Chủ Nhật, 8/9/2024
Hoạt động y tế
Thứ Bảy, 11/3/2017 17:58'(GMT+7)

Thanh tra an toàn thực phẩm: Vẫn còn tâm lý nể họ hàng, làng xóm

Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm. (Ảnh: TTXVN/Vietnam+)

Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm. (Ảnh: TTXVN/Vietnam+)

Đặc biệt, nhiều người được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành, nhất là cán bộ ở cấp xã phường còn tâm lý nể nang họ hàng làng xóm vì đa phần các hộ kinh doanh nhỏ lẻ tại địa phương là người quen biết… đã làm hạn chế kết quả xử lý vi phạm hành chính.

Thông tin trên được đưa ra tại hội nghị tổng kết thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh diễn ra sáng 10/3 tại Hà Nội.

Số cơ sở bị phạt tiền tăng 270%

Kết quả tổng kết công tác thanh tra tại Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, các sai phạm chủ yếu trong lĩnh vực thực phẩm thường gặp là thực phẩm sử dụng phụ gia, hóa chất, kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật, chất tăng trưởng (đây là chất cấm, ngoài danh mục, quá giới hạn). 

Bên cạnh đó còn các lỗi vi phạm về điều kiện vệ sinh, công bố sản phẩm, nguồn gốc xuất xứ, không có giấy kiểm dịch thú y, sản phẩm thực phẩm không được công bố theo quy định...

Phát biểu tại cuộc họp, ông Trần Văn Châu - Trưởng phòng Công tác thanh tra, Cục An toàn Thực phẩm cho hay, việc hình thành và hoạt động của lực lượng thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tuyến quận, huyện và xã, phường đã góp phần tăng hiệu lực quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, đồng thời nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người sản xuất, kinh doanh, nhận được sự đồng tình ủng hộ của người dân. Việc xử lý vi phạm nghiêm minh hơn, số tiền xử phạt tăng, số vụ ngộ độc thực phẩm trên địa bàn giảm… 

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, 29 đoàn đã tiến hành các đợt kiểm tra tại 5 quận, huyện (quận 3, quận 5, quận Bình Tân, huyện Bình Chánh, huyện Hóc Môn) phát hiện gần 2.200 cơ sở sai phạm về an toàn thực phẩm, xử phạt hơn 4,1 tỷ đồng. So với cùng kỳ 2015, số cơ sở bị phạt tiền tăng 270%, số tiền phạt tăng hơn 212%. 

Tại thành phố Hà Nội, các đoàn kiểm tra đã kiểm tra hơn 3.500 cơ sở, trong đó xử lý vi phạm 786 cơ sở, phạt tiền 371 cơ sở với tổng số tiền phạt gần 1,2 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm 2015, số cơ sở bị xử phạt tiền tăng 237% và tổng số tiền phạt tăng 240%.

Cục trưởng Cục An toàn Thực phẩm Nguyễn Thanh Phong cho biết, với những kết quả đã đạt được, thời gian tới sẽ mở rộng thí điểm sẽ mở rộng đối tượng thanh kiểm tra, không phải chỉ dịch vụ ăn uống mà có thể làm cả thực phẩm chức năng, thuốc thú y…

Nội dung thanh kiểm tra cũng mở rộng hơn, chẳng hạn thức ăn đường phố không phải chỉ kiểm tra giấy phép mà cả nguồn gốc thực phẩm, thậm chí cả giấy tờ thuốc thú y, hóa chất bảo vệ thực vật.

Trong thời gian tới, việc thanh tra an toàn thực phẩm sẽ trên diện rộng hơn. (Ảnh: TTXVN/Vietnam+)

Xử lý vi phạm phải diệt tận gốc

Đề cập những tồn tại, ông Trần Văn Châu cũng cho rằng các vướng mắc trong thực hiện chính sách này như nhiều địa phương thiếu nhân lực, không có cán bộ chuyên trách hay cán bộ chuyên môn về an toàn thực phẩm, nghiệp vụ thanh tra còn hạn chế. 

Tại cuộc họp, đại diện Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cho hay, khó khăn trong công tác thanh tra là một số cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn xã, phường, thị trấn chủ yếu là các cơ sở nhỏ lẻ, thường xuyên biến động. Các cơ sỏ ở chợ tạm, chợ cóc… gây khó khăn cho việc thanh tra và xử lý vi phạm hành chính.

Đặc biệt, nhiều người được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành nhưng sợ sai, ngại va chạm, không dám làm, nhất là cán bộ ở cấp xã phường còn tâm lý nể nang họ hàng làng xóm vì đa phần các hộ kinh doanh nhỏ lẻ tại địa phương là người quen biết… đã làm hạn chế kết quả xử lý vi phạm hành chính.

Còn tại Thành phố Hồ Chí Minh, qua kiểm tra vẫn còn tình trạng chính quyền địa phương giao phó toàn bộ hoạt động này cho phòng y tế quận huyện, trạm y tế xã phường nên hiệu quả không cao.

Chỉ đạo tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường thẳng thắn chia sẻ rằnghiện nay việc phát hiện sai phạm mới chỉ dừng lại ở chỗ giấy phép kinh doanh, giấy phép hết hạn… Việc tổ chức đi từng đoàn, đến chợ đầu mối, quán ăn “ngó nghiêng” rồi về thì chưa thực sự hiệu quả. Các đoàn kiểm tra cần đặt ra các tiêu chí cụ thể như kiểm tra về cái gì, vi phạm như thế nào, tìm nguy cơ từ những thực phẩm gây ngộ độc, ung thư.

“Muốn hiệu quả cao hơn thì phải tính tới việc thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm sẽ tập trung vào thanh kiểm tra các vấn đề nguy cơ cao, lấy mẫu xét nghiệm thực phẩm, thậm chí truy lùng thực phẩm bẩn để xử lý tận gốc,” Thứ trưởng Cường nhấn mạnh.

Ông Trương Quốc Cường cho hay, Bộ Y tế sẽ đề xuất Chính phủ tiếp tục mở rộng và kéo dài thời gian thí điểm mô hình này. Tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, sẽ mở rộng thí điểm ra tất cả các quận/huyện/thị xã, xã/phường/thị trấn trong thời gian 1 năm tới. 

Ngoài hai thành phố trên, hiện có thêm ba thành phố trực thuộc Trung ương là Hải Phòng, Cần Thơ, Đà Nẵng cùng ba tỉnh là Thanh Hóa, Hà Tĩnh và Gia Lai có văn bản đề nghị được thí điểm mô hình thanh tra chuyên ngành ở một số quận huyện, xã phường trong thời gian một năm./.
VN+

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất