền bạc, vật chất...).

Lại nữa, thời đại thông tin bùng nổ, mạng xã hội lên ngôi, báo chí truyền thông nở rộ, nhiều người còn cố tạo ra “uy tín xổi” bằng cách phát ngôn, đăng đàn những câu nói “động trời” để thu hút sự quan tâm của công chúng. Chỉ cần vài ba câu nói “khác người” (chưa biết đúng - sai, thực - hư thế nào, lợi - hại ra sao), nhưng không ít người tự cho mình như một “ngôi sao truyền thông” nhờ biết nói đúng thời điểm, đánh trúng tâm lý tò mò của một bộ phận công chúng và báo chí truyền thông theo xu hướng “câu like, câu view”. 

Thực ra trong bản tính con người, ai cũng muốn giàu sang, giỏi giang, thành đạt, được nhiều người mến mộ. Đó là một nhu cầu, khát vọng chính đáng. Thế nhưng, những kiểu cách “giàu xổi”, “học xổi”, “quyền lực xổi”, “uy tín xổi” như trên là lợi bất cập hại, phản tác dụng, phản văn hóa. 

“Giàu xổi” là thứ giàu nhất thời, không bền vững, của cải dễ vào mà cũng dễ ra, dễ được mà cũng dễ mất. 

“Học xổi” là thứ học không đến nơi đến chốn, thiếu trình độ thực chất thì dù người có bằng cấp thật đấy nhưng do thiếu kiến thức chắc chắn thì cũng khó làm việc, công tác hiệu quả. 

“Quyền lực xổi” là thứ quyền lực không chính đáng, có thể nhất thời làm lợi cho người sở hữu nó nhưng cũng dễ biến người trong cuộc thành kẻ “hữu quyền vô danh”- tức là có quyền mà người khác không nể trọng, thậm chí coi khinh. 

 “Uy tín xổi” là thứ uy tín nông nổi, hời hợt, có thể được đám đông biết đến, được nhiều người tung hô trong một thời điểm nhất định nào đó khiến người trong cuộc tưởng mình trở nên nổi tiếng thiên hạ, nhưng thực ra họ đang ngộ nhận, ảo tưởng về bản thân.

Tựu trung lại, bất cứ thái độ, hành vi, việc làm nào mà gắn liền với chữ “xổi” cũng đều chỉ là sự tạm bợ, hời hợt, nhất thời, dễ đến rồi cũng dễ đi. Vậy nên, đã là người chân chính, nhất là đối với những người “ăn cơm dân, hưởng lộc nước” thì làm bất cứ việc gì cũng phải suy nghĩ thận trọng, tính toán trước sau, cân nhắc chín chắn, tiên lượng được thiệt hơn, lợi hại để tránh những hậu quả nhãn tiền từ lối nghĩ, lối sống “xổi”, bởi như người xưa từng răn dạy: “Phải điều ăn xổi ở thì/ Tiết trăm năm nỡ bỏ đi một ngày” (Nguyễn Du)./.

Thiện Văn

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất