Chủ Nhật, 28/4/2024
Văn hóa
Thứ Năm, 23/11/2023 6:0'(GMT+7)

Từ “Buồn tàn thu” đến “Mùa xuân đầu tiên” - Cuộc hành trình của một tài năng lớn

Bức ảnh bên piano được chụp bởi nhiếp ảnh gia Lê Quang Châu - bức ảnh đoạt giải nhất Hội nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam cuối thập niên 80.

Bức ảnh bên piano được chụp bởi nhiếp ảnh gia Lê Quang Châu - bức ảnh đoạt giải nhất Hội nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam cuối thập niên 80.

Cuối những năm 30 của thế kỷ XX, tân nhạc Việt Nam đã ra đời, cùng với các nhạc sĩ như Lê Thương, Tô Vũ, Canh Thân, Hoàng Quý... Văn Cao tham gia vào nhóm Đồng Vọng của Hoàng Quý. Bài hát đầu tiên của ông là Buồn tàn thu (1939), lúc đó Văn Cao mới 16 tuổi. Điều đặc biệt là tuy học nhạc phương Tây nhưng Văn Cao ít chịu ảnh hưởng của âm nhạc lãng mạn Pháp mà hướng giai điệu các bài hát của mình gần với âm nhạc dân tộc, màu sắc ngũ cung (khác với bảy âm trưởng - thứ (major - minor) của phương Tây), lấy chất liệu từ chèo, quan họ, xẩm, ca trù... để sáng tác những ca khúc đầu đời như: Thu cô liêu, Suối mơ,Trương Chi, Thiên Thai (1941)...

Sau những tác phẩm giai đoạn đầu mang nặng chất trữ tình, lãng mạn, bồng lai thì từ những năm đầu thập kỷ 40, nhất là khi ông rời Hải Phòng lên Hà Nội, trong ông xuất hiện một giọng điệu âm nhạc mới, khỏe khoắn, cứng cỏi, hướng về lịch sử dân tộc như Gò Đống Đa (1940), Hò kéo gỗ Bạch Đằng Giang (1941).

Có thể coi đây là những ca khúc bước chuyển để chuẩn bị cho một thể loại mới trong âm nhạc Văn Cao - thể loại hành khúc. Cuối năm 1944, Văn Cao gặp lại Vũ Quý - một cán bộ cách mạng và được thuyết phục tham gia Việt Minh, với nhiệm vụ đầu tiên là sáng tác một ca khúc, Văn Cao đã viết những khuôn nhạc hành khúc đầu tiên trong những ngày tại căn gác số 171 phố Mongrant và đặt tên cho tác phẩm là Tiến quân ca. Tiến quân ca được in trên trang văn nghệ của Báo Độc lập tháng 11 năm 1944.

Nhạc sĩ Văn Cao là tác giả

Nhạc sĩ Văn Cao là tác giả "Tiến quân ca".

Ngày 13 tháng 8 năm 1945, Hồ Chí Minh đã chính thức duyệt Tiến quân ca làm quốc ca của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Ông trở thành tác giả của quốc ca đầu tiên của Việt Nam, đồng thời cũng là một trong những gương mặt quan trọng nhất của tân nhạc, một trong những nhạc sĩ xuất sắc nhất trong nền âm nhạc Việt Nam thời kỳ này. Trong cuộc biểu tình cướp chính quyền của Việt Minh ngày 19/8/1945 tại Hà Nội, Văn Cao đánh nhịp cho Đoàn Thanh niên Xung phong hát bài Tiến quân ca của ông trước Nhà hát Lớn. Văn Cao trở thành nhạc sĩ tiêu biểu của hành khúc kháng chiến.

Hành khúc là một thể loại âm nhạc xuất phát từ châu Âu, đặc biệt là từ cuộc Cách mạng tư sản Pháp (1789) với cấu trúc cân phương ngắn gọn, đã được truyền bá vào Việt Nam khoảng đầu thế kỷ XX. Một trong những bản hành khúc sớm được phổ biến ở Việt Nam là La Marseillaise (sau này là quốc ca Pháp) và L’International (Quốc tế ca).

Tiếp thu ưu việt của thể loại hành khúc phương Tây nhưng khi vào Việt Nam, các nhạc sĩ đã vận dụng tiết tấu nhịp đi 2/4 kết hợp với giai điệu ngũ cung và ca từ mang nội dung cách mạng nên diện mạo của hành khúc đã được thay đổi, làm mới và mang bản sắc của dân tộc Việt Nam. Có thể kể tới bản hành khúc đầu tiên là Cùng nhau đi hồng binh của Đinh Nhu (nhạc sĩ-liệt sĩ hi sinh tại Căng Nghĩa Lộ trong một lần vượt ngục năm 1945 cùng đồng đội) hoặc những bản hành khúc thời kỳ này như: Cảm tử quân của Hoàng Quý; Lên đàng, Bạch Đằng Giang của Lưu Hữu Phước; Du kích ca, Hành quân xa của Đỗ Nhuận...

Đối với nhạc sĩ Văn Cao, thể loại hành khúc được ông viết nhiều trong thời gian hoạt động cách mạng tại Hà Nội, trực tiếp trong đội trừ gian, tham gia ám sát các phần tử phản động, bán nước, và một trong những thành công tiêu biểu phải kể đến Tiến quân ca. Với mảng hành khúc cách mạng, Văn Cao còn để lại các ca khúc như: Chiến sĩ Việt Nam, Công nhân Việt Nam, Không quân Việt Nam, Thăng Long hành khúc ca, Bắc Sơn, Tiến về Hà Nội...

Nhạc sĩ Văn Cao và bút tích của ông.

Nhạc sĩ Văn Cao và bút tích của ông.

Trong thời kỳ này, ông còn viết những ca khúc trữ tình nhưng tính chất âm nhạc không còn giống thời kỳ đầu. Đây là những ca khúc trữ tình lạc quan, thấm đượm tình yêu nước, yêu đời như: Làng tôi (1947), Ngày mùa (1948).

Có thể thấy, thời trai trẻ ở ông có hai mạch nguồn cảm xúc: trữ tình lãng mạn, hùng tráng hào sảng. Thông qua thực tiễn của hoạt động cách mạng, Văn Cao đã kết hợp để cho ra đời một thể loại mới, đó là thể loại trường ca. Trường ca là một thể loại âm nhạc có lời, gồm nhiều đoạn, nhiều khúc tương phản về tính chất âm nhạc, tập trung vào một hình tượng chủ đề hoặc một nội dung, một nhân vật cụ thể. Nói về thể loại âm nhạc trong ca khúc của Văn Cao, chúng ta thường nói tới 2 loại hình: các bài hát trữ tình mang âm hưởng dân ca hoặc tiết tấu nhịp nhàng, uyển chuyển như Cung đàn xưa, Mùa xuân đầu tiên, Làng tôi, Ngày mùa... Thể loại thứ hai là hành khúc như các bài Chiến sĩ Việt Nam, Công nhân Việt Nam, Không quân Việt Nam, Tiến về Hà Nội... và thể loại thứ ba là trường ca, khi nhắc tới trường ca của Văn Cao ta chỉ nhắc tới một tác phẩm, đó là Trường ca Sông Lô... nhưng trên thực tế, tư duy trường ca không chỉ có trong tác phẩm Trường ca Sông Lô mà trước đó, trong các sáng tác thời kỳ đầu như Thiên thai (1941),

Trương Chi (1942), Đàn chim Việt (1948)... đã xuất hiện những yếu tố trường ca biểu hiện cụ thể là bố cục những tác phẩm trên gồm nhiều đoạn, nhiều phần được phát triển và chuyển điệu để tạo thành những mảng ghép tương phản nhau, khắc họa nhiều nội dung của một câu chuyện hoặc một nhân vật. Đây cũng là một đặc điểm trong tư duy sáng tạo thanh nhạc của Văn Cao mà trong những bài hát thông thường (hai đoạn) không thể hiện hết được.

Trong thể loại trường ca, tác phẩm đỉnh cao của Văn Cao chính là Trường ca Sông Lô. Cùng với Người Hà Nội của Nguyễn Đình Thi, Du kích sông Thao của Đỗ Nhuận, Bình Trị Thiên khói lửa của Nguyễn Văn Thương, Bộ đội về làng của Lê Yên (thơ Hoàng Trung Thông), nhạc sĩ Văn Cao đã vượt lên những hình thức âm nhạc thông thường, ghi vào biên niên sử bằng âm thanh những tác phẩm thể loại lớn in đậm dấu ấn sáng tạo, được công chúng đón nhận và sống mãi với thời gian.

Một thời gian dài sau năm 1954, những tác phẩm âm nhạc của Văn Cao ít xuất hiện hơn, nhạc sĩ cũng ít có sáng tác mới. Phải đến mùa Xuân năm 1975, sau chiến thắng vĩ đại của dân tộc, giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước, chúng ta mới được nghe Mùa xuân đầu tiên của ông. Một nhịp điệu 3/4 (gần như valse) nhịp nhàng, thánh thót như sau mọi thăng trầm, biến cố của cuộc đời, âm nhạc đã về tới đích của chính mình. Đó là tình yêu thương con người: “Từ đây người biết thương người/ Từ đây người biết yêu người [...]/ Giờ dặt dìu mùa xuân chim én về...”. Ta nghe trong giai điệu phảng phất Đàn chim Việt, Suối mơ, Làng tôi, Ngày mùa và những âm hưởng hùng ca của Tiến về Hà Nội, Sông Lô như còn đọng lại ngân nga trong từng nốt nhạc mà ông đã chắt chiu, chưng cất, hiến dâng cho đời.

Mỗi một ngày mới trên đất mẹ Việt Nam thân yêu và nhiều nơi trên thế giới, giai điệu Tiến quân ca - quốc ca nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam - mà tác giả là nhạc sĩ Văn Cao lỗi lạc lại vang lên hùng tráng, tràn đầy niềm tự hào dân tộc, gợi nhắc lòng ta tưởng nhớ tới một nghệ sĩ tài hoa, một chiến sĩ cách mạng, một nhạc sĩ đầu đàn của nền âm nhạc chuyên nghiệp nước ta, người được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật (đợt I) - nhạc sĩ Văn Cao. Đất nước mãi ghi công ông./.

PGS.TS. NHẠC SỸ ĐỖ HỒNG QUÂN
Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam

 
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất