Chủ Nhật, 28/4/2024
Diễn đàn
Thứ Ba, 17/7/2018 9:39'(GMT+7)

Đưa đất công lên sàn

Nên đưa đất công lên sàn để minh bạch hóa các hoạt động giao dịch bất động sản.

Nên đưa đất công lên sàn để minh bạch hóa các hoạt động giao dịch bất động sản.

Ngoài hiện tượng cho mượn đất công là không phù hợp Ðiều 17 Luật Ðất đai năm 2013 (Nhà nước trao quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất thông qua hình thức giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất), tại Bắc Giang còn có việc cơ quan quản lý lách luật, tách lô đất lớn thành nhiều thửa có giá trị dưới 10 tỷ đồng để cho thuê đất theo bảng giá đất do UBND tỉnh ban hành, thay vì đấu thầu theo quy định, làm giảm nguồn thu ngân sách nhà nước.

Tháng 4, Ban Thường vụ Thành ủy TP Hồ Chí Minh đã họp khẩn và yêu cầu Công ty TNHH MTV đầu tư và xây dựng Tân Thuận đàm phán với Công ty CP Quốc Cường Gia Lai để hủy hợp đồng chuyển nhượng khu đất hơn 30 ha tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, với giá chỉ 419 tỷ đồng, tương đương 1,29 triệu đồng/m2, trong khi mặt bằng giá thị trường là không dưới 2.000 tỷ đồng. Ðáng chú ý là sự thất thoát tài sản công - đất đai không chỉ bởi giá thấp, mà còn qua việc chuyển sở hữu, "tư nhân hóa ngầm" đất công thông qua việc chuyển từ hợp đồng hợp tác kinh doanh, theo tỷ lệ góp vốn và phân chia lãi lỗ, thành chuyển nhượng luôn khu đất sang tay tư nhân theo "quy trình tắt", không công khai và không qua đấu giá...

Trước đó, ngày 7-2, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can với ông Phan Văn Anh Vũ về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, theo Ðiều 356 Bộ luật Hình sự năm 2015 do có dấu hiệu phạm tội trong việc mua, bán nhà, đất công sản tại Ðà Nẵng và một số tỉnh, thành phố khác. Cũng trong một động thái liên quan, mới đây một loạt lãnh đạo và nguyên lãnh đạo cấp cao TP Ðà Nẵng đã và đang bị xem xét xử lý hình sự về các hành vi "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí" quy định tại Ðiều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015 và "Vi phạm các quy định của nhà nước về quản lý đất đai" quy định tại Ðiều 229 Bộ luật Hình sự năm 2015…

Ba câu chuyện nóng và tiêu biểu trong nửa đầu năm nay cùng chung một thông điệp: Quản lý đất công đang có quá nhiều kẽ hở cả về quy định và việc vận dụng, chấp hành luật pháp.

Thực tiễn đã, đang và sẽ còn ghi nhận nhiều hình thức đa dạng và hậu quả nặng nề trong kẽ hở và vi phạm quy định quản lý nguồn lực đất đai, thông qua giao, cho thuê, liên kết kinh doanh, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và sự tùy tiện xâm lấn, chiếm đoạt đất công, tiền đền bù đất thu hồi của dân. Những hành vi đó, dù trực tiếp hoặc gián tiếp, công khai hoặc ngấm ngầm trong nhiều ngành, địa phương và cấp độ quản lý, không chỉ làm tổn hại, thất thoát nguồn lực đất đai và ngân sách nhà nước, làm méo mó môi trường kinh doanh và sự cạnh tranh thị trường lành mạnh; mà còn gây ra hàng loạt vụ khiếu kiện và tố cáo vượt cấp, tụ tập phản đối đông người, đe dọa làm mất uy tín và giảm sút hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, tăng bức xúc và bất đồng thuận, căng thẳng và mất trật tự, an ninh, an toàn xã hội…!

Kết luận hội nghị trực tuyến toàn quốc về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách liên quan đến lĩnh vực đầu tư xây dựng được tổ chức vào cuối tháng 4 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã quán triệt nghiêm khắc: Ðất đai là nguồn lực nhà nước; vì vậy, quản lý đất đai không được để "trăm hoa đua nở"; phải đấu giá công khai, minh bạch, thậm chí lên sàn như đã làm vừa qua khi thoái vốn nhà nước tại Sabeco, Vinamilk... để tránh thất thoát…; tiếp tục đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách liên quan đến lĩnh vực đầu tư xây dựng nhằm thu hút đầu tư xã hội mạnh mẽ để phát triển đất nước.

Xây dựng và phát triển "Sàn đấu giá và giao dịch đất công" là sự lựa chọn tất yếu cho yêu cầu đổi mới quản lý nhà nước nói chung, quản lý đất đai nói riêng của Nhà nước kiến tạo, liêm chính và hành động, vì sự phát triển bền vững đất nước !

Theo Báo Nhân dân

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất