Thứ Hai, 9/12/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Năm, 15/6/2023 10:7'(GMT+7)

Tăng cường công tác tuyên truyền chính trị trên mạng xã hội

Sáng 29/9/2022, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức lễ khai trương ứng dụng thông tin tuyên giáo và ra mắt hình thức mới 3 bản tin. Ảnh: TTXVN

Sáng 29/9/2022, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức lễ khai trương ứng dụng thông tin tuyên giáo và ra mắt hình thức mới 3 bản tin. Ảnh: TTXVN

PHÁT HUY ƯU THẾ CỦA TUYÊN TRUYỀN CHÍNH TRỊ TRÊN MẠNG XÃ HỘI

 Đảng, Nhà nước chủ trương sử dụng các trang mạng xã hội phổ biến như Facebook, Zalo, Youtube... để tuyên truyền chính trị trên mạng. Thông qua nền tảng mạng xã hội, người dân và chính quyền các cấp có sự tương tác, giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp nhanh chóng. Tiêu biểu như việc triển khai cấp cấp căn cước công dân, hướng dẫn các biểu mẫu, đường dẫn đến website của Cổng dịch vụ công quốc gia và Bộ Công an... Ở các tỉnh, thành phố đều thành lập các fanpage để chuyển tải những thông tin chính thức về tình hình các mặt của Đảng, chính quyền và nhân dân địa phương. Các cơ quan tuyên truyền đã sử dụng mạng xã hội thành kênh thu nhận và phản hồi thông tin với công chúng, qua đó nắm bắt và định hướng dư luận xã hội. Nhiều cơ quan báo chí đã phát triển các nền tảng mạng xã hội như Zalo, Lotus, kênh Youtube, Facebook...

Tuy nhiên, công tác tuyên truyền chính trị trên mạng hiện nay còn nhiều hạn chế, bất cập. Việc theo dõi, chỉ đạo định hướng đưa thông tin tích cực lên mạng xã hội chưa được thường xuyên, đi sau những thông tin “nhạy cảm”, “nóng” mà công chúng quan tâm, tạo ra khoảng trống để thông tin xấu, độc có cơ hội xâm nhập, lan truyền. Chưa có bộ phận chuyên sâu cung cấp thông tin tích cực, theo dõi, phát hiện tin xấu trên mạng xã hội. Các nền tảng mạng xã hội nội địa chưa phát triển đa dạng, đủ mạnh, chưa nhiều tiện ích và chưa có tính bảo mật thông tin cao. Cán bộ, đảng viên chưa chủ động đăng tải thông tin tích cực hoặc bình luận phản bác các thông tin xấu độc trên mạng xã hội. Một số báo chí, trang thông tin điện tử xa rời tôn chỉ mục đích, đối tượng, sơ hở trong quản lý thông tin, không tuân thủ kỷ luật, chạy theo thị hiếu tầm thường, giật gân, câu khách; báo chí chính thống chưa theo kịp, thiếu tính chủ động, mờ nhạt so với mạng xã hội. Các thế lực thù địch, phản động lợi dụng các trang mạng có máy chủ ở nước ngoài để liên lạc, huấn luyện, tán phát thông tin xấu độc, tác động trực tiếp tới những đối tượng hạn chế về nhận thức chính trị, về lịch sử... Mạng xã hội trở thành khoảng trống, khó quản lý; thông tin tự phát, thông tin xấu, độc, phản cảm tràn lan.

Bên cạnh đó, các chủ thể tuyên truyền các cấp chỉ chú trọng định hướng thông tin qua họp giao ban, hội nghị, chưa quan tâm tới công cụ mạng xã hội. Đội ngũ cán bộ tuyên truyền chính trị trên mạng xã hội chưa được tổ chức rộng rãi, đồng bộ. Người có kỹ năng, kỹ thuật sử dụng mạng thì chưa được đào tạo, bồi dưỡng về chính trị, người có kiến thức chính trị lại yếu về kỹ thuật sử dụng mạng xã hội. Hoạt động sơ kết, tổng kết, đánh giá tuyên truyền chính trị trên mạng xã hội chưa được quan tâm.

Nguyên nhân chủ quan của những hạn chế nêu trên do nhận thức về lợi ích, tiêu cực của mạng xã hội còn bất cập, chưa thống nhất. Tư duy trong xây dựng và tổ chức các nền tảng ứng dụng mạng xã hội ở Việt Nam chưa theo kịp với sự phát triển của mạng xã hội, sức ỳ còn lớn. Quản lý nhà nước các mạng xã hội còn bất cập, chưa theo kịp diễn biến thực tế.

Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Lê Văn Lợi phát biểu tại Hội thảo khoa học “Sử dụng mạng xã hội trong tuyên truyền chính trị ở Việt Nam hiện nay”. (Ảnh: Thúy Hằng)

Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Lê Văn Lợi phát biểu tại Hội thảo khoa học “Sử dụng mạng xã hội trong tuyên truyền chính trị ở Việt Nam hiện nay”. (Ảnh: Thúy Hằng)

CHÚ TRỌNG TÍNH TOÀN DIỆN, PHỔ BIẾN, PHÙ HỢP VỚI ĐỐI TƯỢNG SỬ DỤNG MẠNG XÃ HỘI

Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã chỉ rõ mục tiêu xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại. Thực hiện tốt quy hoạch, phát triển hệ thống báo chí, truyền thông, khẳng định “Tăng cường quản lý và phát triển các loại hình truyền thông, thông tin trên Internet. Kiên quyết đấu tranh, loại bỏ các sản phẩm, thông tin độc hại, xuyên tạc, phản động, ảnh hưởng xấu đến ổn định chính trị - xã hội, thuần phong mỹ tục”(1). Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị chỉ rõ “tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số quốc gia và phát triển các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh tế mới dựa trên nền tảng công nghệ số, Internet và không gian mạng”. Mục tiêu của Đảng “Đến năm 2025, xây dựng hạ tầng số đạt trình độ tiên tiến của khu vực ASEAN; Internet băng thông rộng phủ 100% các xã. Cơ bản hoàn thành chuyển đổi số trong các cơ quan đảng, nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội…đến năm 2030, mạng di động 5G phủ sóng toàn quốc; mọi người dân được truy cập Internet băng thông rộng với chi phí thấp”(2). Trên nền tảng phát triển Internet, chuyển đổi số đó, công tác tuyên truyền chính trị trên mạng xã hội có nhiều thuận lợi, có cơ hội tăng cường hơn nữa bằng các nhóm giải pháp chủ yếu:

Thứ nhất, nâng cao nhận thức, chất lượng, năng lực lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý của các chủ thể tuyên truyền chính trị trên mạng xã hội. Trước hết là các cấp ủy Đảng các cấp cần nhận thức, đánh giá đúng, đầy đủ, sâu sắc về thời cơ, thách thức đối với nước ta trên không gian mạng, thường xuyên nắm bắt tình hình tư tưởng, dư luận xã hội trong cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân; kịp thời phát hiện, góp ý, phê bình, hạn chế tình trạng cố ý hoặc vô tình ủng hộ, chia sẻ, lan truyền những thông tin phản động, độc hại trên mạng xã hội. Phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với các đơn vị chuyên môn, hữu quan trong việc cung cấp, chia sẻ thông tin, xử lý thông tin, giúp cho công tác phát hiện, phân tích mức độ, diễn biến, âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch được nhanh chóng, chính xác và lựa chọn phương án đấu tranh trên mạng xã hội kịp thời, hiệu quả.

Bổ sung, ban hành các văn bản pháp lý, cơ chế, chính sách tạo điều kiện xây dựng, phát triển các mạng xã hội nội địa Việt Nam đủ mạnh, đáp ứng với sự phát triển nhanh và mạnh của mạng xã hội. Xây dựng các cơ quan báo chí, tổ hợp truyền thông chủ lực đủ mạnh để làm chủ tuyên truyền trên mạng xã hội. Các cơ quan báo chí cần tận dụng nền tảng các mạng xã hội như Facebook, Youtube, Blog, hay các website của các nhà sản xuất bản, các trường đại học, hội văn học nghệ thuật... giới thiệu sách chính trị, góp phần dẫn dắt, định hướng tuyên truyền trên mạng xã hội.

Trên cơ sở các quy định của Luật An ninh mạng, Luật an toàn thông tin… các cơ quan chức năng của nhà nước xây dựng các giải pháp kỹ thuật, công nghệ nhằm đảm bảo tính chủ động, kịp thời trong quản lý thông tin trên mạng xã hội, nhất là trang mạng xã hội nước ngoài. Hợp tác quốc tế, phối hợp tốt giữa các nền tảng mạng xã hội trong nước và quốc tế đảm bảo các hoạt động mạng theo đúng tôn chỉ, pháp luật Việt Nam; xây dựng đội ngũ cung cấp, xử lý và tiếp nhận thông tin trên mạng xã hội phục vụ công tác tuyên truyền chính trị.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội thường xuyên đổi mới nội dung và phương thức hoạt động tuyên truyền trên mạng xã hội; đẩy mạnh công tác điều tra, giám sát, tăng cường tổng kết thực tiễn để kịp thời điều chỉnh nội dung, đổi mới phương thức tuyên truyền chính trị trên mạng xã hội.

Thứ hai, nội dung tuyên truyền chính trị trên mạng xã hội cần chú trọng tính toàn diện, tính phổ biến, phù hợp với đối tượng sử dụng mạng xã hội.

Đó là việc tuyên truyền, phổ biến những giá trị chủ yếu của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chính sách đổi mới hiện nay của Đảng, Nhà nước, truyền thống lịch sử quý báu của dân tộc qua các sự kiện, ngày lễ kỷ niệm lớn, những giá trị khoa học mới tinh hoa văn hóa nhân loại, thông tin tình hình tư tưởng chính trị trong nước, quốc tế, tuyên truyền đối ngoại; chú trọng tuyên truyền những điển hình tiên tiến, “người tốt, việc tốt”, thực hiện tốt “nhân cái đẹp, dẹp cái xấu”; tăng cường công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng, những biểu hiện cơ hội, suy thoái về tư tưởng chính trị “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; nâng cao nhận thức chính trị, thống nhất tư tưởng, hành động, cổ vũ tính tích cực chính trị -xã hội, củng cố niềm tin của mọi tầng lớp nhân dân vào Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa. Thực hiện nghiêm những quy định của Đảng, Nhà nước, các quy định về công tác bảo vệ chính trị nội bộ; công tác bảo vệ bí mật nhà nước, bí mật công tác. 

Thứ ba, trên nền tảng công nghệ số, Internet ngày càng phát triển, cần sử dụng nhiều ứng dụng để mở rộng các hình thức tuyên truyền chính trị trên mạng xã hội. 

Sử dụng hình thức tuyên truyền chính trị trực quan bằng hình ảnh, infographic, video, audio, bằng văn bản, các câu trích dẫn, các khảo sát, bình luận chính trị. Nghiên cứu, cập nhật các thay đổi về nhu cầu, thị hiếu, thói quen tiếp nhận thông tin của đối tượng. Xác định tần suất số lần thông tin trong ngày, tuần, trong tháng; xác định thời điểm “giờ vàng” hay giờ khác trong ngày, trong tuần để tuyên truyền các nội dung chính trị. Xác định thời lượng thông tin đăng tải nhiều hay ít, theo chuyên đề hay tổng hợp những nội dung tuyên truyền chính trị. Xác định lực lượng gồm những tổ chức, cơ quan, cá nhân chuyên trách về công tác tư tưởng lý luận, báo chí, truyền thông, những người có uy tín, nổi tiếng tham gia tuyên truyền chính trị trên mạng xã hội. Cần cung cấp cho cán bộ, đảng viên và nhân dân sử dụng nền tảng mạng xã hội nào trong nước hoặc quốc tế; kỹ năng kỹ năng nhận diện, chọc lọc, phân tích thông tin, cảnh giác với tin xuyên tạc, tin xấu độc, tin giả, cẩn trọng trước khi chia sẻ thông tin trên mạng xã hội... Tất cả các yếu tố đó tùy thuộc vào nội dung, tính cấp thiết của thông tin và mục đích của chủ thể về tuyên truyền chính trị trên mạng xã hội.

Chương trình tọa đàm

Chương trình tọa đàm "Mạng xã hội - mặt trận tư tưởng mới" do Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh tổ chức.

Thứ tư, nâng cao phẩm chất chính trị và năng lực tuyên truyền chính trị cho đội ngũ cán bộ chuyên trách thực hiện công tác tuyên truyền chính trị trên mạng xã hội.

Ngoài “Lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng được bố trí tại Bộ Công an, Bộ Quốc phòng” theo Điều 30 Luật An ninh mạng, cần xây dựng mạng lưới cộng tác viên, những chuyên gia, cố vấn chính trị, người có tầm ảnh hưởng, các chuyên gia công nghệ mạng xã hội cho các hoạt động tuyên truyền trên mạng xã hội. Các trường đại học, các Học viện, các trường chính trị tỉnh, thành phố kết hợp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ về lý luận chính trị với về kỹ thuật, nghiệp vụ tuyên truyền chính trị trên mạng xã hội trên mạng xã hội. Cán bộ, đảng viên, học viên, sinh viên được đào tạo đó sẽ là lực lượng đông đảo nhất, đi đầu trong tuyên truyền chính trị trên mạng xã hội. Mọi tổ chức, doanh nghiệp, mọi cán bộ, đảng viên và toàn thể các tầng lớp nhân dân, các nhóm xã hội, những nhà chính trị, nghiên cứu lý luận, phê bình, nhà văn, hoạt động xã hội, giáo dục tiêu biểu, những người có uy tín, bộ đội, công an, giáo viên, thanh niên… có kỹ năng, kỹ thuật tăng cường tuyên truyền trên mạng xã hội vừa là đối tượng, vừa tham gia như là chủ thể có ý thức tự giác và tinh thần trách nhiệm trong tuyên truyền chính trị trên mạng xã hội , góp phần thực hiện quyết tâm của Đảng: “giữ vững chủ quyền số quốc gia trên không gian mạng trong mọi tình huống”(3).

Thứ năm, đẩy mạnh xây dựng cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật hiện đại và các điều kiện đảm bảo cho các nền tảng ứng dụng mạng xã hội hoạt động. Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thu thập, quản lý dữ liệu và giao dịch trên nền tảng Internet ở các cơ quan nhà nước. Tập trung nghiên cứu, ứng dụng công nghệ lõi, công nghệ số và vai trò dẫn dắt của “hạ tầng công nghệ số, làm nền tảng cho nền kinh tế số, xã hội số gắn với bảo đảm an toàn, an ninh thông tin và chủ quyền quốc gia trên không gian mạng”(4). Xây dựng được nền tảng công nghệ lõi đó là vấn đề vật chất cốt lõi để tăng cường tuyên truyền chính trị trên mạng xã hội hiện nay./.

ThS. Phạm Tuyên
Học viện Báo chí và Tuyên truyền

-----------

 

(1) (3) (4) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2021. t.I, tr.146, 227, 247.

(2) Đảng Cộng sản Việt Nam: Các nghị quyết của Trung ương Đảng (2016-2020), Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2021, tr. 422, 423.

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất