Thứ Sáu, 17/5/2024
An toàn thực phẩm
Thứ Tư, 16/11/2022 11:28'(GMT+7)

Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tại chợ trên địa bàn Thành phố Hà Nội

Sáng ngày 15/11, Sở Công Thương Hà Nội tổ chức Hội thảo "Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) tại chợ trên địa bàn Thành phố Hà Nội".

Phát biểu khai mạc Hội thảo, bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, nhiều năm qua, công tác ATTP trên địa bàn Hà Nội đã được cấp Trung ương tới các cơ sở quan tâm rất nhiều. Cơ chế chính sách, quy định, công cụ quản lý sát thực tiễn, phân định rõ trách nhiệm của 3 ngành công thương, nông nghiệp, y tế để quản lý vệ sinh ATTP. Thành phố cũng thường xuyên rà soát quy định về phân cấp và quản lý ATTP trên địa bàn.

Toàn thành phố Hà Nội có 29 trung tâm thương mại, 132 siêu thị, 453 chợ, 18 nghìn cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm. Trong đó, hệ thống chợ phục vụ 60% nhu cầu tiêu dùng, mua sắm thực phẩm trên địa bàn. Chợ truyền thống còn gắn với văn hóa tiêu dùng, lịch sử, chợ mang đậm nét bản sắc văn hóa của người dân.

Trong thời gian qua, Sở đã tích cực phối hợp với các sở, ngành, đơn vị, UBND các quận, huyện, thị xã triển khai nhiều chương trình, giải pháp nhằm tăng cường công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tại chợ. Theo đó đã hoàn thành việc khảo sát toàn bộ hệ thống, mạng lưới chợ, để đánh giá về hạ tầng thương mại đáp ứng các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm.

Cùng với đó, đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, tổ chức 268 lớp tập huấn với trên 11 nghìn lượt người tham dự, 96 hội nghị, hội thảo; hướng dẫn hơn 500 cơ sở sản xuất, kinh daonh tại chợ bảo đảm điều kiện về an toàn thực phẩm và được cấp biển nhận diện cơ sở kinh doanh thực phẩm an toàn.


 Hà Nội đã đẩy mạnh các hoạt động kiểm tra, giám sát đảm bảo ATTP.

Hiện Sở đang hướng dẫn một số chợ lắp đặt nhà xét nghiệm nhanh tại chợ để người tiêu dùng khi mua sắm có thể kiểm định nhanh chất lượng hàng hóa. Phân cấp toàn diện công tác quản lý chợ cho các quận, huyện, thị xã;…".

Cũng theo bà Trần Thị Phương Lan, với hệ thống phân phối hiện đại thì việc kiểm soát vệ sinh ATTP cơ bản bảo đảm, tuy nhiên tại hệ thống chợ, mặc dù có kiểm soát nhưng kết quả chưa được như mong muốn. Trong quá trình triển khai vẫn còn nhiều bất cập như nhận thức của nhiều hộ tiểu thương còn yếu, chưa chấp hành vệ sinh ATTP; truy xuất nguồn gốc thực phẩm chưa được làm thường xuyên; nhận thức của người tiêu dùng "tiện đâu mua đấy", mua hàng ở chợ cóc chợ tạm, không để ý đến nguồn gốc sản phẩm, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe. Điều này đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết trong vệ sinh ATTP tại các chợ trên địa bàn.

Cùng với đó, sự hiểu biết, ý thức chấp hành các quy định của Nhà nước về vệ sinh ATTP của các hộ kinh doanh, người tiêu dùng tại chợ còn nhiều hạn chế. Tới 30% các hộ kinh doanh không có hợp đồng mua bán, nguồn gốc các sản phẩm đang kinh doanh. Tại chợ đầu mối phía Nam, chỉ có 9,5% các quầy hàng có kết cấu vững chắc, gọn sạch; 5,7% trang thiết bị, dụng cụ tiếp xúc bảo đảm an toàn.

Ngoài ra, các đơn vị quản lý chợ còn hạn chế trong việc kiểm tra, giám sát về tuân thủ các quy định bảo đảm ATTP như kiểm soát nguồn gốc xuất xứ, các hộ kinh doanh chưa quan tâm tới việc lưu giữ hóa đơn, chứng từ để chứng minh nguồn gốc xuất xứ.

Do đó, đại diện Sở Y tế kiến nghị, cần tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về ATTP dưới nhiều hình thức khác nhau nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm, đạo đức của tổ chức, cá nhân trong sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm an toàn.

Đối với đơn vị quản lý chợ cần tập huấn, tuyên truyền về cơ chế chính sách về phát triển, quản lý chợ; rà soát lại hệ thống chợ trên cơ sở tổng hợp danh mục cần đầu tư cải tạo chợ hằng năm để đề xuất đầu tư xây dựng, cải tạo, sửa chữa đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn quy định. Từ đó, có cơ sở xây dựng tiêu chí chợ đầu mối ATTP kết hợp với phòng chống bệnh.

Chia sẻ về thực trạng kinh doanh tại chợ, bà Lê Thị Hằng - Trưởng phòng Nghiệp vụ, Sở Y tế Hà Nội cho biết, qua khảo sát tại chợ đầu mối Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm) và chợ đầu mối phía Nam (quận Hoàng Mai) - cho thấy, đây là nơi cung ứng lượng hàng hóa, thực phẩm lớn trên địa bàn. Nhưng cả hai chợ này đều được đầu tư xây dựng lâu năm, cơ sở vật chất không bảo đảm các điều kiện hoạt động chợ về vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, mỹ quan đô thị.

Cùng với đó, sự hiểu biết, ý thức chấp hành các quy định của Nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm của các hộ kinh doanh, người tiêu dùng tại chợ còn nhiều hạn chế. Tới 30% các hộ kinh doanh không có hợp đồng mua bán, nguồn gốc các sản phẩm đang kinh doanh. Tại chợ đầu mối phía Nam, chỉ có 9,5% các quầy hàng có kết cấu vững chắc, gọn sạch; 5,7% trang thiết bị, dụng cụ tiếp xúc bảo đảm an toàn…

Trang thiết bị, dụng cụ kinh doanh của chợ và các cơ sở chưa đáp ứng được điều kiện an toàn thực phẩm trong kinh doanh. Các đơn vị quản lý chợ còn hạn chế trong việc kiểm tra, giám sát về việc tuân thủ các quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm như kiểm soát nguồn gốc xuất xứ, các hộ kinh doanh chưa quan tâm tới việc lưu giữ hóa đơn, chứng từ để chứng minh nguồn gốc xuất xứ.

Quản lý thị trường kiểm tra VSATTP tại chợ dân sinh trên địa bàn quận Hoàng Mai. Ảnh: Hoài Nam

Quản lý thị trường kiểm tra VSATTP tại chợ dân sinh trên địa bàn quận Hoàng Mai. 

Đồng quan điểm về vấn đề này, bà Lê Thị Thiên Hương - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Hà Nội - cũng kiến nghị, Thành phố và các ngành chức năng cần có bộ tiêu chí cụ thể, rõ ràng cho chợ văn minh, an toàn, làm sao để ăn sâu vào tiềm thức mỗi tiểu thương là phải luôn bảo đảm an toàn vệ sinh an toàn thực phẩm. Đồng thời, đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội tiếp tục tổ chức giám sát vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm trên các chợ; hoạt động tuyên truyền cán bộ hội viên phụ nữ về an toàn thực phẩm; biểu dương kịp thời các cá nhân, hộ kinh doanh làm tốt vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm.

Trước thực trạng kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm không bảo đảm an toàn trên địa bàn Thành phố vẫn còn diễn biến phức tạp; việc quản lý, tuân thủ các quy định về sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn, kiểm soát chất lượng thực phẩm lưu thông tại chợ vẫn đang trở thành nỗi bức xúc đối với người dân Thủ đô. Ngày 05/11/2021, UBND Thành phố ban hành Quyết định số 4727/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án "Quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong chợ trên địa bàn TP. Hà Nội giai đoạn 2022-2025".

Đồng thời, nội dung của Đề án đã được Thành ủy Hà Nội đưa vào là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình số 08-CTr/TU về "Phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021-2025".

Trước thực trạng kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm không đảm bảo an toàn trên địa bàn thành phố vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng không nhỏ đến niềm tin của người tiêu dùng, sức khỏe của nhân dân cũng như sự phát triển của kinh tế - xã hội, để nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tại chợ, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Thế Hiệp cho biết, trong thời gian tới, Sở sẽ cùng các sở, ngành thành phố, các địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác tập huấn, tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật về an toàn thực phẩm; phối hợp với UBND các quận, huyện hỗ trợ các cơ sở sản xuất kinh doanh hoàn thiện các thủ tục pháp lý; đẩy mạnh cấp biển nhận diện đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; tiếp tục triển khai các hoạt động kết nối tiêu thụ nông, lâm, thủy sản; đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật về an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong chợ.

Phấn đấu đến hết tháng 12/2025, 100% cơ sở kinh doanh thực phẩm tại chợ trên địa bàn Thành phố đáp ứng yêu cầu tại Đề án và được cấp biển nhận diện. Từ đó góp phần phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân theo chỉ đạo của Thành ủy Hà Nội tại Chương trình số 08-CTr/TU ngày 17/3/2021./.

Đỗ Quang Hùng

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất