Thứ Sáu, 17/5/2024
An toàn thực phẩm
Thứ Hai, 21/11/2022 9:58'(GMT+7)

Nỗi lo về thực phẩm không đảm bảo, an toàn chất lượng những tháng cuối năm

Lo lắng về chuyện thực phẩm bẩn dịp cuối năm.

Lo lắng về chuyện thực phẩm bẩn dịp cuối năm.

Mới đây, lực lượng chức năng tỉnh Đồng Nai phát hiện một cơ sở mổ giết gà đang chế biến thực phẩm bẩn. Theo đó, cơ sở này có 4 người đang làm lông, mổ gà. Điều đáng nói, số gà này là một phần của hơn 2 tấn gà công nghiệp đã chết và bốc mùi đang được chứa trên thùng xe tải.

Làm việc với cơ quan chức năng, chủ cơ sở mổ gà khai là đã mua gà ở các trại nuôi thuộc địa bàn tỉnh với giá chỉ 4.000 đồng/kg; sau đó vận chuyển về cơ sở, làm sạch lông và đi tiêu thụ ở địa phương này và các vùng lân cận.

Chủ cơ sở nói trên còn khai nhận, số thịt gà thối này sẽ được các nơi chế biến giò, chả, ruốc bông và các quán cơm bình dân tiêu thụ. Thật rùng mình khi nghĩ số thịt gà này vào đĩa cơm của người dân.

Gần đây nhất, Phòng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với Trạm thú y huyện Can Lộc kiểm tra, phát hiện hộ kinh doanh Nguyễn Thị Hoà (48 tuổi) trú tại xã Phú Lộc, huyện Can Lộc đang có hành vi tập kết sơ chế mỡ động vật (mỡ bò) không rõ nguồn gốc.

Tại hiện trường, lực lượng chức năng thu giữ nhiều dụng cụ sử dụng để sơ chế mỡ và 29 bao tải đựng mỡ động vật đã được sơ chế. Tổng trọng lượng hơn 950kg.

Thời điểm kiểm tra, chủ hộ Nguyễn Thị Hoà không xuất trình được giấy tờ chứng minh về nguồn gốc xuất xứ cũng như giấy tờ chứng minh đảm bảo về an toàn thực phẩm và vệ sinh thú y đối với số mỡ động vật trên.

mo ban

Mặc dù công tác kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm đã được tăng cường nhưng tình trạng mất an toàn thực phẩm vẫn khiến người tiêu dùng lo lắng, nhất là vào thời điểm cuối năm khi nhu cầu tiêu thụ hàng hóa tăng cao, đòi hỏi cơ quan chức năng cần tăng cường giám sát, siết chặt quản lý hơn nữa để ngăn chặn thực phẩm "bẩn" một cách triệt để.

Những tháng cuối năm, lực lượng quản lý thị trường sẽ tăng cường phối hợp với các đơn vị chức năng duy trì thường xuyên các hoạt động kiểm tra, tuyên truyền, xử lý những trường hợp vi phạm trong hoạt động kinh doanh thực phẩm, quán ăn, cơ sở sản xuất thực phẩm, chất phụ gia...

Đặc biệt, lực lượng quản lý thị trường sẽ tiếp tục phối hợp với các đoàn kiểm tra liên ngành của các sở, ngành và địa phương liên quan thực hiện đồng bộ các biện pháp giám sát, kiểm tra, xử lý vi phạm để bảo đảm an toàn thực phẩm đối với sản phẩm gia súc, gia cầm tại các chợ, các cơ sở kinh doanh, giết mổ trên các địa bàn.

Mới đây, Phòng 6, Cục Cảnh sát Phòng, chống tội phạm về môi trường, Bộ Công an phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 17, Cục Quản lý thị trường TP Hà Nội cũng đã phát hiện, triệt phá một kho hàng thực phẩm đông lạnh với quy mô lớn (lên tới hơn 90 tấn hàng) không rõ nguồn gốc, xuất xứ tại địa bàn huyện Mê Linh, TP Hà Nội. Đây là kho hàng của Công ty TNHH An Việt có địa chỉ tại Lô 45-2 khu công nghiệp Quang Minh, huyện Mê Linh. Tại thời điểm kiểm tra, toàn bộ số hàng này đều không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ, không có tem nhãn phụ tiếng Việt. Qua kiểm đếm, lực lượng chức năng phát hiện có nhiều sản phẩm được thị trường ưa chuộng với giá bán hàng chục triệu đồng cho một sản phẩm, như: Đùi lợn muối Tây Ban Nha, dê muối nguyên con.

thuc pham ban

Tuy nhiên, các sản phẩm này đều không đủ điều kiện bán ra thị trường, bởi có xuất xứ từ nước ngoài và trong tình trạng "3 không": Không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc, không có giấy kiểm dịch và không được cấp phép nhập khẩu theo quy định. Nhìn bằng mắt thường, khó phát hiện ra đây là thực phẩm "bẩn" nhưng trên tem mác cho thấy nhiều sản phẩm đã hết hạn sử dụng từ 1 đến gần 2 năm... Đại tá Bùi Đức An, Trưởng phòng 6 cho biết: "Phương thức hoạt động của các đối tượng buôn bán, kinh doanh thực phẩm "bẩn" này là nhập lậu hoặc tạm nhập tái xuất rồi tìm cách tuồn vào thị trường nội địa tiêu thụ. Đặc biệt, để tránh bị phát hiện, các đối tượng nhập hàng di chuyển vào ban đêm, thường xuyên thay đổi cung đường... Nếu không kịp thời phát hiện, xử lý, số thực phẩm "bẩn" nói trên sẽ gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người tiêu dùng”.

Như chúng tôi được biết, thực phẩm bẩn ảnh hưởng đến sức khỏe người ăn rất nghiêm trọng. Điều người ăn dễ nhận thấy khi bị ngộ độc ngay, cấp tính, diễn ra nhanh với triệu chứng nôn, đau bụng, xây xẩm mặt mày… phải đi cấp cứu. Nhưng nguy hại không kém là ngộ độc âm thầm, trường diễn, tích tụ ngày này qua tháng khác… sẽ tàn phá cơ thể như suy thận, ung thư gan, ruột…

Rất nhiều năm nay, người dân luôn khát khao được dùng thực phẩm sạch, cả từ nguồn động vật lẫn thực vật. Cơ quan chức năng cũng đã vào cuộc, tiến hành thu giữ, tiêu hủy nhiều vụ mua bán, chế biến thực phẩm bẩn như báo đài đã nêu.

Tăng cường thanh, kiểm tra các cơ sở sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh bánh trung thu
Lực lượng liên ngành kiểm tra một cơ sở kinh doanh bánh trung thu không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Tuy nhiên, với tình trạng chỉ phạt hành chính, e rằng là không đủ sự răn đe cần thiết. Như vụ việc ở trên, lực lượng chức năng đã lập biên bản vi phạm hành chính, bàn giao toàn bộ số gà chết cho chính quyền địa phương đưa đi tiêu hủy. Vậy sao chưa nghe đến việc sẽ truy những trại chăn nuôi bán số gà chết cho chủ lò mổ?

Chủ lò mổ chế biến thực phẩm vì lợi nhuận siêu khủng (mua gà chỉ giá 4.000 đồng/kg, trong khi giá thị trường gà sống khoảng 60.000 đồng/kg) mà chỉ bị phạt hành chính là quá nhẹ. Nên chăng, người này ngoài bị phạt hành chính phải đóng cửa cơ sở chế biến thực phẩm, cấm hành nghề liên quan đến thực phẩm, ăn uống…

Thêm nữa, người dân cũng mong mỏi, cơ quan chức năng khi vận dụng các điều luật không nương nhẹ với hành vi buôn bán, chế biến thực phẩm bẩn. Điều luật cũng đã quy định truy cứu hình sự với những trường hợp gây ra hậu quả nghiêm trọng. Bởi, những hành vi vi phạm này ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của con người.

Thông thường, người tiêu dùng sẽ tìm đến thương hiệu quen thuộc, hoặc người bán hàng thân quen… để mua và có sự cảnh giác nào đó nhằm bảo vệ sức khỏe cho bản thân và người nhà. Tuy nhiên, không phải lúc nào sự cảnh giác này cũng có tác dụng.

Thông thường, vào mỗi buổi trưa, do làm khá xa nhà, chúng tôi phải vào quán cơm ăn. Đương nhiên, lúc này đành phó mặc chất lượng thực phẩm vào lương tâm của chủ quán, người chế biến, cung cấp thực phẩm và cả người nuôi trồng.

Trong một "chuỗi trông chờ" với quá nhiều may rủi như vậy, lỗ hổng rất dễ xảy ra. Trong khi chờ đợi nhưng luật lệ bao quát được vấn đề, ý thức của người nuôi trồng, chế biến, buôn bán thực phẩm được nâng cao, người dân mong cơ quan chức năng phạt thật nặng những ai vi phạm, kinh doanh trên sự tổn hại sức khỏe của con người./.

Quốc Hùng

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất