Chủ Nhật, 12/5/2024
Giáo dục
Thứ Năm, 16/12/2021 8:12'(GMT+7)

Sự cần thiết phải chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp

Một tiết học ứng dụng công nghệ tại Trường cao đẳng Cơ điện Hà Nội.

Một tiết học ứng dụng công nghệ tại Trường cao đẳng Cơ điện Hà Nội.

Chuyển đổi số là xu thế tất yếu của sự phát triển, đặc biệt là trong bối cảnh của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ. Trên thế giới, nhiều quốc gia như Úc, Đan Mạch, Anh đã và đang thực hiện chiến lược chuyển đổi số.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng Việt Nam cũng không thể nằm ngoài xu thế chuyển đổi số chung của thế giới và cũng không thể bỏ lỡ những cơ hội mà Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mang lại. Quá trình quốc tế hoá sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ và phân công lao động diễn ra ngày càng sâu rộng theo hướng quốc tế hóa nguồn nhân lực. Việc mở ra khả năng di chuyển lao động giữa các nước đòi hỏi người lao động phải có kỹ năng nghề cao, có năng lực làm việc trong môi trường quốc tế với những tiêu chuẩn, tiêu chí do thị trường lao động xác định. Quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng về giáo dục đang diễn ra ở quy mô toàn cầu, đặc biệt với việc Việt Nam ký kết các Hiệp định hợp tác thế hệ mới (CPTPP, EVFTA….) tạo cơ hội thuận lợi để tiếp cận với các xu thế mới, tri thức mới, các chuẩn quốc tế, những mô hình giáo dục và quản lý giáo dục hiện đại, tranh thủ các nguồn lực bên ngoài cho phát triển GDNN.

Bên cạnh đó, cạnh tranh giữa các quốc gia, giữa các lĩnh vực, trong đó có cạnh tranh về nhân lực chất lượng cao đang và sẽ ngày càng gay gắt, tác động đến thị trường nhân lực toàncầu và trong từng quốc gia, đòi hỏi GDNN của các nước phải thay đổi mạnh mẽ. Khoa học công nghệ thế giới tiếp tục phát triển nhanh chóng, nhất là tác động của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, công nghệ số, công nghệ thông tin và truyền thông đang và sẽ tạo ra sự thay đổi có tính đột phá trong nhiều lĩnh vực, trong đó có GDNN, tạo điều kiện thuận lợi để đổi mới nội dung, phương pháp đào tạo và quản lý GDNN, tạo cơ hội mới cho GDNN phát triển; đồng thời có thể đáp ứng được các tiêu chuẩn hiện đại của nhiều quốc gia phát triển.

Ngày 28/5/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 24/CT-TTg về đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới. Ngày 03/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Quyết định nêu rõ, tầm nhìn đến năm 2030, Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp. Một số ngành, lĩnh vực cần ưu tiên chuyển đổi số trước, trong đó, chú trọng tới việc triển khai các sáng kiến nhằm liên kết giữa các ngành, lĩnh vực để cung cấp một trải nghiệm mới, hoàn toàn khác, mang lại giá trị cho người dân, doanh nghiệp và xã hội.

Đào tạo theo hướng cầu đã trở thành cách tiếp cận đào tạo có hiệu quả và đang được thực hiện rất thành công ở các quốc gia phát triển. Chương trình việc làm toàn cầu của Tổ chức lao động quốc tế (ILO), đã khuyến cáo các quốc gia tổ chức đào tạo nghề linh họat theo hướng cầu của thị trường lao động, nhằm tạo việc làm bền vững. Tổ chức Văn hóa, Giáo dục Liên hợp quốc (UNESCO) đã nêu rõ, phát triển kỹ năng nghề nghiệp gắn với học tập suốt đời sẽ là xu hướng giáo dục nghề nghề nghiệp trong thế kỷ XXI1. Xu hướng toàn cầu đang nổi lên trong giáo dục nghề nghiệp đó là coi kỹ năng là một loại tiền tệ quốc tế, là một nguồn lợi thế kinh tế và ngày càng “có thể giao dịch”.

Những thay đổi mang tính cách mạng về khoa học, đột phá của công nghệ số dẫn tới xu hướng phát triển và yêu cầu thay đổi mạnh mẽ về cơ cấu, mô hình kinh tế, xã hội quốc gia cũng như hệ thống quản lý của các ngành, lĩnh vực trong đó có hoạt động giáo dục nghề nghiệp như: yêu cầu về đổi mới công nghệ; đẩy mạnh khoa học phân tích và quản lý, xử lý dữ liệu lớn tạo ra tri thức mới, hỗ trợ việc đưa ra quyết định nhanh chóng, chính xác, hiệu quả trong hoạt động GDNN.

Chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp sẽ tác động đến cách thức quản lý, chỉ đạo điều hành trong của các cơ quan quản lý nhà nước, hướng đến cách thức quản lý và ra quyết định trên nền tảng công nghệ số và dữ liệu lớn. Tiếp theo là tác động trực tiếp đến các đối tượng tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp, thay đổi cách quản lý hoạt động giáo dục nghề nghiệp, cách dạy của giáo viên, cách học, cách thực hành kỹ năng nghề của học sinh, sinh viên tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp từ môi trường truyền thống lên môi trường số. Và bản thân quá trình vận động xã hội khi chuyển đổi số sẽ sản sinh ra nhiều ngành nghề mới, nhiều lĩnh vực mới. Đây là thị trường mới tiềm năng nhưng cũng đầy thách thức đối với hoạt động giáo dục nghề nghiệp.

Chuyển đổi số trong giáo dục nói chung và giáo dục nghề nghiệp nói riêng  là một trong tám lĩnh vực ưu tiên theo Quyết định số 749/QĐ-TTg nhằm mục tiêu kép là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu. Trong đó mục tiêu chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục là phát triển nền tảng hỗ trợ dạy và học từ xa, ứng dụng triệt để công nghệ số trong công tác quản lý, giảng dạy và học tập; số hóa tài liệu, giáo trình; xây dựng nền tảng chia sẻ tài nguyên giảng dạy và học tập theo cả hình thức trực tiếp và trực tuyến. Phát triển công nghệ phục vụ giáo dục, hướng tới đào tạo cá thể hóa. Yêu cầu 100% các cơ sở giáo dục triển khai công tác dạy và học từ xa, trong đó thử nghiệm chương trình đào tạo cho phép học sinh, sinh viên học trực tuyến tối thiểu 20% nội dung chương trình. Ứng dụng công nghệ số để giao bài tập về nhà và kiểm tra sự chuẩn bị của học sinh trước khi đến lớp học.

Như vậy, thực hiện tốt chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp góp phần đắc lực thực hiện thành công mục tiêu chuyển đổi số quốc gia. Việc chuyển đổi số đối với GDNN là cấp thiết trong bối cảnh hiện nay. Chuyển đổi số sẽ giúp cho hoạt động giáo dục nghề nghiệp ngày càng chất lượng, hiệu quả hơn, nâng cao chất lượng GDNN, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam./.

Đỗ Nguyên Hưng- Trường Cao đẳng công nghệ Bách khoa Hà Nội

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất