Thứ Sáu, 13/12/2024
Dân tộc - Tôn giáo
Thứ Tư, 6/12/2023 10:25'(GMT+7)

Giữ trọn niềm tin yêu với nghề đan gùi

Dù tuổi cao, nhưng hằng ngày ông Lễ vẫn khéo léo, dẻo dai để tự tay làm ra những loại gùi từ mây, tre, nứa.

Dù tuổi cao, nhưng hằng ngày ông Lễ vẫn khéo léo, dẻo dai để tự tay làm ra những loại gùi từ mây, tre, nứa.

Còn nhớ những ngày về Trà Bui, huyện Bắc Trà My (Quảng Nam) trời vùng cao ngày nắng như đổ lửa, thi thoảng bắt gặp những làn gió nhẹ hắt lên từ lòng hồ thuỷ điện Sông Tranh. Tại trụ sở UB xã, anh Nguyễn Ngọc Văn - cán bộ văn hóa và thông tin xã đang chờ tôi rồi cùng chạy xe máy theo con đường bê tông dẫn về thôn 5 một đoạn ngắn khoảng 700m, thì gặp ông đang đứng đợi trước ngỏ nhà mình. Sau mấy câu giới thiệu của anh Văn đi cùng, ông Lễ thân thiện chào và mời chúng tôi vào nhà uống nước. Ông Lễ năm nay tuổi đã cao, nhưng trông ông còn khoẻ lắm. 

Nhìn ông Lễ đang gầy cho một chiếc gùi đan gỡ, bên cạnh có một chiếc gùi đã đan xong, tôi bật khen kiểu dáng gùi đẹp, ông Lễ mỉm cười bảo với chúng tôi: Ngày trước, cha tôi là thợ đan gùi đẹp, bền có tiếng trong làng. Ngoài việc đan gùi sử dụng cho các thành viên trong gia đình, cha tôi còn được người bà con trong và ngoài làng đặt đan gùi. Gùi do cha tôi đan luôn có các hoa văn, mà mỗi khi gùi trên lưng khi mang nó luôn tôn vinh thêm vẻ đẹp người phụ nữ và phí phách người đàn ông Mơ Nâm. Thường thì đàn ông Mơ Nâm trong làng phần lớn đều biết đan gùi, nhưng để đan được những chiếc cầu kỳ, đẹp thì không nhiều. Đan được gùi, là thể hiện sự cần cù, chăm chỉ và giỏi giang của người đàn ông Mơ Nâm. 

Anh Đinh Văn Nhân (người ngồi bên phải) đang được già Lễ truyền nghề đan gùi.

Anh Đinh Văn Nhân (người ngồi bên phải) đang được già Lễ truyền nghề đan gùi.

Già Lễ cho biết thêm, ngày xưa núi rừng Trà My bao la, nên đàn ông người Mơ Nâm thường rủ nhau vào rừng chặt cây mây, cây lồ ô, tre nứa mang về làm. Tre, lồ ô, nứa chặt xong mang về thì tiến hành chặt từng đoạn phù hợp cho từng loại gùi, rồi chẻ ra đem để giàn bếp cho khô. Khi dùng, thì lấy xuống chẻ và vót cho từng sợi nan. Dây mây cũng vậy, sau khi mang về chặt thành từng đoạn rồi dùng dao chẻ ra từng sợi, lột ruột đem phơi nắng cho thật khô, bởi nếu làm tươi, khi khô sợi nan, mây sẽ ngót lại, vật dụng làm ra không còn chắc chắn, có giá trị sử dụng. Trong làng, nam thanh niên Mơ Nâm đan gùi đẹp, có hoa văn trên thân gùi, thể hiện rõ nét những giá trị truyền thống trên sản phẩm thì được dân làng ngợi khen, các cô gái thường để mắt đến, đôi khi đem lòng thương mến và mong muốn được lấy làm chồng. 

Năm nay, ông Hồ Văn Lễ đã bước sang 82 tuổi, nhưng đôi mắt vẫn tinh tường, đôi tay vẫn rắn rỏi, dẻo dai. Gùi ông Lễ đan có nhiều loại, cao thấp, to nhỏ khác nhau nhằm thích hợp cho từng lứa tuổi trong thôn sử dụng. Gùi lúa, thì sợi nan trên thân gùi nhỏ đều, kín. Gùi củi, gùi măng thì sợi nan hoàn toàn bằng sợi mây được đan theo kiểu hình lục giác, miệng tròn, có thân đế chắc chắn. Gùi đựng trang phục được đan bằng sợi nan cật của cây lồ ô phần lớn là gùi hai lớp, có các hoa văn bố trí cân xứng, khá bắt mắt. Gùi đàn ông (thường gọi là gùi cánh dơi), là loại mây cám có độ dẻo cao với sợi mây vót mõng đều nhau, đan theo kiểu nan long hai kết hợp với kỹ thuật đan luồng sợi tạo bề mặt của gùi cánh dơi khít với hình dáng của nó mà khi gặp phải trời mưa thì nước sẽ không bị thấm ướt.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, thời gian và cùng với sự phát triển của xã hội, số lượng đàn ông Mơ Nâm (nhóm địa phương thuộc dân tộc Xê Đăng) biết đan gùi trong thôn ngày càng giảm dần. Nghề đan gùi, đã giúp ông Lễ tăng thêm nguồn thu nhập cho gia đình từ bán, trao đổi với bà con trong vùng, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị nghề truyền thống của người Mơ Nâm. Trong thôn 5 hiện nay, chỉ còn vài đàn ông Mơ Nâm lớn tuổi như ông Lễ còn giữ bí quyết đan gùi ngày càng hiếm. Giờ đây mắt ông Lễ đã mờ, chân yếu, việc đi lại cũng chậm nên ông Lễ không còn đi xa vào rừng được như hồi còn trai trẻ nữa để tìm nguyên liệu phục vụ cho nghề đan gùi của mình. 
    
Với ông Lễ, luôn giữ trọn niềm tin yêu với nghề đan gùi, bởi chiếc gùi luôn đi theo bên ông trong cuộc sống hằng ngày, nhưng ông Lễvẫn luôn giữ trọn niềm tin yêu với nghề đan gùi. Những chiếc gùi do đôi bàn tay tài hoa của ông Lễ đan luôn giữ yếu tố và nét đẹp văn hóa truyền thống của người Mơ Nâm, bề, chắc. Trong thoáng chút trầm tư, ông Lễ bảo với chúng tôi, những cô gái, chàng trai Mơ Nâm rất thích sở hữu chiếc gùi do tôi đan.

 

Theo già Lễ, trong quá trình truyền nghề cho lớp trẻ Mơ Nâm trong làng. Mặc dù một số thanh niên trong thôn chưa thật sự đam mê với nghề đan gùi truyền thống của người Mơ Nâm lắm, nhưng số ít đã chịu tập làm, chịu lắng nghe để trang bị kiến thức đan gùi thì đã là mừng lắm rồi. Lớp trẻ Mơ Nâm bây giờ, dù có học đan gùi, nhưng không đan được những chiếc gùi cầu kỳ có các hoa văn đẹp như những người lớn người xưa. 

Với anh Đinh Văn Nhân (30 tuổi), sau những tháng ngày được ông Lễ truyền nghề đan gùi nay bước đầu anh đã thành thạo nghề đan gùi. Anh Nhân chia sẻ: Nghề đan gùi truyền thống của người Mơ Nâm không khó lắm, nhưng đôi khi người học và làm từng loại gùi cần phải tỉ mỉ, cần mẫn và khéo léo, sắp xếp bố cục thì mới cho ra một chiếc gùi chất lượng thể hiện được văn hóa dân tộc của mình.

Còn với bà Hồ Thị Xinh (78 tuổi) - một phụ nữ cùng thôn 1 thì cho rằng: Hiện nay, rất nhiều vật dụng bằng nhựa, kim loại bán rất nhiều ở chợ. Thế nhưng, nhiều gia đình đồng bào Mơ Nâm chúng tôi vẫn rất ưa chuộng các gùi từ mây, tre, nứa, lồ ô do ông Lễ làm. Những loại gùi do ông Lễ đan thì rất bền. Không chỉ để dùng trong nhà, bà con trong thôn cũng đặt ông Lễ làm rất nhiều; họ mua để làm quà. Bà Xinh chia sẻ.

Anh Hồ Văn Biên – phó Chủ tịch UBND xã Trà Bui, huyện Bắc Trà My (Quảng Nam) cho biết: Thời gian qua, xã luôn xác định việc khôi phục và bảo tồn văn hóa đồng bào dân tộc Mơ Nâm, trong đó ông Hồ Văn Lễ đan gùi chính quyền địa phương đã và đang tập trung tuyên truyền, khuyến khích bà con mỗi gia đình có một người biết đan các vật dụng của gia đinh, gắn với phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ trọng tâm, không chỉ giúp đồng bào dân tộc Mơ Nâm giữ được bản sắc dân tộc, mà còn giúp bà con sử dụng những sản phẩm từ nguyên liệu có sẵn trong tự nhiên, nhằm hạn chế sử dụng các loại rác thải nhựa, góp phần gìn giữ, bảo vệ môi trường.
       
Mãi mê trong lưu luyến miên man về nghề đan gùi của người Mơ Nâm, khi ngước nhìn ra ngoài thì mặt trời cũng đang dần lặn sau dãy núi phía trước nhà, chúng tôi chào và chia tay ông Lễ trở về xuôi. Chúng tôi thêm hi vọng, với sự yêu nghề đan gùi, ông Lễ là tấm gương truyền cảm hứng cho lớp trẻ, nhằm gìn giữ, phát huy giá trị bản sắc truyền thống của dân tộc Mơ Nâm trên vùng Trường Sơn-Tây Nguyên./.
 
Hồng Phúc

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất