Thứ Ba, 30/4/2024
Cùng suy ngẫm
Thứ Sáu, 31/1/2020 3:0'(GMT+7)

“Nỗi sợ” không tên

(Hình minh họa)

(Hình minh họa)

Đời người mỗi lần được thăng quan tiến chức thì hầu như ai nấy đều vui cả. Riêng anh, sau khi được bổ nhiệm chức vụ mới, bỗng dưng trở nên nghiêm khắc với chính mình, với vợ con và đôi khi với cả người thân, bạn bè. Mà chức vụ của anh - như có người vẫn nói vui, dù không “quá to” để có thể “hét ra lửa” khiến người khác phải “rát mặt” nể sợ, nhưng “cái ghế” hiện anh ngồi cũng khối kẻ khát khao, thèm muốn!

Tôi với anh là đồng niên, đồng khóa, luôn tôn trọng, quý mến nhau vì hai người từng là thành viên chủ chốt trong câu lạc bộ sinh viên đam mê nghiên cứu khoa học cách đây gần ba mươi năm. Tuy mỗi năm chỉ đôi lần gặp nhau, nhưng vẫn không quên liên lạc, trao đổi thông tin. Ngày anh nhận quyết định bổ nhiệm, tôi gọi điện anh không bắt máy, nhưng khi nhắn tin chúc mừng, thì anh nhắn lại một câu có vẻ đầy tâm trạng: “Vui đấy mà cũng lo đấy, sợ đấy!”.

Khoảng nửa tháng sau có dịp gặp nhau, tôi hỏi: “Người ta lên chức thì hớn hở ra mặt. Còn cậu sao có vẻ đăm chiêu nhiều thế? Tôi còn phong thanh rằng, từ khi cậu lên làm cán bộ lãnh đạo, cấp dưới và nhân viên thấy cậu khó gần hơn trước. Lẽ nào cậu lại thay đổi nhanh thế?”.

Như khơi đúng nỗi lòng, anh chia sẻ những lời gan ruột: - Đúng là từ ngày lên chức, tôi trở nên khó tính hơn. Tôi khó tính với chính mình vì những “nỗi sợ” không tên. Sợ mình ở vị trí “đứng mũi chịu sào” không biết có đủ sức để chắc tay “cầm lái” hay không? Sợ mình ở vị trí “cầm cân nảy mực” không biết có đủ sự tỉnh táo, công tâm trong ứng xử, giải quyết đúng mực các mối quan hệ với đồng nghiệp hay không? Sợ mình có đủ cương trực, dũng cảm để lắng nghe những điều hay lẽ phải và ý kiến phê bình thẳng thắn của cấp dưới hay không. Sợ mình có đủ lòng tự trọng, sự minh mẫn cần thiết để tránh xa những “mỹ từ ngọt ngào” mà không ít nhân viên rất ưu ái dành cho lãnh đạo hay không? Sợ mình có nắm vững kỷ cương, quy chế lãnh đạo để không bị người này “chi phối”, người kia “can thiệp” hay không? Sợ mình có hiểu biết nguyên tắc tài chính để không nhắm mắt làm ngơ “ký đại” các khoản thu - chi của cơ quan hay không?

Nghe anh nói vậy, tôi giả bộ khích bác: - Có cứng mới đứng được đầu gió. Lo lắng, e sợ như thế thì bản lĩnh người lãnh đạo cậu để ở chỗ nào?

- Vậy theo cậu, bản lĩnh nhất của người cán bộ bây giờ là ở đâu?

- Ở sự quyết đoán, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung của tập thể!

- Cậu nói không sai, vì nó đúng như sách vở. Bản lĩnh nhất của cán bộ lãnh đạo thời nay - theo tôi - là không bao giờ được phép dễ dãi, thỏa hiệp với những ham muốn tầm thường của bản thân. Vì khi đã giữ chức vụ lãnh đạo một tổ chức, cơ quan, đơn vị nào đó, nếu ít thì cũng đôi ba chục cán bộ, nhân viên cấp dưới; nhiều thì có cả hàng trăm, hàng nghìn con người thuộc quyền quản lý của mình. Mà như cậu biết đấy, thói đời vốn thực dụng, người ta chỉ “phù thịnh” chứ mấy ai “phù suy”. Người xưa có câu “Lúc khó chẳng ai thèm nhìn/Đến khi đỗ Trạng chín nghìn anh em”. Phần vì cả nể, phần vì muốn lấy lòng với cấp trên, phần khác cũng muốn có chút công danh, lợi lộc vun vén về mình mà một bộ phận cán bộ, nhân viên cấp dưới không chỉ “cưng chiều” lãnh đạo bằng những “món quà nhỏ gọi là của ít lòng nhiều” để biếu, tặng cấp trên vào những dịp lễ tết, hiếu hỉ; mà còn luôn nhã nhặn, nhún nhường nói với thủ trưởng những “lời có cánh”. Mà lẽ đời xưa nay “Lễ nhiều nói ngọt nghe lời dễ xiêu”. Một khi cán bộ lãnh đạo mà ưa thích “lễ vật” nhiều, ham mê đắm chìm trong những lời “nói ngọt” thì dần dần đạo đức, nhân cách cũng sẽ bị “chênh chao, liêu xiêu” rồi “sập bẫy”, sa ngã lúc nào không hay.

Nói đến đây, anh bộc bạch chân thành: - Tôi nhớ một câu châm ngôn, đại ý, khi đứng trên đỉnh núi cao, con người dễ trở nên mong manh nhất. Mong manh thì dễ ngã đổ, thậm chí bị vùi xuống vực sâu. Thế nên, tôi tự nhắc nhở, nhắn nhủ lòng mình rằng, muốn không bị “dòng đời” xô đẩy, quật ngã vào “cạm bẫy” lễ ngon lời ngọt, thì mình phải luôn khắc kỷ, tức là phải luôn nghiêm khắc với chính mình, tự kiểm soát, kiềm chế những ham muốn tầm thường, tự giác đưa mình vào khuôn khổ đạo đức. Có đạo đức thì mới giữ được vị thế nhân cách của mình trong tập thể, cộng đồng, xã hội và không bị người khác khinh thường, coi rẻ. Thế nên, tôi có nghiêm khắc với bản thân như vậy, bạn cũng đừng giận tôi nhé!.

Làm sao tôi lại giận một người bạn có suy nghĩ thấu đáo như thế!./.

Thiện Văn

_____________________________

(Bài đăng trên Tạp chí Tuyên giáo số 9/2019)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất