Sự nghiệp báo chí của Thiếu tướng Trần Công Mân được khái quát đầy đủ và súc tích trong lời tựa của Đại tướng Võ Nguyên Giáp in ở đầu sách: “Hơn một phần ba thế kỷ làm báo, đồng chí Trần Công Mân vừa là một người phụ trách cơ quan báo chí quân đội có bản lĩnh vững vàng, vừa là một nhà báo sắc sảo, có uy tín”.

 Trần Công Mân viết nhiều thể loại báo chí. Thành công nhất của ông, theo tôi, là chính luận và tiểu phẩm. Tác phẩm của ông thường ngắn gọn, sắc sảo, không hoa hòe hoa sói, lượng thông tin cao và đầy trí tuệ. Người đọc có thể thấy rõ tấm lòng và nhiệt huyết của một con người nhân ái và dòng máu của một chiến sĩ đấu tranh. Ông thường lựa chọn những chủ đề trung tâm của thời cuộc. Ông mạnh dạn đề cập những vấn đề mới mẻ, thẳng thắn phân tích những khía cạnh mà người khác có khi né tránh. Cách lập luận cũng như suy nghĩ của ông nhiều khi gây nên sự bất ngờ thú vị.

Một người lính kiên trung – một cây bút sắc sảo
Tọa đàm “Nhà báo Trần Công Mân với báo chí cách mạng Việt Nam" do Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Báo Quân đội nhân dân tổ chức ngày 18-3-2018.
Ảnh: VIỆT CƯỜNG.

Là sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, chủ đề quen thuộc của Trần Công Mân trước hết là đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc, vạch trần âm mưu "diễn biến hòa bình", phê phán các luận điệu về nhân quyền, dân chủ, tự do, nhân đạo mà các giới thù địch thường rêu rao hoặc mượn cớ để xuyên tạc sự nghiệp chính nghĩa của nhân dân ta và đường lối đổi mới của Đảng, Nhà nước ta. Cũng vẫn những vấn đề trên, nhưng lại được ông đề cập chính diện, đặt vào thực tiễn nước ta và với tư duy đổi mới soi rọi, phân tích, lý giải, đề xuất ý kiến của mình. Bài báo “Mở cửa và việc khẳng định những nguyên tắc xã hội chủ nghĩa” ông viết vào cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, khi đường lối đổi mới đang định hình, đã xuất hiện đúng thời điểm, đặt trúng vấn đề, nhằm đúng đối tượng, góp phần nâng cao sự nhất trí về nhận thức và quan điểm trong cán bộ, đảng viên.

 Ngòi bút Trần Công Mân thể hiện rõ sức chiến đấu trên mặt trận chống tiêu cực. Tập sách chọn khá kỹ nhiều bài về chủ đề này. Ông tìm những cách tiếp cận khác nhau, song phần lớn biểu hiện một tâm trạng bức xúc trước các tệ nạn xã hội và sự trăn trở muốn tìm ra giải pháp. Hơi văn ông vì thế nhiều khi khá gay gắt. Theo ông, chống tham nhũng phải bắt đầu từ đổi mới mạnh mẽ và đúng đắn cơ chế quản lý kinh tế xã hội. Ông cho rằng “một bộ máy Nhà nước cộng kềnh với một đội ngũ viên chức không tinh thông nghề nghiệp, lại nhận đồng lương quá thấp là nguyên nhân cho tệ nạn tham nhũng trở nên phổ biến”. “Xử phạt cho hết bọn tham nhũng chắc là không làm nổi nhưng tập trung vào những vụ việc điển hình nghiêm trọng là việc hoàn toàn có thể làm được. Muốn vậy, các cấp lãnh đạo, báo chí, quần chúng phải hình thành một cuộc chiến đấu hợp đồng chặt chẽ cả trong phong trào và trong từng vụ việc, từ phát hiện đến xử lý”. Ông day dứt trước tình trạng “có vụ án những người được dư luận coi là có trách nhiệm trực tiếp và gián tiếp chẳng những sống đàng hoàng ngoài vòng pháp luật mà có khi còn được lên chức lên lương”, bởi vậy pháp luật phải “đề phòng khi một số con tốt được đem ra thí thì cho là đã xong việc, rồi những pháo, những xe thoát nạn, lại tiếp tục cuộc hành trình ngựa theo đường cũ”.

Quan tâm những chủ đề lớn, như: Chỉnh đốn Đảng, chất lượng đảng viên, công tác thanh thiếu niên, ông không coi nhẹ những chuyện đời thường. Chuyện lương bổng, chén rượu ngày xuân, an cư lạc nghiệp, gói quà trả phép... được ông viết với giọng văn dí dỏm nhưng đôi khi không phải là không chua chát: “Bổng không phải là của trời cho... Bổng càng nhiều thì công bằng xã hội càng giảm”.

Cuối năm 1989, sau khi thôi công tác ở Báo Quân đội nhân dân, chuyển sang thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, ông dành nhiều tâm huyết cho những vấn đề nghề nghiệp tân văn. Có lẽ, do bớt được công tác quản lý, bút lực của ông thời gian này càng dồi dào. Nếu trước đây trên cương vị người đứng đầu cơ quan thông tin ngôn luận lớn của quân đội, ông đề cập công tác báo chí dưới cái nhìn vĩ mô, góp ý vào dự thảo Luật Báo chí, suy nghĩ về “nghề” tổng biên tập, quan hệ giữa cấp quản lý báo chí và tổng biên tập, báo chí và thị trường... thì bây giờ ông tập trung vào nhiều vấn đề cụ thể. Từ quan điểm và kinh nghiệm thực tế của mình, ông cố gắng lý giải vai trò của báo chí, về tính chân thật và cuộc săn tìm nhân tố mới... Loạt bài của ông viết về đạo đức báo chí nhìn từ góc độ phẩm chất nhà báo thể hiện nhiều suy nghĩ xác đáng và thực tế, rất sát với thời cuộc của giới tân văn lúc này.

 Sẽ thiếu sót nếu đọc lại tác phẩm của Trần Công Mân mà không nhìn về nhân cách của nhà báo-chiến sĩ Quân đội nhân dân ấy. Ông xuất thân là chiến sĩ Giải phóng quân năm 1945, và khi qua đời (25-3-1998), lễ tang ông được tiến hành trọng thể với nghi thức dành cho cấp tướng tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng, dưới sự chủ trì của Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam và Hội Nhà báo Việt Nam.

Như ông có lần viết, con người ông “trước hết là quân nhân, sau nữa là nhà báo”. Sau khi ông từ trần, một số  bạn bè đã viết nhiều bài ấm áp gợi lại kỷ niệm và cảm nhận về người đồng nghiệp lớn-lớn hiểu theo nghĩa cả về cuộc đời và về nhân cách. Tôi quen ông từ lâu, nhưng chỉ có điều kiện cộng tác chặt chẽ với ông trong thời gian hơn 4 năm, khi ông được bầu làm Phó tổng thư ký thường trực Hội Nhà báo Việt Nam (chức danh tương đương như Phó chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam hiện nay) cho đến ngày ông lâm bệnh nặng. Trong hoàn cảnh hạn chế về điều kiện làm việc và khó khăn về kinh tế-xã hội cuối những năm 80 của thế kỷ XX, ông Trần Công Mân đã điều hành công việc của Hội có nề nếp. Ông có nhiều sáng kiến mới, những chủ trương mạnh dạn. Là một người quyết đoán, ông quyết định công việc nhanh; và khi đã quyết, ông yêu cầu anh em thực hiện mau chóng và nghiêm túc. Ông rất ghét tình trạng bàn thảo nhiều mà không đi đến kết luận, ra quyết định nhanh nhưng thi hành quyết định thì lề mề, tùy tiện.

Trong các cuộc họp bàn bạc tập thể, bao giờ ông cũng có suy nghĩ, ý kiến riêng và biết cách bảo vệ ý kiến của mình. Nhưng sau khi người phụ trách đã có kết luận cuối cùng và tập thể đi đến quyết định, cho dù quyết định ấy chưa hoàn toàn phù hợp với suy nghĩ của ông, ông vẫn chỉ đạo anh chị em trong cơ quan nghiêm túc thực hiện, “cứ thế mà làm”. Ông không cho phép ai được bàn ngang sau khi đã có nghị quyết của tập thể hoặc ý kiến của cấp có thẩm quyền. Đó là một nét sáng về nhân cách mà tôi rất tâm đắc và luôn cố gắng noi theo trong những năm tháng được cộng tác chặt chẽ với ông-cũng là những năm tháng cuối cùng của nhà báo-Thiếu tướng Trần Công Mân.

Nhà báo lão thành PHAN QUANG, Nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam