Thứ Năm, 2/5/2024
Chương trình Thương hiệu Quốc gia Việt Nam
Thứ Hai, 28/8/2023 10:8'(GMT+7)

Chuyển dịch xanh – cách phát triển bền vững của thương hiệu quốc gia Việt Nam

Ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam phát biểu tại tọa đàm.

Ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam phát biểu tại tọa đàm.

Dưới góc độ là cơ quan chủ trì triển khai thực hiện Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam, ông Hoàng Minh Chiến, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương cho biết tăng trưởng xanh, phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn đang trở thành xu thế tất yếu của thế giới, trong bối cảnh ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường gây nhiều hệ lụy cho người dân trên toàn cầu. Trong các hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là các FTA thế hệ mới mà Việt Nam ký kết tham gia, có nhiều yêu cầu rất khắt khe về phát triển xanh, phát triển bền vững. Để có thể tận dụng ưu đãi thuế quan từ các FTA này, doanh nghiệp Việt Nam cần phải đầu tư, định hướng rõ ràng trong việc xây dựng và phát triển thương hiệu, hoạt động sản xuất kinh doanh theo hướng xanh và bền vững. Doanh nghiệp nên đổi mới sáng tạo, tối ưu hóa nguồn lực tạo ra sản phẩm xanh và dịch vụ xanh.

Theo ông Nguyễn Việt Dũng, Tổng Giám đốc Bureau Veritas Việt Nam thông tin: Năm 2026, thị trường EU sẽ yêu cầu các nhà nhập khẩu phải mua tín chỉ carbon hoặc trả tiền thuế cho lượng carbon đánh giá trên sản phẩm được nhập khẩu vào EU. Mô hình điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), đưa ra cách tính về giá trị carbon trong các sản phẩm, đang được xem xét triển khai nhằm tạo sân chơi công bằng cho sản phẩm sản xuất ở những nước có quy định chặt chẽ về chống biến đổi khí hậu với những nước chưa có quy định chặt chẽ. Doanh nghiệp Việt không thể ngồi đợi tới năm 2026 mà phải bắt đầu hành động ngay từ bây giờ nếu muốn xuất khẩu thuận lợi vào thị trường này. 

Chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh, phát triển xanh là một phần của phát triển bền vững. Ngày nay, đối với các doanh nghiệp, việc đi trên “con đường màu xanh” hướng tới tương lai là con đường duy nhất, là "độc đạo". Hướng tới tương lai xanh, sản phẩm xanh là nội dung đã và đang được đề cập rất nhiều tại các diễn đàn doanh nghiệp trong khu vực ASEAN và trên thế giới. Trong bối cảnh mới, phải định nghĩa lại thành công của doanh nghiệp. Doanh nghiệp xanh, doanh nghiệp bền vững phải tích hợp cả thành công về mặt tài chính, kinh tế với những thành công về mặt xã hội, môi trường. Doanh nghiệp phải quen dần với trách nhiệm giải trình sản phẩm xanh, dự án xanh. Chẳng hạn, với sản phẩm xuất khẩu là một chiếc cốc thì phải chỉ rõ năng lượng sử dụng cho quá trình sản xuất cốc có xanh hay không, nguyên vật liệu làm ra sản phẩm có sạch hay không. Nếu không chứng minh được sự xanh và sạch thì có thể sẽ khó xuất khẩu sang châu Âu và nhiều nước khác.

Theo ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam, ngày xưa, các doanh nghiệp cạnh tranh bằng giá rẻ hoặc tạo sự khác biệt. Nhưng giờ những thứ đó đã dần bị xóa nhòa. Lợi thế cạnh tranh mới sẽ là phát triển bền vững theo hướng xanh hóa sản xuất, xanh hóa mô hình kinh doanh. Các doanh nghiệp Việt Nam có lợi thế của người đi sau, tiếp thu nhiều kinh nghiệm để giảm thất bại, tăng thành công; có thể sử dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số để rút ngắn thời gian chuyển mô hình kinh tế từ “nâu” sang “xanh”, phát triển kinh tế tuần hoàn. 

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng giám đốc FPT chia sẻ, trong quá trình phát triển và xác định trở thành tập đoàn toàn cầu, FPT luôn cam kết phát triển bền vững. FPT xác định sứ mệnh là doanh nghiệp kiến tạo hạnh phúc. Hạnh phúc không phải cho cá nhân, mà hạnh phúc cho nhân viên, gia đình của nhân viên, đối tác, khách hàng. FPT luôn chú trọng và cam kết đầu tư vào con người, quan tâm đến vấn đề bình đẳng giới. Hiện, có 40% lãnh đạo ở FPT là nữ giới, trong đó có những vị trí cấp cao như HĐQT Tập đoàn và công ty thành viên. Ông Nguyễn Văn Khoa cũng cho biết, khi FPT đi ra nước ngoài, được tiếp cận với nền kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh và nhận thấy Việt Nam đang chậm lại so với thế giới. Các doanh nghiệp trên thế giới, đối tác, khách hàng của FPT yêu cầu tuân thủ chặt chẽ các điều kiện về phát triển bền vững, phát triển xanh. Tập đoàn FPT luôn học hỏi mô hình hay và để áp dụng trong doanh nghiệp, mỗi năm dành ra 3% doanh thu cho các hoạt động phát triển bền vững. Thời gian tới, FPT cam kết đồng hành phát triển bền vững cùng khách hàng, đối tác, hướng tới xây dựng quốc gia hạnh phúc. FPT là doanh nghiệp Việt đã quan tâm đầu tư chiến lược phát triển bền vững cách đây 12 năm, khi bắt đầu tham gia những dự án lớn trên toàn cầu. Thông qua các dự án chuyển đổi số, FPT giúp nhiều đối tác, khách hàng thực hiện chuyển đổi xanh nhanh hơn, hiệu quả hơn, tiết kiệm hơn. Nhiều nhân viên thế hệ gen G cho biết đã chọn FPT vì đây là công ty xanh, hướng tới cộng đồng.

Theo những số liệu khảo sát do Cục Phát triển doanh nghiệp - Bộ Kế hoạch Đầu tư thực hiện năm 2022, 98% doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, hầu hết đều dừng lại ở mức cân nhắc phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, chứ chưa có những bước triển khai đầu tiên hướng tới phát triển bền vững. 

70% doanh nghiệp chưa được trang bị kiến thức, chưa hiểu rõ thế nào là kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, chưa thấy được lợi ích của việc theo đuổi kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, nên chưa có độ sẵn sàng và quyết tâm lớn để phát triển theo hướng phát triển xanh, bền vững. Mức độ hiểu biết về quy định luật pháp liên quan tới môi trường của doanh nghiệp Việt còn hạn chế.

Chính phủ cùng một số cơ quan, ban, ngành đã có định hướng cơ chế chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp phát triển theo hướng bền vững, nhưng chủ yếu mới dừng lại ở phần nâng cao nhận thức, đào tạo trên diện rộng, chứ chưa có được những giải pháp mang tính thiết thực, hiệu quả cụ thể cho doanh nghiệp.

Nguồn lực tài chính của rất nhiều doanh nghiệp Việt còn hạn hẹp nên chủ yếu sử dụng công nghệ sản xuất cũ, chưa chuyển đổi sang công nghệ, hệ thống máy móc tiên tiến đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường.

Đa phần doanh nghiệp tiên phong hướng tới sản xuất xanh, phát triển xanh tại Việt Nam đều là doanh nghiệp FDI, có tiềm lực, nắm bắt rõ các xu thế, yêu cầu lớn của các thị trường nhập khẩu, nên đã đón đầu, đi trước doanh nghiệp Việt.

Vì vậy, phát triển xanh và bền vững là khoản đầu tư không thể có hiệu quả tức thì trong ngắn hạn mà sẽ tính trong thời gian trung hạn, thậm chí dài hạn. Doanh nghiệp trong quá trình theo đuổi phát triển bền vững, phát triển xanh, có thể gặp rủi ro do còn thiếu kinh nghiệm, kỹ năng quản lý. Tuy nhiên, nếu kiên định theo đuổi mục tiêu và đạt được mục tiêu đặt ra với phát triển xanh, thương hiệu xanh, thì giá trị gia tăng mang lại cho doanh nghiệp sẽ rất lớn. 

Trong chuỗi cung ứng ngày càng minh bạch, khách hàng sẽ ngày càng quan tâm hơn tới các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm xanh, dịch vụ xanh. Nhiều thương hiệu trên thế giới đã thành công nhờ định vị thương hiệu phát triển bền vững, phát triển xanh. Các doanh nghiệp Việt cần quan tâm đúng mức tới câu chuyện này, nếu không sẽ khó bán được sản phẩm sang các thị trường khác.

Duy Hưng

 
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất