Thứ Năm, 5/12/2024
Y tế - Dân số
Thứ Hai, 4/12/2023 23:12'(GMT+7)

Ninh Bình: Truy xuất nguồn gốc dược liệu, tạo ra uy tín, giá trị cho sản phẩm

Mô hình trồng cây đinh lăng của hợp tác xã nấm và dược liệu Khánh Công

Mô hình trồng cây đinh lăng của hợp tác xã nấm và dược liệu Khánh Công

Hợp tác xã (HTX) Nấm và cây dược liệu xã Khánh Công, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình có 29 thành viên. Diện tích trồng cây dược liệu của HTX là 14,5ha. Nhà xưởng trồng nấm là 4.000m2, với các máy móc công nghệ cao như: hệ thống tưới thông minh, hệ thống chiếu sáng, máy nghiền nguyên liệu, máy trộn nguyên liệu, lò hấp sấy thanh trùng. Các loại cây dược liệu của HTX đang sản xuất như: Trạch tả, bạch chỉ, nghệ đỏ, ngưu tất, Huyền sâm, nấm Linh chi… đã được ký kết hợp đồng bao tiêu với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Nhờ có quy trình sản xuất hiệu quả và chất lượng, cũng như có đầu ra đảm bảo ổn định mà cuộc sống và thu nhập của thành viên HTX nấm và dược liệu Khánh Công ngày càng khấm khá. Thu nhập trung bình hàng tháng của thành viên HTX đạt 6 đến 8 triệu đồng. Để đạt được kết quả trên, đòi hỏi người trồng nấm phải nắm vững kỹ thuật, lấy khoa học kĩ thuật làm then chốt. Điều này đòi hỏi sự tỉ mỉ trong từng công đoạn và thường xuyên theo dõi quá trình phát triển của nấm, tùy từng điều kiện thời tiết điều chỉnh môi trường thích hợp cho cây nấm phát triển.

Ông Phạm Văn Chuyền, Giám đốc HTX hướng dẫn kỹ thuật cấy phôi nấm.

Ông Phạm Văn Chuyền, Giám đốc HTX hướng dẫn kỹ thuật cấy phôi nấm.


 

Tuy nhiên, HTX gặp khó khi mở rộng thị trường vì không chứng minh được quy trình trồng và chăm sóc cây dược liệu.

Năm 2022, với sự hỗ trợ của Liên minh HTX tỉnh, đơn vị đã sử dụng, ứng dụng truy xuất nguồn gốc nông sản Agritech. Với ứng dụng này, tất cả các công đoạn từ ươm giống, chăm sóc, vun sới, bón phân, thu hoạch, bảo quản đều được cập nhật trên hệ thống theo thời gian thực. Thông qua một mã QR gắn trên sản phẩm, người tiêu dùng có thể biết được toàn bộ quy trình sản xuất. Nhờ ứng dụng truy suất nguồn gốc đã khẳng định được uy tín, tạo niềm tin cho người tiêu dùng, khi sử dụng sản phẩm, đồng thời góp phần ngăn chặn hành vi gian lận thương mại. Do quy trình canh tác của các vụ sản xuất đều được cập nhật đầy đủ và lưu trữ dữ liệu trên ứng dụng nên dễ dàng đánh giá lại tính hiệu quả ở từng công đoạn, từ đó có  thể điều chỉnh phương thức sản xuất phù hợp trong các vụ sau nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Để xây dựng thương hiệu, tăng tính cạnh tranh trên thị trường, HTX đã tiến hành đăng ký độc quyền bảo hộ sản phẩm tại Cục Sở hữu trí tuệ và đăng ký bản quyền tem nhãn và tem truy xuất nguồn gốc, người dùng có thể dễ dàng truy xuất nguồn gốc sản phẩm qua mã QR, an tâm khi sử dụng.

Tại Ninh Bình, các HTX sản xuất nấm dược liệu đều được sản xuất theo chuỗi giá trị. Quá trình hoạt động và sản xuất, các thành viên đều được tập huấn, hướng dẫn quy trình từ khâu làm đất, chọn giống, kỹ thuật trồng, chăm sóc đến khâu thu hoạch, chế biến sản phẩm. Đến nay, một số HTX đã có mã số vùng trồng để theo dõi tình hình sản xuất, kiểm soát chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc. Đồng thời, bảo đảm sản phẩm đưa vào lưu thông trên thị trường đúng nguồn gốc tại vùng trồng, tránh tình trạng sản phẩm được sản xuất tại nơi khác trà trộn với sản phẩm vùng trồng đã được cấp mã số.

Theo ông Vũ Nam Tiến, Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho biết, để thúc đẩy phát triển lĩnh vực trồng, chế biến, tiêu thụ sản phẩm dược liệu, UBND tỉnh đã ban hành chính sách hỗ trợ các HTX liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Các nội dung hỗ trợ tập trung vào tư vấn xây dựng liên kết, hỗ trợ máy móc thiết bị để thực hiện dự án liên kết; xây dựng mô hình khuyến nông, tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ giống, vật tư, bao bì nhãn mác…

Hiện tỉnh đang tập trung xây dựng các mô hình HTX sản xuất loại nấm dược liệu theo hướng hữu cơ, điều này, sẽ góp phần quan trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo uy tín cho các HTX.

Để phát triển bền vững, các HTX sẽ tranh thủ các nguồn lực để tiếp tục mở rộng quy mô, tăng cường liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, giúp người nông dân làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Đồng thời góp phần thực hiện thành công mục tiêu xóa đói, giảm nghèo của tỉnh.

Để mở rộng, phát triển nghề trồng nấm dược liệu, tỉnh đã đề ra nhiều chính sách khuyến khích phát triển và mở rộng diện tích sản xuất nấm dược liệu như: Tạo điều kiện về mặt bằng đất đai, chính sách vay vốn, hỗ trợ một phần kinh phí để xây dựng lán trại kiên cố, lò hấp, lò sấy, điểm thu mua chế biến, hỗ trợ giống nấm, hỗ trợ kinh phí tập huấn, tham quan mô hình, tạo điều kiện giúp đỡ thành lập tổ hợp tác, HTX sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nấm thường xuyên đánh giá kết quả thực hiện và triển khai kế hoạch sản xuất nấm, tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá thương mại, tư vấn giới thiệu các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, từng bước hình thành liên kết "4 nhà" trong sản xuất nấm dược liệu.

Có thể khẳng định, truy xuất nguồn gốc dược liệu được coi là "chìa khóa" khởi tạo niềm tin cho người tiêu dùng và trở thành tiêu chí bắt buộc trong xuất khẩu sản phẩm ra thị trường nước ngoài. Việc nhiều HTX coi trọng và sử dụng các ứng dụng truy suất nguồn gốc đã cho thấy rõ một sự thay đổi trong tư duy, từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Sự thay đổi đó đang giúp nâng cao giá trị sản phẩm, tạo ra giá trị mới cho đơn vị sản xuất, đồng thời dần hình thành những nông dân số và một hệ sinh thái nông nghiệp số.

Nam Hải

 

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất