Thứ Hai, 7/10/2024
Hoạt động y tế
Thứ Ba, 10/4/2018 16:9'(GMT+7)

Thành phố Hồ Chí Minh: Cần nâng cấp Bệnh viện Tâm thần để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh

Theo bác sĩ Trịnh Tất Thắng, các bệnh lý tâm thần mà người dân thường gặp trong những năm gần đây gồm: Tâm thần phân liệt 1%, động kinh 0,5%, trầm cảm 6%, rối loạn lo âu 7%, nghiện/lạm dụng rượu 5%, đặc biệt là nhóm loạn thần liên quan tới chất kích thích ngày càng tăng cao ở người trẻ. Bình quân, mỗi năm số bệnh nhân đến khám, điều trị tại Bệnh viện Tâm thần Thành phố Hồ Chí Minh  khoảng 6.800 lượt, trong đó trung bình có 800 lượt khám ngoại trú mỗi ngày.Thống kê cho thấy, số bệnh nhân tâm thần tăng trung bình từ 10-15% mỗi năm. 

Ngoài phục vụ số lượng bệnh nhân đến khám và điều trị tại bệnh viện, các y bác sĩ của Bệnh viện Tâm thần còn làm nhiệm vụ phát hiện sớm, quản lý, điều trị và phục hồi chức năng cho 10.000 bệnh nhân tâm thần phân liệt và 8.000 bệnh nhân động kinh trong cộng đồng thông qua mạng lưới 24 Phòng khám tâm thần quận, huyện và 320 trạm y tế phường, xã. 

Mặc dù số bệnh tăng nhưng hiện nay Bệnh viện Tâm thần chỉ có 500 giường bệnh và 61 bác sĩ. Tính bình quân, Thành phố Hồ Chí Minh mới chỉ có 0,07 giường bệnh/1.000 dân, trong khi bình quân của Việt Nam là 0,2 giường bệnh/1.000 dân và thế giới từ 0,5-1,5 giường bệnh/1.000 dân. Như vậy, thành phố cần thêm 1.500 giường bệnh nữa mới có thể đáp ứng nhu cầu điều trị cho bệnh nhân tâm thần. 

Cũng theo bác sĩ Thắng, vấn đề “đau đầu” nhất là từ nay đến năm 2020, có đến 13 bác sĩ của bệnh viện nghỉ hưu, trong khi đó việc tuyển dụng nhân sự lại khó khăn bởi mức thu nhập chung của các bác sĩ hiện nay rất thấp, trung bình từ 10-12 triệu/tháng đối với bác sĩ làm việc trên 20 năm và 4-5 triệu đồng/tháng đối với bác sĩ trẻ. “Chính mức thu nhập thấp lại không có điều kiện để phát triển dịch vụ do cơ sở vật chất quá chật chội khiến cho không ai muốn về công tác tại Bệnh viện Tâm thần”, bác sĩ Trịnh Tất Thắng thừa nhận. 

Chia sẻ với những khó khăn của Bệnh viện Tâm thần, bác sĩ Lê Trường Giang, Chủ tịch Hội Y tế công cộng Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, tâm thần là 1 trong 5 nhóm bệnh gây ra gánh nặng lớn nhất hiện nay. Trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đang phát triển như vũ bão, trong tương lai tỷ lệ bệnh nhân tâm thần sẽ còn tăng cao. Trước nhu cầu ngày càng tăng cao của bệnh nhân mắc các bệnh lý tâm thần, bác sĩ Lê Trường Giang cho rằng, Thành phố Hồ Chí Minh cần có cơ chế hỗ trợ đặc biệt đối với bệnh viện tâm thần, bao gồm cả cải tạo cơ sở vật chất lẫn chính sách đãi ngộ để thu hút bác sĩ. 

Lo ngại trước tình trạng bệnh nhân tâm thần tăng cao trong khi cơ sở vật chất, nhân sự của bệnh viện chưa đáp ứng được nhu cầu, bà Thi Thị Tuyết Nhung, Trưởng Ban Văn hóa – Xã hội, Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu các sở, ngành, đặc biệt là Sở Y tế Thành phố lập kế hoạch trình Ủy ban nhân dân thành phố giải quyết những vướng mắc, hỗ trợ cơ chế đặc thù để nâng cấp Bệnh viện Tâm thần. Bên cạnh đó, bà Thi Thị Tuyết Nhung cho rằng với thế mạnh có đội ngũ bác sĩ tâm lý – thần kinh với chuyên môn vững chắc, Bệnh viện Tâm thần cần đẩy mạnh lĩnh vực điều trị này trong thời gian tới./. 

Đinh Hằng/TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất