Chủ Nhật, 19/5/2024
Tuyên truyền
Thứ Tư, 28/3/2018 21:50'(GMT+7)

Trao đổi kinh nghiệm vận hành hệ thống chính trị Việt Nam-Lào

Đồng chí Lê Quốc Lý phát biểu tại Hội thảo

Đồng chí Lê Quốc Lý phát biểu tại Hội thảo

 Dự Hội thảo có các nhà khoa học, các chuyên gia đến từ: Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị và Hành chính quốc gia Lào, Ban Tổ chức Trung ương Lào, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam,…

PGS,TS Lê Quốc Lý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; PGS,TS Samut Thong Sompanit, Phó Giám đốc Học viện Chính trị và Hành chính quốc gia Lào; PGS,TS Lê Văn Lợi, Vụ trưởng Vụ Quản lý khoa học đồng chủ trì Hội thảo. 

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS,TS Lê Quốc Lý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định, trong thời gian qua, Việt Nam và Lào đều thực hiện công cuộc đổi mới, trong đó lấy phát triển kinh tế là trọng tâm, xây dựng Đảng là then chốt, từng bước đổi mới hệ thống chính trị, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, tiến hành xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Quá trình xây dựng, đổi mới hệ thống chính trị ở cả hai nước đã đạt được những kết quả quan trọng, đáp ứng được những yêu cầu, đòi hỏi mới của sự phát triển. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, hệ thống chính trị Lào, Việt Nam còn có những hạn chế, bất cập cần được nhận diện và giải đáp. Trong bối cảnh đó, Hội thảo được tổ chức nhằm góp phần cung cấp những luận cứ khoa học xác đáng cho việc hoạch định chủ trương, đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nhân dân Cách mạng Lào về xây dựng, đổi mới hệ thống chính trị Lào và Việt Nam.

 
 Toàn cảnh Hội thảo

Tại Hội thảo, Phó Giáo sư Samut thong Som Pa Nit đánh giá đây là cơ hội để các nhà khoa học hai Học viện cùng nhau trao đổi kinh nghiệm, bài học quý báu trong quá trình nghiên cứu quá trình vận hành của hệ thống chính trị hai nước. Tham luận về “Mối quan hệ và cơ chế vận hành của hệ thống chính trị Lào, kinh nghiệm nhất thể hóa các vị trí chủ chốt giữa Đảng và Nhà nước”, Phó Giáo sư Samut thong Som Pa Nit nêu ý kiến, thực tế hiện nay tại các nước đều có hệ thống chính trị và hành chính đặc thù riêng. Vì thế tổ chức bộ máy nhà nước cũng như các tổ chức trong hệ thống chính trị và hành chính của mỗi nước đều có sự khác biệt tùy thuộc vào điều kiện làm việc, đặc điểm và môi trường sống của mỗi nước. Mô hình, tổ chức bộ máy của Nhà nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào có đặc thù riêng, theo mô hình kiêm nhiệm của cán bộ lãnh đạo quản lý chủ chốt, vừa lãnh đạo cơ quan của đảng, vừa đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước. Thời gian qua, mô hình này đã phát huy vai trò, giành được nhiều thắng lợi to lớn, góp phần thúc đẩy phát triển đất nước.

Phó Giáo sư Samut thong Som Pa Nit cho rằng, các tổ chức hệ thống chính trị là động lực chung nhằm phát huy quyền làm chủ của nhân dân,  sức mạnh của Đảng, Nhà nước, toàn quân, toàn dân, sự phối hợp chặt chẽ nhằm thúc đẩy đổi mới kinh tế-xã hội Lào.

Để thực hiện thành công hệ thống chính trị Lào, trong đó có việc nhất thể hóa các vị trí chủ chốt giữa Đảng và Nhà nước, các cơ quan trong hệ thống chính trị phải thực hiện đúng chức năng của mình. Đồng thời, toàn hệ thống chính trị cần có sự thống nhất về tư tưởng, hành động dưới sự lãnh đạo của Đảng, tuân thủ nghiêm chính sách pháp luật; xác định rõ chức năng lãnh đạo của Đảng, chức năng quản lý Nhà nước, từ đó sắp xếp lại, tổ chức bộ máy theo hướng gọn nhẹ, hiệu lực, hiệu quả. 

Với ý nghĩa đó, các tham luận tại Hội thảo tập trung vào những nội dung sau:

Thứ nhất, phân tích, làm rõ cơ sở khoa học của việc đổi mới, lựa chọn mô hình hệ thống chính trị, xác định rõ mô hình chính trị trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn của 2 nước trong tương quan so sánh với các mô hình chính trị trên thế giới.

Thứ hai, làm rõ cơ chế kiểm soát quyền lực của hệ thống chính trị một đảng cộng sản cầm quyền.

Thứ ba, đánh giá thực tiễn đổi mới hệ thống chính trị Lào và Việt Nam trong thời gian qua, tập trung vào các khía cạnh như xác định các vấn đề ưu tiên cho đổi mới đã hợp lý chưa, những vấn đề khó khăn trong quá trình tổ chức triển khai, những ưu tiên cần xác định trong qúa trình cải cách, đổi mới,…

Trao đổi tại Hội thảo, các đại biểu thảo luận, làm rõ phạm vi, chức năng, thẩm quyền và mối quan hệ của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; đặc biệt là mối quan hệ giữa Đảng lãnh đạo với sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; giữa thượng tôn pháp luật với sự lãnh đạo của Đảng; mối quan hệ giữa quyền bầu cử với công tác cán bộ của Đảng,…

Ở Việt Nam, hệ thống chính trị ngày càng có sự phân định rõ ràng hơn chức năng và thẩm quyền giữa các bộ phận cấu thành. Sự lãnh đạo của Đảng, phạm vi và thẩm quyền của Nhà nước; sự giám sát, phản biện của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội ngày càng được xác định rõ ràng, cụ thể hơn. Quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa cũng đã tập trung vào việc tổ chức quyền lực nhà nước theo hướng: quyền lực thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan trong việc thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp; xác định rõ phạm vi thẩm quyền giữa Quốc hội, Chính phủ. Các cơ chế kiểm soát quyền lực trong bộ máy nhà nước từng bước được hoàn thiện, trong đó hoạt động giám sát, chất vấn của Quốc hội đối với Chính phủ đang dần đi vào thực chất, có hiệu ứng nhất định đối với xã hội. Tính độc lập xét xử của Tòa án và quá trình tố tụng đang được hoàn thiện, góp phần nâng cao chất lượng xét xử của Tòa án.

Đối với hệ thống chính trị Lào, Việt Nam cũng có thể tìm hiểu và học hỏi từ cách thức tổ chức hệ thống chính trị, đặc biệt là kinh nghiệm về sự nhất thể hóa các vị trí chủ chốt của Đảng và Nhà nước; sự phân định chức năng, quyền lực giữa Đảng và Nhà nước; sự phân cấp quản lý giữa trung ương và địa phương; sự phân định ranh giới giữa công tác cán bộ của đảng với việc bầu cử, bổ nhiệm, tuyenr chọn cán bộ nhà nước; sự tinh gọn của tổ chức bộ máy hệ thống chính trị, v.v..

Thu Hằng
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất