Thứ Ba, 14/5/2024
Văn hóa
Thứ Hai, 14/12/2020 15:35'(GMT+7)

Chuyên nghiệp hóa hoạt động văn hóa nghệ thuật

(Ảnh minh họa: TTXVN)

(Ảnh minh họa: TTXVN)

Thị trường mỹ thuật mở ra, tiên phong thời kỳ đầu đổi mới, các bức tranh, tượng, phù điêu trở thành một loại hàng hóa đặc biệt, ngày càng có giá trị lớn, được trân trọng, nâng niu. Thế nhưng đằng sau sự khởi sắc bề nổi, ngành mỹ thuật còn ẩn chứa nhiều bất cập thể hiện tính nghiệp dư thâm căn cố đế, mà nếu không khắc phục, thì khó có thể sớm hình thành thị trường mỹ thuật chuyên nghiệp, có sức tăng trưởng cao, là hình mẫu, là động lực của công nghiệp văn hóa Việt Nam như "Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030" đã đề ra.

Sẽ không thể có một nền mỹ thuật chuyên nghiệp nếu chúng ta vẫn để những tồn tại gây xôn xao dư luận mấy ngày qua tại triển lãm mỹ thuật Việt Nam năm 2020. Một triển lãm quy mô quốc gia tổ chức 5 năm/lần, lại xảy ra những chuyện không đáng có như: Làm xước tranh, hỏng tranh của họa sĩ, triển lãm tác phẩm không đúng quy chuẩn về ánh sáng, vị trí... Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm - đơn vị thực hiện triển lãm, đã xin lỗi các họa sĩ và công chúng nhưng chính họ cũng không dám chắc nếu lần sau tổ chức sẽ tránh được khuyết điểm bởi đó là chuyện lực bất tòng tâm. Đơn vị này có trách nhiệm, quyền hạn tham mưu, chỉ đạo và hướng dẫn phát triển các lĩnh vực được phụ trách chứ không phải là đơn vị chuyên nghiệp tổ chức sự kiện cụ thể. Thế nên khi chưa có kinh phí mua bảo hiểm tác phẩm, chưa có dịch vụ vận chuyển chuyên nghiệp tác phẩm nghệ thuật, chưa có những quy chuẩn và không gian lưu giữ, triển lãm chuyên biệt... thì chuyện tương tự tái diễn là khó tránh khỏi.

Với nhãn quan chuyên biệt của công nghiệp văn hóa, hoàn toàn đáng tiếc nếu không tận dụng hết giá trị, tiềm năng một thương hiệu truyền thống triển lãm mỹ thuật quốc gia như là “cơ hội vàng” để quảng bá, kinh doanh nghệ thuật nước nhà. Thay vì tổ chức một triển lãm kéo dài trong một tháng, xong xuôi là thôi, tại sao không gắn với những phiên đấu giá nghệ thuật hay là sự kiện quảng bá mỹ thuật Việt Nam? Dễ hiểu vì sao các họa sĩ tên tuổi ngày càng vắng bóng tại triển lãm mỹ thuật Việt Nam, bởi lẽ thà bỏ kinh phí tổ chức triển lãm cá nhân hay triển lãm nhóm đồng nghiệp thân thiết để tự quảng bá tên tuổi, bán được tác phẩm với giá cao còn hơn mang đi triển lãm công cộng có thể tạo cơ hội để những người kém tài khác sao chép ý tưởng, phong cách. Vậy là, nếu nhìn rộng ra từ câu chuyện triển lãm mỹ thuật, đâu chỉ có những đơn vị quản lý, nhà tổ chức thiếu chuyên nghiệp, những vấn đề tồn tại bấy lâu trong ngành mỹ thuật như bản quyền, thưởng thức, kinh doanh... vẫn chưa có nhiều cải thiện.

Nước ta đang tập trung xây dựng công nghiệp văn hóa gắn với phát triển thị trường văn hóa, đòi hỏi sự chuyên nghiệp cao. Gõ cửa trò chuyện với nhiều cá nhân, tổ chức tham gia các ngành văn hóa nghệ thuật khác nhau, ở đâu cũng nhìn thấy tính nghiệp dư, vá víu. Chúng ta hoàn toàn tự tin ở năng lực sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ nước nhà, thể hiện sự giàu có văn hóa dân tộc trong tác phẩm văn hóa nghệ thuật. Nhưng những vấn đề đòi hỏi tính chuyên nghiệp cao như ứng dụng công nghệ, nhất là kỹ năng kinh doanh, quảng bá... trong các ngành văn hóa nghệ thuật thì chưa được khỏa lấp. Từ nội lực, khả năng học hỏi tiếp nhận nhanh nhạy vốn là thế mạnh của người Việt Nam, chúng ta tin tưởng tính chuyên nghiệp trong hoạt động văn hóa nghệ thuật sẽ dần nâng cao. Điều quan trọng vẫn là quyết tâm, nuôi dưỡng khát vọng để tác phẩm văn hóa nghệ thuật đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ, tiêu dùng văn hóa của người dân trong nước và xuất khẩu, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, văn hóa, con người Việt Nam ra thế giới./.

Hàm Đan (qdnd.vn)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất