Thứ Tư, 1/5/2024
Diễn đàn
Thứ Bảy, 9/2/2019 12:35'(GMT+7)

Y tế sẽ là ngành tiên phong chuyển đổi cơ chế “phí” sang “giá dịch vụ”

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến. (Ảnh: Vietnam+)

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến. (Ảnh: Vietnam+)

HUY ĐỘNG NGUỒN LỰC NGOÀI NGÂN SÁCH

- Câu chuyện tự chủ y tế tại các đơn vị y tế công lập hiện nay đang rất được dư luận quan tâm. Bộ trưởng Bộ Y tế có thể cho biết, ngành y tế có chủ trương tự chủ ra sao trong các cơ sở y tế để đảm bảo hài hòa lợi ích cơ sở y tế và người bệnh?

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Như chúng ta biết, cơ chế tự chủ đã phát huy tính năng động, sáng tạo của các bệnh viện công trong việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, sắp xếp tổ chức lại bộ máy, sử dụng nguồn nhân lực và tài chính một cách có hiệu quả; góp phần tăng số lượng, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế.

Việc các bệnh viện thực hiện cơ chế tự chủ sẽ huy động được nguồn lực ngoài ngân sách đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, trang thiết bị; giảm chi thường xuyên từ ngân sách cấp cho các bệnh viện, giảm số lượng người làm việc hưởng lương từ Ngân sách Nhà nước.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, còn những mặt hạn chế trong việc giao tự chủ cho các bệnh viện như gia tăng chỉ định dịch vụ cận lâm sàng, kéo dài thời gian nằm điều trị, có xu hướng tiết kiệm nhân lực, giảm chi phí tối thiểu để tăng chênh lệch thu, chi.

Những mặt hạn chế trong việc giao tự chủ cho các bệnh viện như gia tăng chỉ định dịch vụ cận lâm sàng, kéo dài thời gian nằm điều trị...

Do đó, Bộ Y tế đang xây dựng những giải pháp để công tác tự chủ tài chính của bệnh nói chung, trong đó có các bệnh viện công thuộc Bộ Y tế được tốt hơn trong thời gian tới.

- Những giải pháp nào sẽ được Bộ Y tế triển khai trong thời gian tới, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Bộ Y tế đã phân loại đơn vị tự chủ làm 4 nhóm: Nhóm 1 gồm các đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên và đầu tư; Nhóm 2 là các đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên; Nhóm 3 tự bảo đảm một phần chi thường xuyên; và nhóm 4 là các đơn vị do ngân sách bảo đảm toàn bộ chi thường xuyên.

Đơn vị nhóm 1 là đơn vị đã đầu tư từ các nguồn ngoài Ngân sách Nhà nước hoặc Ngân sách Nhà nước đầu tư nhưng kể từ khi giao tự chủ, nhóm 1 đã phải tự đầu tư, trừ một số trường hợp đặc biệt.

Bên cạnh đó, ngành y tế cũng xây dựng được một hành lang pháp lý đầy đủ, gắn trách nhiệm của Thủ trưởng đơn vị trong việc quản lý sử dụng tài sản, tài chính, nhân lực của bệnh viện.

Giải pháp tiếp theo được Bộ Y tế đẩy mạnh là việc giao quyền tự chủ phải gắn với khả năng tự chủ tài chính của bệnh viện, mức tự chủ tài chính của bệnh viện cao thì được tự chủ cao hơn về tổ chức bộ máy, biên chế, tài chính.

Các đơn vị tự chủ tự bảo đảm chi thường xuyên và đầu tư, tự bảo đảm chi thường xuyên có quy mô lớn phải có Hội đồng quản lý để quyết định các vấn đề mang tính chiến lược, các vấn đề quan trọng của bệnh viện.

Đặc biệt, Bộ Y tế hướng tới các đơn vị tự chủ xây dựng, ban hành cơ chế giá dịch vụ gắn với đánh giá chất lượng bệnh viện, các bệnh viện được đánh giá chất lượng cao sẽ được hệ số giá cao hơn và ngược lại.

Bộ Y tế hướng tới các đơn vị tự chủ xây dựng, ban hành cơ chế giá dịch vụ gắn với đánh giá chất lượng bệnh viện, các bệnh viện được đánh giá chất lượng cao sẽ được hệ số giá cao hơn và ngược lại.

- Hiện nay, có nhiều người thắc mắc về thang bảng giá dịch vụ tại các bệnh viện công lập có sự khác nhau quá nhiều. Đến khi nào Bộ Y tế sẽ ban hành Thông tư quy định mức trần giá dịch vụ theo yêu cầu, để thực hiện thống nhất trong các bệnh viện công lập?

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Bộ Y tế đang trong quá trình xây dựng để ban hành Thông tư hướng dẫn xây dựng giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập.

Thông tư sẽ quy định nguyên tắc tính giá được tính đủ chi phí và có tích lũy hợp lý để tái đầu tư, giao cho Thủ trưởng đơn vị có tổ chức hoạt động dịch vụ theo yêu cầu có trách nhiệm xây dựng và quyết định mức thu các dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu, thực hiện kê khai giá, niêm yết giá theo quy định của pháp luật về giá.

Riêng đối với các cơ sở y tế có sử dụng cơ sở hạ tầng, trang thiết bị được Nhà nước đầu tư để tổ chức hoạt động dịch vụ theo yêu cầu, thủ trưởng đơn vị được quyết định mức thu không vượt quá mức giá tối đa do Bộ Y tế ban hành.

Dự kiến Thông tư sẽ ban hành và thực hiện trong đầu năm 2019.

ĐỔI CƠ CHẾ "PHÍ" SANG CƠ CHẾ "GIÁ DỊCH VỤ"

- Bộ trưởng có thể cho biết, Bộ Y tế sẽ có những quyết sách ra sao để giải quyết những vấn đề liên quan đến chi trả theo đúng định mức của bảo hiểm y tế để đảm bảo quyền lợi của người bệnh và góp phần giảm áp lực cho các cơ sở y tế?

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Ngành y tế là ngành đầu tiên, tiên phong trong việc chuyển đổi cơ chế “phí” sang cơ chế “giá dịch vụ”, có một mức giá thống nhất áp dụng cho nhiều bệnh viện nên việc xây dựng hệ thống định mức kinh tế kỹ thuật còn có một số tồn tại, có đơn vị có chi phí cao hơn định mức nhưng sẽ có đơn vị chi phí thấp hơn định mức.

Qua một thời gian thực hiện, Bộ Y tế đã phát hiện và điều chỉnh định mức kinh tế kỹ thuật và giá một số dịch vụ kỹ thuật cho phù hợp với chi phí thực tế. Việc thanh toán giữa cơ quan Bảo hiểm xã hội và một số bệnh viện có vướng mắc.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đang phối hợp với Bộ Tài chính, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam thống nhất hướng dẫn việc thanh toán để bảo đảm quyền lợi của người bệnh, cơ quan Bảo hiểm xã hội và cơ sở khám chữa bệnh, vừa tuân thủ các quy định của pháp luật về giá dịch vụ, tạo điều kiện cho các bệnh viện phát triển.

- Xin Bộ trưởng cho biết trọng tâm của ngành y tế năm 2019 là gì?

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Năm 2019, ngành y tế tập trung triển khai các nhiệm vụ, chương trình, để nâng cao hiệu quả hoạt động của y tế cơ sở, các hoạt động để nâng cao sức khỏe nhân dân, phòng, chống các bệnh không lây nhiễm...

Trong công tác phòng chống dịch bệnh, ngành y tế chủ động phòng chống dịch bệnh, không để dịch lớn xảy ra, thực hiện có hiệu quả các hoạt động của chương trình mục tiêu y tế - dân số, duy trì mức sinh thay thế, kiểm soát chênh lệch tỷ số giới tính khi sinh, đẩy mạnh hoạt động chăm sóc sức khỏe người cao tuổi…

Ngành y tế tiếp tục thực hiện lộ trình giá dịch vụ y tế theo hướng tính đúng, tính đủ chi phí; tăng cường cơ chế tự chủ, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho đơn vị tự chủ.

Ngành y tế cũng tiếp tục thực hiện lộ trình giá dịch vụ y tế theo hướng tính đúng, tính đủ chi phí; tăng cường cơ chế tự chủ, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho đơn vị tự chủ. Từ đó giảm tỷ trọng chi trực tiếp từ tiền túi của người dân, hướng tới bảo hiểm y tế và bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân; đẩy mạnh xã hội hóa, hợp tác công tư trong y tế, tạo điều kiện để y tế tư nhân phát triển mạnh mẽ.

Đặc biệt, Bộ Y tế sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra, thanh tra hoạt động kinh doanh dược phẩm và thực phẩm chức năng; quản lý chặt chẽ phòng khám tư nhân, cơ sở bán thuốc; phòng chống thuốc giả, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm...

- Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!./.

Thùy Giang (VietnamPlus)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất