Thứ Năm, 9/5/2024
Ninh Bình: Hội tụ và Phát triển
Thứ Ba, 17/7/2018 9:51'(GMT+7)

Thành phố Tam Điệp: Phát triển các vùng sản xuất nông sản tập trung gắn với công nghiệp chế biến

Nông dân xã Quang Sơn (thành phố Tam Điệp) thu hoạch chè xanh.

Nông dân xã Quang Sơn (thành phố Tam Điệp) thu hoạch chè xanh.

Cũng như nhiều hộ gia đình khác ở xã Quang Sơn, nhận thấy đất đai, khí hậu phù hợp với các loại cây công nghiệp dài ngày, ông Đỗ Thao, thôn Tân Thượng đã vay vốn đầu tư trồng xen canh dứa + chè trên diện tích hơn 5.000 m2. Thông qua các lớp tập huấn KHKT do xã, thành phố tổ chức, nắm vững được kỹ thuật trồng, chăm sóc cho các loại cây trồng lại thêm sự cần cù chịu khó, nên vườn chè nhà ông Thao năm nào cũng cho sản lượng khai thác cao, dứa cũng có năng suất tốt, chất lượng, mẫu mã quả đẹp. 

Ông Thao rất mừng vì các cây trồng mà ông lựa chọn đem lại nguồn thu nhập không nhỏ và càng phấn khởi hơn là sau khi thu hoạch, việc tiêu thụ cũng không còn khó khăn như trước vì hiện nay trên địa bàn đã có các doanh nghiệp, các nhà máy thu mua, chế biến. “Sản phẩm chè thì chưa có nhà máy chế biến vì đặc trưng chè vùng này là chè cành để uống tươi, nhưng chè cắt đến đâu thương lái mua hết đến đấy, chuyển đi tận Nam Định, Thái Bình tiêu thụ. 

Riêng với quả dứa thì trên địa bàn có ba nhà máy chế biến sản phẩm nước dứa cô đặc đóng hộp. Đầu ra ổn định nên nông dân chúng tôi rất yên tâm sản xuất, thu nhập mỗi năm trên dưới 100 triệu đồng”.

Được biết, hiện xã Quang Sơn có hàng trăm hộ gia đình đang áp dụng mô hình sản xuất như ông Thao với tổng diện tích toàn xã lên tới gần 200 ha, cho giá trị hàng chục tỷ đồng mỗi năm. Vùng sản xuất dứa + chè ở xã Quang Sơn là một trong những ví dụ điển hình trong xu thế sản xuất nông nghiệp theo hướng tập trung gắn với công nghiệp chế biến đang phát triển khá mạnh mẽ trên địa bàn thành phố Tam Điệp. 

Trong những năm qua, thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Thành phố Tam Điệp đã triển khai các nhóm giải pháp khuyến khích, động viên và hỗ trợ cho các HTX và người dân sản xuất, chăn nuôi, tạo ra các loại nông sản có giá trị để nâng cao thu nhập. 

Bên cạnh đó, địa phương cũng đã huy động nhiều nguồn lực cho phát triển hạ tầng, xây dựng các quy hoạch ngành, hình thành cơ chế kết hợp và thúc đẩy lẫn nhau giữa sản xuất, bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

Thành phố Tam Điệp hiện có các vùng sản xuất tập trung như: Vùng trồng sen kết hợp với nuôi cá quy mô 60 ha thuộc phường Tân Bình và xã Yên Sơn cho thu nhập gấp 3 lần so với trồng lúa trước đây; vùng trồng đào phai trên địa bàn xã Đông Sơn với diện tích 175 ha, doanh thu 22 tỷ đồng/năm (trong đó có nhiều hộ sản xuất theo hướng đào gốc, đào thế cho thu nhập 200-300 triệu đồng/năm); vùng sản xuất dứa xã Quang Sơn, phường Nam Sơn, cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến xuất khẩu, đến nay phần lớn diện tích dứa được trồng bằng giống dứa Cayen cho năng suất cao, chất lượng tốt… 

Nhờ các chính sách khuyến khích, tạo điều kiện của thành phố mà nhiều hộ cũng đã tích tụ được ruộng đất, xây dựng các mô hình trang trại tổng hợp, trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, đưa một số giống cây ăn quả có giá trị như nhãn muộn, thanh long ruột đỏ, bưởi Diễn, ổi lê Đài Loan vào cơ cấu cây trồng, thay thế những cây trồng kém hiệu quả trên đất màu đồi, mang lại thu nhập cao cho người dân. 

Ngoài ra, trên địa bàn cũng có khá nhiều doanh nghiệp đầu tư vào các ngành thuộc lĩnh vực nông, lâm, thủy sản (22 doanh nghiệp); trong đó, đáng chú ý là 3 doanh nghiệp chế biến đồ hộp xuất khẩu là Công ty cổ phần TPXK Đồng Giao, Công ty cổ phần thực phẩm á Châu, Công ty TNHH Thanh An giúp tiêu thụ các sản phẩm như ngô ngọt, dứa, nhãn, vải, lạc tiên… cho bà con nông dân trên địa bàn và các vùng lân cận. 

Theo đồng Vũ Thành Tôn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Tam Điệp, việc hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung gắn với công nghiệp chế biến đã giúp nông nghiệp Tam Điệp có những bước tiến nhanh và bền vững, 10 năm liền (từ 2008 đến nay) luôn duy trì mức tăng trưởng từ 4-6% (cao hơn bình quân chung toàn tỉnh). 

Nếu như năm 2008, giá trị sản phẩm trên 1 ha đất nông nghiệp của thành phố chỉ đạt 45,1 triệu đồng/ha thì năm 2017 đạt 116 triệu đồng/ha (tăng gần 71 triệu đồng/ha). Tổng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản năm 2017 của toàn thành phố đạt 530 tỷ đồng.

Tuy nhiên, cũng theo đồng chí Vũ Thành Tôn, thành phố Tam Điệp có vị trí, điều kiện tự nhiên phù hợp phát triển nhiều loại nông sản hàng hóa nhưng thực tế sản xuất nông nghiệp trên địa bàn vẫn còn nhiều bất cập. 

Vì vậy, thời gian tới thành phố sẽ tiếp tục rà soát, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, sản phẩm cho phù hợp với lợi thế địa phương và nhu cầu thị trường. 

Tăng cường nguồn lực cho hoạt động khoa học công nghệ, xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong trồng rau, hoa, quả. Tạo điều kiện cũng như có các cơ chế đặc thù để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất và tiêu thụ, chế biến các sản phẩm nông nghiệp. 

Trước mắt, tập trung xây dựng thương hiệu chè xanh Ba Trại cho sản phẩm chè ở xã Quang Sơn, mở rộng thị trường tiêu thụ và thu hút doanh nghiệp đầu tư vào cây chè; đồng thời thúc đẩy, tạo mối liên kết chặt chẽ hơn giữa doanh nghiệp và nông dân trong sản xuất dứa./.

Bài, ảnh: Hà Phương

Báo Ninh Bình điện tử

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất