Thứ Tư, 1/5/2024
Y tế - Dân số
Thứ Hai, 4/11/2019 9:41'(GMT+7)

Trình độ học vấn càng cao và càng giàu thì càng lựa chọn giới tính thai nhi

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Tại buổi tập huấn cung cấp nội dung truyền thông về các vấn đề mới tại Nghị quyết số 21/NQ-TW cho phóng viên, cộng tác viên báo chí ngày 29/10, GS.TS Nguyễn Đình Cử cho rằng đang có một nghịch lý: Người có trình độ học vấn càng cao và càng giàu thì càng hay lựa chọn giới tính thai nhi.

Theo quy luật tự nhiên, trung bình cứ sinh 100 bé gái thì tương ứng sinh được khoảng từ 104-106 bé trai. Năm 2006, mất cân bằng tỉ số giới tính khi sinh bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam. Dù muộn hơn rất nhiều so với những nước láng giềng có tình trạng tương tự, nhưng tỉ số giới tính khi sinh tại nước ta lại tăng rất nhanh với những diễn biến khá phức tạp.

Từ cuộc Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 1999, khi đó tỉ số giới tính khi sinh là 107 trẻ trai/100 trẻ gái. Đến cuộc Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2009, tỉ số này là 110,5 và tăng lên 113,8 năm 2013. Số liệu mới nhất năm 2018 của Tổng cục Thống kê là 115,1 trai/100 gái. Theo ước tính của Tổng cục Dân số, năm 2019 tỉ số này sẽ là 114,1 trai/100 gái.

Phân tích của các nhà điều tra nhân khẩu học cho thấy, có những đặc điểm rất ngạc nhiên và rất riêng của Việt Nam được nhìn thấy từ tỉ số giới tính khi sinh. Đặc điểm đầu tiên khiến nhiều người bất ngờ là tỉ số giới tính khi sinh tăng lên theo trình độ học vấn của người mẹ. Lâu nay, người ta cứ nghĩ tình trạng mất cân bằng tỉ số giới tính khi sinh sẽ rơi vào nhóm các bà mẹ có học vấn thấp nhưng kết quả lại cho thấy ngược lại. Tỷ số giới tính khi sinh tăng từ mức 106 -111 ở các bà mẹ có trình độ tiểu học lên mức 113 ở bậc THPT và cuối cùng là 115 ở bậc đại học trở lên (Điều tra Dân số và Nhà ở giữa kỳ 1/4/2014). Điều đáng ngạc nhiên là ở nhóm những bà mẹ với 3 năm đi học, tỉ số giới tính khi sinh tương tự mức sinh học tự nhiên là 105.

Cũng theo đó, gia đình có thu nhập cao thì việc lựa chọn giới tính khi sinh càng lớn, cụ thể là tỷ số này là 113 bé trai/100 gái, trong khi đó nhóm dân cư nghèo đạt 107 bé trai/100 bé gái. Điều này cho thấy, người Việt càng có trình độ học vấn cao và có điều kiện kinh tế thì càng có kiến thức và điều kiện hơn để lạm dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong việc lựa chọn giới tính thai nhi.

Theo GS Nguyễn Đình Cử, nguyên nhân người Việt mong muốn có con trai là ảnh hưởng tiêu cực từ Nho giáo. Nho giáo có hai định nghĩa về sinh con trai và con gái hết sức phi nhân văn. Định nghĩa thứ nhất là "Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô", có nghĩa là một anh con trai gọi là có con, 10 cô con gái gọi là không có con. Điểm thứ hai là "Bất hiếu hữu tam, vô hậu vi đại", tức là có 3 loại bất hiếu nhưng không có con nối dõi tông đường là bất hiếu lớn nhất.

Nói về vấn đề này, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số Nguyễn Thị Ngọc Lan cho biết: Bất bình đẳng giới là nguyên nhân làm gia tăng tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, ngược lại mất cân bằng giới tính sẽ làm sâu sắc thêm vấn đề bất bình đẳng giới. Nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh đó là hành vi lựa chọn giới tính thai nhi của các cặp vợ chồng. Mong muốn có con trai hiện nay không chỉ dừng ở biểu hiện tâm lý mà đã thể hiện thành hành động tìm kiếm con trai. Các quan niệm xã hội và tín ngưỡng đòi hỏi con trai phải gánh vác việc thờ cúng tổ tiên; con trai giúp củng cố địa vị của cha mẹ trong xã hội; đứa con sinh ra phải mang họ của bố; người chồng thường là chủ hộ trong gia đình, có quyền quyết định những việc lớn. Theo phong tục ở nhiều địa phương chỉ có con trai được thừa kế tài sản của cha mẹ, vị thế của người phụ nữ không được coi trọng, chính sách sinh ít con kéo dài... Tất cả những điều đó đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi cá nhân, các cặp vợ chồng, gia đình và dòng họ…

Các nhà nhân khẩu học chỉ rõ: Mất cân bằng tỉ số giới tính khi sinh sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới cấu trúc dân số Việt Nam trong tương lai, dẫn tới việc dư thừa nam giới trong xã hội. Nếu không có những biện pháp can thiệp kịp thời, dự báo đến năm 2050, Việt Nam sẽ thiếu từ 2,3 đến 4,3 triệu phụ nữ. Bên cạnh đó, mất cân bằng tỉ số giới tính khi sinh có thể gây ra các hậu quả nghiêm trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và ảnh hưởng tới cuộc sống của phụ nữ, nam giới, gia đình và cộng đồng; làm tăng tệ nạn mại dâm, HIV/AIDS, nạn buôn bán phụ nữ, trẻ em gái và các hình thức bạo lực gia đình đối với phụ nữ và trẻ em gái, bất bình đẳng, ly hôn; bất ổn xã hội...

Hiện nay, tình trạng mất cân bằng tỉ số giới tính khi sinh có xu hướng tiếp tục tăng và lan rộng cả nông thôn, thành thị và tại tất cả các vùng miền. Cả nước đã có 55/63 tỉnh thành có tỉ số giới tính khi sinh cao trên 108 bé trai/100 bé gái.

Theo ông Đinh Thái Hà, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính (Tổng cục Dân số), dự kiến cả năm 2019, con số này là 114,1 bé trai/100 bé gái, không đạt kế hoạch (giao 114/100), tương đương với việc khống chế tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh không đạt kế hoạch đề ra.

Theo GS Nguyễn Đình Cử, giải pháp để giải quyết thực trạng này đầu tiên là phải đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục để thay đổi nhận thức của người dân về giới tính. Tiếp đó chú trọng xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật, hương ước quy ước, khẩn trương xây dựng Luật Dân số thay thế Pháp lệnh Dân số đã ban hành được 16 năm. Mặt khác, khi xây dựng các chính sách kinh tế - xã hội cần chú trọng khía cạnh giới và phải có chính sách an sinh xã hội tốt hơn cho người cao tuổi, đặc biệt là tăng cường giám sát việc thực thi pháp luật đối với những người vi phạm trong lĩnh vực dân số như việc lựa chọn giới tính thai nhi. Thực tế cho thấy, hầu hết phụ nữ mang thai biết giới tính thai nhi trước khi sinh, nhưng rất ít địa phương xử phạt theo Nghị định số 114/2006/NĐ-CP và Nghị định số 176/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực Y tế, Dân số và Trẻ em.

Còn Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Ngọc Lan khẳng định, một giải pháp then chốt nhằm ngăn chặn tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh là phải tăng cường công tác bình đẳng giới và nâng cao vị thế của phụ nữ và trẻ em gái; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động thay đổi nhận thức của người dân, phát huy hơn nữa sự tham gia của nam giới vì bình đẳng giới. Cần có những hành động thiết thực bảo vệ trẻ em để các em sinh ra được bình đẳng, dù là trai hay gái.

Nghị quyết 21-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 6, BCH Trung ương khóa XII chỉ rõ: Nâng cao nhận thức, thực hành về bình đẳng giới; đẩy mạnh truyền thông giáo dục chuyển đổi hành vi nhằm giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh. Tạo chuyển biến rõ nét ở những vùng có tỉ số giới tính khi sinh cao.

Nhận thức được những hệ lụy của tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật nhằm chủ động kiểm soát tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh: Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đã khẳng định "Giải quyết vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong giai đoạn tới" của công tác dân số; Pháp lệnh Dân số, Luật Bình đẳng giới và các Nghị định của Chính phủ đã quy định "Nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức".

Bên cạnh đó, ngày 23/3/2013 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 468/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2016-2025 nhằm can thiệp đồng bộ, toàn diện cả về lãnh đạo, chỉ đạo, truyền thông vận động chuyển đổi hành vi, thanh tra xử lý vi phạm và thực hiện các chính sách hỗ trợ triển khai tại các tỉnh, thành phố có tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Hiện nay, đã có 59/63 tỉnh, thành phố ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án của Chính phủ về kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2016-2025 của địa phương nhằm tích cực triển khai các hoạt động can thiệp để kiềm chế tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh./.

M. Trang

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất