Thứ Tư, 22/5/2024
Y tế - Dân số
Thứ Tư, 6/11/2019 17:44'(GMT+7)

Ung thư phổi chủ yếu liên quan đến hút thuốc lá

Mỗi năm có 40.000 người tử vong do liên quan đến thuốc lá

PGS.TS Lê Văn Quảng, Phó Giám đốc Bệnh viện K chia sẻ, vừa qua tại bệnh viện có trường hợp một trẻ 15 tuổi tử vong do ung thư phổi sau 2 năm điều trị. Cháu bé mắc ung thư phổi do hít phải khói thuốc lá thụ động từ người bố nghiện thuốc lá nặng, trung bình mỗi ngày hút từ 1-2 bao thuốc.

“Gần như tất cả các trường hợp mắc ung thư phổi đều liên quan đến hút thuốc lá. Với trẻ em, phụ nữ tuy không hút trực tiếp, nhưng thường xuyên phải tiếp xúc với khói thuốc từ những người thân trong gia đình hoặc môi trường xung quanh”, PGS.TS Lê Văn Quảng thông tin.

Báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy, sử dụng thuốc lá là nguyên nhân chính gây ra các bệnh về phổi, điển hình là ung thư phổi và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. 90% trong số hơn 600.000 người mắc ung thư phổi hằng năm trên thế giới có hút thuốc lá. Hút thuốc còn là nguyên nhân của 75% ca bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.

Mới đây, tổ chức Y tế thế giới đưa ra thống kê trong thế kỷ 20 trên thế giới đã có 100 triệu người chết do các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá, riêng Việt Nam mỗi năm có khoảng 40.000 tử vong do các bệnh liên quan đến thuốc lá như đột quỵ, mạch vành, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, ung thư phổi…

Theo WHO, khói thuốc được coi là chất độc hại nhất trong môi trường cư trú. Trong khói thuốc, có khoảng 7.000 chất hóa học, trong đó có 70 chất được xếp vào loại gây ung thư.

Các nghiên cứu nhiều năm qua cho thấy, đa số ung thư phổi xuất hiện ở những người đã hoặc đang hút thuốc lá (80%) và thêm 5% do hậu quả của tiếp xúc thụ động khói thuốc. Nguy cơ này tùy thuộc vào mức độ tiếp xúc với khói thuốc lá, thời gian đã hút, số điếu thuốc hút trong ngày. 

Theo bác sỹ Phạm Thị Lệ Quyên - Trung tâm Hô hấp Bệnh viện Bạch Mai - khi hít vào, không khí sẽ vào đường hô hấp trên qua mũi và miệng, nơi không khí được lọc, sưởi ấm và làm ẩm rồi qua khí quản để vào phổi.

Thói quen hút thuốc lâu dài có thể khiến các tế bào biểu mô phế quản sinh ra vẩy trồi lên biểu mô. Theo thời gian, những vẩy ung thư biểu mô tế bào này sẽ phát triển dần lên thành ung thư. Mặc dù, những người hút thuốc thường không có tiền sử mắc bệnh ung thư phổi. Thế nhưng, chính thói quen hút thuốc lá thường xuyên, hay phải ngửi khói thuốc trong một thời gian dài có thể là nguyên nhân tiềm ẩn gây ra bệnh ung thư phổi. Do thuốc lá trong khi đốt cháy thành khói sẽ phát tán ra thành chất gây ung thư.

Người hút thuốc lá trong vòng 6 tháng có nguy cơ bị ung thư phổi cao gấp 6,5 lần so với người không hút. Đặc biệt, người hút thuốc lá có thể chết sớm hơn 20 năm so với người không hút. Người hút thuốc lá càng sớm, càng nhiều thì nguy cơ mắc phải căn bệnh ung thư phổi càng cao, càng nghiêm trọng. Đa số những người mắc bệnh ung thư phổi đã hút hơn 10 điếu thuốc/ngày, số bệnh nhân còn lại bị ung thư phổi không hút thuốc nhưng đã hít phải một lượng đáng kể khói thuốc lá của người khác hút.

Đáng lưu ý, những người có tiền sử mắc bệnh phổi mãn tính như bệnh lao, bụi phổi... thường có tỷ lệ mắc bệnh ung thư phổi cao hơn những người không mắc bệnh. Thậm chí, viêm phế quản và bệnh phổi mãn tính có thể gây ra sẹo xơ trong quá trình chữa bệnh, từ đó sinh ra vẩy tế bào trong quá trình diễn biến bệnh và phát triển thành ung thư phổi.

Các nghiên cứu y học cho thấy, phổi của những người hút thuốc đều bị giảm diện tích bề mặt và giảm mạng mao mạch. Điều này có nghĩa là dòng máu lưu thông qua phổi bị giảm, dẫn đến làm giảm cung cấp chất dinh dưỡng và ôxy cần thiết cho cả nhu mô phổi và các tổ chức khác trong cơ thể để duy trì sự khỏe mạnh và chức năng bình thường của chúng.

Tăng cường thực hiện môi trường không khói thuốc

Việt Nam là một trong 15 nước có tỷ lệ nam giới trưởng thành hút thuốc lá cao nhất trên thế giới. Trong khu vực các nước ASEAN, Việt Nam là quốc gia đứng thứ 3 có số người hút thuốc lá cao nhất, sau Indonesia và Philippines. Theo Điều tra toàn cầu về sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành năm 2015, tỷ lệ nam giới trưởng thành hút thuốc là 45,3%, có nghĩa là cứ 2 nam giới trưởng thành ở Việt Nam thì có 1 người hút thuốc và có khoảng 15,6 triệu người hút thuốc. Mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 40.000 người tử vong do các bệnh liên quan đến thuốc lá. Ước tính tổn thất kinh tế do sử dụng thuốc lá là khoảng 24 nghìn tỷ đồng năm 2011, chiếm gần 0,97% GDP cả nước.

Tại Việt Nam, Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá (có hiệu lực từ năm 2013) đã quy định cấm hút thuốc lá nơi công cộng, gồm có cơ sở y tế, trường học, nơi làm việc, bến xe… tuy nhiên việc thực hiện chưa nghiêm.

Nhằm tiếp tục tuyên truyền phòng, chống tác hại thuốc lá, từ tháng 4/2018, Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế) đã triển khai chiến dịch phát sóng thông điệp truyền thông phòng, chống tác hại của thuốc lá. Chiến dịch sử dụng thông điệp với hình ảnh mô tả các bệnh liên quan tới sử dụng thuốc lá, các thông tin về các địa điểm cấm hút thuốc theo quy định của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá. Thời gian qua Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá cũng đã phối hợp với nhiều tỉnh, thành phố thực hiện môi trường du lịch không khói thuốc.

Theo Điều tra tình hình sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành năm 2015 (GATS 2015), tỷ lệ hút thuốc trong nam giới Việt Nam giảm khoảng 2,1% so với năm 2010 (47,4% năm 2010, 45,3% năm 2015). Với nỗ lực và kết quả của hoạt động PCTHTL đang ngày càng được tăng cường trong suốt 5 năm ban hành Luật vừa qua thì dự báo tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong thời gian tới sẽ tiếp tục giảm.

V.Linh


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất