Thứ Năm, 9/5/2024
Ninh Bình: Hội tụ và Phát triển
Thứ Ba, 10/7/2018 14:30'(GMT+7)

Xây dựng nông thôn mới tỉnh Ninh Bình: Ý Đảng – Lòng dân

Chỉ thị 100, Nghị quyết 10 của Đảng những năm 80 của thế kỷ XX đã tạo ra luồng sinh khí mới cho nông nghiệp, nông dân khắp mọi miền của Tổ quốc. Bước vào thời kỳ đổi mới, hội nhập sâu rộng, nhằm cụ thể hoá Nghị quyết Trung ương 7 (khoá X) về nông nghiệp, nông dân và nông thôn, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020 với mục tiêu tổng quát là: Xây dựng nông thôn mới để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân; có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phù hợp; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn phát triển nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị; xã hội nông thôn dân chủ, bình đẳng, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; môi trường sinh thái được bảo vệ; an ninh trật tự được giữ vững.

Quán triệt sâu sắc chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước, các cấp ủy, chính quyền trong toàn tỉnh luôn xác định: Xây dựng nông thôn mới là chủ trương đúng đắn, đáp ứng lòng mong đợi của nhân dân và thực tiễn cấp bách đặt ra trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn nước ta và trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay. Vì vậy, cần tập trung chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện chủ động, toàn diện, bài bản, có lộ trình và giải pháp phù hợp, hiệu quả; với quan điểm chỉ đạo xuyên suốt đó là:

Thứ nhất, xác định xây dựng nông thôn mới là chương trình khung tổng hợp chính trị - kinh tế - xã hội về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, cần có sự lãnh đạo, chỉ đạo đồng bộ, thường xuyên, sâu sát, quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền, sự tham gia tích cực và phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành, đoàn thể. Trong đó, người đứng đầu cấp ủy và chính quyền có vai trò rất quan trọng.

Thứ hai, người dân là chủ thể trong xây dựng nông thôn mới. Do vậy công tác tuyên truyền, vận động quần chúng là giải pháp quan trọng hàng đầu. Phương châm của xây dựng nông thôn mới là “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân giám sát và dân hưởng thụ”.

Thứ ba, xây dựng nông thôn mới đi đôi với tái cơ cấu nông nghiệp và thực hiện đồng bộ các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Cần có cách làm chủ động, sáng tạo phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương.

Thứ tư, xây dựng đội ngũ cán bộ chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện có năng lực, chuyên nghiệp, sát thực tế là yếu tố quan trọng đảm bảo cho sự thành công.

Thứ năm, có chủ trương, chính sách đồng bộ, cụ thể; huy động được nguồn lực, sức mạnh tổng hợp của nhân dân và cả hệ thống chính trị. Việc huy động, đóng góp của người dân phải được thực hiện trên cơ sở tự nguyện, bàn bạc dân chủ chứ không gượng ép quá sức dân. Đẩy mạnh phong trào thi đua, có hình thức khen thưởng kịp thời để động viên các đơn vị sớm về đích xây dựng nông thôn mới.

Trên cơ sở những quan điểm cơ bản đó, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành đồng bộ hệ thống các văn bản để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chương trình như: Nghị quyết số 03-NQ/TU, ngày 16/01/2012 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng NTM tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020; Nghị quyết số 01/NQ-HĐND, ngày 14/4/2012 phê duyệt Đề án số 06/ĐA-UBND, ngày 04/4/2013 của UBND tỉnh về việc xây dựng NTM tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020; Nghị quyết số 06-NQ/BCSĐ, ngày 4/2/2015 của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh về ban hành nghị quyết chuyên đề về việc tăng cường chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM tỉnh Ninh Bình năm 2015; đặc biệt, để tạo điều kiện cho các cơ quan, đơn vị trong tỉnh sâu sát cơ sở, giúp đỡ, chia sẻ với cơ sở, đồng thời huy động tối đa nguồn lực từ cộng đồng doanh nghiệp nhằm đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới ở các xã đặc thù, ngày 1/3/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Quyết định số 140-QĐ/TU về phân công cơ quan phụ trách và doanh nghiệp kết nghĩa với các xã đặc thù …, cùng với đó, các cấp ủy đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể địa phương trong tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo đồng thời tổ chức triển khai thực hiện Chương trình một cách nghiêm túc, khoa học, sáng tạo, công khai, dân chủ, đi vào thực chất không chạy theo thành tích, nhận được sự đồng tình, hưởng ứng tích cực tham gia của các tầng lớp nhân dân.

Sau 7 năm triển khai thực hiện (2011- 2017), Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Ninh Bình đã đạt được những kết quả quan trọng, nổi bật: Đến hết năm 2017, các tiêu chí nông thôn mới ở các xã đều đạt ở mức cao, bình quân toàn tỉnh đạt 17 tiêu chí/xã (tăng 12 tiêu chí/xã so với năm 2010). Không còn xã đạt dưới 10 tiêu chí. Đã có 80/119 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm tỷ lệ 67,2%), 2/8 huyện, thành phố đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới là huyện Hoa Lư và Thành phố Tam Điệp. Đây thực sự là kết quả ấn tượng, đã vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra. Ninh Bình được Trung ương đánh giá là điểm sáng trong phong trào xây dựng nông thôn mới. Kết quả đó phản ánh cụ thể, sinh động sự tập trung, vào cuộc quyết tâm cao của các cấp ủy, chính quyền các cấp, các cơ quan, đơn vị, nhất là sự vào cuộc và vai trò chủ thể của nhân dân đã được phát huy hiệu quả. Diện mạo các vùng nông thôn, đặc biệt là ở các xã đạt chuẩn nông thôn mới ngày càng khởi sắc, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao. Nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, của cộng đồng doanh nghiệp và của người dân trong xây dựng nông thôn mới ngày càng rõ, toàn diện. Nhiều công trình kết cấu hạ tầng được nhân dân trực tiếp thi công, giám sát không chỉ có chất lượng tốt, chi phí thấp, phù hợp với địa bàn mà còn góp phần quan trọng tạo ra sự gắn kết cộng đồng, tinh thần tương thân tương ái, tình làng nghĩa xóm ngày càng bền chặt. Trình độ, năng lực, trách nhiệm và sự gắn bó của đội ngũ cán bộ với nhân dân được nâng lên. Không khí thi đua xây dựng nông thôn mới ở các địa phương ngày càng mạnh mẽ; nhân dân ngày càng thấy rõ thêm trách nhiệm của mình, hồ hởi, phấn khởi góp công, góp sức để xây dựng nông thôn mới. Niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý điều hành của chính quyền các cấp được nhân lên rõ rệt, hệ thống chính trị cơ sở được tăng cường, quốc phòng được củng cố, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở nông thôn được giữ vững.

 
 

Phát huy những kết quả đạt được, những bài học kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện trong giai đoạn vừa qua, để hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trong những năm tiếp theo, các cấp ủy, chính quyền, mặt trận tổ quốc và các ban ngành đoàn thể trong toàn tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, tạo sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội, nhất là các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia, hưởng ứng phong trào “Cả nước chung sức xây dựng Nông thôn mới - đô thị văn minh”. Rà soát, bổ sung, hoàn thiện các cơ chế chính sách hỗ trợ thực hiện chương trình phù hợp với đặc thù của địa phương; Chú trọng lựa chọn bước đi, cách làm phù hợp với từng địa phương, chủ động kiểm soát chặt chẽ vốn và nợ xây dựng cơ bản; phát triển văn hóa- xã hội; Đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, ưu tiên phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa ứng dụng công nghệ cao, hình thức sản xuất tiên tiến, bền vững đến năm 2020. Triển khai Đề án “Mỗi xã một sản phẩm”(OCOP) và chương trình Khoa học công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và cộng đồng dân cư trong việc giám sát thực hiện xây dựng nông thôn mới. Xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; nâng cao chất lượng phục vụ, khả năng tiếp cận pháp luật của người dân, tăng cường dân chủ ở cơ sở, để người dân được chủ động tham gia thực hiện xây dựng nông thôn mới. Phấn đấu đến hết năm 2018, có thêm 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM của tỉnh lên 90 xã, chiếm 75,4% số xã trong tỉnh và huyện Yên Khánh đạt chuẩn NTM, nâng tổng số đơn vị cấp huyện đạt chuẩn là 3 đơn vị. Tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí, xã nông thôn mới đã đạt, hướng tới xây dựng xã nông thôn mới, huyện nông thôn mới kiểu mẫu, mỗi huyện ít nhất 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu theo định hướng của Trung ương và quy định tạm thời của tỉnh Ninh Bình; hướng tới xây dựng huyện NTM kiểu mẫu và tỉnh Nông thôn mới trong giai đoạn tới.

Kết quả đạt được trong xây dựng nông thôn mới của tỉnh Ninh Bình giai đoạn vừa qua rất trân trọng, tự hào. Điều đó, phản ánh sinh động, chân thực của Ý Đảng - lòng dân. Tin tưởng rằng với truyền thống của quê hương Cố đô lịch sử ngàn năm văn hiến, anh hùng, mỗi cán bộ, đảng viên và người dân sẽ tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, lao động cần cù, sáng tạo, chung sức đồng lòng, quyết tâm thực hiện thành công Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, xây dựng quê hương Ninh Bình ngày càng giàu đẹp, văn minh./.

Nguyễn Thị Thanh
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất