Chủ Nhật, 19/5/2024
Biển và Hải đảo Việt Nam
Thứ Sáu, 15/5/2015 15:22'(GMT+7)

Phát triển kinh tế gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo


1. Việt Nam là một quốc gia biển với chiều dài bờ biển trên 3.260 km, trung bình khoảng 100 km2 đất liền có 1 km bờ biển. Biển gắn bó mật thiết và ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), bảo đảm quốc phòng - an ninh (QP-AN), bảo vệ môi trường của mọi miền đất nước.

Vùng biển Việt Nam thuộc Biển Đông, có biên giới biển với 10 nước và vùng lãnh thổ. Biển Đông là một trong những con đường giao thương hàng hải quốc tế nhộn nhịp nhất trên thế giới, nối liền Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Biển chứa đựng tài nguyên địa kinh tế với ý nghĩa mặt tiền mở cửa hướng ra quốc tế, tạo cho đất nước vị thế địa kinh tế quan trọng, không gian biển chứa đựng nguồn tài nguyên phong phú và to lớn.

Kinh tế biển có thể hiểu là các hoạt động kinh tế diễn ra trên biển và các hoạt động kinh tế trực tiếp liên quan đến khai thác biển ở dải đất liền ven biển. Ở Việt Nam, đóng góp của lĩnh vực kinh tế diễn ra trên biển, trong đó có khai thác dầu khí, hải sản, hàng hải (vận tải biển và dịch vụ cảng biển) và du lịch biển chiếm tỷ trọng lớn hơn rất nhiều so với các ngành kinh tế có liên quan trực tiếp tới khai thác biển như đóng và sửa chữa tàu biển, chế biến dầu khí, chế biến thủy/hải sản, thông tin liên lạc, v.v..

Phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam có ý nghĩa rất to lớn, nhất là trong bối cảnh các quốc gia trên thế giới đều nỗ lực vươn ra biển, xây dựng chiến lược biển, tăng cường tiềm lực mọi mặt để khai thác và khống chế biển. Việt Nam luôn coi trọng đẩy mạnh phát triển kinh tế biển để phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Lịch sử dựng và giữ nước ở nước ta đã minh chứng cho việc này. Trong quá trình tiến hành công cuộc đổi mới đất nước, Việt Nam tiếp tục khẳng định tầm quan trọng của biển, đảo. Nghị quyết 03 của Bộ Chính trị, tháng 5-1993 khẳng định: “Trở thành một nước mạnh về biển là mục tiêu chiến lược xuất phát từ yêu cầu về điều kiện khách quan của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam”. Tại kỳ họp thứ 5 khóa IX, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS 1982). Ngày 20-9-1997, Bộ Chính trị khóa VIII ban hành Chỉ thị số 20 CT/TW về “Đẩy mạnh phát phát triển kinh tế biển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH)”, đã nhấn mạnh: “Vùng biển, hải đảo và ven biển là địa bàn chiến lược có vị trí quyết định đối với sự phát triển của đất nước, là tiềm năng và thế mạnh quan trọng cho sự nghiệp CNH - HĐH”.

Bước vào thế kỷ XXI, trong bối cảnh thế giới và khu vực có nhiều biến động, tranh chấp chủ quyền biển, đảo trong khu vực Biển Đông diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường, trong khi nền kinh tế đòi hỏi sự tham gia đắc lực của kinh tế biển để tạo ra sự bứt phá mới, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng (4-2001) thông qua “Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2001 - 2010”, trong đó định hướng rõ vai trò quan trọng của kinh tế biển. Chiến lược khẳng định: “Phải phát triển tổng hợp kinh tế biển và ven biển, khai thác lợi thế của các khu vực biển, hải cảng để tạo thành vùng phát triển cao, thúc đẩy các vùng kinh tế khác và phải phát triển kinh tế biển kết hợp với bảo vệ an ninh, quốc phòng vùng biển”. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X (tháng 4-2006) đặt nhiệm vụ phát triển kinh tế biển đi đôi với củng cố, tăng cường QP-AN, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, với quyết tâm “đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về kinh tế biển gắn với bảo vệ QP-AN và hợp tác quốc tế”. Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 4 (1-2007) của Đảng đã thông qua Nghị quyết chuyên đề về “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”, trong đó, xác định mục tiêu tổng quát: “Đến năm 2020, phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, bảo đảm vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển, đảo góp phần quan trọng trong sự nghiệp CNH, HĐH, làm cho đất nước giàu mạnh”. Nghị quyết đã kế thừa những quan điểm về phát triển kinh tế biển và các lĩnh vực khác liên quan đến biển được ban hành trước đó, nhưng phải khẳng định rằng đây là bản Nghị quyết của Trung ương toàn diện đầu tiên về biển, mở ra một chương mới trong tư duy về biển đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong những thập niên đầu thế kỷ XXI. Trong đó, phần về chiến lược phát triển kinh tế biển là một trong những nội dung chủ yếu nhất. Với Chiến lược biển và các văn bản gần đây, Đảng ta đã thể hiện rõ tầm nhìn và bước chuyển lớn trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

Từ thực tế diễn ra trên Biển Đông trong thời gian gần đây, có thể thấy, vấn đề bảo vệ chủ quyền biển, đảo đối với nước ta có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Trung Quốc tiếp tục thực hiện chính sách tham vọng độc chiếm Biển Đông với nhiều hoạt động chính trị, ngoại giao, pháp lý và trên thực địa nhằm hiện thực hóa yêu sách “đường lưỡi bò” phi lý. Đây là nguyên nhân căn bản gây nên căng thẳng trong giải quyết các tranh chấp đã được quy định trong UNCLOS 1982. Việc tăng cường san lấp các đảo đá chìm thành đảo nổi để phục vụ cho mục đích phát triển kinh tế và quân sự của Trung Quốc, khiến tình hình Biển Đông ngày càng thêm phức tạp. Cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển của nước ta cũng như các nước khác trở nên khó khăn, đòi hỏi phải có nhiều giải pháp khôn khéo vừa kiên quyết vừa mềm dẻo để giữ vững hòa bình, ổn định trên biển. Bên cạnh công tác đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo, việc đẩy mạnh phát triển kinh tế biển là nhiệm vụ quan trọng luôn được tích cực triển khai toàn diện, vừa theo xu hướng chung của các quốc gia có biển trên thế giới, vừa gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc và yêu cầu phát triển lâu dài của đất nước. Trong đó, tập trung vào một số nội dung chính là:

- Xây dựng Việt Nam trở thành một quốc gia mạnh về kinh tế biển, có cơ cấu kinh tế hiện đại, làm động lực thúc đẩy kinh tế cả nước phát triển với tốc độ nhanh. Tạo ra một sự kết hợp kinh tế ven biển, kinh tế trên biển và kinh tế hải đảo với các khu vực nội địa để phát triển nhanh, ổn định và bền vững.

- Mở cửa, hợp tác quốc tế để phát triển kinh tế biển và vùng ven biển một cách toàn diện. Phát huy triệt để và có hiệu quả các nguồn lực bên trong kết hợp với tranh thủ sự hợp tác và thu hút các nguồn lực từ bên ngoài theo nguyên tắc cùng có lợi, tôn trọng chủ quyền và trên tinh thần chủ động, tích cực mở cửa, hội nhập.

- Coi phát triển kinh tế biển và vùng ven biển là động lực để lôi kéo, thúc đẩy các vùng khác cùng phát triển. Kinh tế biển và vùng ven biển là “hạt nhân” tạo sự chuyển biến cơ bản và toàn diện theo hướng CNH, HĐH. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế biển và vùng ven biển với bảo vệ tài nguyên môi trường sinh thái, tái tạo và phát triển các nguồn tài nguyên biển, bảo đảm sự phát triển bền vững về KT-XH và môi trường sống của vùng biển, ven biển và các hải đảo.

2. Để đảm bảo việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta về phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, trong thời gian tới cần triển khai đồng bộ hệ thống các giải pháp trọng yếu:

Một là, tiếp tục nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của biển, đảo và kinh tế biển đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Công tác tuyên truyền và giáo dục cần tăng cường sâu rộng, có hệ thống hơn nhằm nâng cao và tạo ra sự chuyển biến thực sự trong ý thức của tất cả các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò chiến lược của biển. Tư duy về biển phải được thể hiện đậm nét trong các chính sách phát triển của những ngành có liên quan và các địa phương có biển trong giai đoạn sắp tới. Ý thức về biển phải được tất cả các ngành và các cấp ủy đảng và chính quyền địa phương có biển quan tâm thường xuyên. Đối với mọi người dân, ý thức về biển phải thể hiện sâu sắc trong khai thác đi liền với bảo vệ tài nguyên, môi trường biển.

Hai là, kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế với an ninh, quốc phòng, bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền và an ninh trên biển. Với những diễn biến mới trên Biển Đông thời gian vừa qua cho thấy, việc xây dựng và phát triển kinh tế biển phải gắn kết chặt chẽ với nhiệm vụ QP-AN bảo vệ biển; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân gắn với phát triển kinh tế biển. Mục tiêu kết hợp KT-XH với QP-AN là nhằm khẳng định chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ trên biển, đảo của Tổ quốc; khai thác, sử dụng nguồn lợi của quốc gia có hiệu quả để thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Có chính sách đặc biệt để động viên nhân dân định cư sinh sống ổn định và làm ăn trên biển dài ngày. Đối với các hải đảo, cần tiếp tục nghiên cứu xây dựng mô hình tổ chức hành chính phù hợp, tăng cường nâng cao năng lực quản lý về biển của chính quyền các huyện đảo, xã đảo nhằm phát triển mạnh

KT-XH; kết hợp bố trí dân cư và tổ chức lực lượng bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

Ba là, đẩy mạnh điều tra cơ bản và phát triển khoa học - công nghệ biển nhằm tạo được hệ thống thông tin cơ sở tin cậy, phục vụ việc hoạch định các chính sách phát triển các lĩnh vực liên quan đến biển. Tiến tới xây dựng tiềm lực khoa học - công nghệ biển đủ sức tạo ra những khâu đột phá trong phát triển các lĩnh vực liên quan đến biển và hệ thống dự báo, phòng chống thiên tai, bảo tồn biển (tài nguyên, đa dạng sinh học...). Các giải pháp về khoa học - công nghệ, phải được đi trước, mang tính đột phá nhằm phát huy hết tiềm năng khoa học cho kinh tế biển, giảm thiểu tối đa các rủi ro trong chiến lược vươn ra biển, trong đó, tập trung vào các hướng nghiên cứu chính: Phát triển và hiện đại hoá các ngành nghề biển truyền thống; đẩy mạnh nghề biển mới; tập trung nghiên cứu ngành nghề biển trong tương lai.

Bốn là, triển khai công tác quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH, đảm bảo QP-AN các vùng biển và ven biển. Tiến hành quy hoạch các trung tâm phát triển ra biển và các khu vực biển, đảo có khả năng đột phá trong phát triển kinh tế như Móng Cái, Vân Đồn, Nghi Sơn, Vũng Áng, Đà Nẵng, Dung Quất - Chu Lai, Vân Phong, Phú Quốc, Côn Đảo, Phú Quý... Công tác quy hoạch phải trên cơ sở của quy luật kinh tế thị trường, có tầm nhìn dài hạn, hiện đại theo những tiêu chuẩn phù hợp với quốc tế và khu vực. Đồng thời, phải tiến hành một cách có hiệu lực và hiệu quả công tác quản lý, quy hoạch nhằm bảo đảm sự phát triển hài hòa, bền vững và đúng định hướng. Trong quy hoạch, cần quán triệt quan điểm coi vùng duyên hải gắn với kinh tế biển là vùng động lực để mở cửa, thúc đẩy phát triển toàn bộ nền kinh tế quốc gia, đẩy mạnh phát triển những cơ sở công nghiệp chế biến các sản phẩm từ biển.

Năm là, nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước về biển và kinh tế biển. Quản lý tổng hợp về biển là vấn đề mới, phức tạp và mang tính đa ngành. Vì vậy, việc nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước về biển và kinh tế biển có vai trò quyết định. Các hoạt động kinh tế và quản lý biển, đảo cần có một cơ quan nhà nước quản lý thống nhất, tránh tình trạng phân tán ở nhiều bộ, ngành và các cơ quan khác nhau.

Sáu là, xây dựng đầy đủ, đồng bộ hệ thống cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển kinh tế biển và vùng ven biển: Thứ nhất, chính sách bảo đảm an toàn, an ninh cho các hoạt động kinh tế biển như: các hoạt động của hệ thống dự báo thời tiết, khí hậu, bão, sóng thần, hình thành các trung tâm tránh bão, các trung tâm quan sát và cung cấp thông tin cho người dân hoạt động trên biển; hình thành lực lượng đủ mạnh để hỗ trợ ngư dân khi gặp nạn. Đây là các điều kiện thiết yếu để đẩy mạnh phát triển các lĩnh vực hoạt động liên quan đến kinh tế trên biển. Thứ hai, chính sách khuyến khích người dân ra biển làm kinh tế nhằm xây dựng nông thôn ven biển và hải đảo trên ba mặt: dân trí, dân sinh, dân chủ; đặc biệt là hỗ trợ nhân dân trên các đảo vừa làm nhiệm vụ phát triển kinh tế biển, đảo, vừa phối hợp và bảo đảm làm hậu cần vững chắc cho các lực lượng vũ trang bảo vệ, kiểm soát trên biển; hỗ trợ nhân dân làm ăn ổn định, sinh sống lâu dài trên các đảo và lao động dài ngày trên biển, góp phần bảo vệ chủ quyền, biển, đảo của quốc gia. Thứ ba, tăng cường hợp tác quốc tế để phát triển kinh tế biển bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển; đặc biệt chú ý tăng cường hợp tác với các nước lân cận Biển Đông và những nước có tiềm lực kinh tế, khoa học công nghệ mạnh về biển. Thứ tư, các chính sách liên quan đến đầu tư nhằm tập trung đầu tư đủ mức, đồng bộ và dứt điểm để sớm đưa vào hoạt động, phát huy cao nhất năng lực và hiệu quả khai thác, đặc biệt là với các khu công nghiệp, cảng biển, các cơ sở sản xuất; quán triệt sâu sắc quan điểm xã hội hóa trong lĩnh vực đầu tư; khuyến khích mạnh mẽ các hình thức đầu tư, kể cả các công trình thuộc kết cấu hạ tầng lớn như cảng biển, đường giao thông, các khu đô thị, khu công nghiệp... của mọi hình thức sở hữu, bao gồm cả hình thức BOT, BT... Thứ năm, chính sách hỗ trợ nhằm hình thành các trung tâm kinh tế biển mạnh ở mỗi vùng, miền tạo ra sức bật mới, mạnh mẽ của các vùng để kết nối với các tuyến hành lang kinh tế cùng đẩy nhanh tốc độ phát triển của kinh tế cả nước.

Bảy là, phát triển nguồn nhân lực phát triển kinh tế biển, bao gồm cán bộ nghiên cứu khoa học, công nghệ biển; cán bộ quản lý, các chuyên gia và đội ngũ lao động được đào tạo chuyên sâu về các nghề như: hàng hải (vận tải biển, đóng tàu biển, cảng biển); khai thác và chế biến dầu, khí; đánh bắt và nuôi trồng hải sản; du lịch biển v.v.., xây dựng cơ chế, chính sách về đào tạo nhân lực và kế hoạch phát triển nguồn nhân lực thuộc các thành phần kinh tế. Trước mắt, nhanh chóng tiến hành đào tạo và hợp tác quốc tế về đào tạo nguồn nhân lực cho các vùng kinh tế trọng điểm về kinh tế biển và vùng ven biển ./.

PGS.TS Phạm Văn Linh

PGS. TS. Phạm Văn Linh

Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất