Thứ Hai, 20/5/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Hai, 30/10/2017 21:54'(GMT+7)

Kiên quyết chống những biểu hiện tiêu cực trong lĩnh vực báo chí (Tiếp theo và hết) (*)

Bài 2: Khắc phục lỗ hổng trong công tác quản lý


Theo Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT & TT), đến tháng 6-2017, cả nước có 832 cơ quan báo, tạp chí in, trong đó có 193 báo (Trung ương: 86, địa phương: 107); 639 tạp chí (Trung ương 525, địa phương 114); 150 cơ quan báo điện tử đã được cấp phép; hơn 18 nghìn nhà báo được cấp thẻ (tăng 1.500 người so với năm 2011), hơn 35 nghìn người làm việc trong lĩnh vực báo chí (tăng hơn 3.000 người so với năm 2011). Số liệu nêu trên cho thấy sự phát triển mạnh mẽ của hệ thống báo chí Việt Nam, cũng như sự gia tăng đội ngũ người làm báo.

Để kịp thời phản ánh tin tức, sự kiện cũng như hoạt động tại các địa phương, nhiều cơ quan báo chí đã mở văn phòng đại diện, cử phóng viên thường trú tác nghiệp tại các tỉnh, thành phố. Đây là lực lượng quan trọng giúp các tòa soạn thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình. Tuy nhiên, thời gian qua đã xuất hiện những biểu hiện bất thường, tiêu cực ở một số văn phòng đại diện và phóng viên thường trú làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của các cơ quan báo chí và suy giảm lòng tin của công chúng với đội ngũ người làm báo.

Tiêu biểu là việc ông Phan Văn Thương - Trưởng Văn phòng đại diện báo Kinh doanh và Pháp luật tại Hải Phòng, đã tổ chức cho phóng viên và cộng tác viên điều tra, khi phát hiện hộ gia đình, tổ chức xã hội có dấu hiệu vi phạm về trật tự xây dựng quản lý xã hội là dọa đăng báo nếu họ không chịu nộp tiền. Hoặc sự việc bà Phạm Lê Hoàng Uyển - Trưởng đại diện văn phòng đại diện Tạp chí Hướng nghiệp và Hòa nhập tại TP Hồ Chí Minh đã nhận tiền của doanh nghiệp để “chạy” gỡ bài liên quan đến doanh nghiệp này trên một tờ báo. Mới đây, ngày 13-10, ông Hồ Minh Sơn - Phó Tổng biên tập kiêm Trưởng cơ quan đại diện báo Thời báo Mê Kông khu vực phía nam, đã bị cơ quan chủ quản buộc thôi việc và bị Bộ TT & TT thu hồi thẻ nhà báo do có nhiều sai phạm.

Liệu có hay không những lỗ hổng trong công tác quản lý của cơ quan chủ quản đối với văn phòng đại diện và phóng viên thường trú tại các địa phương, đã tạo môi trường thuận lợi cho những tiêu cực hình thành và ngày càng phát triển? Điểm qua một số tỉnh, thành phố có thể thấy hiện nay, số lượng văn phòng đại diện và phóng viên thường trú tại các địa phương đang ngày càng gia tăng. Thí dụ ở Nghệ An, tính đến tháng 12-2016, ngoài bảy cơ quan báo chí địa phương, tại đây có 43 cơ quan báo chí Trung ương và ngành đặt văn phòng đại diện, cùng với đó là đội ngũ phóng viên thường trú đông đảo, chưa kể hàng trăm cộng tác viên hoạt động trên địa bàn tỉnh.

Tại Đà Nẵng, tính đến tháng 8-2017, trên địa bàn thành phố có 109 cơ quan báo chí hoạt động, trong đó có tám cơ quan báo chí địa phương, bảy cơ quan báo chí Trung ương đặt tòa soạn và 94 cơ quan báo chí Trung ương, địa phương khác đặt văn phòng đại diện, cử phóng viên thường trú hoạt động với số cán bộ, phóng viên, trực thuộc các cơ quan báo chí lên đến 800 người. Đáng chú ý là tại đây vẫn còn 9% (8 trong tổng số 94) văn phòng đại diện, phóng viên thường trú chưa tuân thủ đúng quy định tại Điều 22, Luật Báo chí năm 2016 về “Văn phòng đại diện, phóng viên thường trú của cơ quan báo chí”.

Tại Cần Thơ hiện có 60 cơ quan, văn phòng đại diện, phóng viên thường trú của các báo, đài Trung ương và địa phương với lực lượng phóng viên báo chí lên đến gần 1.000 người. Điều đáng nói là tại các địa phương này, tình trạng một số văn phòng đại diện chỉ đăng ký người trưởng đại diện, còn phóng viên, cộng tác viên thường do trưởng đại diện hợp đồng làm theo “thời vụ”, cho nên không tuân thủ việc báo cáo nhân sự với Sở TT & TT theo đúng quy định của pháp luật, gây khó khăn trong công tác quản lý. Thậm chí vẫn có một số cơ quan báo chí hoạt động như văn phòng đại diện nhưng không có giấy phép, trưởng đại diện không đủ tiêu chuẩn...

Tại TP Hồ Chí Minh từng có thời điểm trên địa bàn có tới 120 văn phòng đại diện, nhưng chỉ có hơn 60 văn phòng đăng ký với Sở TT & TT, do đó cơ quan chức năng không thể quản lý được hoạt động của các văn phòng đại diện cũng như phóng viên thường trú. Bên cạnh đó, vì có con dấu riêng cho nên tại các văn phòng đại diện, việc cấp giấy giới thiệu cho phóng viên, cộng tác viên “mùa vụ” khá tùy tiện và chủ yếu để kiếm quảng cáo, dẫn đến tình trạng người cầm giấy giới thiệu thực hiện các hành vi lạm quyền như tự nhận là “phóng viên điều tra” hòng sách nhiễu một số cơ quan, doanh nghiệp nhằm mục đích vụ lợi.

Một số cơ quan báo chí chủ quản thiếu sâu sát với văn phòng đại diện và phóng viên thường trú, không nắm bắt chính xác tình hình của địa phương dẫn đến tình trạng báo chí chỉ phản ánh thông tin một chiều, không đúng sự thật, gây bức xúc dư luận. Không chỉ ở Nghệ An, Đà Nẵng, Cần Thơ,... những biểu hiện tiêu cực nêu trên của báo chí có thể bắt gặp tại một số địa phương khác. Thực tế có cơ quan báo chí, dù nhân sự cả tòa soạn chỉ hơn 30 cán bộ, phóng viên, nhưng chỉ riêng một văn phòng đại diện của báo này đã ký hợp đồng với 20 cộng tác viên! Ký hợp đồng nhiều nhưng bài đóng góp cho tòa soạn của văn phòng đại diện trong một năm chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay, hầu hết mang tính chất tuyên truyền cho doanh nghiệp, đơn vị để đổi quảng cáo.

Có tờ báo chuyên về văn học - nghệ thuật, bỗng một ngày phải tiếp hàng chục người dân đến khiếu kiện với lý do phóng viên của tờ báo tại địa phương đã nhận tiền của người dân để đi kiện đòi đền bù giải phóng mặt bằng nhưng đã không thực hiện theo đúng thỏa thuận, thậm chí có dấu hiệu “ăn tiền” của doanh nghiệp. Có văn phòng đại diện còn vượt quyền tòa soạn, tự cấp, tự in “thẻ nhà báo” cho cộng tác viên. Vì thế, nếu văn phòng đại diện và phóng viên thường trú tại địa phương là “cánh tay nối dài” của các cơ quan báo chí, tình trạng thiếu kiểm tra, giám sát thường xuyên về chuyên môn, nghiệp vụ từ cơ quan chủ quản đã và đang tạo ra nhiều lỗ hổng khiến những “cánh tay nối dài” tự tung tự tác, thậm chí trở thành nỗi khiếp sợ của không ít người dân, doanh nghiệp tại địa phương.

Với quyết tâm siết chặt công tác quản lý, làm trong sạch môi trường báo chí, thời gian qua, các cơ quan chức năng đã có nhiều biện pháp quyết liệt, kịp thời để chấn chỉnh hoạt động của các đơn vị báo chí và đội ngũ phóng viên. Cụ thể, nhằm tăng cường công tác kiểm tra, rà soát và chấn chỉnh việc cấp các loại giấy tờ, thẻ gây nhầm lẫn với thẻ nhà báo khiến một số cá nhân lợi dụng để thực hiện hành vi trái pháp luật, nhũng nhiễu cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, ảnh hưởng danh dự, uy tín nghề nghiệp của các nhà báo đang hoạt động theo đúng quy định của pháp luật, ngày 28-9-2016, Bộ TT & TT đã ban hành Văn bản số 3366/BTT&TT-CBC gửi các cơ quan báo chí yêu cầu các cơ quan báo chí cấp giấy giới thiệu cho phóng viên tác nghiệp phải bảo đảm đúng quy định, phải ghi rõ làm việc với cơ quan tổ chức nào, nội dung gì và thời gian cụ thể.

Đồng thời, nhằm không ngừng nâng cao phẩm chất đạo đức người làm báo, Hội Nhà báo Việt Nam đã ban hành 10 quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam, trong đó yêu cầu với các nhà báo phải: “Hành nghề trung thực, khách quan, công tâm, không vụ lợi. Bảo vệ công lý và lẽ phải. Không làm sai lệch, xuyên tạc, che giấu sự thật, gây chia rẽ, kích động xã hội, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc và tình đoàn kết, hữu nghị giữa các quốc gia, dân tộc” (Điều 3).

Mới đây, để kịp thời chấn chỉnh hoạt động tại các văn phòng đại diện cơ quan báo chí và phóng viên thường trú tại địa phương, từ tháng 10-2017, Bộ TT & TT đã chỉ đạo các cơ quan chức năng của Bộ thực hiện việc kiểm tra toàn bộ hoạt động của văn phòng đại diện, phóng viên thường trú các cơ quan báo chí, những hoạt động nào của văn phòng đại diện, phóng viên thường trú trái với tôn chỉ, mục đích sẽ bị loại bỏ; nếu có biểu hiện tiêu cực, Bộ sẽ phối hợp cơ quan chủ quản xem xét, chấn chỉnh và xử lý nghiêm tùy theo mức độ sai phạm. Bộ TT & TT cũng yêu cầu các cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí chỉ đạo rà soát, chấn chỉnh hoạt động của các văn phòng đại diện, phóng viên thường trú thuộc quyền, bảo đảm hoạt động đúng quy định của pháp luật về báo chí và quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo.

Báo chí cách mạng Việt Nam đã và đang đóng một vai trò to lớn trong sự phát triển của đất nước. Chính vì vậy, xã hội luôn đòi hỏi báo chí cũng như người làm báo cần thực hiện tốt bổn phận, nhiệm vụ của mình, phản ánh kịp thời, chân thực mọi mặt của đời sống, thể hiện tâm tư nguyện vọng của mọi tầng lớp nhân dân. Để đấu tranh với tiêu cực trong xã hội, báo chí cần kiên quyết làm trong sạch đội ngũ của mình, xử lý nghiêm khắc sai phạm, chấn chỉnh công tác quản lý, bởi chỉ có như vậy báo chí mới thật sự là địa chỉ tin cậy của người dân, thực hiện tốt nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước đã giao cho.

Bài 1: Không chấp nhận hiện tượng “sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ” -

Thành Nam

Nguồn: Nhân Dân 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất