Chủ Nhật, 8/9/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Ba, 27/9/2022 11:0'(GMT+7)

Phổ biến, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên trên internet

Đồng chí Lê Hải Bình nhấn mạnh vị trí và vai trò quan trọng của việc  phổ biến, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức lý luận chính trị cho cán bộ,  đảng viên trên Internet trong bối cảnh hiện nay.(Ảnh: Nguyễn Nhung)

Đồng chí Lê Hải Bình nhấn mạnh vị trí và vai trò quan trọng của việc phổ biến, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên trên Internet trong bối cảnh hiện nay.(Ảnh: Nguyễn Nhung)

YÊU CẦU THỰC TIỄN ĐẶT RA ĐỐI VỚI CÔNG TÁC GIÁO DỤC LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nhận định, việc giáo dục lý luận chính trị hiện nay cũng còn những hạn chế nhất định: “Việc giáo dục tư tưởng, chính trị cho cán bộ đảng viên chưa thường xuyên, một bộ phận đảng viên chưa nắm đươc chủ trương, đường lối của Đảng. Việc học tập lý luận chính trị tuy có nhiều cố gắng nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu”(1). Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng “một bộ phận cán bộ, đảng viên bản lĩnh chính trị không vững vàng, suy thoái về tư tưởng chính trị, còn hoài nghi, mơ hồ về mục tiêu, lý tưởng của Đảng và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta, một số ít hoang mang, dao động, thiếu lòng tin, cá biệt còn phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối đổi mới của Đảng”(2).

Trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chuyển đổi số đóng vai trò rất quan trọng, đang trở thành là xu hướng tất yếu, mở ra nhiều cơ hội đối với sự phát triển toàn diện của đất nước nói chung, trong đó có lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Không nằm ngoài xu thế đó, việc phổ biến, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức lý luận chính trị trên Internet trong giai đoạn hiện nay là yêu cầu thực tiễn đặt ra đối với công tác giáo dục lý luận chính trị. Đây là xu thế phát triển chung của thời đại và yêu cầu chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo theo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Đây cũng là hình thức đổi mới hình thức, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng kiến thức lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên. Công tác này thúc đẩy cán bộ, đảng viên tự đào tạo, tự bồi dưỡng, tự cập nhật kiến thức, góp phần nâng cao trình độ kiến thức lý luận chính trị cho mình một cách thuận lợi, tiết kiệm thời gian, công sức cho việc tự tìm hiểu kiến thức lý luận chính trị. Theo PGS. TS. Lương Khắc Hiếu, việc phổ biến, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên trên internet giúp giảm 60% chi phí đi lại, tổ chức địa điểm; giảm thời gian đào tạo từ 20-40% so với phương pháp bồi dưỡng mang tính truyền thống(3).

Do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 trong thời gian qua, việc giảng dạy, học tập của tất cả các cơ sở giáo dục - đào tạo bị gián đoạn, ảnh hưởng nặng nề, trong đó, có công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên. Để khắc phục tình trạng này, nhiều trường Chính trị tỉnh, trung tâm chính trị cấp huyện đã chủ động, sáng tạo trong việc tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng bằng cách ứng dụng chuyển đổi số trong công tác giảng dạy, như: Dạy học trực tuyến; ghép nhiều lớp trực tiếp thành 1 lớp trực tuyến học tại các điểm cầu với số lượng học viên đăng ký đông hơn so với kế hoạch phê duyệt đầu năm; xây dựng thư viện số, thư viện điện tử để chia sẻ bài giảng, tài liệu học tập cho học viên…

Hiện nay, một số tỉnh, thành trên cả nước đã bước đầu triển khai việc đổi mới nội dung và chương trình giáo dục lý luận chính trị thích ứng với môi trường công nghệ; tận dụng công nghệ số để gia tăng khả năng tiếp cận giáo dục cho mọi đối tượng, nhất là người dân ở vùng khó khăn. Số hóa tài liệu, giáo trình, xây dựng nền tảng chia sẻ tài nguyên giảng dạy và học tập theo cả hình thức trực tiếp và trực tuyến. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thái Nguyên đã thực hiện số hóa các công trình nghiên cứu lịch sử gồm Lịch sử Đảng bộ tỉnh, lịch sử đảng bộ địa phương, lịch sử cách mạng các ban, ngành, đoàn thể trên Cổng Thông tin điện tử Đảng bộ tỉnh… giúp cho người học và người có nhu cầu tìm hiểu dễ dàng tra cứu. Các tỉnh, thành ủy tổ chức hội nghị trực tuyến cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức nghiên cứu, học tập, quán triệt các nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, kết nối từ điểm cầu Trung ương tới điểm cầu cấp xã. Đây là cơ sở nền móng cho việc phát huy hiệu quả công tác phổ biến, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên bằng hình thức trực tuyến.

Tuy nhiên, việc đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên bằng hình thức trực tuyến cũng gặp không ít khó khăn, thách thức.

Một là, cán bộ, đảng viên truy cập internet thường xuyên nhưng dành rất ít thời gian cho việc bồi dưỡng, cập nhật kiến thức lý luận chính trị. Theo kết quả điều tra của tổ chức WeAreSocial thực hiện năm 2021, người dùng internet ở Việt Nam (từ 16 - 64 tuổi), thời gian sử dụng là 6 giờ 47 phút, trong đó, 2 giờ 40 phút là xem tivi và video trực tuyến, 2 giờ 21 phút sử dụng mạng xã hội, 1 giờ 57 phút để đọc báo và tin tức, 1 giờ 09 phút nghe nhạc trực tuyến, 41 phút nghe radio, 44 phút nghe podcasts, 1 giờ 14 phút chơi game trực tuyến. Hai là, trình độ sử dụng công nghệ thông tin trong quản lý, dạy và học của không ít cán bộ, giảng viên, nhân viên và học viên còn hạn chế, còn lúng túng trong việc cập nhật phần mềm giảng dạy, đổi mới phương pháp dạy học, đặc biệt đối với người lớn tuổi. Ba là, ở một số vùng sâu, vùng xa, vùng còn khó khăn, không đảm bảo được điều kiện vật chất cho việc phổ biến, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức lý luận chính trị trên internet như trang thiết bị công nghệ thông tin, đường truyền... Bốn là, tính bảo mật thông tin trên internet, trong quá trình dạy và học có lúc, có nơi chưa đảm bảo. Năm là, việc mã hóa, số hóa dữ liệu còn chậm, chưa thống nhất; hệ thống các phần mềm phục vụ giảng dạy, nghiên cứu khoa học và quản lý đào tạo chưa đồng bộ, chưa liên thông, còn tình trạng mỗi đơn vị sử dụng một phần mềm riêng.

ĐỔI MỚI CĂN BẢN, NỘI DUNG CHƯƠNG TRÌNH, PHƯƠNG PHÁP GIÁO DỤC LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ THEO HƯỚNG KHOA HỌC, SÁNG TẠO, HIỆN ĐẠI, GẮN LÝ LUẬN VỚI THỰC TIỄN

Trong thời gian tới, việc phổ biến, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên trên internet cần đảm bảo theo đúng tinh thần Văn kiện Đại hội XIII là “Đổi mới căn bản, nội dung chương trình, phương pháp giáo dục lý luận chính trị theo hướng khoa học, sáng tạo, hiện đại và gắn lý luận với thực tiễn”(4). Để nâng cao chất lượng và hiệu quả việc phổ biến, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên trên internet, cần chú trọng một số nội dung như sau:

Thứ nhất, thống nhất nhận thức về sự cần thiết triển khai bồi dưỡng, cập nhật kiến thức lý luận chính trị trên internet cho cán bộ, đảng viên và nhân dân. Bởi đây là nội dung hoàn toàn mới, là một cuộc cách mạng nhằm đổi mới căn bản và mạnh mẽ phương pháp dạy và học hiện đại, phù hợp trong giai đoạn chuyển đổi số mạnh mẽ hiện nay.

Thứ hai, cấp ủy các cấp cần nhận thức sâu sắc, đầy đủ về ý nghĩa, tầm quan trọng, mục đích và nội dung của việc phổ biến, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên trên internet. Luôn bám sát chủ trương, định hướng, quy định, hướng dẫn của Trung ương để tổ chức, triển khai việc phổ biến, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên trên internet sát với yêu cầu thực tiễn của cơ quan, đơn vị.

Thứ ba, các địa phương, đơn vị cần khắc phục căn bệnh “học lấy bằng” trong cán bộ, đảng viên; xây dựng kế hoạch triển khai việc phổ biến, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức lý luận chính trị trên internet, coi đây vừa là nghĩa vụ, vừa là trách nhiệm đối với cán bộ, đảng viên.

Xem xét việc phổ biến, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức lý luận chính trị trên internet của cán bộ, đảng viên là một trong những tiêu chuẩn để xem xét, đánh giá, sử dụng và thực hiện chính sách đối với cán bộ, đánh giá tư cách đảng viên.

Thứ tư, xây dựng đội ngũ giảng viên lý luận chính trị tâm huyết, yêu nghề, có kiến thức mới gắn với thực tiễn. Giảng dạy trực tuyến không chỉ đòi hỏi sự am hiểu về lĩnh vực chuyên môn giảng dạy, mà còn đặt ra yêu cầu cao về kỹ thuật, công nghệ và phương pháp giảng dạy. Giảng viên phải có kiến thức và kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin, hiểu rõ về hệ thống quản lý khóa học trực tuyến, kỹ năng giảng dạy trực tuyến, giảng dạy từ xa...

Thứ năm, việc lựa chọn thông tin, kiến thức để phổ biến, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên trên internet cần có sự chọn lựa hợp lý, không để bị trùng, chồng chéo với các loại hình đào tạo khác. Cần thống nhất cách tiếp cận, kiến thức trong việc phổ biến, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên trên internet theo chuẩn của công tác đào tạo, bồi dưỡng, hoàn chỉnh kiến thức lý luận chính trị tại các cơ sở đào tạo lý luận chính trị theo quy định hiện hành.

Đảm bảo nội dung thông tin, kiến thức phù hợp với các đối tượng tham gia việc phổ biến, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức lý luận chính trị trên internet. Nội dung, chương trình bồi dưỡng, cập nhật kiến thức lý luận chính trị cần thường xuyên đổi mới gắn với những vấn đề mới, điểm nhấn theo từng năm.

Đa dạng hóa hình thức phổ biến, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức lý luận chính trị trên internet cũng cần phù hợp với đối tượng, lấy người học làm trung tâm. Cần đổi mới chương trình bồi dưỡng, cập nhật kiến thức thích ứng với công nghệ truyền thông hiện đại và số hóa nội dung bài giảng phù hợp với nhu cầu của người học.

Thứ sáu, người học - cán bộ, đảng viên tham gia việc phổ biến, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức lý luận chính trị trên internet cần tận dụng kiến thức, thời gian, không gian, ứng dụng công nghệ, phát huy tính tự giác, năng lực tự học, để tiếp thu, bồi dưỡng, nâng cao trình độ lý luận chính trị đáp ứng yêu cầu phát triển của thực tiễn. Việc tự học giúp cho cán bộ, đảng viên kịp thời bổ sung, cập nhật kiến thức lý luận mới mà không nhất thiết phải theo học lớp tập trung ở cơ sở đào tạo.

Việc phổ biến, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức lý luận chính trị trên internet trong giai đoạn hiện nay là yêu cầu thực tiễn đặt ra đối với công tác giáo dục lý luận chính trị, là xu thế phát triển chung của thời đại và yêu cầu chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo theo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Đây cũng là hình thức đổi mới hình thức, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng kiến thức lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên.

Thứ bảy, việc giảng dạy với các nội dung số hóa trên các nền tảng công nghệ thông tin hiện đại đòi hỏi công tác quản lý cũng phải được số hóa, hiện đại hóa, phát huy tối ưu vai trò của công nghệ thông tin; bảo đảm quyền lợi cho người dạy và người học, ngăn ngừa tối đa tình trạng giảng viên không chấp hành đúng quy định và người học vi phạm, gian lận trong quá trình học, thi, kiểm tra...

Thứ tám, cần có các hình thức kiểm tra, đánh giá, giám sát việc tự học tập, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức lý luận chính trị trên internet. Đây là yêu cầu bắt buộc để khắc phục bệnh lười học, ngại học, thiếu sự tự giác, tự học tập lý luận chính trị của cán bộ, đảng viên. Việc kiểm tra, đánh giá vừa đảm bảo tính nghiêm túc, vừa đảm bảo khuyến khích cán bộ, đảng viên tăng cường việc tự học, tự bồi dưỡng kiến thức.

Thứ chín, tăng cường cơ sở vật chất, nâng cấp kết cấu hạ tầng thông tin, xây dựng các phòng học hiện đại, xây dựng thư viện, học liệu điện tử, trang bị và nâng cấp hệ thống máy tính, thiết bị thu, phát các bài giảng trực tuyến, các quy định về việc tổ chức giảng dạy và học tập, đảm bảo tính bảo mật của thông tin trên internet.

Bảo Châu

--

(1) (2) (4) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2021, t.II, tr.172, 168, 235.

(3) Lương Khắc Hiếu: Những vấn đề lý luận chung về phổ biến, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên trên internet, Kỷ yếu Tọa đàm Bồi dưỡng, cập nhật kiến thức lý luận chính trị trên internet trong giai đoạn hiện nay, Ban Tuyên giáo Trung ương, năm 2022.

 

 

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất